Phương thức hiệu quả ‘chữa trị’ căn bệnh mất ngủ: thực hành thái độ vị tha
Hẳn nhiều người đã từng trải qua những lần trằn trọc thâu đêm, cố gắng tìm đến giấc ngủ bằng mọi cách. Và trong khi nằm nghe âm thanh tích tắc như “đếm” thời gian trôi của chiếc đồng hồ cạnh giường, chúng ta tuyệt vọng chờ đợi cảm giác buồn ngủ sẽ đến. Trên thực tế, một phần ba người dân Mỹ cho biết họ bị mất ngủ ít nhất vài đêm một tuần.
Có đến hàng tá lý do vì sao chúng ta mất ngủ. Bắt đầu từ độ tuổi thiếu niên đến khi trưởng thành và già đi, ta dễ dàng rơi vào những cái “bẫy” dẫn đến tình trạng mất ngủ, chẳng hạn như: xem chương trình tivi hoặc lướt web quá giờ đi ngủ, dùng vài tách trà hoặc uống cà phê vào buổi chiều, quá lo lắng về công việc, bị thất tình, đau khổ…
Nhiều người cho rằng việc trải qua một đêm dài mất ngủ không phải là điều gì to tát, nhưng thật sự nó gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe và tinh thần cho chúng ta. Quan trọng hơn, chúng ta không có cảm giác vui vẻ, tích cực, cũng như không còn đủ năng lượng để đón chào một ngày mới.
Phương thức độc đáo chữa trị chứng mất ngủ: thực hành thái độ vị tha
Bạn có thể đã thử những cách như đếm cừu, nghe nhạc thiền cho dễ ngủ, đọc sách cho đến khi buồn ngủ, làm việc đến khi thể xác mệt mỏi và chỉ muốn nghỉ ngơi… Dù sao, những phương pháp này cũng chỉ là giải pháp tạm thời và không thể giải quyết vấn đề từ “gốc rễ”, nếu không thì bạn đã có thể… ngủ và không còn lo lắng về chứng mất ngủ của mình nữa, phải không?
Tuy nhiên, có một cách khác mà bạn có thể xem xét, để “tống khứ” “con quái vật” mất ngủ này từ “bản chất” của nó: đó là hãy nhìn nhận lại các vấn đề và các mối quan hệ của bản thân mình một cách thực chất và tích cực nhất, từ đó thực hành thái độ vị tha.
Gần đây, một nghiên cứu về chủ đề trên đã được tiến hành với sự tham dự của 1.423 người Mỹ trưởng thành. Những người tham gia phải trả lời các câu hỏi khảo sát về tình trạng giấc ngủ của họ trong vòng 30 ngày gần nhất, tự đánh giá sức khỏe bản thân và mức độ hài lòng với cuộc sống của mình.
Đồng thời, họ được yêu cầu xem xét về hai khả năng: tự tha thứ cho bản thân vì những sai lầm trong quá khứ và tha thứ cho người khác vì đã làm tổn thương họ.
Kết quả cho thấy những người dễ tha thứ dường như ngủ ngon và sâu hơn, họ có sức khỏe thể chất tốt hơn và cũng cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống. Điều này đúng trong cả hai trường hợp: những người vị tha với người khác hoặc những người bao dung với chính mình.
Dẫn đầu nghiên cứu trên là Giáo sư Loren Toussaint thuộc Đại học Luther, ông đã viết: “Tha thứ cho bản thân và người khác có thể giúp mỗi người chúng ta bỏ qua những hối tiếc và lỗi lầm trong quá khứ, đồng thời tạo một bước đệm tinh thần quan trọng cho hiện tại, từ đó bắt đầu duy trì một giấc ngủ ngon”.
Thật vậy, những người thường xuyên “gặp rắc rối” với giấc ngủ có thể kiểm nghiệm rõ điều này, khi bạn có quá nhiều thứ để lo lắng, tức giận, đổ lỗi, hối tiếc… tâm trí chúng ta sẽ chẳng khi nào được nghỉ ngơi.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn cho biết thêm rằng, khi không sẵn sàng buông bỏ, chúng ta có xu hướng trì hoãn, “nuôi dưỡng” những suy nghĩ và cảm giác khó chịu, tiêu cực đó. Điều này dẫn đến việc chúng ta có thể phát triển những ảo tưởng về sự tổn thương, tập trung mọi chú ý vào những đau khổ và suy nghĩ lặp đi lặp lại về nỗi mất mát của chúng ta.
Cuối cùng, sự phẫn nộ hoặc cay đắng sẽ được hình thành và lấp đầy trong tâm trí bạn, từ đó làm giảm chất lượng giấc ngủ và hạnh phúc của chúng ta.
Một tâm hồn thoáng đãng không có chỗ cho chứng mất ngủ
Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành thái độ tha thứ. Trên thực tế, khi chúng ta càng buông bỏ được những suy tưởng quanh các vấn đề rắc rối, thì giấc ngủ của chúng ta càng tốt hơn và dẫn đến sức khỏe tổng thể được cải thiện.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã tuyên bố quan điểm chính của mình: “Nếu việc duy trì thái độ vị tha có thể giúp mọi người đối phó với gánh nặng tâm lý và những cảm xúc tiêu cực bằng cách giải phóng tâm trí, thúc đẩy trạng thái tinh thần thư thái hơn, thì quả thực sự tha thứ tác động đến giấc ngủ theo những cách có ý nghĩa nhất”.
Rõ ràng là, những người có xu hướng vị tha, khoan dung cũng là những người có đời sống tinh thần lành mạnh, phóng khoáng hơn, và họ thường có giấc ngủ ngon hơn. Do đó, việc thực hành thái độ vị tha mang tính tích cực, cũng là sự khích lệ tinh thần rất hữu ích cho bất kỳ ai.
Tống khứ những suy nghĩ, cảm xúc phụ diện có thể không phải là một biện pháp đơn giản, nhưng cách này không chỉ giúp bạn tránh được những đêm dài thao thức, mà còn có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn vào ngày hôm sau.
Văn học phương Tây có một câu nói nổi tiếng rằng: “Ta không nên tranh cãi về quá khứ. Trong tương lai, tôi hy vọng chúng ta luôn đồng ý với nhau”.
Sự thông cảm là điều cần thiết trong bất kỳ mối quan hệ xã hội nào. Khi phải đối mặt với tổn thương, hiểu lầm, phản bội, khinh thường hay sỉ nhục, điều quan trọng là chúng ta có đủ dũng khí và cảm thông để tha thứ hay không.
Sự vị tha chính là chiến lược khôn ngoan nhất để hoàn thành mọi việc, đó là biện pháp của tâm hồn để giữ gìn hạnh phúc gia đình, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp… và đương nhiên, với một tâm hồn bình yên, hòa ái như thế, chúng ta chắc hẳn sẽ có một giấc ngủ ngon hơn.
Tác giả: Sophie McMullen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét