Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Từ quê ra tỉnh - Trần Lâm Phát

 Bạn Trần Lâm Phát  có những giây phút hồi tưởng về quãng đời   trung học đầy  gian nan và cơ cực của mình.Với quyết tâm của cha mẹ muốn con có 1 cuộc đời khác khá hơn và nổ lực của riêng mình bạn hiện có 1 cuộc sống có thể nói là thành đạt tại Mỷ.Mời các bạn xem bài nầy,có nhiều địa danh hiện vẫn còn trong ký ức nhiều bạn từng học ở SG

Từ quê ra tỉnh

Quê tôi ở miệt Trảng Bàng
Có đồng ruộng lúa có hàng cây trâm[1]
Mỗi năm vào cuối tháng năm
Theo chân ba mẹ ra thăm ruộng vườn
Nhìn cha lẫn mẹ mà thương
Quanh năm cơ cực trăm đường cho con
Phần tôi cố giữ lòng son
Chăm lo đèn sách cho tròn đạo con
Mẹ mong con được vuông tròn[2]
Đưa chân con xuống Sài gòn học thi
Tôi nào có biết chữ chi
Phố phường chằng chịt người thì quá đông
Làm tôi hoảng sợ trong lòng
Mỗi khi cất bước long dong qua đường
Mỗi ngày ba nắng hai sương
Mang theo sách vỡ qua đường Bùi Chu
Ngôi trường có dạng chữ U
Có song cửa sắt là khu Bá Tùng[3]
Nơi đây tôi gặp bạn Hùng
Kẻ Nam người Bắc cùng chung một đường
Dần dà hai đứa thân tương
Cùng nhau quyết chí luyện đường học thi
Đến khi kim bảng danh thì[4]
Chúng tôi vẫn quyết kiên trì tình thâm
Mặc dù tôi chọn Phú Lâm[5]
Con đường tiến thủ những năm sau này
Còn Hùng cũng quyết ra tay
Học năm đệ nhất ở ngay Thượng Hiền[6]
Đến khi giặc giã liên miên
Tôi không còn có thường xuyên về nhà

Chúng tôi vẫn cứ la cà
Trung tâm quân đội ngã ba đầu đường[7]
Thay phiên giải toán Kỷ Cương[8]
Đôi khi cũng bí chẳng phương giải bày
Chúng tôi đồng lúc thở dài
Tại sao lại chết ở ngay bài này
Bây giờ biết tính sau đây
Cái thân đèn sách mà cày chẳng xong
Bắt đầu lo sợ trong lòng
Chúng tôi hay đứa đòng lòng quyết tâm
Đợi cho đến sáng thứ năm
Đem bài toán thứ một trăm hỏi thày
Thày kêu nó rõ ban ngày
Sao em lại cứ loay xoay chỗ này
Chứ đừng cao chạy xa bay
Để tâm vào chốn những bài đọc thêm
Dù cho gặp khó liên miên
Chúng tôi hai đứa cũng thêm mảnh bằng[9]
Đường lên Đại học thẳng băng
Chúng tôi lại cứ bâng khuâng chọn trường
Hùng đi kinh tế gia thương[10]
Còn tôi quyết chí vô truờng trẻ em[11]
Đến khi thày giáo đã quen
Biết ra tung tích của em học trò
Khuyên tôi đừng có đôi co
Thi qua trường khác để cho sau này
Có thân có phận như ai
Có lương có chức có ngày sướng hơn
E dè thân phận cô đơn
Nhưng tôi cũng đã nộp đơn thi vào
Ai ngờ trúng tuyển hạng cao
Tôi đành một dạ nôn nao chuyển trường[12]
Học môn Việt-Hán văn chương
Nó đâu có dể tầm thường với tôi
Một người quen Toán học rồi
Sao đành cất bước đi nhồi văn chương
Ba năm vất vả phi thường
Rồi tôi cũng được ra trường như ai
Ung dung đến lớp mỗi ngày
Mang theo tâm nguyện với hai nhiệt tình[13]
Nhất nghệ tinh nhất thân vinh


Trần-Lâm Phát
Virginia 26-4-2009.






[1] Một cây hoang rất cao lớn, cành nhánh sum sê, che nắng trên đường như cổng chào; trái trăm lớn bằng móng tay út và từng chùm như dây nho, khi chín màu tím sẩm như trái nho và ăn rất ngon. Cây này được trồng hai bên lề đường từ cầu nhà cô năm Thoài chạy đến ấp An thành. Học sinh thường rủ nhau trèo lên hái trái trăm. Khoảng năm 1963, 1964 hàng trâm bị cắt trụi vì  chiến tranh
[2] Năm 1963 khu vực nông thôn ở Trãng bàng là vùng bị oanh tạc tự do
[3] Trung học Nguyễn Bá Tòng 73-75 đường Bùi Thị Xuân, Sai gòn
[4] Bằng Trung Học đệ nhất cấp
[5] Trung Học Mạc Đĩnh Chi ở Phú Lâm
[6] Trung học Thượng Hiền ở đường Trần quí Cáp
[7] Cư xá quân đội đường Trần quốc Toản
[8] Toán hình học lớp đệ nhất của Nguyễn Văn Kỷ Cương
[9] Bằng Tú Tài toàn phần
[10] Ban kinh tế, Đại học Vạn Hạnh
[11] Trường Sư Phạm Sài gòn ở đường Thành Thái nay là An Dương Vương
[12] Đại Học Sư phạm Saì gòn
[13] Yêu nghề và mến trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...