Điển tích Văn học :
NỮ TRUNG NGHIÊU THUẤN
Thùy liêm thính chính
Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh, ông đã cho bà Vãi đề cao các giới nữ TÀI MẠO SONG TOÀN, TÀI MẠO XUẤT CHÚNG vừa có TÀI vừa có SẮC từ xưa đến nay như sau :
… Kìa như Châu Thái Tỷ, kinh còn khen đức rạng khuê môn.
Nọ như TỐNG TUYÊN NHƠN, sử còn ngợi NỮ TRUNG NGHIÊU THUẤN.
TỐNG TUYÊN NHƠN 宋宣仁 : là Tống Tuyên Nhơn Thánh Liệt Hoàng Hậu Cao Thị (1032-1093). Bà là Hoàng hậu duy nhất trong lịch sử Trung Hoa có một chuyện tình đẹp đẽ lãng mạn vượt thời gian với nhà vua Tống Anh Tông, họ vốn là THANH MAI TRÚC MÃ từ thuở thiếu thời, chỉ một vợ một chồng yêu thương lẫn nhau mà không có một phi tần nào chen vào giữa cả ! Mời tất cả cùng đọc một câu chuyện tình yêu chung thủy vượt thời đại của một ông vua và một hoàng hậu hiếm thấy trong lịch sử cổ đại này...
Như ta đã biết hai câu thơ nổi tiếng trong bài Ngũ ngôn cổ phong "Trường Can Hành" của Thi Tiên Lý Bạch đời Đường là : Lang kỵ TRÚC MÃ lai, Nhiễu sàng lộng THANH MAI。Có nghĩa :"Ngựa tre chàng cưởi đến gần, Vòng quanh bờ giếng ghẹo cành mai xanh" đã hình thành một thành ngữ chỉ tình yêu rất nên thơ của đôi lứa sống kề cận bên nhau từ thuở ấu thơ, là THANH MAI TRÚC MÃ của nhau, luôn là MAI TRÚC, TRÚC MAI của nhau trong tình yêu vợ chồng đôi lứa, như cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều khi chàng Thúc chuộc nàng Kiều từ lầu xanh về là :
Một nhà sum họp TRÚC MAI,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.
Nên THANH MAI TRÚC MÃ là tình yêu đôi lứa, là tình chồng vợ thủy chung từ tấm bé mà bất cứ cặp đôi nam nữ si tình nào cũng mong ước để có được. Nhưng đó là trong đời sống dân gian, còn đối với đời sống của các đế vương trong cung cấm mà muốn có được một mối tình và một đời sống Thanh Mai Trúc Mã vợ chồng chung thủy với nhau thì quả là rất hiếm thấy và rất khó mà có được. Ấy thế mà nó đã xảy ra trong cung nhà Tống như sau...
CAO THỊ 高氏(1032—1093)vốn tên là Chính Nghi 正儀, tiểu tự là Đào Đào, nên người đời thường gọi là Cao Đào Đào 高滔滔 (chữ 滔 THAO vì là tên của nữ nên đọc là ĐÀO), người đất Hào Châu, tằng tổ là Cao Quỳnh khai quốc công thần của nhà Tống; Tằng ngoại tổ là Tào Bân cũng là đại tướng của Tống triều. Hoàng hậu hiền thục nổi tiếng đời Tống Nhân Tông Tào Thị là dì út của Cao Đào Đào. Vì Tống Nhân Tông và Tào Hoàng Hậu không có con, nên từ nhỏ Hoàng hậu đã nhận Đào Đào vào cung làm con nuôi.
Còn TỐNG ANH TÔNG TRIỆU THỰ 宋英宗趙曙(1032—1067)là tằng tôn của Tống Thái Tông và là điệt tử của Tống Nhân Tông. Vì Tống Nhân Tông cũng không có con trai, nên mới chọn một trong số cháu của nhà chú là Ý Vương Triệu Doãn Nhượng 懿王趙允讓 làm con nuôi. Đó chính là đứa con thứ mười ba (Thập Tam Lang) Triệu Tông Thực 趙宗實 lúc đó mới có 4 tuổi, khi vào cung thì đổi tên thành TRIỆU THỰ 趙曙.
Triệu Thự 趙曙 thông minh linh lợi, rất được lòng của Tống Nhân Tông. Tào Hoàng hậu và Miêu Mỹ nhân trong cung cũng rất thương yêu chiếu cố. Triệu Thự được gọi là "QUAN GIA Tử 官家子". Trong cung nhà Tống có lệ gọi vua là QUAN GIA 官家 là "Nhà Quan". Nên gọi Triệu Thự là "Con NHÀ QUAN"; Còn Cao Thị, Cao Đào Đào thì được gọi là "HOÀNG HẬU Nữ 皇后女" là "Con gái của Hoàng Hậu". Con nuôi của vua và con nuôi của hoàng hậu cùng trang lứa lại cùng tuổi với nhau, chơi chung, học chung với nhau từ thuở nhỏ; Ngây thơ trong sáng, không quan hệ thân thích, không úy kỵ tỵ hiềm gì nhau cả. Một đôi "Thanh Mai Trúc Mã" lớn lên bên nhau, cùng chăm sóc cho nhau, vui buồn có nhau, nên dần dà phát sinh lòng cảm mến nhau, càng trưởng thành thì lại càng khắng khít nhau hơn...
Cặp đôi "Thanh mai Trúc mã" Triệu Thự và Cao Đào Đào qua film ảnh.
Khi các con của Tống Nhân Tông lần hồi yểu chiết hết, thì Triệu Thự dưới sự kiến nghị của các triều thần, được chính thức sắc phong làm Thái Tử. Một hôm, Tống Nhân Tông nói với Tào Hoàng Hậu rằng : Chúng ta không có con trai con gái gì cả, thôi thì ta và nàng chúng ta cùng mai mối nhau để cho hai đứa trẻ được nên duyên chồng vợ, ý nàng ra sao ? Tào Hoàng Hậu sớm đã có ý tác thành cho đôi trẻ rồi, nay nghe nhà vua nói thế bèn mỉm cười gật đầu. Thế là...
Năm Khánh Lịch thứ bảy (1047) Triệu Thự và Cao Thị kết hôn, hữu tình nhân rốt cuộc cũng được cùng vầy duyên kháng lệ, nên nghĩa phu thê. Trong cung lúc bấy giờ mọi người đều rất hân hoan nhộn nhịp, cùng kháo nhau là : "Thiên tử thú tức phụ, Hoàng hậu giá nữ nhi 天子娶媳婦、皇后嫁女兒" Có nghĩa : "Nhà vua thì cưới dâu, còn Hoàng hậu thì gả con gái", truyền ra ngoài cung thành giai thoại chấn động một thời và hai người cùng chung sống với nhau suốt mười lăm năm đến khi Triệu Thư qua đời.
Cặp đôi "Thanh mai Trúc mã" Triệu Thự và Cao Đào Đào qua film ảnh.
Theo《Tống Sử 宋史》và《Tục Tư Trị Thông Giám 续资治通鉴》ghi lại, thì Tống Anh Tông Triệu Thự chưa từng lập một phi tần nào cả, chung quanh nhà vua không có lấy một nàng "Thị Ngự" nào hết. Điều nầy cho thấy nhà vua chỉ sống dưới chế độ một vợ một chồng cho đến chết. Tương truyền, trước đó với thân phận Thái Tử, Cao Thị không đồng ý cho chồng nạp thiếp, sau nầy khi đã làm vua rồi vẫn không cho nạp phi tần nào cả. Tào Thái Hậu thấy thế bèn cho người thân tín đến khuyên, thì Cao Thị bảo người thân tín đó về trình lại với Thái hậu là :"Tôi gả về cho Thập Tam Lang, chớ không phải gả cho Quan gia, Hoàng thượng gì cả !". Trong mắt Cao Thị, Triệu Thự là phu quân yêu quý của nàng chớ không phải vua chúa hoàng thượng gì hết ! Vợ chồng chung sống với nhau mười mấy năm, Cao Thị sinh cho chồng bốn nam bốn nữ. Điều nầy cho ta thấy là vợ chồng rất thương yêu và khắng khít với nhau. Hoàng hậu sinh tám con là kỷ lục chưa từng có ở trong cung, cũng như nhà vua thời phong kiến mà không có lấy một phi tần nào hết. Quả là một Hoàng Thượng tình thâm nghĩa trọng và chung thủy chưa từng thấy qua các triều đại xưa nay...
Trong đời nhà Tùy, Độc Cô Hoàng Hậu của Tùy Văn Đế nổi tiếng ghen tuông. Trong đêm động phòng bà bắt Tùy Văn Đế Dương Kiên phải hứa với bà là chỉ để cho bà sinh con mà thôi, chớ không được lén phén với các phi tần khác. Bình thường ăn ngủ đi đứng kể cả lên triều, bà cũng theo sát bên chồng, bà sinh cho chồng năm người con. Nhưng Tùy Văn Đế Dương Kiên vẫn "tranh thủ" lúc bà sinh nở để đi tìm của lạ như thường; Còn Triệu Thự Tống Anh Tông thì một mực chung tình với vợ, cả chính sử, dã sử gì cũng không có chuyện Tống Anh Tông đi tìm của lạ cả ! Nhưng người tốt mà số lại chẳng tốt chút nào...
Tống Anh Tông Triệu Thự chỉ ở ngôi có bốn năm rồi bệnh mất. Triệu Húc 趙頊 kế vị là Tống Thần Tông, Cao Thị là Thái Hậu, nhưng Triệu Húc cũng chỉ làm vua có mười tám năm rồi bệnh chết, con là Triệu Hú 趙煦 mới mười tuổi lên kế vị, tức là Tống Triết Tông đó. Lúc bấy giờ Cao Thị lấy thân phận của Thái Hoàng Thái Hậu (Bà nội của vua) để nhiếp chính. Bà đã rất công chính liêm minh, giúp cho vương triều nhà Tống của dòng họ Triệu bên chồng được hưng thịnh vững vàng và cũng giữ được thanh danh trong sạch cho gia tộc họ Cao của bà không tham quyền cố vị. Cụ thể là...
Em trai của bà là Cao Sĩ Lâm giữ chức Sùng Ban trong nội Điện đã một thời gian dài, nên Tống Anh Tông muốn thăng quan tiến chức cho ông Quốc Cựu (em vợ vua) này, nhưng bà cản lại, bảo rằng :"Sĩ Lâm có thể làm quan được ở trong triều là điều may mắn lắm rồi, sao lại còn phải nhận thêm ân điển gì nữa chứ !". Khi Tống Thần Tông kế vị, mấy lần định xây phủ đệ cho nhà họ Cao, nhưng bà đều không chấp thuận, cuối cùng triều đình đành ban cho một thửa đất trống để cho người họ Cao nhà bà tự bỏ tiền ra xây nhà để ở chớ không chịu lạm dụng một đồng bạc nào của công khố cả. Lại một lần, một đứa cháu của nhà họ Cao là Cao Công Hội, định lấy lòng bà nên trình lên một bản tấu chương xin triều đình tôn xưng và vinh danh cho Chu Thái Phi là mẹ đẻ của Tống Triết Tông và bà là Thái Hoàng Thái Hậu Cao Thị. Bà đọc xong tấu chương biết là có kẻ xúi giục chứ không phải của cháu mình viết, bèn cho đòi đến để thẩm vấn. Biết không thể giấu được, Cao Công Hội bèn thú thật là do một đồng liêu tên là Hình Thứ bày vẽ và viết luôn giùm bản tấu chương. Bà bèn biếm cả hai ra khỏi triều đình và đày xuống vùng Mân Nam. Về thành tích chính trị thì...
Khi vừa nhiếp chính, bà liền loại bỏ "Biến pháp" của Vương An Thạch, trọng dụng Tư Mã Quang, Lữ Công Trứ, Văn Ngạn Bác...cho Quang thay chức Tể Tướng của Vương. Bà tỏ ra rất có tài năng và rất ưu tú trong việc triều chính. Trong thời gian bà nhiếp chánh luôn luôn đề cao cần kiệm liêm chính, và nhờ chính trị trong sáng nên kinh tế cũng phồn vinh theo; Dân chúng khắp nơi đều an cư lạc nghiệp, Vì thế mà người đời sau mới xưng tụng bà là "Nữ Trung Nghiêu Thuấn 女中堯舜".
Mùa thu năm Nguyên Hựu thứ tám (1093) bà bệnh mất, chết an lành ở tuổi thọ 62 tuổi, thụy hiệu là "Tống Tuyên Nhơn Thánh Liệt Hoàng Hậu CAO Thị 宋宣仁聖烈皇后 高氏". Để lại một chuyện tình hy hữu hiếm thấy "Thanh Mai Trúc Mã trong cung cấm" với cuộc sống lứa đôi "một vợ một chồng" và một thành tích chính trị liêm khiết thực dụng làm rạng danh cho giới nữ lưu xưa, như bà Vãi của Nguyễn Cư Trinh đã ca ngợi trong tác phẩm SÃI VÃI :
Nọ như TỐNG TUYÊN NHƠN, sử còn ngợi NỮ TRUNG NGHIÊU THUẤN !...
Hình tượng của Cao Hoàng Hậu, Thái Hậu và Thái Hoàng Thái Hậu qua film ảnh.
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét