Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

MÙA GIÁNG SINH - Đào Ngọc Phong


Mùa Giáng Sinh
( Đào Ngọc Phong)

Thời gian qua mau như giòng sông chảy xiết, nhưng không cuốn trôi mất kỷ niệm vui của tôi về Lễ Giáng Sinh năm 2021.
Tôi ở trong nhà dưỡng lão được hơn hai năm rồi. Năm tôi sáu mươi chín, bất ngờ bị vấp té, đầu gối tôi yếu hẳn, từ đó đi đứng khó khăn; con trai tôi khuyên mẹ vào nhà dưỡng lão có dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt. Căn nhà của mẹ sẽ cho thuê để có tiền trả cho nhà dưỡng lão, tọa lạc quanh vùng Little Sài Gòn, để tôi còn dễ liên lạc vói cộng đồng người Việt.

Chuyện kể thì đơn giản như thế, nhưng hai năm sống một mình trong căn phòng nhỏ của viện dưỡng lão, tôi mới cảm nghiệm nỗi trống vắng mà không một ngoại cảnh nào lấp cho đầy được. Các cô y tá, y công, các nhân viên hành chánh, nhà bếp, ai cũng nhã nhặn dễ thương; phòng sinh hoạt có TV với đủ mọi chương trình hấp dẫn; hàng tháng có những đoàn thanh niên thiện nguyện đến trình diễn ca hát múa diễn rất hay, phòng sinh hoạt đầy tiếng cười vui. Tôi hòa mình vỗ tay, cười nói vui vẻ với những bạn lão niên đồng viện.

Nhưng khi trở về phòng một mình, thì tôi lại chìm vào những khoảng trống trong đó tôi lơ lửng như không biết bám vào chỗ nào để đứng vững; có khi tôi cảm thấy bị hút vào một hang sâu, cứ bay đi tuồng như không có đáy cùng; hoặc có khi tôi rơi vào một giòng suối chảy xiết sắp đến bờ dốc trở thành một cái thác mà tôi không sao cưỡng lại được.

Thường những tâm cảnh đó làm phát sinh những tình cảm sợ hãi, âu lo, hay ray rứt ăn năn một lầm-lỡ nào trong quá khứ.

Để xóa tan hay chạy trốn những tình cảm đó, tôi rời phòng ra công viên, ngồi trên ghế đá. Khung trời mây vút trên cao, ôm những tàn cây rậm-rì, xanh ngắt làm tâm tôi dịu dần, êm ả hơn. Nhìn những con chim sâu xinh- xinh chập-chờn bay từ nụ hoa này sang nụ hoa kia, tôi nhớ khu vườn nhà của cha mẹ tôi trong vùng ngoại ô yên tĩnh của Sài Gòn xưa. Tôi bình tĩnh nhìn rõ tâm mình, tự phân tích tại sao tôi hay bị những khoảng trống làm cho sợ hãi.

Cha tôi là bác sĩ quân y cho một đơn vị quân đội, tử trận trong biến cố Mậu Thân 1968, năm tôi mười tám tuổi vừa tốt nghiệp trung học. Mẹ tôi vốn có sẵn một tiệm may quần áo tại nhà, nhưng sức khỏe bà yếu, nên tôi phải bỏ học làm thay bà. Chính nhờ chăm chỉ học nghề của mẹ, vừa theo sáng kiến riêng của tuổi trẻ mà cửa hàng may của mẹ phát đạt. Nhưng năm 1980 bà mất sau một cơn bệnh. Tôi đã ba mươi tuổi rồi, lập gia đình với một kỹ sư cơ khí, vốn cũng là bạn học xưa. Suốt năm năm, vợ chồng tôi chuẩn bị tàu bè máy móc đầy đủ, lại vừa sinh cháu trai đầu lòng, nên quyết định ôm con ra đi với tàu riêng, chỉ cho vài gia đình thân nhất đi theo. Làm ăn cũng có đồng ra đồng vô, tại sao phải mạo hiểm như thế? Chồng tôi giỏi nghề máy, nhưng có biết gì về nghề đi biển? Có lẽ tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện mà bố tôi kể lại.

Bố kể ông nội, vốn xa xưa là lính của cụ Đề Thám, chỉ có vài sào ruộng, nhưng cũng bị đấu tố là địa chủ, chết trong tù. Trong kháng chiến những năm 50, bố bị liệt vào hàng trí thức tiểu tư sản, phải bỏ về thành rồi di cư vào Nam. Về phía chồng tôi, thì cha có cửa hàng máy móc gia dụng cũng bị kết án là tư sản bóc lột, nhà cửa gia sản bị tịch thâu. Chúng tôi đều thấy đời sống bấp bênh, nên quyết định ra đi.

Nhưng khi đến đảo thì chồng tôi bị bạo bệnh chết. Tôi một mình ôm con sang Mỹ lập lại cuộc đời năm 1990.

Ôn lại giòng đời đến đây, tôi bỗng thấy một tia sáng lóe lên trong trí. Có lẽ kho nước mắt dùng để khóc ba người thân đã cạn trong tôi rồi. Tâm hồn tôi hình như đã khô như đá tảng, tôi lạnh- lùng xử trí với tha nhân, với việc đời.

Đặt chân lên đất Mỹ, với tiền và tay nghề có sẵn, tôi bắt tay ngay vào việc mở cửa hàng quần áo, may mặc. Tôi làm việc ngày đêm, trước mặt tôi chỉ có tiền và công việc; tha nhân chỉ là công cụ của tôi. Khi cửa hàng mở rộng, tôi mướn nhân viên làm việc cho tôi như làm việc với một vị tướng. Tôi độc đoán, chỉ ra lệnh cho nhân viên phải thực hiện, không có tranh cãi; tôi luôn luôn bảo vệ, bào chữa cho bản ngã tôi; tôi tự nghĩ mình không bao giờ sai lầm; có gì lầm lỗi, sai trái trong cửa hàng, tôi luôn đổ lỗi trước hết cho một nhân viên nào đó, hay cho một nguyên nhân bên ngoài. Nhân viên nào dám cãi lại lệnh tôi, tôi sa thải liền. Tôi luôn giữ nguyên tắc : một đồng tôi chi ra thì phải đáng gíá một đồng. Hầu như ít khi nào tôi khen ưu điểm của một nhân viên, luôn luôn thấy họ có một khuyết điểm gì đó làm hại đến danh tiếng của cửa hàng.

Có một hôm, một anh nhân viên giỏi, lâu năm, đột ngột nói ngày mai anh ta sẽ đi làm hãng khác, anh ta đã chịu đựng tôi quá lâu. Trước khi giã từ, anh xin phép tôi nói lên vài cảm nghĩ : “Bà chủ là một phụ nữ giỏi, nhưng cầu toàn đến mức phi lý; bà luôn luôn muốn vạn sự như ý của bà. Có người muốn đưa sáng kiến làm cửa hàng phát triển hơn, nhưng bà gạt phắt; chỉ một lỗi nhỏ mà bà la hét, tuồng như đó là cái cớ để bà tấn công một con người, hay là để trấn áp một mặc cảm gì nặng nề trong tâm bà. Bà tự ban cho mình duy nhất có quyền kết án người khác; chỉ vì bà sợ hãi nhìn lỗi lầm của mình. Bà suy nghĩ đi. Cám ơn bà đã giúp tôi học được một nghề, và cho tôi một bằng cấp tâm lý học thực tiễn không cần học đại học. Xin chào bà.”

Tôi choáng-váng vì mất một người cộng tác giỏi-giang, không kịp kiếm người thay thế. Sau vụ đó, tôi tự phản tỉnh; cách cư xử mềm mỏng hơn, bao dung hơn, tiền thưởng rộng rãi hơn. Nhưng cái tính độc đoán của tôi không chừa được.

Giòng tâm tư của tôi bị cắt ngang vì một tiếng cười trẻ thơ vang lên từ cổng vào của viện. Hai vợ chồng trẻ đi ngang qua tôi cúi đầu chào, hỏi thăm bác vẫn mạnh khoẻ chứ ạ. Hai năm rồi chúng tôi quen nhau, vì cứ nửa tháng họ vào thăm mẹ đều gặp tôi. Tôi tươi cười cảm ơn hai vợ chồng, cháu trai giơ tay vẫy tôi, cười nhỏn-nhẻn. Tôi thầm nghĩ bà cụ có phước, có con cháu thăm nuôi đều. Còn tôi cô quạnh, mặc dù cũng có con trai, có con dâu, có hai cháu nội, một trai một gái.

Tôi lầm rồi; có lẽ anh nhân viên nói đúng; tôi có một mặc cảm nặng nề; cách xử lý việc đời như trong cửa hàng, tôi lại áp dụng vào con trai tôi. Tôi luôn tự bào chữa, con tôi phải theo lệnh tôi thì đời mới không hư hỏng. Tôi luôn nhắc nhở nó khi lớn lên con phải học ngành y, như ông nội của con, mẹ sẽ nuôi con cho đến khi ra bác sĩ, sau đó phải về Việt Nam tìm vợ.

Hết trung học, quả là nó vâng lệnh tôi, ghi tên học lớp chuẩn bị cho ngành y ở một tiểu bang khác. Tôi vui lắm, gởi tiền bạc đầy đủ cho con khỏi lo. Nhưng sau hai năm, tôi bỗng nhận được thư của nó gởi từ một căn cứ hải quân Hoa Kỳ, nói con thấy không thích hợp với nghề y sĩ; từ nhỏ con đã có mộng hải hồ đi khắp thế giới, hiện đang theo khóa huấn luyện cơ bản, kèm vài tấm hình chụp một thanh niên rắn-rỏi, da sạm đen trong bộ quân phục.

Cơn giận bùng lên bất ngờ, tôi xé nát lá thư và những tấm hình. Tôi viết ngay một thư nói con đừng về gặp mẹ nữa; mẹ không coi con là con của mẹ , mẹ cắt mọi thứ tiền bạc.

Việc đó xảy ra khi tôi 55 tuổi, và con tôi 20 tuổi. Những năm sau đó, quả là nó không về, nhưng cứ vài tháng, tôi nhận được một bì thư, có lá thư thăm sức khỏe mẹ, cùng một xấp hình chụp ở những quốc gia khác nhau. Tôi hết giận con rồi, vì tôi nhớ con vô cùng, mỗi khi nghe người hàng xóm cười nói vui vẻ đón con cháu về những dịp lễ Việt hay lễ Mỹ. Tôi hối hận đã để cơn giận mù quáng khiến tôi viết lá thư từ con. Hối hận như vậy, nhưng tôi vẫn tự bào chữa cái lý của tôi, tự ái, không viết thư trả lời con. Tôi cất những bì thư của con vào một ngăn tủ cẩn thận, thỉnh thoảng lấy hình con ra coi.

Những đêm nằm nhớ con, tôi dần dần thấy tại sao tôi cứ cột chặt vào mình cái tâm tự ái, cao ngạo, cố chấp, ngay đối với con ruột duy nhất của mình; tôi đã mất cha, mất mẹ, mất chồng, sao nay lại ngu xuẩn đẩy con đi xa, lỡ ra sông nước hiểm nguy… Có phải tôi tự mình làm mình trở thành kẻ cô quả; số mệnh nào đâu, tự mình thôi. Tôi vùng dậy, viết ngay một bức thư dài, gởi cho con, nói mẹ xin lỗi con đã bỏ bổn phận làm mẹ; mẹ có lỗi với ông bà nội, với cha con.

Một tuần sau, con tôi gọi điện thoại trực tiếp cho tôi, hai mẹ con cùng khóc. Nó nói sẽ sắp xếp về thăm mẹ. Tôi như hồi sinh từ một cơn bạo bệnh. Tôi viết thư thường xuyên cho con, tưởng như nó vẫn ở bên tôi. Nhưng những chuyến hải trình liên tiếp chưa cho nó dịp nào về nhà.
Tám năm, 2013, đúng là con tôi xa mẹ tám năm rồi, nó đã 28 tuổi, hình như nó đã là một sĩ quan hải quân trong bộ phận truyền tin điện tử. Tôi nhận được một bì thư con tôi báo tin sắp thành hôn với một thiếu nữ Mỹ, con gái của một vị thuyền trưởng. Hình chụp hai đứa đẹp đôi quá, cô gái trông thật xinh đẹp. Tôi mừng rỡ gọi liền cho con, nói mẹ sung sướng được cô con dâu xinh xắn như thế. Tôi quên bẵng khi trước muốn bắt con tôi về Việt Nam tìm vợ. Đúng, nó có cuộc đời riêng của nó, tôi không thể can thiệp vào, theo ý muốn độc đoán của tôi.
Hai đứa làm đám cưới ở một quốc gia nào đó; rồi cứ năm này qua năm khác, gởi thư về kèm những hình ảnh hai đứa cháu nội của tôi lớn dần lên ở những hải cảng khác nhau; cho đến khi hai vợ chồng được thuyên chuyển về Mỹ, ổn định đời sống cho hai cháu đi học.
Tôi chỉ nhìn thấy chúng qua hình ảnh; đúng, nỗi niềm cô quả của tôi là cái giá tôi phải trả cho cơn giận mù quáng của tôi. Đâu có phải như ai nói, nữ tuổi dần chịu cảnh cô quả?
Thiếu gì quí bà tuổi dần mà con cháu quây quần đầm ấm ?

Khi tôi vấp ngã trên bậc cầu thang vào năm 69 tuổi, con tôi mới bay về một mình lo cho tôi vào nhà dưỡng lão, lo cho thuê căn nhà. Rồi hơn hai năm nay, tôi vẫn cô đơn trong căn phòng nhỏ của viện dưỡng lão, chỉ sống với con cháu qua hình ảnh.
******************************************
Khi tôi dự thi quốc tịch, tôi đã đổi tên Mỹ là Emma cho dễ dàng trong việc kinh doanh. Trong viện dưỡng lão có một cô y tá người Việt, thường đến chích thuốc cho tôi. Một lần gần Tết, cô mang biếu tôi một hộp bánh đủ thứ mứt kẹo, cô nói : “Bác Emma ơi, cháu thương bác quá, bác không có ai thăm, hai năm rồi “. Tôi cảm ơn cô, nhưng không nói đó là lỗi tại tôi; tôi rơm-rớm nước mắt nói con cháu sống ở nước ngoài, khó về thăm mẹ, thăm bà.
Mùa Giáng Sinh năm 2021. Ngày 23 tháng 12, trong khi các phòng khác tấp nập người thân đến thăm các cụ, thì phòng tôi yên ắng. Khoảng buổi trưa, cô y tá đến thầm thì với tôi, bác sắp có tin vui rồi, ban giám đốc sẽ tổ chức một buổi lễ tặng quà Giáng Sinh cho những cụ neo đơn. Tôi cám ơn cô đã báo tin, nhưng tôi cảm thấy hững-hờ, y như khi tham dự những chương trình văn nghệ của các cháu thiện nguyện mỗi chủ nhật. “Vui là vui gượng kẻo mà”.
Quả nhiên, vào buổi chiều, bà giám đốc đến phòng tôi, xin phép ngồi ghế đối diện tôi, tươi cười nói : “Thưa bà Emma, ban giám đốc trân trọng mời bà trưa mai 24 đến phòng sinh hoạt dự buổi lễ tặng quà Giáng Sinh. Trong viện chúng ta, có năm cụ lâu không có thân nhân thăm viếng; nên năm nay chúng tôi tổ chức tặng quà, mong đem lại chút niềm vui cho các cụ; 12 giờ trưa mai, nhân viên sẽ đưa bà ra phòng, xin bà vui lòng trang phục đẹp nhá”. Tôi tỏ ra vui vẻ cám ơn nhã ý của ban giám đốc, hứa sẽ ăn mặc thật đẹp. Bà giám đốc cáo từ; bà luôn luôn lịch sự, nhã-nhặn.
Tôi không cảm thấy nóng lòng chờ đợi buổi lễ, chỉ nghĩ đó là một nghi thức xã giao, hay …..là một cách quảng cáo kinh doanh.
Phòng sinh hoạt hôm nay được trang trí rực rỡ, với cây Noel sáng choang đèn lấp lánh, những dây hoa xanh đỏ, một hình tượng ông già Noel to như người thật, nhạc Giáng Sinh vui phát ra từ bốn góc tạo nên một bầu không khí lạc quan yêu đời. Có năm chiếc ghế bành bọc vải hoa đủ màu dành cho năm cụ. Không hiểu sao, tôi được ngồi ghế giữa.

Trên bàn dài đối diện, tôi thấy bày bốn gói quà lớn bọc giấy màu trông hấp dẫn.

Vì quen với việc buôn bán, tôi tự hỏi, có năm cụ, mà sao chỉ có bốn gói quà. Nhưng ý nghĩ thoáng qua rồi biến đi không có câu trả lời, khi bà giám đốc trong trang phục lễ hội tiến vào cùng với hai cô nhân viên trẻ đẹp. Bà trang trọng chào mừng quí khách, nói lý do buổi lễ, giới thiệu tên tuổi từng cụ, trong những tràng pháo tay vui vẻ. Sau đó bà xin thay mặt ban giám đốc viện trao quà tặng cho từng khách mời.

Lần lượt bốn cụ hai bên tôi nhận quà từ hai cô nhân viên; bốn gói quà trên bàn đã được trao. Còn lại mình tôi, bà giám đốc bỗng cao giọng nói : “Thưa bà Emma, hôm nay chúng tôi sẽ dành cho bà một món quà đặc biệt”.

Mọi người ngơ ngác nhìn quanh xem món quà đặc biệt nằm đâu.

Bỗng cửa phòng phía sau mở ra. Tôi giật thót mình, tưởng như trong mơ. Con trai tôi, Benjamin; vợ nó, Isabella; cháu nội trai, Oliver; cháu nội gái, Everly xuất hiện trong trang phục lễ hội sặc sỡ dần dần bước tới, cúi chào ban giám đốc, chào bốn cụ, rồi đến trước tôi.

Tôi chết sững. không biết phản ứng thế nào; thì Isabella, Oliver, Everly chạy tới ôm lấy tôi, nói bằng tiếng Việt lơ-lớ giọng Mỹ.

Isabella : “Con dâu Isabella chúc mừng mẹ Mùa Giáng sinh an lành vui vẻ”

Oliver : “ Cháu Oliver chúc mừng bà nội Mùa Giáng Sinh an lành vui vẻ”

Everly : “ Cháu Everly chúc mừng bà nội Mùa Giáng Sinh an lành vui vẻ”

Tôi không kềm được cảm xúc, khóc òa, ôm lấy ba mẹ con : “Mẹ, bà nội cám ơn các con, các cháu”.

Cả phòng rộn lên tiếng vỗ tay, tiếng nhạc, tiếng hát Giáng Sinh; Benjamin nói lời cám ơn ban giám đốc đã đứng ra tổ chức một buổi đoàn tụ gia đình mùa Giáng Sinh thật là cảm động.

Ban nhà bếp dọn đồ ăn lên. Gia đình tôi ngồi riêng một bàn. Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, xúc động, không cầm muỗng dĩa, mà chỉ nhìn các con các cháu, tràn ngập niềm hạnh phúc mà suốt đời tôi chưa từng cảm nghiệm. Benjamin nói, suốt cả tháng nó đã luyện cho ba mẹ con câu chúc tiếng Việt. Benjamin đã đưa sáng kiến tặng quà cho các cụ neo đơn, đã chi hết tiền bạc nhờ ban giám đốc tổ chức buổi lễ hôm nay.

Benjamin xin phép ban giám đốc cho bà Emma vắng mặt nửa tháng để cùng gia đình đi một chuyến cruise trên Thái Bình Dương.

Giáng Sinh 2022 sắp đến; Benjamin báo sẽ về cùng vợ con, mời mẹ đi du lịch Âu Châu ba tuần. Tôi chỉ biết cám ơn các con, các cháu và cuộc đời đã cho tôi hạnh phúc những năm cuối đời.

Đào Ngọc Phong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...