Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Con diều giấy - Chu Sa Lan ( Songnhi.Blog )

 

Sáu ngồi dựa ngửa vào thân cây dừa xiêm. Mũi của nó nhăn nhăn vì cảm nhận được mùi gì là lạ.

– Mùi gì kỳ vậy ta… thơm quá…

Nó hít một hơi thật dài như cố hít hết thứ mùi là lạ đang phảng phất trong không khí nóng hừng hực của buổi trưa hè. Hít hít vài lần xong nó đưa mắt nhìn quanh quất như cố tìm xem cái mùi hương từ đâu theo gió thổi đến vì xung quanh nó tuy có nhiều cây cối nhưng lại là những thứ cây có bông mà lại có ít hương. Với lại nó là thằng con nít mới có 10 tuổi thì để ý làm chi tới chuyện bông hoa cây cỏ có hương có hoa. Mấy thứ đó mắc mớ gì tới nó. Bông hoa cây cỏ để dành cho mấy ông già bà lão ” nhàn cư vi bất thiện, ở không thì hay sanh chuyện ” mà. Cái câu này Sáu nghe được từ anh Bảy Bê. Thấy hay hay nó bèn học thuộc lòng rồi nhận là của mình và thường đem ra nói giỡn với đám con nít trong vườn. Tuy nhiên trưa nay, nằm dưới gốc cây dừa xiêm đầy bóng mát ngắm trời mây ruộng nước, nó lại thắc mắc về thứ mùi xa lạ cứ phảng phất vào mũi của mình.

– Mùi gì thơm quá… kỳ quá ta…

Sáu lẩm bẩm trong lúc ngước đầu nhìn vơ vẩn. Khi thấy quài dừa đang nở bông trắng xoá trên đầu của mình, nó hừ tiếng nhỏ cau mày lẩm bẩm.

– Hổng lẽ… hổng lẽ… hừ…

Không dằn được sự tò mò nó chỏi tay đứng dậy. Quài dừa chỉ cao hơn đầu nó một chút nên khi nhón chân lên thì cái mũi của nó cũng vừa ngang tầm với mấy cái bông dừa đang lơ lửng trong không khí. Bật cười hắc hắc nó buột miệng.

– Hèn chi… Mấy cái bông dừa mắc dịch…

Nói thì nói song nó lại nhón chân cho cao hơn để mũi của mình chạm sát vào quài dừa rồi hít lấy hít để.

– Má ơi… Mình đâu có ngờ bông dừa lại thơm như vầy…

Hít đã một hồi nó lại ngồi xuống dựa lưng vào cây dừa ngó mong ra xa. Đồng ruộng cỏ mọc xanh xanh. Phía bên phải chỗ nó ngồi là thửa vườn trái cây của nhà cô giáo Thâu. Cô cưng nó nhất. Khi được biết lý do cô giáo cưng mình thì nó khoái lắm. Hổng biết cô giáo Thâu có nói giỡn hay là nịnh nó không. Cô cưng nó vì nó khôn hơn mấy đứa học trò khác mặc dù nó cũng phá phách hơn. Thỉnh thoảng cô kêu nó qua nhà hái trái cây cho nó ăn. Bù lại nó cũng giúp cô bằng cách đi lấy ổ kiến vàng đem về để lên những cây quít trong vườn của cô. Nó được cô dạy rằng muốn cho cây quít có trái lớn, nhiều nước và nước ngọt thì phải có kiến vàng sống trên cây quít. Nó thì không hiểu tại sao cần phải có kiến vàng sống ở trên cây quít thì trái mới ngon.

Ngồi tựa lưng vào thân cây dừa Sáu cảm thấy bốn mí mắt của mình từ từ khép lại vì con buồn ngủ len lén bò vào. Cố hết sức nó cựa mình ngồi bật dậy rồi há miệng ngáp lớn. Nó cảm thấy chán và buồn vì không có việc gì làm cho vui cho qua hết thời giờ. Tiếng con cá lóc táp mồi dưới gốc cây khế khiến cho nó quay nhìn một cách thờ ơ. Câu cá, tát mương, mò cua, bắt ốc riết rồi nó đâm ra mệt với ba cái vụ đó. Từ lúc má nó dời nhà ngoài chợ về cái nhà lá cất lẻ loi trên miếng đất mới của bà nội cho thì nó ít đi ra chợ hơn. Đường từ nhà ra tới chợ xa gần cây số. Mỗi lần ra chợ phải cuốc bộ, nên ra tới nơi đã đói bụng rồi chỉ ở chơi một chút lại lội bộ về nhà lục cơm nguội, thành ra đi được vài lần nó hổng muốn đi nữa. Còn quanh quẩn khu nhà thờ này thì chẳng có gì chơi. Con nít ở đây, đứa thì nhỏ quá, đứa thì lớn quá, hổng có cùng trang lứa và hạp với nó. Đám con nít trong vườn như thằng Hết, Em, Biết thật thà và dễ bảo hơn đám con nít khu nhà thờ này. Cô thân độc mã nên nó không muốn gây sự với bất cứ đứa nào. Với lại quánh lộn hoài nên nó cũng chán. Thật tình mà nói thì nó cũng hổng ưa quánh lộn với con nít khác. Cái vụ thượng cẳng chân hạ cẳng tay này chỉ xài với mấy thằng con nít du côn du kề, ỷ lớn ăn hiếp nhỏ mà thôi. Nghĩ ngợi lan man Sáu cảm thấy mắt mình nhắm lại từ từ dù nó cố gượng mở mắt ra vì không muốn ngủ.

Biết cứ nằm một chỗ thì thế nào cũng rơi vào giấc ngủ, Sáu chỏi tay ngồi dậy rồi đi vòng vòng quanh cái ao rộng. Đây là cái ao mà người ta đào lấy đất đắp nền nhà rồi sẵn dịp má nó mướn đào sâu và rộng hơn để nuôi cá tra. Bà là người hay có sáng kiến song ít có kiên nhẫn theo đuổi và thực hiện cái sáng kiến của mình tới nơi tới chốn. Bà mua cá con về thả xuống rồi giao cho con cái đi hái rau muống về cắt nhỏ ra trộn với chuối cây và gạo lức nấu chín thành viên lớn bằng nắm tay để làm thức ăn cho cá tra. Mới đầu con cái còn hăng hái tham gia vì lạ và hổng có việc làm, sau đó cực quá nên hổng đứa nào hưởng ứng nữa. Thế là cá dưới hồ đói nhăn răng luôn và chết dần chết mòn trừ con nào mạnh mới sống được. Xung quanh bờ ao trồng đầy cây khế và cây so đũa để lấy bóng mát và dừa xiêm của bà ngoại mang lên trồng. Trời trong vắt và xanh một màu xanh lơ. Gió nhè nhẹ làm lắc lư rặng trâm bầu xa ngoài kia. Không có chuyện gì làm Sáu thơ thẩn bước từng bước chậm chạp dài theo bờ mẫu chạy đụng tới con rạch lớn. Nó là nhánh của rạch Bình Chánh hay sông Bến Tre chảy vào đây nên lúc nào cũng nhiều nước và sức nước chảy mạnh.

Vào mùa nước rong, toàn vùng hầu như ngập nước trừ một vài cái gò cao có cỏ mọc. Hai tay chấp sau đít, đầu ngước lên nhìn trời, Sáu bước chậm và đều. Được nửa đường thì tới một cái gò cao cỏ mọc tràn lan nhưng lại không cao lắm vì mấy đứa trẻ chăn trâu thường hay chơi ở đây làm cho cỏ không mọc cao lên được. Gần tới rạch lớn nên gió mát hơn khiến cho nó tỉnh cơn ngủ. Xa tít trên cao lơ lửng một con ó đang soải cánh lượn theo gió. Nhìn con chim Sáu ước gì mình được như nó để tự do bay trên trời. Đọc sách nó nghe nói tới máy bay nhưng chưa bao giờ thấy tận mắt hình dáng. Tuy nhiên nghe kể nó ao ước được ngồi lên máy bay bay về một phương trời xa thẳm. Nó chưa bao giờ được đi xa trừ một lần được đi thăm ba ở Nam Vang. Đó là chuyến đi xa nhất trong đời với nhiều cái mới lạ như ngồi xe lửa, xe đò, được ăn mía ghim, ăn kem chứ hổng phải cà lem cây. Kem ở Sài Gòn ngon vì có mùi thơm lạ và béo bùi hơn cà lem cây làm ở trên tỉnh. 
Mặc dù có gió thổi lai rai nhưng đang độ mùa hè nắng cháy da nên Sáu vẫn cảm thấy nóng. Đưa tay áo quệt mồ hôi trán nó nhìn con ó đang sải cánh lượn dật dờ trên cao như tìm mồi. Tuỳ theo vùng thì con vật đó có người gọi là diều hâu, chim bù cắt, chim ó. Nghĩ tới đó nó lại đâm ra lẩn thẩn tới hai tiếng ”ó đâm”. Tại sao người ta lại gọi là ó đâm. Kỳ quá. Tiếng gì kỳ cục quá… Ngước nhìn con diều hâu lượn trước mặt mình nó chợt bật cười hắc hắc.

– Rồi… mình nhớ ra rồi…

Dứt lời nó quày đầu chạy u một hơi về nhà. Cái mà nó vừa nhớ ra là thả diều, một trò chơi mà con nít nào cũng biết. Đám con nít trong vườn hổng biết thả diều vì ở trong vườn cây cối rậm rạp đâu có chỗ trống để thả diều. Phải ra đồng ruộng kìa mới có gió và trống trải cho diều bay cao. Vào tới nhà, cắm đầu xuống lu nước mưa ực một hơi no cành hông xong nó bước lẹ vào nhà. Gọi là bước lẹ vì nó phải nhón chân, bước êm để không gây tiếng động đánh thức chị Năm đang ngủ trưa. Muốn làm con diều nó phải có một vài thứ. Trước nhất phải có giấy. Giấy tập học trò làm cũng được song không đẹp và bền bằng giấy kiến có màu và dai hơn giấy tập học trò. Kế đó là cuộn dây để thả diều. Hai thứ đó không thể thiếu nếu muốn làm con diều coi cho được con mắt. Khung diều bằng trúc thì dễ rồi vì trước nhà đã có sẵn bụi trúc cây nào cây nấy cao trật ót luôn. Nhẹ kéo cái hộc tủ ra nó mỉm cười khoái chí khi thấy một xấp giấy kiến đủ màu. Len lén rút vài tờ nó lủi nhanh ra khỏi nhà trước khi chị Năm thức dậy. Giấu xấp giấy kiến vào bọng cây dừa, nó xách dao phai ra bụi trúc. Hì hục, nào chặt, chẻ, vót hồi  lâu nó mới làm xong cái khung. Chỉ cần dán giấy kiến lên là xong. Trở vào nhà nó pha bột gạo với nước lạnh quậy cho đều đoạn đun sôi để làm hồ dán giấy. Quá quen nên chút xíu là nó dán xong con diều giấy với hai cái tai và cái đuôi dài. Gật gù đắc ý nó máng con diều chưa làm xong lên cây đoạn đi làm một việc khó nhất. Đó là kiếm dây để thả diều. Nhà có chỉ may song nó không dám đụng tới vì sợ bị má la và sau nữa chỉ nhỏ nên dễ đứt lắm. Nó không muốn con diều của mình đang bay cao mà bị đứt dây. Đối với những đứa con nít thả diều nghề ở nhà quê thì diều đứt dây là một đại hoạ. 

Thứ dây tốt nhất là nhợ giăng câu vừa dai vừa bền nên không sợ bị đứt khi có gió mạnh.

Anh Tư của nó rỉ tai cho nó một bí mật là ở trên cao gió mạnh lắm nên muốn diều bay cao thì phải có nhợ chắc và bền. Lạng quạng là gió thổi diều bay tuốt luốt luôn. Vùng này đồng ruộng với sình lầy nên diều đứt dây thì kể như mất con diều. Gãi gãi đầu suy nghĩ trong lúc đi loanh quanh sau vườn, chợt thấy cây cần câu cắm cá lóc, Sáu reo lên tiếng mừng rỡ. Phải rồi. Năm ngoái anh Tư ở Sè Gòn về nhà có cho nó một cuộn dây câu mới tinh chưa có xài. Cái này thả diều thì hết biết. Bay cao tới cung trăng luôn. Lục lạo một hồi Sáu mới tìm được cuộn dây câu coi thì cũ mà còn chắc vì nó thử bứt cũng hổng đứt. Mừng rơn nó ôm con diều đã được cột dây, tất tả theo bờ mẫu ra khoảnh đất trống giữa đồng.

Gió thổi lai rai. Không cần chạy, con diều giấy cũng no gió bốc lên cao tức thì. Hai cái tai dài bay phất phới còn cái đuôi dài ngoằng lả lướt trong cơn gió đồng mát rợi. Nước những lớn vì mương dừa nước lên xâm xấp. Con diều no gió bốc lên càng lúc càng cao và tung tăng bay lượn giữa khung trời bao la. Đứng thả diều một hồi lâu mỏi chân Sáu, tay cầm cái ống nhợ đi dần dần về phía nhà của mình. Tới hồ nuôi cá tra nó cột con diều vào gốc cây khế xong bỏ vào nhà kiếm cái gì dằn bụng vì nhớ ra từ sáng tới giờ mình chỉ có ba bốn chén cơm nguội thôi. Mỗi khi nghe má nó than nuôi đàn con đang lớn tốn tiền quá thì bà ngoại lại cười nói con nít mới lớn ăn như thổi. Dù nhỏ nhít Sáu cũng biết má nó làm bộ than thở để xin tiền bà ngoại. Thương con, cắt ca cắt củm có bao nhiêu tiền bà đều xì ra cho con gái vì biết con gái cưng của mình vô phước có chồng mà chỉ được tiếng nâng khăn sửa túi chứ chẳng được bịt mắt móc túi chồng để ăn xài cho sướng tấm thân.

Xực tô cơm nguội với cá bóng dừa kho khô bự tổ chảng mà chỉ thấy lưng lửng bụng, Sáu bước ra ngoài sân đứng nhìn vơ vẩn. Nhà vắng tanh chẳng có ai. Má nó đi Sài Gòn thăm chị hai và anh tư chắc còn lâu lắm mới dìa. Đã quen với chuyện má vắng nhà nên chị năm, nó và Sơn có thể tự lực cánh sinh được. Gạo thì có sẵn trong lu. Tôm cá thì lủ khủ dưới ao, mương. Mỗi sáng nó cầm cần câu đi rảo một vòng thì đủ ăn rồi. Cá bóng dừa sống trong những bẹ dừa nước, con nào con nấy mập ú và trắng phau dòm thấy chảy nước miếng luôn vì nó mà kho tộ ăn với rau càng cua trộn giấm thì ngon hết biết. Ăn cá bóng dừa riết chán, nó cởi áo nhảy xuống mương nước lấp xấp ngang đầu gối, quậy đùng đùng một hồi là tép bạc, tép đất và tôm lóng ló đầu, nổi râu lên bắt hổng hết. Khi nào bắt được cá lóc hoặc tôm càng nó đem qua cho cô giáo Thâu. Bù lại cô cho nó trái cây ăn ê răng luôn. Thỉnh thoảng nó cũng đem qua cho chị sáu Nhũ làm nghề tráng bánh tráng ở bên cạnh và chị cho nó những cái bánh phồng, bánh tráng đã bể ra từng miếng. Chị sáu Nhũ tráng bánh ngon ơi là ngon. Khi nướng trên lửa than miểng gáo nó bốc mùi thơm thơm mà dòn rụm và béo bùi hết biết luôn.

Đang nhìn vơ vẩn Sáu chợt nhíu mày khi thấy có đứa nào đang đứng cạnh gốc cây khế nơi nó cột con diều giấy đang bay. Nhìn kỹ nó mới nhận ra đó là đứa con gái nhờ mớ tóc đen dài và chiếc áo bà ba màu vàng.

– Ai dậy ta… Đứa nào dậy ta?

Sáu lẩm bẩm trong lúc nhẹ bước theo từng thân cây so đũa, cây khế và thân cây dừa để ra chỗ gốc cây khế đang buộc con diều. Nó len lén đi vì muốn hù cho con nhỏ chạy quắn đít đặng cười chơi.

– Tại mày qua nhà tao mà hổng xin phép trước… Tao bắt mày tao trói vô gốc cây cho kiến cắn chơi…

Sáu lẩm bẩm trong lúc lần bước theo các thân cây tiến về nơi con nhỏ mặc áo vàng đang đứng. Tới cách chỗ con nhỏ đứng chừng ba gốc cây, nó dừng lại chăm chú nhìn. Mặc cái áo bà ba màu vàng, quần đen, đi chân đất, con nhỏ đứng im nhìn con diều đang bay trên trời. Gió đồng khá mạnh thổi tung mái tóc đen dài của con nhỏ bay bay. Sáu lẩm bẩm.

– Con nhỏ tóc dài ghê… Ban đêm trời có trăng mà nó mặc áo trắng, để tóc dài dám mình tưởng ma con nít hiện lên…

Không nhịn được Sáu bật cười song ngậm miệng lại thật nhanh. Tuy nhiên con nhỏ cũng nghe được tiếng cười của nó nên quay qua nhìn và nhoẻn miệng cười. Dù chỉ là nhoẻn miệng cười sao mà Sáu thấy nó có duyên tệ. Dù còn nhỏ song nó cũng thấy được nhiều người cười như má, chị hai, chị năm, chị sa, con Thêu… mà nó chưa thấy ai cười đẹp như con nhỏ này. Nụ cười tự nhiên chứ hổng phải làm duyên hay ỏng ẹo, hoặc giả bộ cười.

– Con diều của anh đẹp ghê… Anh cho em cầm một chút nghen anh?

Ôi câu nói sao mà nghe xong Sáu muốn cho con nhỏ luôn con diều của mình. Không trả lời câu hỏi, Sáu lại hỏi con nhỏ mà khi nghe xong con nhỏ lại gật đầu nhoẻn miệng cười.

– Em thích con diều hông?

– Dạ thích… thích ghê lắm… nhà em nghèo má em hổng có tiền mua cho em con diều mà em hổng biết làm…

Sáu khoái sự thành thật của con nhỏ. Nhiều đứa con nít nhà nghèo muốn cạp đất ăn thế mà mở miệng là khoe giàu sang đủ thứ. Con nhỏ này lạ ở chỗ hổng có mắc cỡ về nhà nghèo. Có lẽ nó còn nhỏ quá, thơ ngây chưa có mặc cảm về cái nghèo của mình. Như nó vậy. Nhà nghèo nên bị bên nội ghét bỏ. Bà nội mà con cháu giàu sang ở trên tỉnh hay Sài Gòn về thì bà cưng chiều. Bao nhiêu món ngon vật lạ, trái cây chín bà cho mang về ăn phủ phê, không bằng nó xin thì bà bảo ra gốc cây mà lượm. Nó nhớ và nhớ không bao giờ quên, một lần chú năm, con nuôi bà nội về ăn đám giỗ gì đó. Dĩ nhiên má nó phải có mặt và bà cũng phải cho con vào thăm bà nội. Chú năm ở Mỹ Tho, chạy xe mô tô nổ bành hạch mà nổ còn thua cái hống hách và oai quyền của chú. Thấy chiếc xe lạ nó lại gần ngắm nghía và săm soi sờ mó. Chát… nó ăn nguyên bạt tai nháng lửa, chảy máu miệng chỉ vì cái tội sờ mó chiếc xe của ông chú mình. Má nó phải xin lỗi chú năm. Nó không khóc mà đau, đau không phải vì cái bạt tay mà đau vì má nó phải hạ mình xin lỗi. Lúc đó nó thù, ghét chú năm tới độ mà sau này lớn lên, có thời gian ở tại Mỹ tho mà chẳng thèm lui tới. Má nó biết nó buồn nên mới nói như vầy: Con bị thằng nhổ răng (chú năm làm thợ nhổ răng) bạt tay, còn Hàn Tín phải luồn trôn thằng bán thịt. Con nghĩ ai nhục hơn ai? Câu nói đó làm cho nó suy nghĩ hoài và mỗi khi có bị ai chưởi mắng, đánh đập nó thản nhiên chịu đựng. Sắt được ông thợ rèn tôi bằng lửa thì sắt mới trở thành sắc bén cũng như người có bị bầm dập, đá lên đá xuống thì mới nên người.

– Anh cho em con diều đem về nhà thả cho vui…

Con nhỏ tròn mắt nhìn Sáu. Nó đoán con nhỏ ngạc nhiên.

– Dạ… em cám ơn anh… mà em đem về nhà cho má em coi rồi ngày mai em qua đây thả diều với anh. Ủa mà anh hổng có diều thì làm sao thả…

Sáu cười hắc hắc.

– Thì anh làm con diều khác… dễ ợt hà…

Con nhỏ gật đầu chăm chú ngó lên con diều đang bay lơ lững trên trời. Sáu cảm thấy ánh mắt của con nhỏ thật lạ. Nó không biết lạ như thế nào, chỉ biết là nó khác hơn ánh mắt nhìn của bất cứ đứa con nít nào mà nó đã gặp.

– Nhà em ở đâu dậy?

Sáu bắt đầu cuộc điều tra của mình. Cái tật của nó là vậy. Hể thích ai là nó quấn lấy người đó, dù có bị xua đuổi, xô đẩy nó cũng tìm cách tới gần.

– Dạ ở chỗ kia kià…

Con nhỏ chỉ tay về chỗ xóm nhà nằm kế bên nhà của chị Sáu Nhũ.

– Nhà em ở trên tỉnh rồi bây giờ dọn về đây. Cái nhà nhỏ xíu. Ở đây buồn quá… hổng có ai chơi với em hết…

Sáu gật đầu im lặng như cảm thông được cái buồn của con nhỏ vì nó cũng là đứa ở trên tỉnh dọn về đây. Chắc nhà con nhỏ cũng giống như mình, nhà giàu rồi hoá ra nghèo phải dọn về quê tá túc. Tự dưng nó thương con nhỏ mới biết này. Có lẽ vì đồng cảnh ngộ.

– Thì anh em mình chơi với nhau…

Con nhỏ quay nhìn Sáu đăm đăm.

– Thiệt hả anh…

– Ừ… anh nói thiệt mà… Anh thích chơi với em…

Con nhỏ cười toe toét phô hàm răng có cái răng bị rụng.

– Em cám ơn anh… Ở đây hổng có ai chịu chơi với em hết… Mấy anh lớn chê em nhỏ… Mỗi lần em lại gần là mấy anh đuổi em đi chỗ khác…

Giọng con nhỏ như có nước mắt làm cho Sáu nổi máu anh hùng. Giơ nắm tay lên nó nói với con nhỏ.

– Anh chơi với em… Đứa nào mà đuổi em đi chỗ khác anh dọng sặc máu mũi nó…

Con nhỏ cười híp mắt vì sung sướng. Đã có người chịu chơi với nó mà còn binh vực nó thì bảo sao nó không thích mê tơi. Giơ tay cầm lấy ống nhợ câu Sáu ấn vào tay con nhỏ.

– Con diều của em đó… Em biết thả diều hông?

Con nhỏ cười ngỏn ngoẻn lắc đầu.

– Dạ hông…

Sáu nghĩ thầm: ” trời đất… mê thả diều mà hổng biết thả diều… cái này lọa à ta…”. Dù nghĩ như vậy nó cũng cười dịu dàng nói với con nhỏ.

– Để anh chỉ cho em thả diều…

Bằng giọng của người anh, nó chỉ con nhỏ thu dây từ từ để kéo con diều xuống đất. Con nhỏ im lặng làm theo lời chỉ dẫn. Khi con diều được kéo xuống đất thì nó dẫn con nhỏ đi dài theo bờ đất rộng tới khoảng trống giữa đồng. Gió nhè nhẹ song cũng đủ làm cho cái đuôi và hai cái tai diều bay phất phới. Con nhỏ reo hò cười hắc hắc khi nó mở ống dây câu và con diều bốc lên cao.

– Ui… ui… đẹp quá… Nó bay lên anh ơi…

Sáu cười vui lây cái vui mừng của con nhỏ. Đứng thả diều một hồi hai đứa mới đi dần dần về phía hồ cá. Con nhỏ vẫn nắm chặt lấy ống nhợ câu có con diều bay lượn trên không. Đang thả diều con nhỏ chợt lên tiếng.

– Em phải đi về thôi má em trông…

Sáu gật đầu bảo con nhỏ kéo diều xuống đặt nằm trên mặt đất rồi chỉ cách cho nó xếp con diều lại để cầm trên tay.

– Em đem về khoe với má em đi rồi sáng may qua đây mình thả diều chung với nhau…

Nhoẻn miệng cười con nhỏ bước đi. Tới lúc nó khuất bóng Sáu mới chợt nhớ ra là chơi với nhau cả buổi mà hai đứa hổng có đứa nào biết tên đứa nào. Cú lên đầu mình cái mạnh sáu lẩm bẩm.

– Mình ngu quá… hổng biết tên nó rồi biết đâu mà tìm…

Mặt trời đứng bóng. Ở trong nhà nhìn ra Sáu thấy bóng con nhỏ chạy lúp xúp trên bờ đất đầy cỏ xanh rồi con diều bốc lên cao. Đi dài theo bờ đất quanh hồ cá nó nghe tiếng cười thỏa thích của con nhỏ khi thấy con diều phất phới bay. Tới đứng trước mặt Sáu, con nhỏ cười.

– Má em coi con diều rồi. Má em khen nó đẹp… Má em cho phép em chơi với anh…

Sáu cười híp mắt. Chợt nhớ ra điều gì nó hỏi liền.

– Em tên gì dậy?

– Dạ tên Ngoan. còn anh tên gì vậy?

– Anh tên Sáu…

– Em mấy tuổi?

– Dạ tám tuổi. Còn anh mấy tuổi?

– 10 tuổi…

– Anh Sáu hổng có diều rồi làm sao anh Sáu chơi với em…

Sáu lắc đầu.

– Thì anh ngồi đây ngắm em thả diều. mình thiếu gì trò chơi…

Ngắm nghía Ngoan thả diều hồi lâu Sáu đâm ra chán. Riêng con Ngoan thì chưa. Nó có đủ trò với con diều của mình như thu dây lại thật nhiều rồi bất thình lình buông ra làm cho con diều lảo đảo như bị đứt dây rơi gần tới đất mới theo gió bốc lên cao. Lần đầu nó làm Sáu không để ý nên tưởng con diều bị đứt dây bèn la lớn.

– Ngoan… ngoan… diều đứt… diều đứt dây rồi…

Tới chừng nghe con nhỏ cười hắc hắc nó mới bật ngửa là con nhỏ giỡn chơi. Vừa quê vừa buồn cười nó nghĩ.

– Con nhỏ này cũng rắn mắt dữ…

Giỡn với con diều một hồi có lẽ mệt, Ngoan tới ngồi cạnh Sáu nơi gốc dừa xiêm

– Em khát nước… để em chạy về nhà uống nước…

Sáu lên tiếng.

– Nhà anh nước thiếu gì…

Hai đứa đi bộ vào nhà uống nước vừa xong thì Ngoan lại kêu đói bụng làm Sáu phải đốt lửa nướng bánh tráng, bánh phồng cho nó ăn rồi trở ra chỗ thả diều. Chạy nhảy thả diều một hồi mệt, Ngoan tới ngồi dựa vào Sáu ngủ gà ngủ gật. Tội nghiệp nó đỡ con nhỏ nằm gối đầu vào lòng mình mà ngủ. 

                                                         ***
Con Ngoan khóc mùi mẩn khi biết là anh Sáu của nó sẽ bỏ nó vì sẽ dời lên trên tỉnh. Rồi đây không còn ai chơi với nó nữa. Sẽ không còn ai binh vực nó, dẫn nó đi học nữa. Rồi đây không còn ai thả diều với nó nữa. Không có Sáu, quãng đồng rộng sau nhà sẽ vắng bóng con diều bay phất phới. Hai đứa ngồi im nơi bờ hồ nhìn ra đồng vắng. Trên cao con diều bay phất phới. Sáu buồn nhiều hơn vui. Dù mới quen nhau có mấy tháng song nó thấy mến và thương con Ngoan như đứa em gái bé bỏng của mình. Nghe con Ngoan sụt sùi Sáu vỗ về.

– Em đừng khóc… anh đi mai mốt anh về thăm em…

– Chừng nào anh về…

Sáu lặng thinh. Đó là câu hỏi nó không trả lời được. Làm sao một thằng con nít như nó có thể biết được khi nào trở lại đây.

– Anh đi xa em nhớ anh…

Con Ngoan đưa tay áo lau nước mắt. Sáu cười nói nhỏ.

– Em nhớ anh thì em gởi thơ cho anh…

– Gởi bằng cách nào…

Sáu im lặng nhìn con diều giấy đang bay lơ lững trên cao. Trong óc nó nãy ra ý nghĩ.

– Anh chỉ cho em cách gởi thơ. Em viết thư rồi gắn vào con diều rồi nó sẽ bay lên tỉnh đưa cho anh…

Để làm cho con Ngoan tin tưởng, Sáu kể chuyện ngày xưa người ta dùng chim bồ câu đưa tin với nhau. Con Ngoan mừng lắm vì có cách để nói chuyện với Sáu khi hai đứa xa nhau. Sáu còn chỉ cách cho con Ngoan viết và gởi thư nữa. Nó xé giấy thành miếng nhỏ tròn tròn rồi viết ” Ngoan… anh nhớ em…” xong xé miếng thư gắn vào sợi nhợ. Gió cuốn miếng giấy bay lên cao và biến mất luôn. Con Ngoan vỗ tay reo nghĩ lá thư mình gởi anh Sáu đã nhận được. Theo cách của Sáu làm, nó viết ” Em cũng nhớ anh anh Sáu… ” rồi gởi lên nhờ con diều bay lên tỉnh trao thư cho anh Sáu.

– Khi nào muốn gởi thư cho anh em cứ thả diều bay lên rồi nó sẽ đem thư tới cho anh. Nhận được thư anh sẽ trả lời cho em…

                                                          ***

Mừng lắm con Ngoan không còn khóc nữa. Một tháng sau Sáu bỏ con Ngoan theo gia đình dời lên trên tỉnh. Hai đứa chỉ ở cách xa nhau chừng mươi cây số song không bao giờ gặp lại. Từ dạo ấy, dù ở bất cứ nơi nào, mỗi lần nhìn thấy con diều bay trên trời cao, Sáu lại nhớ tới con Ngoan. Nó nhớ những lá thư mà hai đứa gởi cho nhau bằng con diều giấy trong đó có câu ” em thương anh… anh sáu của em…” được viết bằng ngòi viết lá rong nguệch ngoạc trên giấy kẽ hàng. Con nhỏ chắc cũng như con diều giấy, không biết trôi dạt về phương nào.
Chu Sa Lan

  1. songnhiblog

    Ngày Xưa Ơi !

    Có cánh diều nào chở giúp tôi không ?
    Kỷ niệm của ngày xa xưa ấy
    Vót từng nan tre , tỉ mỉ cắt giấy
    Dán những cánh diều nuôi dưỡng ước mơ

    Có chuyến xe nào đưa tôi về ấu thơ
    Long nhong tắm mưa vô tư cười nói
    Thời con nít chưa biết điều giả dối
    Tâm hồn nhẹ nhàng như nắng ban mai .

    Hiện diện ở chốn nao giữa cuộc đời này
    Miền hoa cỏ , yên lành tươi thắm
    Nơi người ta không cần lớn, không ưu tư chìm đắm
    Hồn nhiên chơi trò cút bắt năm, mười

    Phải chi có chiếc hộp chứa được nụ cười
    Cùng trò chơi ô quan, cò nhảy
    Tôi sẽ chẳng khi nào mở ra đâu. Thật đấy !
    Để tâm hồn mãi trong trẻo thơ ngây .

    Chiều hôm qua, mới chiều hôm qua thôi
    Hay tin cô bạn cũ trở về cát bụi
    Tim đau nhói dù cố tự mình an ủi
    Ừ, lại kết thúc một chuyến rong chơi .

    Nhớ nhung quá đỗi …



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KÍNH MỜI ĐỌC VÀ HỌA THƠ "ĐÔNG VỀ'"của HỒ NGUYỄN

  ĐÔNG VỀ Lằng lặng Đông sang vóc héo gầy, Thu buồn rời xóm hút heo mây. Phòng cô đơn dáng hiu hiu quạnh, Ngõ vắng lơ thơ tuyết rớt đầy. Thỏ...