10 bệnh từng khiến loài người khiếp đảm
Dân số châu Âu từng giảm một nửa bởi dịch hạch, còn cúm Tây Ban Nha giết khoảng 20 tới 100 triệu người trên khắp thế giới hồi đầu thế kỷ trước.
Dịch hạch
Tuyến bạch huyết sưng đau, da chuyển từ màu đỏ sang đen, hơi thở nặng nề, chân tay đau nhức, nôn ra máu là một số triệu chứng của bệnh dịch hạch. Căn bệnh chết người này là nguyên nhân khiến hơn 200 triệu người tử vong. Đại dịch hạch nổi tiếng và khủng khiếp nhất với tên gọi “Cái chết Đen” diễn ra ở châu Âu vào thế kỷ 14 đã khiến dân số của châu lục này giảm một nửa. Thông thường, bệnh nhân mắc dịch hạch thông qua vết cắn của một con bọ chét nhiễm bệnh. Hiện nay, nhiều loại vaccine phòng chống dịch hạch đã ra đời, đồng thời những người không may nhiễm bệnh cũng sẽ được chữa khỏi.
Khoảng một nửa dân số châu Âu từng chết vì dịch hạch vào thế kỷ 14. Ảnh: |
Sốt phát ban
Tên gọi "sốt phát ban" xuất phát từ chữ Typhus trong tiếng Hy Lạp (có nghĩa là sương khói), nhằm mô tả trạng thái tinh thần của người bệnh mắc bệnh. Thủ phạm gây ra bệnh sốt phát ban là virus Rickettsiae. Sốt phát ban bùng phát lần đầu vào giai đoạn quân Tây Ban Nha vây hãm Granada năm 1489. Triệu chứng bệnh bao gồm hiện tượng sốt và những nốt mẩn đỏ ở cánh tay, lưng, ngực dẫn tới tình trạng mê sảng, hoại tử và thịt bắt đầu thối rữa. Trong suốt cuộc vây hãm, ngoài 3.000 quân bỏ mạng khi giao chiến, Tây Ban Nha còn mất 1.700 lính vì chính căn bệnh này. Dịch sốt phát ban lan sang châu Âu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 và hoành hành trong suốt cuộc nội chiến Anh, chiến tranh 30 năm và các cuộc chiến tranh của Napoleon. Trong cuộc chiến tranh 30 năm, giới sử gia ước tính 8 triệu người Đức chết do bệnh dịch hạch và sốt phát ban. Trong suốt cuộc viễn chinh tới nước Nga của Napoleon năm 1812, số quân Pháp mất mạng do sốt phát ban nhiều hơn cả số quân chết bởi vũ khí của người Nga.
Sốt xuất huyết Ebola
Người ta gọi bệnh sốt xuất huyết Ebola theo tên dòng sông Ebola - nơi khởi nguồn của căn bệnh. Các virus gây bệnh có hình dạng tương tự như virus Marburg, cũng thuộc họ Filoviridae và đều gây nên các triệu chứng tương tự. Bệnh Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại Zaire. Người ta bắt đầu chú ý tới nó nhiều hơn sau đại dịch tại Reston, bang Virginia, Mỹ vào năm 1989. Các virus gây bệnh đã lan truyền qua chất dịch trong cơ thể người. Tuy nhiên, chúng cũng có thể lây truyền qua đường miệng và kết mạc mắt. Trong giai đoạn đầu, Ebola không có tính truyền nhiễm cao. Khi bệnh tiến triển, chất dịch cơ thể tiết ra khi người bệnh tiêu chảy, nôn mửa và chảy máu. Dịch sốt xuất huyết quy mô lớn thường xảy ra ở những vùng hẻo lánh và nghèo, do tình trạng thiếu thốn thiết bị, điều kiện vệ sinh kém và hệ thống y tế không đảm bảo.
Sốt rét
Các triệu chứng của bệnh sốt rét bao gồm thiếu máu, sốt, cảm lạnh, thậm chí hôn mê hoặc tử vong. Bệnh dễ lây lan từ người bệnh sang người khỏe mạnh bởi muỗi Anopheles. Hằng năm, khoảng 400 triệu người mắc bệnh sốt rét và hàng triệu người chết. Đây là một trong số những bệnh truyền nhiễm phổ biến và nghiêm trọng nhất. Hiện nay, y học chưa có vaccine lâm sàng hay pháp đồ điều trị cụ thể căn bệnh nguy hiểm này.
Dịch tả
Người mắc bệnh tả cấp độ nghiêm trọng nhất rất dễ tử vong. Nếu không chữa trị kịp thời trong vòng 3 giờ, người bệnh có thể qua đời. Các triệu chứng chính của dịch tả bao gồm: tiêu chảy, choáng, chuột rút ở chân, buồn nôn và da khô. Dịch tả bùng phát lần đầu tiên tại Bengal rồi lan sang Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và biển Caspian. Chỉ riêng tại Ấn Độ, sau khi chấm dứt vào năm 1826, dịch bệnh này đã cướp mạng sống của hơn 15 triệu người. Phương thức điều trị bệnh tả là bù nước bằng đường miệng hoặc dùng thuốc kháng sinh.
Đậu mùa
Bệnh đậu mùa đã tác động đến đời sống của con người từ năm 10.000 trước Công nguyên. Vào thế kỷ 18, khoảng 40.000 người tại Anh chết mỗi năm vì đậu mùa. Triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh là mụn nhọt xuất hiện và lan nhanh khắp cơ thể, kèm theo các dấu hiệu khác như nôn mửa, đau lưng, sốt và đau đầu. Xác ướp Ai Cập là bằng chứng cho thấy bệnh đầu mùa xuất hiện rất sớm. Người ta cho rằng các thương nhân người Ai Cập đã mang mầm mống bệnh sang Ấn Độ, nơi dịch bệnh hoành hành trong suốt 2.000 năm. Sau nhiều chiến dịch tiêm phòng vaccine từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố thế giới đã tiêu diệt bệnh đậu mùa vào tháng 12/1979. Cho tới nay, đậu mùa là một trong hai bệnh truyền nhiễm mà loài người đã xóa sổ.
Cúm Tây Ban Nha
Đại dịch cúm năm 1918 (tên thông thường là cúm Tây Ban Nha) là một đợt dịch truyền nhiễm lan rộng tới hầu hết mọi vùng trên thế giới. Virus cúm A/H1N1 chính là nguyên nhân gây bệnh. Trong khi các dịch cúm khác thường tấn công những người cao tuổi, ốm yếu thì hầu hết nạn nhân của dịch cúm Tây Ban Nha là những người trẻ và khỏe mạnh. Đợt cúm này kéo dài từ tháng 3/1918 đến tháng 6/1920, lan tới tận Bắc Cực và các hòn đảo xa xôi thuộc Thái Bình Dương. Người ta ước tính từ 20 tới 100 triệu người đã thiệt mạng vì căn bệnh này trên khắp thế giới, tương đương xấp xỉ 1/3 dân số châu Âu.
Sốt vàng da
Các triệu chứng của sốt vàng da bao gồm sốt, cảm lạnh, nhịp tim chậm, nôn mửa, táo bón. WHO ước tính mỗi năm, khoảng 30.000 người chết vì sốt vàng da do thiếu vaccine. Môt trận dịch sốt vàng da khủng khiếp đã diễn ra tại Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ vào năm 1793, cướp sinh mạng của 10.000 người.
Lao
Người ta quan tâm nhiều đến bệnh lao vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và coi nó như một căn bệnh của tầng lớp người nghèo ở đô thị. Năm 1815, khoảng 1/4 dân số Anh chết vì bệnh lao. Năm 1918, chừng 1/6 dân số Pháp chết vì căn bệnh này. Đầu thế kỷ 20, bệnh lao tiếp tục cướp mạng sống của 100 triệu người. Đó là căn bệnh ảnh hưởng tới phổi với các triệu chứng như ho, sút cân, đổ mồ hôi vào ban đêm và khạc đờm ra máu.
Bại liệt
Bệnh bại liệt rất dễ lây, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và cột sống, thậm chí khiến cơ thể tê liệt. Các dấu hiệu bao gồm: đau ở đầu, cổ, lưng, đau bụng, nôn mửa, sốt và dễ cáu gắt. Sau một đợt bùng phát bệnh bại liệt khiến 20.000 trẻ tê liệt và cướp mạng sống của hơn 3.000 trẻ vào năm 1952, các bác sĩ đã nghiên cứu thành công vaccine ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét