Bộ mặt thật của “Beethoven Nhật Bản” Mamoru
Samuragochi và “người viết nhạc thuê” Takashi Niigaki đằng sau cú lừa chấn động
nền âm nhạc Nhật Bản.
Nổi danh thế giới với bản Hiroshima
Symphony - nhạc phẩm tôn vinh các
nạn nhân trong vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima năm 1945 và bản Symphony No.1, tháng 2 vừa qua nhạc sĩ Mamoru
Samuragochi - người được gọi là “Beethoven Nhật Bản” bị phanh phui đã thuê
người sáng tác nhạc trong suốt 18 năm nay trong khi bản thân nhạc sĩ này không
viết nổi một bản nhạc nào và ông cũng không hề bị điếc như lâu nay ông vẫn giả
vờ bị khiếm thính từ năm 35 tuổi. Ngày 7-3 mới đây, Mamoru
Samuragochi tổ chức họp báo chính thức thừa nhận sự dối trá của mình và xin
lỗi công chúng.
Dối trá bậc thầy
Để che giấu sự thật suốt 18 năm qua, Mamoru Samuragochi hẳn nhiên
đã biết đánh bóng bản thân mình một cách cực kỳ khôn khéo. Theo trang web chính
thức của Samuragochi và từ nhiều nguồn tin khác nhau, chúng ta có thể biết rằng
ông được sinh ra tại Hiroshima và bắt đầu học nhạc từ năm bốn tuổi. Ông học
piano rồi sau đó là violon, sáo và đã viết được nhạc lúc lên năm. Là một người
thành đạt từ quá trình tự học đáng khâm phục, là một người không thích âm nhạc
hiện đại, Samuragochi đã có thể sáng tác bản giao hưởng đầu tiên của mình lúc
17 tuổi, cũng là năm mà ông có những triệu chứng bệnh đầu tiên về thính giác và
những cơn đau đầu kinh khủng.
Đúng là không thể chối cãi được, căn cứ vào những chi tiết trên
thì Mamoru Samuragochi là một tài năng thiên phú. Hơn nữa khi được biết vào năm
35 tuổi, ông bị điếc hoàn toàn nhưng từ đó ông lại có khả năng xác định và chơi
được những nốt nhạc “một cách nội tại”, tức không cần có các yếu tố bên ngoài
tác động vào. Có vẻ chứng điếc là một dịp may hiếm có cho Samuragochi chăng?
Năm 2001, công chúng đã chính thức nhìn nhận tài
năng của ông. Chính tạp chíTime nổi tiếng của Mỹ đã dành
hẳn cho Mamoru Samuragochi một bài viết dài. Trong đó Samuragochi đã tự nhìn
nhận mình có đặc điểm giống với Beethoven: “Tôi có thói quen sáng tác trong ẩn
dật và không để cho mọi người biết. Điều khiến tôi buồn nhất là tôi không thể
nghe được ban nhạc đang chơi các tác phẩm của tôi. Nhưng tôi sáng tác không
phải để dành cho riêng tôi mà để mang lại hạnh phúc cho người khác”. Và kết
luận: “Tôi tự lắng nghe bản thân tôi. Nếu bạn tin vào khả năng bẩm sinh về cảm
thụ âm thanh của mình, bạn sẽ sáng tạo ra được những âm thanh đúng như vậy. Mất
thính giác là một món quà của tạo hóa dành cho tôi”.
Bản Giao hưởng Hiroshima số 1 của Mamoru Samuragochi, dài 80 phút với ba
chương, đã được Dàn nhạc Giao hưởng Tokyo trình diễn vào năm 2008 trước đông
đảo đại biểu đến từ tám cường quốc hàng đầu thế giới. Một thành công lớn! Và
sau đó khi phát hành đĩa CD, Mamoru Samuragochi đã phát biểu một cách rất tình
cảm: “Tôi hy vọng rằng khán thính giả cảm nhận được bóng tối của sự tuyệt vọng
nhưng đồng thời cũng nhận ra được rằng đang có một tia sáng dịu dàng của hy
vọng đang đến”.
“Beethoven Nhật Bản”
thật sự, anh là ai?
Đó là Takashi Niigaki - người đàn ông 43 tuổi trong bộ dạng còm
cõi, đồng thời cũng là một giảng viên đại học.
Đúng là Takashi Niigaki “sống trong cái bóng của Mamoru
Samuragochi” đã được 18 năm. Một con người vô danh đối với công chúng nhưng giờ
đã nổi danh. Với vẻ bề ngoài rụt rè, Niigaki cuối cùng đã quyết định nói lên sự
thật. Ông kể đã gặp Mamoru Samuragochi vào năm 1996 và đã chấp nhận làm một
chân “trợ thủ” cho “ông chủ”: “Chính khi ông ấy bắt đầu xuất bản các tác phẩm
của chúng tôi dưới tên của ông ấy thì tôi đã cảm thấy khó chịu. Nhưng tôi cũng
cảm thấy hạnh phúc khi âm nhạc của tôi được công chúng ái mộ”. Niigaki có lẽ đã
sáng tác được hơn 20 tác phẩm cho Samuragochi và đã được nhận thù lao tổng cộng
7 triệu yen. Song điều gây sốc hơn cho công chúng lại chính là việc “nghệ nhân
trong bóng tối” này khẳng định rằng “ông chủ” Samuragochi không hề bị điếc.
“Ông ấy đã lắng nghe các bản nhạc của tôi rồi cho đánh giá và cả lời khuyên” -
Niigaki nói. Thế rồi Niigaki dường như đã không còn có thể chịu đựng được nổi
hành động gian trá này của “ông chủ” sau khi biết được vận động viên trượt băng
Daisuke Takahashi đã sử dụng một đoạn nhạc của mình tại Olympic Sochi. Ông
không muốn Daisuke Takahashi phải bị dính vào vụ bê bối này. Thế là Takashi
Niigaki đã phải lên tiếng sau gần 20 năm vô danh.
Sau cú lừa, không biết đến bao giờ Samuragochi mới “có đủ sự vững
vàng tâm lý” để xuất hiện trước công chúng, trong khi Niigaki hy vọng sẽ tiếp
tục dạy học, sáng tác nhạc và biểu diễn.
TƯỜNG NGUYỄN tổng hợp
Còn
lâu mới tha thứ
Tại
Nhật, đây là vụ bê bối quá nghiêm trọng. Kênh truyền hình NHK trước đây đã
từng phát sóng một bộ phim tài liệu ca tụng nhà soạn nhạc giả mạo này thì giờ
đây đã phải xin lỗi khán giả. Hãng sản xuất đĩa nhạc của Mamoru Samuragochi
cũng bày tỏ sự “sững sờ” và “giận dữ” đối với ông. Công luận Nhật Bản hẳn khó
mà chấp nhận lời xin lỗi của ông ấy cho dù luật sư của Mamoru Samuragochi
phát biểu rằng thân chủ của mình “gặp khó khăn trong tư duy và không thể diễn
đạt chính xác các suy nghĩ của mình”.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét