Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Xóm chài Hà Nội - Nơi không có Tết

Xóm chài Hà Nội - nơi không có Tết

(PetroTimes) - Chúng tôi đến xóm chài bên sông Hồng, Hà Nội trong những ngày giáp Tết. Hơn chục mái chòi được phủ bằng những tấm bạt xây dựng loang lổ xanh xanh đỏ đỏ, vách nhà được ghép bằng những phên gỗ tạp hở toang hoác đang nổi bập bềnh trên những thùng phi phủ đầy gỉ sắt, tấm sốp cáu bẩn. Chỉ vài bước chân là từ xóm chài sẽ bước ra phố. Thế giới của mấy chục con người sống dưới mức thấp nhất của Thủ đô cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đang khắc khoải chờ Tết.
Đặc khu nghèo khó
Mặc dù đã cẩn thận nhờ người dẫn đường, chúng tôi cũng phải lần mò vài vòng trong những con ngõ ngoằn nghèo của khu nhà ổ chuột dưới gầm cầu Long Biên, phường Phúc Xá mới tìm được một cái ngách nhỏ chỉ vừa hai người đi bộ nối xuống xóm chài ven sông Hồng. Đang đầu mùa khô, bãi bồi lổn nhổn những mô đất mấp mô bởi những ruộng ngô đã thu hoạch hết. Vài luống rau mới vun của người dân bãi bồi giữ lại vài vệt màu xanh như muốn chạy đua với thời gian để thu hoạch bán trong dịp tết Giáp Ngọ.
Xóm chài lềnh bềnh trong rác
Xóm chài lọt thỏm dưới lòng sông. Chúng tôi gọi với sang một lúc nhưng bốn mái nhà bên bờ sông phía quận Long Biên vẫn im lìm. Tiếp tục lần theo bãi sông, chúng tôi tìm được 8 nhà nổi còn lại trong xóm. Mấy con chó sủa vang, gầm gừ khi có người lạ đến gần khiến chúng tôi phải dừng lại. Một lúc sau, tiếng một người phụ nữ trung niên lanh lảnh cất lên khiến bầy chó cụp đuôi chạy vội lên những chiếc cầu độc mộc dẫn lên các ngôi lều nổi.
Những cái mảng thô sơ là phương tiện di chuyển duy nhất của người dân xóm chài.
Xóm chài ven sông xuất hiện cách đây hơn 20 năm. Đây là nơi trú ngụ của những con người lưu lạc, nghèo khổ từ khắp các tỉnh phía Bắc về Hà Nội. Trong 5 năm qua, Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách nhằm siết chặt quản lý về nhân khẩu của các hộ dân này như quản lý dân số, theo dõi bắt buộc đăng ký tạm trú, kéo điện từ trên bờ xuống các nhà nổi, giúp đỡ các hộ dân lên bờ sinh sống… Năm 2010, đã xảy ra một vụ cháy trong xóm chài, 1 hộ dân đã bị thiêu rụi. Trong năm 2013, cuộc sống khó khăn quá nên đã có 2 hộ dân xuôi dòng bỏ xóm chài. Chính vì vậy nên từ đỉnh điểm gần 30 căn lều nổi, đến nay xóm chài ven sông chỉ còn 12 hộ.
Anh Trần Quang Dũng, người sinh ra và lớn lên tại phường Phúc Tân vừa dẫn đường cho chúng tôi vừa kể: “Người Hà Nội khi nói về xóm chài trên bãi nổi ven sông Hồng thường đùa rằng đây là một đặc khu nghèo khó của Thủ đô. Trong những năm qua xóm chài này đang dần thu hẹp nên cũng chẳng còn bao lâu nữa sẽ biến mất. Cứ có nhà nào mới manh nha đến là chính quyền sẽ giải tỏa ngay lập tức. Có nhiều người sống quanh khu vực này thỉnh thoảng đưa bạn bè Tây, Ta đến nhòm ngó xóm chài này như xem vườn bách thú”.
Ước mơ lên bờ
Hà Nội là một thành phố lớn đang trên đà phát triển. Chính vì vậy tình trạng nhập cư của người ngoại tỉnh đến Hà Nội sinh sống, làm thuê làm mướn là cực kỳ phức tạp. Xóm chài ven sông Hồng, nơi tụ tập những số phận, mảnh đời cơ cực vẫn đang ngóng chờ sự giúp đỡ của xã hội để có những ngày tết đầm ấm.
Bà Trần Thị Mai, một trong những cư dân lớn tuổi nhất của xóm chài
Chị Nguyễn Thị Thịnh, quê Hưng Yên, sinh sống ở xóm chài này đã được hơn chục năm. Nhà chỉ độc có hai vợ chồng dựa nhau sinh sống. Hằng ngày chị Thịnh vào phố bán hàng thuê, gánh rong kiếm sống còn ông chồng thì chài lưới bắt cá. Với giọng buồn rầu chị cho biết: “Năm nay đói lắm em ơi, đợt này trời lạnh, gió nhiều, cá ít lắm. Mấy hôm nay cũng chẳng có con cá nào nên chẳng đủ gạo mà ăn. Việc làm thuê cũng ngày càng hiếm, mấy hôm nay tôi ốm nên phải nằm nhà. Mọi năm đến những ngày này là chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể, sinh viên tình nguyện đến giúp đỡ, tặng quà Tết nhưng năm nay vẫn chưa thấy gì cả… Tết năm nay tôi chỉ mong muốn các cơ quan đoàn thể tặng cho ít quà như bánh chưng, kẹo bánh, tốt nhất là gạo”.
Góc bếp của nhà bà Trần Thị Mai.
Bà Trần Thị Mai, quê Thái Bình là hộ gia đình có hai người phụ nữ góa chồng và một đứa cháu trai đang học năm cuối cấp 3. Gia đình bà đã sống trong xóm chài hơn chục năm. Bà kể: “Tôi đã làm thuê, gánh rong gần 20 năm trong chợ Long Biên. Trước đây hai mẹ con thuê nhà trong xóm nhưng sau khó khăn quá nên xuống đây đóng bè ở. Mình có sức khỏe mình phải tự lo mà kiếm sống, đi nhặt phế liệu mỗi ngày rồi đánh đống lại trước cửa, chờ khô bán lại cũng có vài chục ngàn một ngày nên chẳng việc gì phải trông mong ở chính quyền. Cám cảnh một nỗi là nhà tôi chỉ có 1 cháu đang ăn học nhưng do bố nó mất sớm nên cảnh nhà neo đơn lắm. Năm tới tôi chỉ mong được khỏe mạnh, kinh tế phục hồi, cuộc sống bà con khá khẩm hơn. Nếu được tạo điều kiện nhà tôi sẽ sẵn sàng lên bờ để cháu được đi học, có việc làm để đừng khổ như mẹ, như bà nó…”.
Rời xóm chài lúc trời ngả về chiều, mà trong lòng vẫn mang nặng nỗi cám cảnh cho những kiếp người nơi vạn chài nghèo. Những mái lều xiêu vẹo, những người đàn bà “không chồng” như những con vạc còm cõi kiếm ăn bên mom sông. Những phận người lênh đênh đang ngày đêm chìm nổi theo sông nước vẫn ngày ngày ấp ủ một giấc mơ đơn giản, nhỏ nhoi là được lên bờ sống như những người dân Thủ đô bình thường nhất.
Công Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...