Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Bản Lai Diện Mục Ký - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

   Bản Lai Diện Mục Ký 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng    

       Chẳng phải là nhà văn, nên không sa đà với câu hỏi viết cho ai? Viết để làm gì? Thú thực một điều, tôi viết để dối già. Thế nên tôi ôm giấc mộng từ chương qua… một chuyến đi có thật. Vì vậy bèn khăn gói gió đưa về bản quán để mục sở thị.

       

       ***

       Đại Lãnh, mồng 5 tháng 5 năm 2004. 

       Ấy là ngày đánh dấu 60 năm tôi có mặt trong cõi nhân gian phù thế này. Bây giờ ngồi trong khách sạn bên bờ biển, tôi hỗng người đi tìm cốt truyện. Chợt nhớ một nhà văn dặn dò: “Cốt truyện có ở mọi nơi. Bạn hãy nhìn vào bức tường thấy chẳng có gì. Nhưng bạn hãy nhìn kỹ vào đó, tìm một cái gì của riêng mình”.

       Như thiền sư ngồi thiền định vào cái vòng tròn mới đầu chỉ bằng bằng hòn sỏi, sau to bằng hòn đá, rồi bằng núi Tu Di. Ấy là đã ngộ. Vì vậy tôi ngồi như nấm mọc dòm vào cái vòng tròn không tưởng trên vách tường. Thế nhưng cái vòng tròn như vòng kim cô bóp cái đầu. Vì thế đầu tôi bí đặc bí lù.

        Bèn dòm ra ngòai cửa sổ, va vào mắt cái cầu khỉ vắt ngang con suối, bên kia có một mái chùa cạnh vách núi. Nghe nói nơi ấy có một ông sư tập đời chay tịnh để tìm về bến giác. Thấy tận mắt cảnh thanh tịnh, hoang vu ít… thấy. Tôi trộm nghĩ, người hợp với cảnh chùa đó ắt là tôi. Bèn bật ra ý đồ xin sư trụ trì dưới kia, cho tôi một nơi để thiền định tiện cho việc viết lách. Thế là tôi quơ giấy, bút dấm dúi vào ba lô con cóc.

        Bất giác tôi cười vu vơ vì chùa không ra chùa, nhà không phải nhà. Nhưng ngòai hành lang treo cái chuông hình con cá chép và cái chày kình. Cạnh sườn núi có dăm cái cốc, cái am, có bàn thờ nhỏ có tượng ông Phật cũ kỹ mốc meo. Lúc ấy, tôi xa vắng: Tượng gỗ lạc lõng ngồi đây mà Phật ở đâu… xa. Gặp sư ông: trộm thấy cắm trên cái cổ dài ngoẵng là cái đầu, ít tóc ngắn đang loay hoay nhú lên góp mặt với đời. Được ông có vầng trán nhẵn bóng đầy ắp thông tuệ. Chẳng dám gần chùa gọi Bụt bằng anh, rất Bắc Kỳ, tôi lúc sư bác, khi sư. Sư cũng vậy, rất đồng bái quê mùa, kêu tôi bằng thầy.

        

        Đến trần ai khoai củ này bạn đọc vạy vọ: Chùa không ra chùa, sư chẳng ra sư. Ấy đấy, khi tôi hỏi sư bác cho tôi một chỗ thanh tịnh để thiền quán. Sư hâm hâm rất ư thiền: “Nếu tôi chỉ cho thầy nơi đó, thì chỗ ấy đâu còn… thanh tịnh nữa!”. Sư đang sửa soạn thọ trai. Tôi ngỏ lời xin được ăn đọt cây, uống nước suối của nhà chùa… như sư. Sư nhìn tôi từ chân lên đầu, sư… ráo đầu tôi: “Đạo tại tâm chứ không phải cảnh giới, hình hài hay nghi thức”. Tiếp, sư vô biên, vô lượng hoằng pháp: “Xuất thế gian mà không rời thế gian pháp. Chay mặn là ở thầy. Ngủ thầy nghĩ đến Phật. Ăn thầy nghĩ đến Phật. Ngay cả đi tiểu, đi tiện thầy cũng nghĩ đến Phật. Tri nhi bất hạn, ngu xú bất cận, nếu thầy không chấp ngộ được điều ấy thì thầy chẳng gần… Phật được đâu”. 

       Tôi đành cút phắt về tịnh cốc. Tôi đồ là sư mượn đỡ câu ấy trong một công án của một cổ lão thiền sư nào đấy. Riêng tôi, tôi chẳng nhớ mình nhập thiền từ bao giờ qua báo chợ, báo… chùa. Ấy vậy mà cái đầu đất tôi nhật tích nguyệt, thấm dần mùi thiền hồi nào thảng như dòm phiến đá ngoài cửa am kia. 

       Tôi thấy ngòai tịnh cốc, cỏ cây thóang đãng, phiến đá… vô ưu như tôi vậy.

 

       Đến giờ thọ trai có chú tiểu đem cơm nguội, muối vừng bỏ trước cửa cốc. Tôi cố gắng nuốt một ngày một bữa như sư, nếu ăn không hết để đấy. Ở đấy có cả một bầy khỉ dành ăn kêu chí choé. Trừ một con khỉ đã khọm, ngồi bên cửa chăm chăm nhòm tôi đang đọc sách. Bởi nhẽ tam nhật bất độc thư, ngữ ngôn dã vô vị, vì lão khọm này đâu có hay ba ngày không đọc sách, tôi sẽ nói năng nhạt nhẽo khó nghe với... sư. 

       Lão khọm có cái mặt ốc tiêu, cái mũi chun choắt rất… khỉ. Qua bộ lông thưa thớt, không che dấu nổi lớp da mốc bạc vì tuổi… lá vàng với rừng lá thay chưa. Có thể vì vậy, nó không chơi với đám trẻ, thản nhiên nhòm… tôi, đưa tay ra khều làm quen… Quen rồi nó đưa tay khỉ của nó lên đầu tôi, mầy mò tìm chấy, rận và bỏ vào miệng nhóp nhép. 


        Xế trưa hôm sau, chú tiểu gõ một hồi chuông báo hiệu sư bác thỉnh tôi xuống tụng kinh. Tôi bám theo thân cây lò dò xuống. Nó nhảy qua nhăm nhánh cây để dẫn đường, đến một mỏm đá, ngồi gãi cằm, chờ tôi. Khi đến cửa chùa, sư đã đợi sẵn, nó chạy tới nắm tay sư trụ trì lắc lắc ra cái điều: “A Di Đà Phật”, tiếng Phạn nghĩa là… chào hỏi. Tôi hỏi tên nó là gì? Sư hấm húi tên nó có túc duyên với tên tôi. Từ ngày thửa được cái tên đầy thiền tính, nó như thuần tính hẳn ra, nó thích làm thân với…”ngộ nhân” tôi. 

        Với khỉ, sư đắng đãi tích xưa…


Tu Bồ Đề tổ sư hỏi con khỉ dẫn đường cho thầy Tam Tạng đi thỉnh kinh, lúc ấy còn là hầu vương: “Ngươi ở đâu mà ra”. Hầu vương thưa: “Nguyên nơi núi Hoa Quả có hòn đá kết tinh nhật nguyệt lâu ngày, một đêm mưa vang lên tiếng nổ, đá nứt hai và sinh ra tôi”. Sư tổ nói: “Vậy là thiên địa sinh ra ngươi, thôi để ta đặt tên cho. Ngươi họ là Tôn, bỏ bộ khuyển, còn chữ tử, chữ hệ, tức còn trẻ, còn khôn”. Sư tổ chép miệng: “Phật pháp có trí, tuệ, chơn, như, hải, đĩnh, “ngộ”, v..v.. Trong 12 chữ đó, tính tới tính lui thì ngươi nằm vào… chữ Ngộ, thôi thì ta đặt tên ngươi là…Ngộ Không”.



         Chả hiểu ăn mắm ăn muối gì, tôi lưỡi đá miệng với sư rằng ắt hắn Ngộ Không là… không ngộ chăng? Vừa cuồng chữ xong có tiếng chày của lão khọm…

        Đến buổi lễ, lão khọm ra ngòai hiên, điểm nhẹ vào chuông ba chày khai kinh. Sư vừa hết kệ, tôi nói chuyện đời… cho phải đạo với sư. Chuyện là sáng nay, sau cơn mưa, tôi bắt gặp lão khọm ngồi ngòai am kiểu nước lụt, vốc mớ hột điều bỏ xuống vũng nước. Mới đầu tôi ngỡ lão bỏ xuống nước cho mềm. Sau mới hay lão khôn như rận, hột nào nổi không mó tới, hột nào chìm vớt lên, lại biết để trên hòn đá, lấy cây mà gõ như… gõ mõ. Tôi thưa với sư, tôi hiểu thế nào là sinh tồn của chúng sinh trong chốn ta bà này.


       Về am, tôi ngồi xuống bắt đầu viết truyện con khỉ già…”gõ mõ” và ăn hột điều

       Tôi chồng chéo hai ba đoạn văn của ai đó để có một tác phẩm mới chứ chẳng phải… ”sáng tạo” gì. Như ông Khổng Khâu ở đất Trâu bên Tàu dậy thuật nhi bất tác, là chỉ thuật lại chứ chả sáng tác! Như tôi đã từng... thưa bạn đọc.

        Hôm sau ghé chùa đưa bản thảo cho sư. Sư ngay đơ: “Như miếng thịt trâu thiu, miếng cá ươn, đâu phải ăn hết mới thấy…thối hoăng”. Xong, sư hừ một cái: “Thầy tả con khỉ… Tức vay mượn hình ảnh đế có sáng tạo. Chứ không phải thầy sáng tạo ra… hình ảnh”. Sư ậm ừ: “Khỉ không ăn… hột điều” Tiếp đến, sư dậy: “Thầy hoang tưởng quá lắm, vì Tu Bồ Đề tổ sư có dậy Ngộ Không là… không ngộ đâu?”.

       Sư trầm ngâm: “Con khỉ này về đây suốt ngày ngồi ở cửa chùa. Nó bỏ cõi rừng nơi mà một thời có súng nổ đạn bay, nơi mà bạn bè của nó có thể đã nằm xuống. Sau những mất mát ấy, nó gần tăng, gần Phật, nên nó tiếp nhận huyền nhiệm chăng”. Vì vậy theo thiển ý nhà chùa thì khỉ cũng có căn tu cả đấy. 

        Nghe thủng chuyện một kiếp lai sinh, dòm cái đầu mồ côi tóc của sư, tôi gãi ngứa: “Khỉ có giác ngộ được không”. Sư nhìn tôi và lắc đầu: “Có ích gì khi bàn luận đến con khỉ giác ngộ hay không. Vấn đề là làm thế nào để thầy giác ngộ?”


       Trên đường về, ngồi nghỉ bên triền núi, tôi… “kiến ngã” dưới kia đèn đuốc thuyền đánh cá quây vòng tròn như chuỗi hạt ánh sáng lung linh. Ngồi thu lu bên cạnh tôi, lão khọm cũng lom lom nhòm. Dường như lão cũng muốn nhập vào khỏanh lung linh đằng xa kia. Bỗng dưng, tôi có ý nghĩ như sư bác, lão khọm chưa nhập thế đã… ăn chay, tức có căn tu, đang muốn hóa thân về một pháp thân khác. 

       Bằng vào hứng khởi bất chợt ấy, vừa về đến am cốc. Tôi đặt bút xuống dầy chữ qua những giao động về một con khỉ giữa mây trời sóng nước, trong chốn không. 


       Đọc lại… văn mình vợ người thấy cấm có hay hớm cho mấy. Bèn lọ mọ xuống chùa, nhờ sư khai mê phá ngộ. Sư bảo tôi bị…ngộ chữ, lúc lên trời lãng đãng với phù vân,… phù thế, khi xuống đất, liêu xiêu với hư không… hư thực. Trong khi người ta… “canh tân” chữ mới, tôi lại rị mọ ba mớ chữ dân gian xưa cũ. 

      Với tay cầm chiếc điếu cày, sư chậm rãi…

      “Qua truyện, thầy vặn vẹo chữ nghĩa, ý tưởng, văn tự vay mượn của những người viết trước. Rồi lóng ngóng như cầm cái bừa nhìn đít con trâu đo dài ngắn và viết… bừa. Thầy viết không thật, nên tóat ra một vẻ giả tạo. Thầy đưa đẩy chuyện chẳng đâu vào đâu làm người đọc rối trí không phải là ít, thưa thầy”. 

       Quơ tay lấy hộp thuốc lào, sư nhàn nhã…

       “Như thầy biết đấy, thì giờ càng eo hẹp. Công việc hàng ngày càng gấp làm cho người thưởng ngọan… sốt ruột. Truyện ngắn không nên gây rối trí cho người đọc, vì không ai kham nổi một mảng văn chương như nhởn nha… kể chuyện... Nhưng vì truyện ngắn không phải là truyện dài, nên thầy ngại không diễn tả hết những gửi gấm nên thầy kéo… dài ra. Thầy viết như phóng ngựa chạy, chẳng ai thấy mặt mũi… con ngựa đâu cả. Vì vậy có quá nhiều chi tiết thừa thãi...” 


       Sư nhíu mày, đong đẩy…

       “Với những chi tiết thừa thãi, thấy còn nho táo nữa! Vậy chứ thầy có hay ông Khổng có câu tích "mặc như kim", Nôm là hãy cẩn trọng trong việc viết lách, không viết vô bổ, phí mực vì mực như vàng”. 

        Tôi đực ra như ngỗng đực nghe sư bác hoa rơi cửa Phật. Ngẫm cho cùng, sư bác cũng… ”bác vật” lắm chứ đâu có bỡn. Vì tôi hư cấu thật, hiện tượng giả nên chuyện của tôi dường như không “hiện thực”… thực sao ấy? Bóc ngắn cắn dài thì nặng phần hoang tưởng. Tôi bèn đổ vấy mấy lúc gần đây gần với thiền môn, tôi cứ ngỡ mình là… là… thiền giả. Bất bình tắc minh, đánh bấm bụng hỏi sư về cái bệnh hoang tưởng của tôi. 

       Sư ngần ngừ, xuống giọng…

       Có gã cuồng chữ nên mắc bệnh tưởng, cứ tưởng mình là…hạt thóc (1), nhìn thấy gà là chạy trốn. Gã tìm đến thiền môn xin một công án, để chữa bệnh. Từ giã thiền sư, gã nói với giọng chăc nịch gã đã khỏi bệnh rồi, gã là người, gã không phải là… hạt thóc.

       Lát sau, gã cuống cuồng chạy về thiền viện, hổn hển thưa: “Thưa… thưa con gà…”. Gã lắp bắp: “Con gà nó đang đuổi tôi”. “Sao vậy”, thiền sư hỏi: “Anh đã hết bệnh rồi mà”. Gã buồn bã trả lời “Vâng” và ấp úng: “Vẫn biết tôi không phải là hạt thóc. Nhưng khốn nỗi cái con gà nó… không ngộ được nhẽ ấy”.

      Véo một viên thuốc lào đúng bằng con nhặng xanh, nhét vào nõ điếu, nhấn cho chặt... Xong, sư bác chiêu niệm: 

       Tòng tâm kỳ dục bất du củ, thầy cứ gây cho mình vướng mắc những huyễn hoặc, cái thực sau cái giả, cái chân sau cái huyễn. Ở cái tuổi bất tri lão tương tri, thầy cứ mập mờ với thật giả tít mù nên không liễu đạt được.


       Từ tốn rút một lá phên ở vách tranh làm đóm, cho vào ngọn đèn hột vịt châm lửa. Hốt nhiên, sư chỉ tay ra ngòai sân: “Ấy đấy, thầy có nhìn thấy con gà không”. Theo ngón tay của sư… Ủa, nào tôi có thấy con gà, con qué nào đâu. Mà chỉ bắt gặp lão khọm vừa lúc lão cầm cái chầy kình điểm vào cái chuông… tỉnh thức.


       ***

       Về lại am, sửa sang lại văn bài đến nửa đêm. Bỗng có tiếng chuông điểm canh:

       Boong… boong…?

       Om… om…?

       Kh..ô...ông…Kh…ô…ông… ?


       Im ắng… Vô ngôn hảo diệu, hết “boong…” đến “om…” tới “kh…ô…ông…”. Tôi đánh rơi cái bút và thiếp đi. Tôi thấy lão khọm đang đi về phía am cốc, tay quơ quơ cái chày kình như cây thiết bảng của Tôn Ngộ Không. Tôi ớ ra vì lão khọm đầu đội nón u lờ, chùm hụp bộ cà sa vàng, như một ông sư Tàu.

       Tôi vừa ngồi dậy, lão lụi đụi dón chuyện…

       “Mấy hôm nay được diện kiến với tiên sinh. Thấy tiên sinh giấy một túi, bút một túi, nên nhờ tiên sinh viết dăm hàng hiệu đính dùm thân thế cụ cố tôi.        

      Cụ cố Tôn Ngộ Không tôi trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là có thật. Theo sách nhà Phật, con khỉ tượng trưng cho trí tuệ. Trí tuệ, tự nó là động. Vì thế cụ mang thân tướng tháo động. Sau khi thấy hậu quả của cái tâm tháo động, cụ hướng về bi tâm. Bi tâm cần được trí tuệ vô ngã dẫn đường, nếu không dễ lạc đạo. Vì cụ cố tôi sợ Đường tăng… lạc đạo nên… dẫn đường Đường tăng đi thỉnh kinh.

        Trên đường thỉnh kinh, cụ Hành Giả tôi kiến giải cái cốt lõi huyền diệu của Phật pháp cho thầy Đường tăng nghe. Chẳng là thầy tăng là người phàm nên lòng còn trần tục, bị chi phối bởi ngũ hành, lục dục. Chẳng qua thầy thấy gì cũng thật, nên quên hết tâm kinh. Trong cái thật lại có ý hòai nghi, thầy sắp thành Phật cũng sợ. 


 Vì miệng lưỡi cụ cố tôi như vậy, thầy Đường tăng mới gọi là Tôn Hành  Giả. “Tôn” đây lấy từ tên vua Cao Tôn đời Đường. Thế nhưng theo Tống Tăng truyện, hoặc Ngộ Không tự truyện cụ cố tôi là một tăng lữ vào đời Tống, thời vua Huyền Tông và tục danh cụ là Phí Phụng Triều, dòng dõi hòang tộc Phí Thác Bạch nhà Bắc Ngụy (386-534). Cụ qua nước Đô Quá La (Ấn Độ) mang kinh điển về Tràng An năm 789 được sắc phong làm sư, lấy hiệu là Ngộ Không và tu ở chùa Chương Kính, lấy pháp danh là Dharmadhatu.


Chữ “Không” tên chữ cụ cố tôi, từ Kinh Bát nhã ba la mật chép: sắc tức thị không, không tức thị sắc. Như tiên sinh đã hanh thông: ngộ không có nghĩa là giác ngộ với chữ “không”. Với “vạn sự giai không”, mọi thứ trên đời đều hư ảo không có thật.


 


       Sau khi hòm hõm rồi, lão đăm đăm nhìn tôi. Tôi nghe thủng rồi và gật đầu. Lão chậm chạp và nặng nề đi về phía bìa rừng…Quên bu nó… cái chày kình. 


      Trời sáng tỏ, tôi qua chùa thưa với sư tối hồi hôm lão khọm chui vào đầu tôi ngọ ngọay về gia phong, gia phả nhà lão. Sư bác tần ngần nhìn mảng rừng xa xa và lắc đầu: 

      Lâu nay nghe nhà chùa tụng “Muôn sự tại tâm, vạn pháp tại thức” nên nó tỉnh thức chăng, để muốn làm người. Mà trong cảnh giới con người, chỉ thấy phiền não cùng cái vòng trầm luân. “Hành tương tựu mộc tác nhân nan” vì quả tình làm người khó thật. “Hạ học nhi thượng đạt”, mặc dù nó muốn giải nghiệp của nó qua kinh nhà Phật với diệt khổ bằng con đường giác ngộ.

      Như thiền sư Huệ Hải dậy rằng: Khi đói thì ăn. Khi mệt thì ngủ. Tức khi ăn chỉ nghĩ đến ăn. Khi ngủ chỉ nghĩ đến ngủ. Vậy mà con người mà con khỉ đang bắt chước lại: diệt khổ bằng cách khi ăn lại… sợ chết, nên ăn rau cỏ như nó. Khi ngủ chẳng chịu ngủ, đầu tính tóan chuyện… điên đầu khác, nên nó chẳng thể giác ngộ được. 


       Tôi hiểu thầy đang đi tìm cái chân như trong thế tục. Nay thấy ghé cửa thiền được con khỉ chỉ vẽ vạn sự giai không với “không” thì mọi thứ trên đời thấy tự khai thông khai ngộ lấy. Chuyện khỉ ho cò gáy gì đâu chả biết nữa. Vì tôi tầm sư học… cái thật. Sư mang trứng để đầu gậy, dậy tôi… cái giả, bến ngộ đâu chả thấy chỉ thấy bờ mê… bến lú. Thêm nữa, tôi ngộ ra sư chẳng mấy vui vì sư tầm đệ tử nan, nên tôi gọ gạy với sư qua cảnh chùa u tịch, lại được ăn uống chay tịnh ngon đến độ… bối rối chẳng dễ… giải thóat.

       Hay nói cách khác muốn lên niết bàn phải… chết trước đã. Nghe hãi quá thể nên tôi không ham. Tôi đang ham sống, đang tu tại gia, chiều nào chả… tu một, hai chai say tít cù lì là thấy… đạt, say li bì mù mịt là thấy… ngộ rồi. Tôi đành giã từ sư. Bước xuống bậc thềm, một làn gió ập tới cái vé đi đường tắt lên niết bàn bay mất tiêu. Mà cứ theo thiển nghĩ tôi thì nơi chốn đó chỉ có mây bay gió thổi với… có là… không. Cũng… có đấy, mà cũng… không có đấy. 


       Tạm biệt núi non biển cả trở về lại vòng nước xoáy nhân sinh quen thuộc. Bụng dạ tôi đang búi bấn vì đệ tử tầm sư dị, vì được đàm trường viễn kiến với sư bác. Chẳng hiểu chuyến đi này, con lộ viết lách của tôi có được thong thả chăng. Đi được một quãng, cái ba lô con cóc đè lưng tôi muốn oằn xuống. Và tôi… qua cầu, cái túi cứ nặng chĩu, ắt hẳn là tại mưa. Bèn mở ra xem thì giời ạ! Ông giời có mắt xuống đây mà xem, tất cả mớ sách vở, tư liệu đã biến thành: Một phiến đá.

       Với phản ứng thất thần, tôi buột miệng câu niệm của sư bác Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát”. Ấy đấy, đến cái câu thần chú tiếng Phạn này tôi có hiểu quái gì đâu. Thế nên tôi chẳng rỗi hơi tìm hiểu bản thể của phiến đá thô kệch ấy, nó từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Hết cầu niệm tôi… cầu âu: “Yết đế! Yết đế! Ba la yết đế!”, tạm cầu là qua đi! qua đi! qua nữa đi cho rồi. Quẳng gánh lo đi nhẹ lấy mình, tôi quẳng bu phiến đá xuống suối cho yên chuyện.


       Trở về khách sạn, tôi nằm vật ra tính đánh một giấc. Bỗng nghe tiếng chuông “Boong... boong...”. Có lúc nghe như “Om... om...”. Khi như “Kh…ô…ông... kh…ô...ông...”. Như không có thật. Tôi bật dậy vì chợt nhớ ra lão khọm để quên cái chày thì gõ con cá kêu boong.. .boong ở khổ nào. Chưa hết, lão khọm về rừng với dáng chậm chạp và nặng nề như… ôm cái gì ấy? Thế là tôi nháo nhào chạy vội về hướng con suối, lên đến cái cầu gỗ chứ chả phải cái cầu khỉ như trong phần vào truyện tôi đã hư cấu. Dưới chân cầu, đập chát vào mắt tôi: Lão khọm đang tay búa, tay đục… đục đẽo phiến đá tôi vừa mới quẳng đi. Thấy tôi, lão nhẩy cà tưng, cong đuôi chạy mất đất. 

       Lần mò xuống bến bãi, dòm dỏ trên phiến đá khắc họa bài thơ:

 Ngày xưa đại thánh tung hòanh

 Một đường thiết bảng vang danh cõi trời

 Đến khi đạt pháp cao vời

 Ngộ Không để thấy cuộc đời vốn… không


       ***

       Chuyện kể trong bút ký này, nói cho ngay, sau khi buông bút, tôi chẳng bận tâm cho mấy. Chỉ biết rằng tôi mang về được cái chày kình, đánh dấu một chuyến đi. Thêm nữa lão khọm đã ôm tập bản thảo chạy vào rừng mất tiêu rồi còn đâu. Qua 5 trang giấy, chữ nghĩa như ruồi bu, tôi chỉ nhớ: Cụ cao tổ nhân vật xưng tôi trong bản thảo là người có thật, tên thật là Phí Phụng Triều, thời Bắc Ngụy, hiệu Ngộ Không.

       Vì vậy đào đâu ra bản lai cảo để trình làng thưởng lãm, thưa bạn đọc.


                                                        Trúc gia trang

                                                        Giáp Thân 2004

                                                 Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                          (thêm bớt 2024)


(1) Nhà văn Phù Thăng (1928-2008) đọc theo Pháp ngữ từ hai chữ Fou Thăng có nghĩa là “Thăng điên”. Ông viết truyện cực ngắn tên “Hạt thóc” kể về một gã tâm thần, từng là nhà văn, gã cứ nghĩ mình là hạt thóc hễ trông thấy gà qué ở đâu là… co cẳng chạy.


Nguồn: Vũ Phong Lưu, Taisen Deshimaru, Anton Pavlovitch Tchkhov

Vương Trí Nhàn, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Quốc Văn, và Đồ Khỉ Gió


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản Lai Diện Mục Ký - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

     Bản Lai Diện Mục Ký  Ngộ Không Phí Ngọc Hùng             Chẳng phải là nhà văn, nên không sa đà với câu hỏi viế...