Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Truyện ngắn của Đoàn Hửu Hậu

      

 Truyện Ngắn Đoàn Hữu Hậu

Cầm mấy tấm bằng tốt nghiệp Nguyễn Bá Học ngắm nghía, đắc ý cười thầm. Anh ta được xếp loại giỏi , một thứ hạng mà toàn khóa chỉ có 5 người trong hơn bốn trăm sinh viên khoa xã hội học của trường đại học xã hội và nhân văn. Bá Học tin chắc mẽm rằng với tấm bằng loại giỏi nầy anh ta sẽ làm quan ở một Công ty hoặc cơ quan Nhà Nước nào đó, chí ít thì cũng là Trưởng, phó phòng. Anh rất đổi tự hào vì mình đã làm rạng danh dòng họ vốn xưa nay người giỏi lắm cũng chỉ biết chữ nhép nhem. Rồi đây mọi người trong làng Heo May sẽ phục anh sát đất. Nghỉ tới ngày vinh quang ấy anh sướng rên người lên, quên đi những năm tháng gian khổ “ ăn mắm hút dòi” ở trường đại học.

                                             ****

Trời vừa tảng sáng từ đầu làng cuối xóm, bà con ì ục kéo nhau đến nhà ông Bảy Việt. Vì hôm qua được ông đi đến từng nhà mời bà con ăn tiệc, mừng cho thằng con trai út đậu cử nhân. Gia đình làm thịt con heo ngót trăm ký, đặt 50 lít rượu gốc quyết thiết đãi bà con một đám tiệc linh đình. Đám thanh niên tiếp tay che rạp, mượn mười bộ bàn tròn, son nồi chén bát, giống y như là đám cưới. Khách tới, đồ ăn dọn ra, mọi người ngồi vào bàn, ăn uống no say .Ai ăn xong uống nước ra về. Cứ như thế hết tốp nầy đến tốp khác.
 

Giữa nhà là cái bàn dài dành riêng cho mấy ông gìa. Ông Ba Lý trong bộ đồ bà ba đen óng mượt, đầu búi tóc củ tõ, người học hết lớp nhất trường ngà ngà say đứng lên:

- E hem!... Thưa bà con. Tui xin thay mặt chủ nhà tuyên bố lý do rằng hôm nay Bảy Việt mừng cho thằng con trai út Tèo... Ủa quên ... Nguyễn bá Học. Tèo là tên ở nhà... Nó vừa đậu cử nhân!...Xin cho một tràng pháo tay!...

Mọi người đồng vỗ tay. Ba Lý cao hứng cất giọng tiếp:
- Bà con cứ ăn uống thoải mái, gia chủ không nhận bất cứ quà cáp nào, coi như đây là tiệc ăn mừng!...Cử nhân mà!... bà con biết hông!...Ngày xưa làng nào có người đâu cử nhân, là cả làng phải ra tận ngoài cổng xếp hàng để nghênh tiếp.Làng phải tổ chức đình đám ăn mừng!... Đậu Cử nhân là ra làm quan liền. Còn ai không chịu làm quan thì dân làng cũng tuân phục tôn vinh. Ông Phan văn Trị , đậu cử nhân người ta gọi là “ Cử Trị ”đó. Ông ấy không chịu làm quan nhân dân cũng tôn vinh, nghĩa quân đi theo ùn ùn. Còn ông Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân thống lĩnh nghĩa quân cả ba tỉnh Nam kỳ chống Pháp!... Thấy hông! Cử nhân là vậy đó! Ngon lắm chớ bộ giỡn sao!...

- Nói gì tới cử nhân . Tú tài thôi cũng ngon rồi! Tiếng của Tư Sự xen vào:

- Ông nội tôi kể, ông Trần Tế Xương mới đậu tú tài thôi, mà dân cả nước phải đều khâm phục, về thơ trào phúng của ổng!...

- Thôi được rồi ! Nghĩa là ngoài mấy ông Tiến sỹ, thì cử nhân, tú tài là những người tài giỏi hàng thứ hai ,ba. Bà con ta phải trân trọng! Tui nói vậy phải hông bà con ?

- Phải rồi !... Tiếng mọi người đồng thanh.

- Bây giờ xin mời nâng cốc!...Dzô !

Ông Bảy vui vẻ ra mặt, đi từng bàn cụn ly với khách, miệng lúc nào cũng tươi như hoa. Bà Bảy đi lại lăng xăng xung quanh bàn của các bà,cũng cụng ly như ai. Nhưng nếu tinh ý, thì dễ nhận ra trên khuôn mặt bà có cái gì héo hắt.
****

Bá Học xách cặp da, hăm hở bước vào phòng làm việc Uỷ ban nhân dân xã Hoà Tiến. Ông phó chủ tịch xã phụ trách kinh tế đang cặm cụi viết cái gì đó trên bàn. Anh ta bước chầm chậm lại gần rồi chậm rãi, lễ phép:

- Cháu nghe nói Nhà nước có chế độ khuyến khích, cho những sinh viên nào tốt nghiệp đại học về vùng sâu công tác ?

- Ai nói?... Nghe ở đâu?!...

- Dạ nghe đài... Vừa nói Bá Học vừa móc trong cặp da ra mấy tấm bằng.

- Cháu vừa tốt nghiệp đại học, định xin công tác ở xã...
 

Phó Chủ tịch xã khoát tay :

- Ở đây đủ người rồi! Mà cũng không cần đại học làm gì!... Mấy hôm trước có cái ông kỹ sư nông nghiệp nào đó, về đây chỉ bảo trộn ba cái thuốc trừ sâu tầm bậy tầm bạ. Sâu không chết mà còn sanh thêm tùm lum tùm la, dân chúng la ó om sòm!... tui đuổi đi rồi!...Đại học gì còn thua bà Tư Mập bán thuốc trừ sâu ngoài chợ. Học mới lớp hai thôi. nhưng chỉ cần nói lúa bị phá hại như thế nào, là bà ta đưa ngay loại thuốc, rồi chỉ dẫn vanh vách cách sử dụng, hiệu quả 100%. Đó thấy chưa có cần gì quái gì đại học kỹ sư, bác sỹ!... Ờ mà quên ...xã nầy cần bác sỹ heo bò ...

- Sao à!?...Bá Học trố mắt ngạc nhiên.

- À ! thì là bác sỹ trị bệnh cho heo, bò...người ta gọi là bác sỹ thú ý ấy mà!...

Bá Học ngán ngẩm thở dài, nhét mấy tấm bằng vào cặp da từ gỉa bước ra.
 

Đứng trước cơ quan đồ sộ, có tấm biển đề “ Viện nghiên cứu xã hội”, Bá Học lầm thầm “món ruột” của mình đây, rồi vội vả bước nhanh vào cổng. Theo chỉ tay của người bảo vệ, anh nhẹ tay gỏ cửa. Không ai mở cửa, anh tự xoay tay vặn ổ khóa, rồi xô cánh cửa, rón rén đi vào. Cạnh góc tường là cái bàn làm việc đồ sộ. Trên bàn là đóng hồ sơ, giấy tờ cao chồng ngọng, ngổn ngang những thứ vật dụng văn phòng phẩm, một cach mất trật tự. Chiễm chệ giữa bàn là người đàn ông trạc 50 tuổi, không cân xứng chút nào với cái bàn ông ngồi. Hai gó má bự sệ xuống, cái trán ngắn ngủn, đầu nhỏ xíu, lại tóc hớt cao, không cân xứng chút nào với khuôn mặt bình thường của một con người. Trước mặt ông, là tấm bảng to lớn, hầu như che khuất cái mặt của ông bằng mê-ca có khắc chữ : “Trưởng phòng tổ chức”. Bá Học bước tới cúi đầu, khe khẻ:

- Thưa bác ! Cho cháu gởi đơn xin việc làm!...Ở đây có cần nhận người không ạ!...

- Cần !...Nhận, nhưng có đủ điều kiện hông ?! Trưởng phòng nói mà không thèm nhìn người đối diện ra sao.

- Dạ ! điều kiện gì à?!...

- Tốt nghiệp đại học loại giỏi,bằng C ví tính, bằng C Anh văn!...có hông?.
 

- Dạ thưa có ạ! Vừa nói Bá Học vừa lôi những thứ giấy tờ ấy ra từ trong cặp da. Nhẹ nhàng để lên bàn
 

- Dạ giấy tờ đầy đủ đây thưa bác!

Trưởng phòng trợn mặt, rung rinh đôi má bầu.

Lướt mắt nhanh qua ba tấm bằng ,ông nói: “ Được rồi để đây, tôi nghiên cứu sau . s Bây giờ chú có thể ra về !... ”

Bá Học từ giả bước ra. Còn lại một mình Trưởng phòng. Ông ta cầm lật qua lật lại mấy tấm bằng. Ông kéo học tủ lấy ra một sấp bằng cấp, rồi lấy kính hiển vi soi lên từng tấm bằng . Ông làm như thế một hồi lâu, một cách tỷ mỷ, thận trọng. Trông ông ta có vẻ thất sắc, lắc đầu, chặt lưỡi: “Cái nầy mới đúng là bằng thật . Hoa văn nó sắc xảo hơn, màu nó đậm hơn hẳn cái bằng gỉa của mình với mấy thằng cơ quan!...” Ong ta lấy tiếp cái bằng C vi tính, bằng C Anh văn lên so sánh, rồi chặc lưỡi... lầm thầm:“ Mẹ nó! kiểu nầy không khéo lộ hết !...
 
****

Rảo nhanh trên đường định tìm cơ quan xin việc, chợt nghe có ai gọi tên mình, Bá Học quay mặt sang thì nhận ra Hùng, người bạn học cùng mấy năm trời ở trường đại học. Hùng thắng xe máy, chở Bá Học chạy thẳng đến cơ quan mình . Thì ra nơi đây chính là nơi Học đã xin việc không được trước đây. Bá Học kể lại chuyện xin việc trước đây. Hùng nghe quan tỏ thái độ bực bội, tự giới thiệu mình là cháu của Chú Ba Trưởng phòng tổ chức và hứa sẽ xin cho Bá Học làm ở cơ quan nầy.

Hùng lên thẳng phòng ông chú vào đề ngay:

- Chú ba! Cơ quan mình đang thiếu người. Chú nhận cái thằng hôm trước đến đây xin việc. Nó là bạn học của con...

- Ai bảo mầy thiếu .Thiếu nhưng mà thừa. Vừa nói ông nhìn chằm chằm vào Hùng

- Nghĩa là sao ?!

- Thiếu là thiếu người làm việc. Còn thừa là thừa biên chế trong danh sách .

- Là sao !?

- Mầy thắc mắc nhiều quá!... Nầy nhé thằng Tậu con anh Hai, thằng Quan con chú Sáu, thằng Bơm cháu cậu Năm đang học đại học là cán bộ trong biên chế của cơ quan nầy!

- Sao lạ vậy?!

- Lạ làm sao !...Thì nó cũng như mầy ! Đưa vào biên chế rồi cữ đi học.

- Nhưng mà tụi nó không có bằng đại học sao thu được?!

- Thằng ngu nầy lộn xộn quá! Thì mua! Hồi đó mầy có bằng đại học đâu. Cũng phải mua cho mầy... Mấy thằng nó cũng vậy !

- Nhưng bây giờ con có bằng thật rồi!
 

- Bằng thật của mầy cũng không thể sử dụng được!

- Tại sao?!...

- Vì cái bằng của mầy đưa vô, một là khác năm tốt nghiệp lúc đưa mầy vào biên chế. Hai là chính cái bằng ấy làm người ta nhận ra mấy bằng gỉa của cơ quan nầy. Tao thấy mấy cái bằng thật của thằng bạn mầy hôm trước rồi...Giữ cái đó, lỡ có thanh tra bằng cấp,chết toi cả lũ ! Chính mấy cái bằng thật nó giết cả đám mấy cái bằng gỉa ở đây !...Biết không con!...Ê mà bằng đại học làm gì mậy?! Mầy định đem nó ra hù tao đó hả?! Hồi nào giờ trung cấp,hoặc không bằng cấp nào người ta cũng làm ăn ngon lành, chết thằng nào! Dẹp mấy cái vụ đại học đó đi! Cho mầy đi học đã , bây giờ bày đặt xổ đại học ra đây! Mầy là cháu tao, chớ thằng nào...toi mạng rồi!...
Hùng im lặng rút lui.
 
                                      ****

Công ty phân bón đầu trâu đang cần người,thông tin rao vặt mà tình cờ Bá Học nghe được. Không bỏ qua cơ hội, anh nhanh nhẹn mang đơn đi xin việc.
 

Không cần xem mặt mày hồ sơ ra sao ông Phó phòng phán ngay:

- Ngày mai anh có thể làm việc!...

Bá Học như rớt tim ra ngoài. Anh ta mừng quá muốn nhào lại ôm chầm lấy người cán bộ tốt bụng đang ngồi chểm chệ trên bàn giấy. Ông phó phòng hất hàm nói

- Anh sẽ làm bộ phận vô bao đóng gói !... Được chứ!? ...

- Dạ miễn sao có việc làm là được. Bất kỳ việc gì !....

- Được !.... vậy là tốt!...

Bá Học được vào làm tổ đóng bao bì. Mấy ngày đầu Bá Học cố gắng hết sức, năng suất vô bao bì cũng tăng lên. Đến ngày thứ mười anh ta không chịu nổi nửa rồi. Dây chuyền của anh chỉ có 4 người. Một người đã bỏ việc ,3 người còn lại trong tổ phải kiêm luôn công việc của anh ta. Tay chân Bá Học giờ đây giở không lên, nó muốn rụng rời ra. Trong khi đó Quản đốc chấp hai tay sau đít, cứ đi tới đi lui la hét:

- Làm việc đi chứ!... Nghỉ mệt hoài!....Làm ăn kiểu nầy sao được!... Bộ muốn nghỉ việc à !?...

- Chú Hai ơi!...Cháu mệt quá!...Làm không nổi nửa rồi!...Xin cho cháu!...Bá Học van nài.

- Lên gặp phòng tổ chức nói chuyện! Ở đây tôi chỉ biết quản lý các cậu!...Rõ chưa!... Mệt cũng phải gáng!... Mai tính!...

Sáng hôm sau hai chân run run Bá Học uể oải lên phòng tổ chức
 

- Cậu xin làm bảo vệ hả?! Ông phó phòng rít một hơi thuốc thật dài rồi nói tiếp:

- Nhưng bộ vó gà tre của cậu mà làm bảo vệ gì!

- Thưa chú ! Bảo vệ là gát cửa giữ nhà, làm theo pháp luật cần gì lớn con ?!...

- Cậu ngây thơ quá!... Cậu thấy không ! Chó giữ nhà, người ta lựa những con chó bự, như chó bẹt-gê chẳng hạn. Khôn hay ngu không thành vấn đề ,miễn sao to con lớn xác, thấy nó người ta ngán!... Cậu thân hình như thế nầy mà làm bảo vệ gì ?!... Nếu cảm thấy mệt...có thể nghỉ việc ! Chúng tôi không bắt buộc!...

Bá Học như như bị thôi miên, ngây người ra. Sau một hồi anh ta thở dài ...
 
****

Tìm đến Hùng, kể lại sự việc ở “ Công ty đầu trâu” . Nghe qua Hùng cao giọng :

- Lỡ phóng lao phải theo lao! Mầy về kêu ba má mầy cố đất lấy tiền lo lót may ra xin được việc !.... Chớ xin việc kiểu nầy... không ăn đâu!

Quá chí lý Bá Học từ gỉa bạn, đón xe về quê.

Bước vào sân nhà, thấy trước sau vắng hoe, Bá Học ngạc nhiên hỏi thăm nhà bên cạnh , thì được biết : Ba anh đi làm thuê ở làng bên , còn má thì đi bán rau ngoài chợ. Anh tìm khúc cây cạy cửa vào nhà. Nhìn một lượt xung quanh, anh chậm rãi đi lại phía tủ thờ, nơi ba má thường cất giấu giấy tờ. Học tủ thờ đã khóa cứng, Bá Học đi vào nhà trong lấy ra cây dao phai cạy hôc tủ. Loay hoay một hồi anh đã cạy hộc tủ bung ra. Bên trong là một xấp giấy tờ. Anh bươi móc cố gắng tìm tờ giấy có bìa màu đỏ. Nhưng không một tờ bìa đỏ nào,mà chỉ có bản poto giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lật những tấm giấy cuối cùng, anh thấy có bốn tấm giấy giao kèo viết tay. Mỗi tấm giấy là một biên nhận cầm cố 5 công đất, mỗi tấm có thời gian cách nhau một năm. Đọc từng câu chữ trên tấm giấy, Học choáng váng toát mồ hôi. Thì ra hơn bốn năm nay tức từ ngày anh bắt đầu vào đại học. Ba má đã cầm cố hết 20 công ruộng, với số tiền cộng chung lại là 100 triệu đồng. Lật tiếp xấp giấy dày cộm bên cạnh lên xem,anh thấy đó là những tấm hóa đơn gởi tiền qua đường bưu điện, và người nhận chính là Bá Học. Những tấm hoá đơn xếp thẳng thóm,ngay ngắn, trình tự theo thời gian. Đủ loại gía trị từ 50 ngàn đến một triệu đồng. Có tấm đã bị ngã màu vì thời gian, mực giấy cal kê bị nhòa, nhìn kỷ mới đọc được số. Đó là những tấm hóa đơn gởi cho anh vào những năm tháng đầu tiên vào đại học. Anh nhẩm tính số tiền của những tấm hóa đơn gần 100 triệu, tương đương với số tiền ba má anh cố 20 công đất. Thì ra là vậy! Vuốt vội mồ hôi trên vầng trán, anh đặt lại ngay ngắn những tấm giấy tờ đó và để vào vị trí cũ. Nước mắt lăn dài hai bên má,rơi lộp độp xuống đất, hai chân Bá Học như muốn khụy xuống .

Viết vội lá thư để lại trên bàn,đứng ngay ngắn trước bàn thờ tổ tiên Bá Học hai tay chắp lại miệng khấn lầm thầm cúi đầu lạy ba lạy, rồi lặng lẽ quảy gói ra đi. Ra tới ngả ba đường thì gặp ông Ba Lý đầu búi cũ tỏi đang đi ngược chiều. Ba Lý gặp anh tươi cười hỏi: “ Ông cữ ơi! đã nhậm chức quan gì rồi,ở đâu ?!”. Bá Học cúi đầu chào, lặng thinh không nói, lầm lủi bước đi. Bước tới ngả ba đường, Bá Học bước chân quẹo sang trái, con đường nhỏ hẹp, gồ ghề. Ba Lý hẫng người, ngạc nhiên chạy theo thốt lên: “ Sao không đi trên đường cái quan !...Ông cử ơi!...Lạc đường rồi!...” Bá Học như không nghe thấy, cứ lầm lũi bước đi. Phía sau tiếng Ông Ba lý réo gọi nhiều lần như vậy. Nhưng tiếng kêu của ông đã lạc lỏng đi vào khoảng không. Ông đứng chết trân nhìn theo, bóng ông cử xa dần, xa dần, rồi khuất dạng.
 
****

Viện Thiền Lâm là một ngôi chùa cổ kính, đồ sộ nằm im lìm sau rặng cây cổ thụ, vào giờ nghỉ trưa ở đây vắng tanh không một bóng dáng người. Bá Học ngồi dưới gốc cây, có tàn lộng bóng mát, lim dim ngủ, bỗng có tiếng chân người nhè nhẹ. Sư ông Trụ trì Thiền lâm viện trong bồ đồ càsa cốt cách thanh tú, đạo mạo bước đến đưa hai tay vái chào, rồi mời Bá Học vào trong. Chuyện trò qua lại một hồi sư Trụ trì hết lòng thán phục, lầm thầm: “Đúng đây là quý nhân mà phật bà hồi hôm báo mộng”. Ngước mặt nhìn thẳng vào Bá Học:

- Nếu anh không chê chốn u tịch nầy, xin mời anh ở lại đây!

- Để làm gì ?! Con có biết gì về kinh kệ của nhà phật!?... Bá Học trố mắt hỏi lại.

- Gần đây các quan chức đến chùa ngày càng đông. Họ cúng vái, đốt vàng mả,cúng thí cho chùa tiền bạc, tặng phẩm quý gía, để xin được... giảm tội. Đây là một hiện tượng đáng lưu ý. Viện nghiên cứu xã hội có đặt hàng cho chùa,viết về hiện tượng đó. Nhưng các sư không muốn bàn chuyện thế thái nhân tình. Anh có thể làm được chuyện đó.

- Con sợ không đảm đương nổi!...

- Không khó đâu! Ta sẽ giúp anh!...Hớp một ngụm nước trà sư ông trầm giọng:

- Cái ác cứ triền miên bám riết theo con người, mặc dầu người ta được giáo dục, được pháp luật răn đe, mà họ cứ ác. Tạo hóa tạo ra con người hoàn hảo đến mức người nầy không hiểu được nổi đau của người kia. Thánh nhân và các đồ đệ của thánh nhân cũng đã từng làm cho con người bớt ác, song con người vẫn cứ đè nhau để giành cái sướng, còn cái khổ thì quăng cho kẻ khác. Anh hãy viết đi!...Viết cả đời anh!...

Bá Học như bị đánh trúng “tim đen”mừng thầm: “ Đúng là sở trường của mình ” rồi xin nhận làm việc đó.

Theo tập tục nhà chùa, Bá Học cạo đầu, mặc áo cà sa và lấy pháp danh họ Thích. Sư trụ trì bố trí cho anh một phòng rộng rãi ở hậu liêu, đầy đủ tiện nghi, có hai chú tiểu phục dịch . Anh miệt mài viết dưới sự cố vấn, hổ trợ của Sư ông. Ba tháng sau bộ sách 5 quyển được hoàn thành có tựa đề “ Giặc ác - thứ không thể diệt” do tác gỉa Thích Bá Học biên soạn ra đời.

Viện nghiên cứu xã hội đăng ký mua đứt bản quyền các quyển sách và độc quyền in ấn phát hành. Độc gỉa mà phần đông là cán bộ công chức Nhà nước hết sức ái mộ thi nhau tìm các quyển sách đó đọc. Nhiều Nhà xuất bản ăn theo, phiên dịch ra nhiều thứ tiếng,in tái bản nhiều lần, nhưng thị trường vẫn không thấy bán (?!).
 

Trong số những ngưới tìm đọc các quyển sách đó có ông Trưởng phòng Viện nghiên cứu xã hội. Đích thân tới Viện Thiền lâm, ông ta cố nài nỉ mua cho bằng được các quyển sách vừa nổi tiếng rầm rộ, nhưng rất tiếc ở đây chỉ còn lại bản thảo. Nhìn chằm chằm vàoThích Bá Học trong bộ đồ cà sa, ngồi uy nghi trên ghế đá, hai chú tiểu đứng hai bên cầm quạt lông công, ông nhíu mày,cố nhớ ra, hình như đã gặp người nầy ở đâu , nhưng ông không tài nào nhớ nổi ./.
 

Đoàn Hữu Hậu,
 
(ảnh:myopera.com)
Là nhà văn, nhà báo được đào tạo tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền TP Hồ Chí Minh, hiện đang sống và làm việc tại Rạch Giá - Kiên Giang, Việt Nam....
  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...