Thành Ngữ Điển Tích 116 :
TRÚC, TRUYỆN, TRƯƠNG, TRƯỜNG, TRƯỚNG.
Trúc Bạch 竹 帛
TRÚC BẠCH 竹 帛 : TRÚC là thẻ tre; BẠCH là thẻ lụa. Ngày xưa khi chưa sáng tạo ra giấy, người ta ghi lại sự việc trên thẻ tre và thẻ lụa, nên TRÚC BẠCH có nghĩa là thư tịch sách vở, là sử sách. Như "Cung Trung Bảo Huấn Phú" của Bùi Vịnh, một danh sĩ đời nhà Mạc có câu:
Để danh TRÚC BẠCH, hưởng phúc thái bình.
Còn trong các bài thơ "Tô Công Phụng Sứ" của Lê Quang Bí thời hậu Lê thì viết là TRÚC GHI LỤA RỦ lấy ý ở thành ngữ gốc là "Danh Thùy Trúc Bạch 名 垂 竹 帛" có nghĩa: Tên tuổi công trạng được ghi vào sử sách (tre lụa) để lưu lại muôn đời về sau:
TRÚC GHI LỤA RỦ đề Lân các,
Cho nước này xem, nước khác trông.
TRÚC CHẺ NGÓI TAN. TRÚC 竹 là cây tre, có các sớ suôn theo thân tre, nên chỉ cần bổ một nhát dao là có thể tách thân tre ra từ đầu đến chân một cách dễ dàng, nên ta lại có thành ngữ THẾ NHƯ PHÁ TRÚC 势 如 破 竹, ta nói là "Thế Tợ Chẻ Tre" để chỉ việc gì đó được tiến hành một cách suôn sẻ dễ dàng nhanh chóng không gặp một cản trở nào cả! Còn NGÓI chữ Nho là NGÕA 瓦, do đất nung thành nên dễ bể dễ vỡ, rớt xuống nền gạch cứng là bể tan tành ngay. Ta lại có thành ngữ THỔ BĂNG NGÕA GIẢI 土 崩 瓦 解. có nghĩa: Tường đất sụp đổ thì ngói sẽ vỡ tan tành, ta nói là "Đất Sụp Ngói Tan", thường dùng để chỉ sự đổ vỡ thất bại nào đó mà không còn có thể cứu vãn được. Nhập hai thành ngữ trên lại, ta có một thành ngữ mới là:
PHÁ TRÚC NGOÃ GIẢI 破 竹 瓦 解, ta nói là TRÚC CHẺ NGÓI TAN để chỉ cái thế thuận lợi suôn sẻ, không có gì cản trở nổi và sự việc được giải quyết rốt ráo khiến đối phương không thể trở tay được. Thành ngữ tổng hợp nầy thường được dùng trong quân sự để chỉ sự tiến công chiến thắng một cách thuận lợi nhanh chóng khiến cho đối phương bị tiêu diệt tan tành hết phương chống đỡ. Như cái thế nổi dậy mạnh mẽ của Từ Hải mà cụ Nguyễn Du đã diễn tả:
Thừa cơ TRÚC CHẺ NGÓI TAN,
Binh uy từ ấy sấm vang trong ngoài.
Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn võ vạch đôi sơn hà !
Thế tợ chẻ tre
TRÚC MAI là từ nói gọn lại của thành ngữ THANH MAI TRÚC MÃ 青 梅 竹 馬. có xuất xứ từ bài thơ ngũ ngôn cổ phong "Trường Can Hành" của Thi Tiên Lý Bạch, nổi tiếng với 2 câu:
Lang kỵ Trúc Mã lai, 郎 騎 竹 馬 來,
Nhiễu sàng lộng Thanh Mai. 繞 床 弄 青 梅。
Có nghĩa :
Ngựa tre chàng cưởi đến gần,
Chạy quanh bờ giếng ghẹo cành mai xanh.
đã hình thành Thành ngữ "Thanh Mai Trúc Mã 青 梅 竹 馬" để chỉ những đôi lứa cùng lớn lên bên nhau, rồi cùng yêu nhau, cùng thành chồng vợ với nhau. Sau dùng rộng ra để chỉ các cặp đôi là bạn học với nhau hay quen biết nhau từ tấm bé, từ trước… rồi mới yêu nhau, lấy nhau. Dùng rộng ra hơn nữa là… chỉ để chỉ tình nghĩa vợ chồng với nhau mà thôi! và… Thành ngữ nầy còn được nói gọn thành "MAI TRÚC" hay "TRÚC MAI" như trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều bán mình chuộc cha đã trối lại với Thúy Vân nói lại với Kim Trọng rằng:
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì TRÚC MAI.
... Và khi Thúc Sinh chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, cụ Nguyễn Du đã viết:
Một nhà sum họp TRÚC MAI,
Càng sâu nghĩa bễ càng dài tình sông !
Hay khi tưởng Thúy Kiều đã chết cháy trong thư phòng, chàng Thúc cũng đã khóc:
Tưởng rằng MAI TRÚC lại vầy,
Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau!
TRÚC NAM SƠN là nói gọn lại của thành ngữ NAM SƠN CHI TRÚC 南 山 之 竹, là Trúc của Nam Sơn có xuất xứ như sau:
Theo sách Cựu Đường Thư 舊 唐 書 cuối đời Tùy, Tùy Dương Đế hoang dâm vô độ, xa xỉ phóng túng; nông dân nổi dậy khắp nơi chống lại. Trong một bài hịch của Lý Mật kể tội của Tùy Dương Đế có câu: Khánh Nam Sơn chi trúc, thư tội vị cùng; Quyết Đông Hải chi ba, lưu ác nan tận 罄 南 山 之 竹,书 罪 未 穷;决 东 海 之 波,流 恶 难 尽。có nghĩa: Đốn hết tre trúc trong núi Nam Sơn để làm thẻ ghi cũng không hết tội; Dùng hết sóng nước của biển Đông Hải cũng khó rửa sạch được cái ác (của Tùy Dương Đế). Ngày xưa khi chưa có giấy, tất cả sử sách đều được chép trên các thanh tre màu xanh, nên mới gọi là SỬ XANH. Tre trúc của cả Nam Sơn ghi cũng không hết tội, ý chỉ tội nghiệt thật nhiều, nhiều đến không kể xiết. Ít khi dùng để chỉ sự mừng vui thật nhiều như trong truyện thơ Nôm Phương Hoa- Lưu Nữ Tướng dưới đây:
Lưu rằng chẻ trúc Nam Sơn,
Chép làm sao hết nguồn cơn khát mừng !
TRUYỆN NGOÀI chữ Nho là NGOẠI TRUYỆN 外 傳, chỉ những loại sách kể lại những truyền thuyết, hư cấu trong dân gian, đọc chơi tiêu khiển để mở rộng kiến thức, chứ không tuộc loại sách chính quy dùng để học tập thi cử. Như những truyện võ hiệp căn cứ vào các thời đại lịch sử rồi hư cấu thêm tình tiết cho gây cấn hấp dẫn của nhà văn Kim Dung, như Tuyết Sơn Phi Hồ, Phi Hồ Ngoại Truyện... Truyện thơ Nôm Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng của ta cũng thuộc dạng TRUYỆN NGOÀI nầy, nên đã mở đầu câu truyện bằng:
TRUYỆN NGOÀI rằng có một người,
Tên là Lưu Định gồm tài võ văn...
TRƯƠNG KHIÊN 張 騫 (Khoảng 164~114 trước Công Nguyên) tự là Tử Văn, người dất Hán Trung thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Ông là nhà ngoại giao, nhà lữ hành, nhà thám hiểm kiệt xuất trong đời nhà Hán. Đã từng hai lần phụng mệnh vua Hán Võ Đế đi sứ qua các nước Tây vực Hung Nô... Ông là người khai sáng mở ra con đường tơ lụa đầu tiên cho Trung nguyên, được Hán Võ Đế phong làm Bác Vọng Hầu. Theo ngoại truyện, một lần Trương Khiên đi bè đến một nơi thấy có người đàn bà dệt cửi, và một người đàn ông dắt trâu cho uống nước bên một dòng sông, hỏi ra mới biết đó là sông Thiên Hà (ý nói ông đi lạc đến dòng Ngân Hà trên trời và đã gặp được Ngưu Lang và Chức Nữ).
Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh "Truyện Tây Sương" có câu:
TRƯƠNG KHIÊN lối cũ là đây,
Có đi bè hẵn đến ngay Thiên Hà !...
TRƯƠNG KHIÊN 張 騫
TRƯƠNG LƯƠNG 張 良 (?- 186 Trước Công Nguyên), tự là Tử Phòng, người nước Hàn, thuộc đất Dĩnh Xuyên (tỉnh Hà Nam hiện nay). Ông là nhà chính trị, nhà mưu lược kiệt xuất đời Tây Hán, cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà được người đời xưng tụng là "Hán Sơ Tam Kiệt" (Ba người hào kiệt giỏi nhất đầu đời Hán). Sau khi giúp Hán Cao Tổ diệt Tần thắng Sở, ổn định nhà Hán, được phong là Lưu Hậu. Ông không màng phú qúy, treo ấn từ quan theo Xích Tùng Tử vân du khắp nơi.
Trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi trang 50 có câu:
Kham hạ TRƯƠNG LƯƠNG chăng khứng ở,
Tìm tiên để nộp ấn phong hầu.
TRƯỜNG TÍN 長 信 Theo "Tam Phụ Hoàng Đồ 三 輔 黄 圖" Trường Tín là tên của một cung trong quần thể kiến trúc của Trường Lạc Cung, nằm ở phía đông nam đô thành Trường An của nhà Tây Hán, là nơi ở của Hoàng Thái Hậu. Nhưng sau nầy ngọai trừ Đông Cung là nơi ở của Hoàng Hậu ra, các cung khác cũng thường dùng cho các phi tần ở, như bài "Xuân Oán 春 怨" của Ta Triệu Chiết 謝 肇 淛 đời Minh hơn một ngàn năm sau vẫn còn nhắc đến cung Trường Tín nầy:
長 信 多 春 草, Trường Tín đa xuân thảo,
愁 中 次 第 生. Sầu trung thứ đệ sinh.
君 王 行 不 到, Quân vương hành bất đáo,
漸 與 玉 階 平. Tiệm dữ ngọc giai bình.
Có nghĩa :
Cỏ xuân đầy Trường Tín,
Trong sầu lại mọc thêm.
Quân vương đi chẳng đến,
Đã vượt cao ngang thềm !
Còn trong "Tứ Thời Khúc Vịnh" của Hoàng Sĩ Khải thì có câu:
Ô tôn thức mắc chẳng nằm,
Chiều ai TRƯỜNG TÍN lâm dâm chong đèn.
TRƯỚNG HỒ chữ Nho là HỒ TRƯỚNG 弧 帳. TRƯỚNG 帳 thuộc chữ Hài Thanh, bên phải bộ TRƯỜNG 長 chỉ ÂM, bên trái là bộ CÂN 巾 là cái Khăn chỉ Ý, nên TRƯỚNG là Tấm Vải, là cái Màn, cũng có thể hiểu là cái Mùng để che chắn chỗ ta ngủ. HỒ 弧 cũng thuộc dạng chữ Hài Thanh, bên trái có bộ CUNG 弓 chỉ Ý: là hình vòng cung, hình bán nguyệt, nên TRƯỚNG HỒ chỗ che màn ngủ có hình cong bán nguyệt; cũng như SONG HỒ 窗 弧 là cửa Sổ có hình bán nguyệt vậy!
TRƯỚNG HỒ còn là phòng ngủ của vợ chồng, nên khi đã về với Thúc Sinh rồi thì Thúy Kiều mới nhân lúc vợ chồng đang ăn nằm với nhau mà thỏ thẻ với Thúc sinh như cụ Nguyễn Du đã viết:
TRƯỚNG HỒ vắng vẻ đêm thanh,
E tình nàng mới bày tình riêng chung...
Trướng Hồ Song Hồ
Còn trong phòng ngủ của vua chúa thì sang cả hơn, nên màn được treo bằng lụa bằng gấm, nên gọi là TRƯỚNG GẤM, như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết:
Trên TRƯỚNG GẤM chí tôn vòi vọi.
Những khi nào gần gũi quân vương.
Dẫu mà tay có nghìn vàng.
Đố ai mua được một tràng mộng xuân !
Hay như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Hồng Hà nữ sĩ diễn Nôm thì TRƯỚNG GẤM chỉ thẳng nhà vua với các câu:
Trên TRƯỚNG GẤM thấu hay chăng nhẽ.
Mặt chinh phu ai vẽ cho nên?
Tưởng chàng giong ruổi mấy niên.
Chẳng nơi Hãn Hải thì miền Tiêu Quan.
Còn nơi của các tướng quân ngồi bàn việc quân cơ hay để xử án thì gọi là TRƯỚNG HÙM; như khi Từ Hải giúp Thúy Kiều báo ân báo oán:
TRƯỚNG HÙM mở giữa trung quân,
Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.
Còn phòng học của các thư sinh ngày xưa thì được gọi là TRƯỚNG HUỲNH, chữ Nho là HUỲNH TRƯỚNG 螢 帳 lấy tích từ Thế Thuyết Tân Ngữ 世 說 新 語 như sau:
XA DẬN 車 胤, tự là VŨ TỬ 武 子. Theo Tấn Thư quyển 83 Xa Dận Truyện. Ông người đất Nam Bình, từ nhỏ đã hiếu học, nhưng nhà nghèo, ban ngày phải đi làm lụng kiếm sống, ban đêm không có tiền mua dầu thắp đèn để học. Nhân những tháng mùa hè có nhiều đom đóm, ông bèn đuổi bắt tập hợp chúng lại gói trong vải mỏng để lấy ánh sáng (gọi là TỤ HUỲNH 聚 螢) mà đọc sách, sau cũng trở thành một văn học gia nổi tiếng đời Tấn, nên Phòng học của các thư sinh được gọi là
TRƯỚNG HUỲNH để nghe cho có vẻ là người chuyên cần học tập.
Khi trở vế nhà thấy "Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về" Thúy Kiều vội vàng "Cửa ngoài vội rủ rèm the, Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" để qua phòng học tìm Kim Trọng:
Nhặt thưa gương giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt TRƯỚNG HUỲNH hắt hiu.
Còn phòng của các bà các cô sang trọng quý phái thì có màn thêu chim loan chim phượng để trang trí cho đẹp, nên được gọi là LOAN PHÒNG hay TRƯỚNG LOAN. Như khi chiêm bao thấy Đạm Tiên báo mộng về số kiếp đoạn trường của mình, Thúy Kiều đã "Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn" đến nổi:
Giọng Kiều rền rỉ TRƯỚNG LOAN,
Nhà huyên chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì ?
TRƯỚNG TÔ là LƯU TÔ TRƯỚNG 流 蘇 帳 là màn có trang trí bằng các tua viền ngũ sắc, có chân chỉ hạt bột hay chỉ các màn được viền bằng các hoa văn cho đẹp ở trong các kỹ viện để câu khách, như khi Từ Hải vào gặp Thúy Kiều ở lầu xanh, cụ Nguyễn Du đã viết:
TRƯỚNG TÔ giáp mặt hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa !?
LƯU TÔ TRƯỚNG 流 蘇 帳
Hẹn bài viết tới :
Thành Ngữ Điển Tích 117 : U, UYÊN, ƯNG.
杜 紹 德
Đỗ Chiêu Đức
Mời Xem Lai :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét