Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013
Chiếc phong bì - Truyện của Đào Anh Dũng
Chiếc Phong Bì
Giáo sư Larry Olson đảo mắt nhìn đám sinh viên lớp ông đang chăm chú làm bài thi. Hôm nay là ngày cuối của khóa học “Truyền thông Thương mại” thuộc lớp đêm, trường đại học cộng đồng Richfield, tiểu bang Nebraska. Giáo sư Olson thầm mỉm cười khi nghĩ đến chức vị “giáo sư” người dân tỉnh lẻ này ban cho ông hơn nửa năm nay. Thật ra, ông là giám đốc cơ xưởng chế tạo máy điều hòa không khí GoodAir, một trong số ít công ty thâu dụng công nhân tại địa phương hẻo lánh này. Ông nhận phụ trách một lớp học, không ngoài mục đích giao tế nhân sự, tạo mối tương giao tốt đẹp giữa công ty và dân chúng địa phương. Năm rồi, đáp lời kêu gọi của chính quyền tiểu bang Nebraska nhằm giúp phát triển kinh tế vùng Richfield, công ty GoodAir mở một cơ xưởng mới toanh tại đây và bổ nhiệm ông Olson làm giám đốc. Ông Olson luôn hãnh diện mình là một trong những tay “đang lên” của công ty GoodAir. Xong bằng cử nhân Truyền thông Đại chúng năm 23 tuổi, ông bị động viên sang phục vụ tại Việt Nam. Tưởng sẽ không có dịp thi thố tài năng trong lãnh vực này mà phải băng rừng, lội suối hành quân trong thời gian phục vụ, ông không ngờ mình lọt vào cặp mắt xanh của vị tướng tư lệnh. Và ông được bổ nhiệm vào bộ phận Tùy viên Báo chí của sư đoàn. Đây chẳng qua nhờ vào tài ăn nói và ứng biến của ông trong một chuyến viếng thăm mặt trận của vị tướng sau một cuộc phản công thắng lợi. Cái năng khiếu này giúp ông thành công trong nhiều lãnh vực từ thời trung học, trong tình trường, chiến trường, và bây giờ là thương trường.
Rời bàn viết, ông Olson bước về hướng sinh viên. Họ vẫn chăm chú làm bài thi. Lớp học im lặng. Thỉnh thoảng có tiếng lật trang giấy, tiếng cục tẩy cọ xát bôi dấu trả lời sai mà thôi. Lớp học đêm chỉ có 25 sinh viên, phần đông đã quá tuổi học trò, trong số có năm người là nhân viên GoodAir. Họ muốn tiến thân, cũng như ông cách nay không lâu.
Khi ấy, từ Việt Nam trở về, ông Olson gặp một chiến trường khác – nền kinh tế hậu chiến suy thoái, vật giá leo thang, việc làm khó tìm. Thêm vào đó là nỗi đớn đau của những người cựu chiến binh Mỹ phục vụ tại Việt Nam - xã hội Hoa Kỳ đã không tiếp đón họ như những anh hùng mà còn xem họ là những thất bại cần phải quên. Nhiều đồng đội của ông Olson đã lâm vào cảnh nghiện ngập, tâm bệnh, gia đình đổ nát. Riêng ông không vấp một trở ngại nào, nhờ vào chính kinh nghiệm của mình học được trong quân ngũ - sống sót và thành công qua sự thất bại của kẻ khác. Ông rời quê Minnesota, nhất định bỏ dĩ vãng, làm lại cuộc đời tại miền đất hứa California. Ông âm thầm nhận một công việc thấp kém trong công ty GoodAir và ghi danh lớp đêm, theo chương trình cao học Quản trị Thương mại tại UCLA nhờ vào học bổng của công ty. Đến khi chính phủ liên bang có chương trình yêu cầu các cơ quan chính quyền và công ty nâng đỡ cựu chiến binh Việt Nam, quan lộ của ông trở nên thênh thang. Ấy cũng lại nhờ tài ăn nói khéo léo của ông, cộng với việc công ty được ký nhiều hợp đồng cung cấp máy móc cho chính phủ. Ông Olson được nâng cấp qua nhiều chức vụ chỉ huy. Sau khi xong bằng cao học, ông lập gia đình và trở thành một giám đốc tại trụ sở chánh của công ty một cách dễ dàng. Tuy nhiên, theo truyền thống của công ty, mọi nhân viên đầu não đều phải qua kinh nghiệm giám đốc cơ xưởng. Đó là lý do ông nhận công việc này và đưa gia đình đến Richfield. Phương châm của ông là: tất cả cho thương mại, cho lợi ích mà mục đích tột điểm là đồng đô la, là giá trị cổ phần. Lợi ích của cơ xưởng GoodAir ở Richfield là kết quả của một cuộc thương thảo “hai bên cùng thắng, cùng có lợi” do chính ông đạt được cho công ty. Dân chúng Richfield có công ăn việc làm. Công ty GoodAir được lợi điểm miễn thuế trong nhiều năm. Và GoodAir có ưu thế của một cơ xưởng sản xuất không nghiệp đoàn. Riêng đối với ông Olson, đây là một nấc thang có thể đưa ông đến chức vụ chủ tịch công ty mà ông hằng mơ ước. Ông Olson mỉm cười thoả mãn.
Ông Olson nhìn cánh đồng phủ tuyết bên ngoài cửa sổ lớp học. Cách nay vài tháng đó là cánh đồng bắp xanh tươi, bao la, trải dài đến tận chân trời. Ông lại mỉm cười, nhớ đến câu đáp của mình khi hai vợ chồng ông bàn việc dời nhà đi Nebraska trong vài năm. Bà hỏi: “Richfield ở đâu?”. Ông trả lời, có chút khôi hài, nhưng là sự thật: “Ở giữa cánh đồng bắp!” Lúc mới đến, ông tưởng gia đình mình sẽ không qua được mùa Thu, chớ đừng nói đến mùa Đông, vì không quen nếp sống êm đềm của tỉnh lẻ. Cũng may, hai đứa con của ông bà hội nhập được với lũ trẻ đồng trang lứa. Hình như chúng được xem như là “thần tượng” qua cung cách rất “đề” của dân California. Vợ ông cũng rất bận rộn với công việc thiện nguyện tại trụ sở United Way và hội Phụ huynh Học sinh tại địa phương. Đây cũng là những công tác giao tế nhân sự bà tham gia để giúp ông. Bà rất tương đắc với ông và luôn luôn tích cực trong việc hỗ trợ ông leo lên nấc thang danh vọng. Ông yêu bà nhất ở điểm này. Riêng cá nhân ông, nếu không đảm trách lớp học đêm, không có các chuyến bay hàng tháng về họp hành tại trụ sở chánh ở Los Angeles hay không phải tiếp đón các phái đoàn đến công tác ở xưởng, ông không biết làm gì sau giờ làm việc, ngoài những sinh hoạt gia đình và những buổi tiếp tân buồn tẻ, nhàm chán với vài gương mặt quá quen thuộc của địa phương này. Ông thầm nghĩ, hai năm, tối đa là hai năm, ông sẽ trở về LA với những sôi động, thử thách và cơ hội thăng tiến. Sản xuất không phải là đam mê của ông. Nếp sống tỉnh lẻ cũng chẳng phải là điều ông ước mơ.
Quay mặt vào lớp học, ông Olson bắt gặp ánh mắt của một cậu nhóc sinh viên họ Nguyễn, cái họ mà nơi nào có người Việt Nam thì ít nhất cũng có một người mang họ đó. Khi xưa, ông đã có thời chung sống với một người đàn bà mang họ ấy. Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Ông để ý thấy cậu nhóc thỉnh thoảng len lén nhìn ông. Nó tuổi độ 20, dáng người mảnh khảnh, tóc vàng, mắt xanh, da trắng, không chút gì Á Đông. Vì thế, ông rất ngạc nhiên lúc nó đưa tay, nói: “Here!” khi ông điểm danh, đọc tên Lượm Nguyễn vào buổi học đầu tiên. Khi ấy, ông nghĩ cậu Lượm là con của một ông Việt Nam nào đó có phối ngẫu là người bản xứ. Sau vài buổi học, nghe giọng tiếng Anh còn ngập ngừng của nó, ông biết mình đoán sai. Thế thôi, ông bỏ qua, không lưu ý đến nó nữa, cho đến giữa khóa học. Hôm ấy, ông cho lớp thực tập khoa ứng khẩu, không thông báo trước. Mỗi sinh viên bắt một lá thăm kín có ghi một chữ duy nhất là đề tài họ có năm phút để chuẩn bị và ba phút trình bày trước lớp. Ông dùng máy thâu hình các phần trình bày để lớp ghi nhận và cho ý kiến phản hồi trong lớp học tới. Một trong những nguyên tắc để thành công trong khoa ăn nói là chuẩn bị và thực tập. Tuy nhiên, cuộc đời là những chuỗi bất ngờ mà con người phải biết thích ứng. Ông muốn dạy sinh viên của ông điều này. Cậu sinh viên họ Nguyễn của ông trình bày về đề tài “Ước Mơ” không đầy ba phút nhưng những lời nói đứt quãng, đơn sơ của nó làm lòng ông đôi lúc xốn xang.
oOo
Kính thưa giáo sư Olson, thưa các bạn,
Tên tôi là Lượm, trong ngôn ngữ Việt Nam có nghĩa là “the found one”. Tôi là một sản phẩm của chiến tranh Việt Nam. Khi tôi vừa đủ trí khôn để nhận ra màu da, mái tóc mình không giống anh chị em trong nhà, cha mẹ tôi giải thích rằng ông bà lượm được tôi trong một ngày chạy loạn vào năm 1968. Lúc ấy, tôi độ chừng một tuổi, đang nằm khóc trên xác của một người đàn bà Việt Nam bị trúng đạn đã chết từ lúc nào. Người đàn bà xấu số này chắc là mẹ của tôi. Còn cha tôi phải là một người lính Mỹ viễn chinh nào đó
Kính thưa giáo sư, thưa các bạn,
Lá thăm tôi bắt được mang chữ Ước Mơ. Gì chứ mơ ước tôi có thật nhiều. Cha mẹ nuôi của tôi nghèo, lại đông con mà còn đèo bòng thêm tôi nữa, nên cuộc sống chúng tôi cơ cực. Tôi ước mơ có tiền ăn quà. Tôi mong được quần áo mới, được đồ chơi. Lớn lên trong chiến tranh, tôi mơ ngày không còn tiếng súng. Sau khi miền Nam thất thủ, tôi mong cơm không độn khoai, quần áo lành lặn, và được cắp sách đến trường. Là Mỹ lai, tôi được sang đây cùng với cha mẹ và anh chị em của tôi. Tôi rất mang ơn người Mỹ các bạn giàu lòng nhân ái giúp đỡ chúng tôi định cư tại xứ sở tự do, phồn thịnh này. Hiện chúng tôi sống đầy đủ, có căn nhà tiện nghi, có xe hơi đi đó đi đây, có việc làm, được đi học đến cấp đại học. Tôi thật không tưởng tượng nổi! Tuy nhiên, tôi còn có một ước mơ mà tôi chưa đạt được. Bao năm qua tôi sống trong tình thương, đùm bọc của cha mẹ và anh chị em tôi. Họ là núm ruột của tôi rồi. Tuy nhiên, cái tình máu mủ cứ thôi thúc trong tim tôi. Tôi mong có ngày gặp người lính Mỹ năm xưa đã cùng người mẹ xấu số của tôi tạo dựng nên thân xác tôi.
Kính thưa giáo sư, thưa các bạn, tôi đang sống trong ước mơ đó!
oOo
Ông Olson trở về bàn viết, đưa tay nhìn đồng hồ. Sinh viên còn hơn nửa giờ để nộp bài. Không biết làm gì để giết thời gian, ông mở cặp, định xem lại các ghi chú để hôm sau nhờ cô thư ký cập nhật các tài liệu giúp ông giảng dạy trên PowerPoint. Ông để tờ danh sách sinh viên sang bên, nhưng cái tên Lượm Nguyễn, thêm một lần nữa, đập vào mắt ông. Một mặc cảm khó tả từ lâu bị ông nén trong tâm tư bỗng trỗi dậy khiến ông có một suy nghĩ lạ. Phải chăng nó là đứa con rơi của ông? Không, không thể nào có sự trùng hợp lạ kỳ như vậy. Họ Nguyễn của người Việt cũng phổ biến trong đại chúng như họ Olsen của người Bắc Âu. Minnesota, nơi ông sinh trưởng, ngày xưa là tụ điểm của người di dân gốc Bắc Âu, có hàng vạn người mang họ Olsen hoặc Olson. Tuy nhiên, tâm trí của ông cứ ngang nhiên mang ông về những ngày chinh chiến xa xưa và người đàn bà họ Nguyễn. Ừ, Nguyễn Hương Cúc, có nghĩa là hương thơm của một loài hoa một thời ông âu yếm gọi là Daisy . . .
oOo
. . . Cầm tờ lệnh trình diện Bộ Chỉ huy Sư đoàn tại Đà Nẵng, Larry tưởng mình đang mơ. Sau hơn sáu tháng đóng quân ở căn cứ Phù Cát, anh đã quá chán ngán cảnh hàng đêm ngủ hầm, đã biết sợ những đêm đi kích ngoài căn cứ và những ngày hành quân ở các vùng lân cận. Địch cũng biết thân, không thể cự nổi hỏa lực hùng hậu của quân đội đồng minh, chỉ đánh du kích lẻ tẻ mà thôi. Tuy nhiên, những viên đạn bắn sẽ của địch quân làm Larry lo ngại nhất. Anh không bao giờ muốn mình trở thành một con số thêm vào bản thống kê thương vong. Cuộc tấn công vào căn cứ đêm ấy, lúc đầu Larry không biết địch có mục đích gì, vì cán cân hỏa lực quá chênh lệch. Khi nhớ đến bản tin anh đọc hôm trước trên báo Stars & Stripes về phái đoàn dân biểu, nghị sĩ phản chiến đang viếng Đà Nẵng trong chuyến “tìm hiểu sự thật”, Larry mới nghiệm ra địch muốn gây tiếng vang, họ đang đánh mặt trận tại Mỹ Quốc bằng cuộc đột kích chớp nhoáng này. Vừa tờ mờ sáng vị tướng tư lệnh đã đến thanh sát mặt trận để sửa soạn cho cuộc họp báo “phải có” sáng hôm ấy trước phái đoàn Quốc hội và đạo binh báo chí. Ông nổi tiếng là một người đi sát với binh sĩ nên Larry mới có dịp may ấy. Vị tướng dừng lại lô cốt, hỏi thăm John, một bạn đồng ngũ của Larry về trận tấn công. Anh chàng vốn ít nói, lại nhút nhát, lúng túng nói không suông câu. Larry vội vàng xin phép thế bạn, trả lời các câu hỏi của vị tướng về trận tấn công của địch và chi tiết cuộc phản công, trôi chảy và hấp dẫn đến độ vị tướng cho trình diện anh trước cuộc họp báo hôm ấy như một chiếc cúp sáng ngời, và sau đó cho bốc anh về Bộ Chỉ huy. Ông rất cần những thuộc hạ trẻ tuổi, lanh lợi, năng động như Larry để đương đầu với đội ngũ báo chí, nhiều khi nguy hiểm hơn cả địch quân, lúc nào cũng rình rập tìm kiếm hay dựng lên những tin tức sốt dẻo đưa ngay về Mỹ Quốc.
Ôi, những ngày công tác ở Đà Nẵng, những ngày Larry và các bạn cùng đơn vị gọi là những ngày vàng son. China Beach đầy ấp những quán bar rượu, những cô gái chiến tranh đã đem vào đời quá sớm, sẵn sàng dâng hiến, trao đổi thân xác lấy những đồng đô la xanh, đỏ. Tuy nhiên, Larry không phải là hạng người chỉ biết thỏa mãn tình dục đơn giản như thế. Với anh, mọi sự, mọi việc đều phải được chinh phục, phải có khó khăn anh mới thích thú, mãn nguyện khi đạt được. Cha anh, một thương gia bán xe hơi, đã dạy anh thế nào để đạt mục đích qua đầu môi chót lưỡi. Ông bảo con người là vậy, mặc dầu biết “ngọt mật chết ruồi”, nhưng ai cũng thích được đề cao, tâng bốc. Sau khi họ thích giao du, làm việc với mình, làm sao cho họ tin tưởng là thành công mình nắm trong tay. Ông cũng dạy Larry rằng, đa số đàn bà thích ngọt ngào, chìu chuộng, được săn đón, ngợi khen sắc đẹp, phải ghi nhớ điều này nếu muốn chiếm cảm tình của họ. Từ khi còn ở trung học, Larry áp dụng “chiến thuật” này với các bạn gái và anh đã đạt được không ít thành công. Anh còn khám phá ra điều cha anh không nói, đó là thỏa mãn tâm lý giúp tăng gấp bội khoái cảm thể xác. Quá nhàm chán những cuộc truy hoan vô vị với gái bán bar, Larry đi tìm đối tượng.
Larry không phải tìm đâu xa. Cách đôi ba ngày anh có nhiệm vụ liên lạc với bộ phận Tùy viên Báo chí của văn phòng Lảnh Sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng. Nơi đây có hàng tá nhân viên người bản xứ, đa số là phái nữ vì phần đông thanh niên Việt Nam thời ấy phục vụ ở chiến trường. Thật là “múa gậy vườn hoang”, Larry tha hồ chọn. Cuối cùng, anh chấm Daisy - Cúc - một phiên dịch viên phòng Báo chí, là đối tượng cho cuộc chinh phục tình yêu của mình. Anh chọn Daisy, không vì sắc đẹp mà qua nét kín đáo, điềm đạm của chị, khác xa với các cô gái bán bar, thân xác lồ lộ, luôn sẵn sàng thỏa mãn dục vọng của khách. Điểm thú vị nữa là chị lại trái ngược với các bạn gái người Mỹ thời trung và đại học của Larry. Các cô này luôn cởi mở, năng động, rõ ràng trong mối tương giao, tình cảm hay nhục dục, lâu dài hay qua đêm. Larry muốn tìm cảm giác mới lạ. Khi vào cuộc Larry mới biết cuộc phiêu lưu tình ái này có quá nhiều chông gai. Daisy chỉ giao thiệp với anh trong lãnh vực nghề nghiệp mà thôi, không bao giờ buông thả theo những câu nói bóng gió, ve vãn, tán tỉnh rất khéo của Larry mỗi lần anh đến văn phòng vì công tác hay “tình cờ” ghé qua. Càng khó khăn, Larry càng thích thú. Cho đến một hôm, Larry đánh một đòn tâm lý khá cao và anh đạt được bước chinh phục đầu tiên. Anh đóng vai một người trí thức yêu thích văn hóa nghệ thuật, hỏi Daisy một vài điều về thành nội Huế và cố ý bảo rằng anh đọc đâu đó một tài liệu nói kiến trúc cổ thành này hoàn toàn sao chép từ Trung Hoa. Anh đã thành công khi va chạm đến niềm tự ái dân tộc Việt. Và hôm ấy, Daisy phá lệ đi ra ngoài khuôn ốc của chị, thao thao giải thích cùng anh những nét đặc thù của văn hóa Việt, trong khi anh rất khéo đóng kịch, vẻ mặt khi ngẩn ngơ vì mù tịt về văn hóa Á Châu, khi thích thú vì những hiểu biết mới lạ về nền văn hóa đã thành hình từ bốn ngàn năm trước. Thật ra, Larry cũng rất quan tâm tìm hiểu về văn hóa Việt để tham khảo, dùng cho các bài viết của anh. Nhưng đó là chuyện khác. Ghé phòng Báo chí vài lần sau đó, Larry khéo léo nhờ Daisy hướng dẫn anh thăm viếng thành nội Huế, chỉ cho anh thấy tận mắt những vẻ đẹp cùng sự hài hòa với thiên nhiên của các đền đài cổ xưa này. Và Daisy đã sa vào cam bẩy ái tình của anh. Sự khéo léo, thông minh của Larry, cộng với bao kinh nghiệm trong tình trường, đã lần lần giúp anh chiếm được trái tim của chị. Và hai người đã chung sống với nhau như vợ chồng. Vài tháng trước khi mãn hạn phục vụ trong quân đội, Larry muốn chấm dứt cuộc tình với Daisy, nhưng anh không có can đảm nói ra vì mặc cảm tội lỗi – Chị đã quá tin, quá yêu anh trong khi anh chỉ xem mối liên hệ giữa hai người là một trò chơi qua đường, Trong những ngày tháng ấy, Larry sống lửng lơ, hưởng thụ, không quyết định, không giải quyết cái nợ tình cảm này. Trước ngày trở về Mỹ, trong đêm gặp gỡ cuối cùng, Daisy cho anh hay chị đã cấn thai. Larry bàng hoàng, nhưng anh dấu được nỗi thất vọng trong dự tính của mình, khéo léo đóng vai người tình chung thủy, hứa sẽ lo cho chị và đứa con tương lai. Không gì có thể làm hỏng cuộc vui đêm ấy! Và, một lần nữa, anh đã thành công.
Về đến Mỹ, đụng chạm với thực tế, Larry biết mình không thể làm gì khác hơn là quên đi cuộc tình trong chiến tranh ấy. Còn trách nhiệm, anh tự an ủi mình đã chu toàn vì sáng hôm sau, trước khi chia tay về Mỹ anh đã kín đáo để lại phong bì một ngàn đô la dưới gối của chị. Nếu Daisy là một người thức thời và biết lo cho tương lai của mình, chị hẳn nhiên có thể dùng số tiền để hủy cái mầm sống ấy. It takes two to tango!
Gần một năm sau, trong một đêm mất ngủ vì lương tâm cắn rứt hơn là niềm thương nhớ, Larry gửi một lá thư về Đà Nẵng cho Daisy, hỏi thăm chị và cho chị hay anh không còn ở Minnesota, mà đã di chuyển về California. Lá thư không được hồi âm . . .
oOo
Mặc dầu Lượm đã hoàn tất bài thi từ lâu nhưng anh cố tình ngồi lại bàn học, chờ người sinh viên cuối cùng nộp bài xong, mới rụt rè đến bàn viết của giáo sư Olson nộp bài của mình. Lượm nhìn ông Olson, ngập ngừng nói:
“Thưa giáo sư, tôi xin cám ơn những lời chỉ dạy của giáo sư trong khóa học vừa qua. Giáo sư đã rất kiên nhẫn với tôi vì tiếng Anh tôi còn quá kém . . .”
Ông Olson đứng lên, mỉm cười, bắt tay Lượm.
“Không có chi. Như tôi đã cho cậu nhận xét của tôi lúc giữa khóa, bài thực tập ba phút nói trước lớp của cậu rất súc tích và cảm động. Các bài viết của cậu cũng khá lắm. Cậu cứ tiếp tục như vậy, viết và nói với cả tấm lòng của mình là cậu thành công phân nửa trong việc truyền thông. Phân nửa kia, cậu cần biết nghe, để tìm hiểu đối tượng, xem họ có nhận được thông tin, có thành thật với mình hay không. Điều này đòi hỏi học tập và nhất là kinh nghiệm thực tế . . .”
Ông Olson bỗng chấm dứt câu nói, rồi ông nhìn thẳng vào mắt Lượm, hỏi:
“Chẳng hay cậu quê quán ở đâu? Miền Nam hay miền Trung Việt Nam vậy?”
“Dạ thưa giáo sư tôi lớn lên ở miền Nam Việt Nam, nhưng . . .”
Nghe đến đó, ông Olson khẽ thở phào nhẹ nhõm. Như vậy, thằng nhóc này không thể là đứa con rơi của ông. Và cũng vì thế ông không chú ý đến chữ “nhưng”. Ông ngắt lời Lượm:
“Ừ, tôi nghe nói miền Nam của cậu trù phú lắm, chứ không như miền Trung nghèo khổ, tai ương, nơi tôi phục vụ trong ba năm. Khi ấy, tôi đóng ở Phù Cát, rồi được rút về Đà Nẵng như tôi đã có lần kể cho lớp nghe. Tôi chưa bao giờ đặt chân tới miền Nam. À, hình như cậu muốn nói thêm điều gì đó phải không?”
“Dạ . . . dạ thưa không có gì quan trọng. Nhưng . . . thưa giáo sư, ông có thể cho tôi biết ông gốc gác ở tiểu bang nào không?”
“Minnesota. Tổ tiên tôi gốc người Na Uy, Bắc Âu. Ừ, mà . . . cậu hỏi gốc gác tôi chi vậy?”
Lượm nghĩ thầm, giáo sư Olson là người Minnesota, vậy ông không thể là người anh muốn tìm. Vì thế, Lượm quyết định không tiếp tục hỏi thăm ông Olson nữa.
“Dạ . . . cũng không có chi, tôi chỉ tò mò, thế thôi. Một lần nữa, tôi xin chân thành cám ơn giáo sư. Xin chào ông!”
“Chào cậu!”
Nhìn dáng thằng nhóc lủi thủi bước ra khỏi lớp học, ông Olson cảm thấy bùi ngùi, thương xót nó. Trong thời chiến tranh có hơn năm trăm ngàn người Mỹ phục vụ tại Việt Nam, hiện sống rải rác ở năm chục tiểu bang, làm sao thằng Lượm thực hiện được ước mơ của nó. Không lẽ gặp ai đã từng phục vụ ở Việt Nam nó cũng nghĩ người ấy có thể là cha của nó hay sao. Ông bước nhanh, theo gót Lượm, gọi lớn tiếng:
“Cậu Lượm!”
Lượm dừng bước, quay mặt lại, vừa đúng lúc ông Olson bắt kịp anh. Ông khuyên anh, giọng rất chân tình:
“Cậu Lượm, ước mơ của cậu . . . tôi xin mạo muội đề nghị như thế này . . . Thay vì đeo đuổi nó, cậu hảy để nó ngủ yên mà lo cho tương lai của mình. Hoa kỳ là xứ của nhiều dịp may cho những người . . . di dân như . . . như cậu - cần cù, nhẫn nại, ham học hỏi, cầu tiến. Thành công, hạnh phúc, phải chăng đó là điều mẹ ruột và cha mẹ nuôi của cậu mong muốn cho cậu? Còn người lính Mỹ, cha ruột của cậu . . .”
Ông Olson còn ngập ngừng, chưa kịp nói hết ý, Lượm bỗng hỏi:
“Thưa giáo sư, ông đã từng phục vụ ở Việt Nam, nếu ông có một đứa con rơi, ông có tìm nó không?”
“Câu hỏi của cậu thật khó cho tôi trả lời vì tôi nghĩ rằng tôi không có con rơi. Mà thôi, cậu hỏi thì tôi trả lời thật tình ý nghĩ của tôi, mong cậu đừng phiền lòng. Không dấu gì cậu tôi có những liên hệ tình cảm nhất thời trong những năm tháng chiến tranh ấy, cũng có thể tôi có một đứa con rơi, nhưng làm sao tôi biết được. Hơn nữa, sau bao năm nó có cuộc đời của nó, tôi có cuộc sống riêng của tôi, biết đâu mà tìm. Mà tìm kiếm có dễ gì đâu! Bao biến cố, bao năm tháng đã trôi qua . . . Bao thay đổi đã xảy ra . . . Bao phức tạp sẽ xảy đến . . . !”
Ông Olson bỏ lửng câu nói . . .
Lượm đứng lặng yên trong giây lát, xong anh mím môi, cười nhạt, bắt tay ông Olson.
“Cám ơn giáo sư đã tốt bụng mà khuyên tôi. Xin chào ông!”
Đoạn Lượm quày quả bước đi. Trong giây phút đó ông Olson chợt thấy ông vừa phá lệ, nói thật lòng mình, một cách bộc trực, và ông cảm thấy mình quá tàn nhẫn với thằng nhóc. Nó mơ ước gặp được người lính Mỹ cha của nó mà! Ông vội vã gọi Lượm:
“Khoan!”
Ông Olson rút vội từ ví một tấm danh thiếp, đưa cho Lượm.
“Nếu có cần tôi giúp việc gì xin cậu cứ liên lạc với tôi, đừng ngại!”
Lượm lí nhí hai chữ “cám ơn”, rồi bước đi, cất tấm danh thiếp vào túi quần. Tay anh chạm vào chiếc phong bì không ruột anh giữ thật kỹ từ ngày lớn khôn. Sau bao năm, chiếc phong bì còn lấm lem vết máu đã phai, chữ mất, chữ còn. Góc phong bì đề tên … Olson … California, người nhận là Nguyễn … Cúc … Đà Nẵng. Đó là chiếc phong bì cha mẹ nuôi của Lượm vội vàng lấy từ túi áo của người đàn bà xấu số ngày chạy loạn năm xưa, để làm tin. Sau biến cố 30 tháng Tư, vì lo sợ cho sự an toàn của gia đình mình, cha mẹ nuôi của Lượm đã đốt mất lá thư viết bằng tiếng Anh, chỉ giữ lại chiếc phong bì không ngờ sau này đã góp phần giúp họ định cư tại Mỹ. Hôm nay Lượm định đưa nó cho giáo sư Olson xem, nhưng cuối cùng anh đã không đưa vì . . . Lượm lẩm bẩm một mình, chua chát:
“Có ích gì đâu!” .
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )
NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Bi kịch của chiến tranh
Trả lờiXóa