Mẹ Luân mất cuối
hè. Đám tang không có mấy người
đưa, lặng lẽ và nghèo nàn như cái nghèo của mẹ Luận trong suốt những
năm làm phu cạo mủ. Cảm thông cho cái đơn côi của thằng
con trai mười sáu tuổi một mình còn lại, dăm ba người hàng xóm nghèo bên cạnh tận tình giúp Luân chôn cất. Phủ miếng vải trắng,
được may
vội làm tang trên đầu, đứng bất động
trước nấm mồ vừa lấp đất
Luân không khóc được tiếng nào dù có muốn khóc, khác lần tiễn ba Luân về đất lạnh
mười năm trước. Lần đó Luân đã khóc tức
tưởi,
khóc sụt sùi gọi ba hởi ba ơi, cho đến lúc không còn đủ sức của thằng bé con vừa lên sáu tuổi. Chung quanh mọi
người đã
lần lượt bỏ đi, tiếng ve gọi hè chừng
như não nùng
không thua gì tiếng chuông chùa cuối
làng trên lưng chừng đồi dẫn ra bến đò bên bờ sông Vàm Cỏ. Bây giờ mẹ Luân nằm một mình ở đây cách ba Luân một trời Long Thuận xa thăm thẳm. Luân ngồi gục đầu cạnh mộ mẹ cho đến xế chiều mà không biết
là ông sư già trụ trì chùa cũng đã đứng ở đây từ lâu. Ông nhìn Luân không
nói một lời, Luân cũng không biết nói lời gì với ông. Cuối cùng ông vuốt đầu Luân nói nhỏ thôi về
đi con. Nước mắt Luân bỗng dưng tuôn tràn, Luân ôm lấy tay ông sụt sùi tức
tưởi.
Sau đó ông lặng lẽ bỏ đi về hướng chùa. Phía bên kia sông
mặt trời đã lặn.
Căn nhà tranh quạnh quẽ những ngày sau đó. Khu chợ xã vẫn đông người
như thường lệ. Xác hoa phượng cũng trải đầy khắp sân trường trong những ngày hè về khi Luân còn ở tiểu học. Luân theo mẹ về Trà Vỏ sau khi ba Luân
qua đời vì một cơn bạo bệnh. Cái tuổi chưa đủ lên sáu không
làm cho Luân nhớ được gì nhiều những ngày ở Long Thuận. Mẹ Luân đã vội vàng rời đó với mớ hành trang không hơn hai ba cái túi xách, bỏ lại khu vườn chuối sau nhà có cái ghe nhỏ cột hững hờ bên con rạch cùn ra truông
nứa
và tiếng ểnh ương trong đêm dài
kêu não nuột. Bây giờ có lẽ Luân cũng phải vội vã bỏ Trà Vỏ mà đi.
Trà Vỏ là khu phố chợ của xã Thạnh Đức nằm cạnh tỉnh lộ. Đi ngược lên thì về tỉnh đi xuôi xuống thì về Gò Dầu rồi Sài Gòn. Bên
kia đường là khu rừng cao su của người Pháp, bao la chạy dài sâu tới Khiêm Hanh, Dầu Tiếng. Một số lớn dân trong làng là phu cạo mủ của đồn điền
cao su này, trong đó có mẹ Luân. Bên này đường là khu phố chợ. Chợ Trà Vỏ được xây lên giữa, hai bên là hai dãy nhà. Đầu phố là những
căn nhà gạch thẳng tấp, làm thành các tiệm buôn bán đủ loại, từ tiệm tạp hóa của chú Tung, người Tiều châu, tiệm tạp hóa và phân bón
ông ba Sen, tiệm vải bà Bích, tiệm thuốc tây ông Lang đến tiệm hủ tiếu cà phê ông Thuyền, tiệm sửa xe đạp ông Cẩn. Luân chỉ biết nó ở đó nhưng thật ra chưa có lần nào đến mặc
dù cách nhà Luân không hơn vài trăm bước.
Nhà Luân là căn nhà tranh nhỏ nằm ở cuối phố, cách khu nhà gạch một con đường đất trồng đầy bông bụp dẫn về trụ sở xã. Sự cách ngăn giữa hai khu phố không phải chỉ do mấy con đường, cái vòng rào
của sân trường với
hàng phượng già nua mà còn là sự cách ngăn của giàu nghèo, của nhà tranh nhà
ngói. Luân đã từng thấy cái vết hằn ưu tư của mẹ hiện rõ lên khuôn mặt mỗi khi chong đèn dầu, dạy Luân nắn nót viết từng chữ cái. Luân đã biết buồn biết đau mỗi khi nhìn mẹ ướt đẫm người, dù đã được che thân bằng cái áo mưa rách tả
tơi, trên đường về nhà từ rừng cao su thăm thẳm trong những ngày mưa chập chùng tháng tám. Luân đã cố nhắm mắt quay đầu khi thấy đám con nhà giàu chia nhau những khúc bánh mì
có cá mòi trong buổi sáng chờ vào lớp. Luân đã ngồi trong bóng tối một mình lặng câm khi nghe tiếng máy phát điện chạy êm êm, phía khu nhà giàu trong những
đêm dài chờ sáng. Luân đã chọn khu rừng cuối làng là nơi chơi đùa
với
vài thằng bạn nhà nghèo trong xóm, xa hẳn tiếng
cười
của đám nhà giàu đầu phố chợ trong những ngày nghỉ học. Luân đã phải nhờ thằng Thanh, thằng bạn thân nhất nhà ở đằng sau trường, đi mua dầu
hôi hay nước mắm ở tiệm ông ba Sen, mỗi lần mẹ sai đi vì tiệm chú Tung không có bán hay bán giá mắc
hơn.
Tiếng lửa cháy bập bùng trong cái chái nhà làm lò rèn của ba thằng Thanh thường
là nơi bọn Luân
vui đùa không dứt, cùng chia nhau mấy củ khoai lang, khoai mì nóng hổi, một
khi đào được từ luống đất mới cày của bác Kẹo còn sót lại. Những ngày ở Trà Vỏ, ngoài Thanh ra, người mà Luân nhớ nhiều là cô giáo Châu, người ở Bình Dương, đổi về trường từ ngày mẹ con Luân mới về Trà Vỏ. Nhà Luân ít khi nào có khách, chỉ
có cô thường hay đến chơi với mẹ Luân. Hai người có vẻ cảm thông nhau, cô
luôn bảo Luân phải cố gắng học mặc dù nó là đứa học trò đứng đầu trong suốt năm năm tiểu học. Cô đã mua cho Luận tập vở mới khi tập hết trang. Cô đã
cho Luân những cái bánh tây lạt hay mấy miếng kẹo đậu phọng ngọt giòn mỗi khi cô về thăm nhà. Luân không
làm sao quên được cái vòng tay ấm áp, không có gì có thể so sánh bằng vòng tay của mẹ mà cô đã vỗ về những lúc thấy Luân ngồi khóc một mình ở một góc sân trường khi mẹ Luân bị bệnh.
Cuối năm lớp nhất, mặc dù quận mới cho mở trường trung học đệ nhất cấp, không giống như đám con nhà giàu cùng lớp, mẹ Luận quyết định cho Luân thi
tuyển vào trường công lập tỉnh dù rất xa nhà. Luân đã đậu vào lớp đệ thất sau những ngày chong đèn dầu
trong đêm mệt mỏi, không uổng công mẹ đã thức sớm , lặng lẽ đón xe đò dắt lên tỉnh lỵ và cũng đã lặng lẽ đứng ngại ngùng chờ Luân vào phòng thi ngoài cổng. Ngày đi xem bảng kết quả, cũng giống như ngày đi thi, hai mẹ con thức dậy rất sớm, Luân nắm tay bà chen vào đám người chen chúc, chỉ cho mẹ thấy tên của Luân được đánh máy rõ ràng đen màu mực mới. Hai mẹ con ôm nhau khóc
ròng trong cái sân trường loang lỡ cỏ của những ngày hè oi ả nóng. Bà đón xe lôi máy dẩn vào chợ tỉnh mua cho Luân
cây viết máy không cần phải chấm mực và hộp viết chì màu thiệt đẹp. Mẹ đã thưởng cho Luân một tô hủ tiếu thật lớn, nhiều thịt heo và hai ba con tôm to mà nó chưa lần nào được thấy. Hai mẹ con Luân ngồi ăn ngon lành trong khi chờ ông tài xế sửa soạn chuyến xe chót về Gò Dầu Hạ.
Trước ngày lên tỉnh học vài hôm, cô
Châu tới thăm, tặng cho Luân mấy sấp vải, trắng may áo sơ-mi, xanh
dương may quần tây dài cho đồng phục của trường và cũng để từ giã mẹ con Luân về dạy trường khác. Hôm đưa Luân
lên tỉnh, cũng là hôm mà mẹ tiễn cô Châu về trường mới, ở mãi tận dưới Trãng Bàng. Hai chuyến
xe đưa hai người về hai ngả. Một mình mẹ Luân đứng bên đường lộ, tóc bà lưa thưa nhuộm
màu lá cao su đầu thu, từng sợi lẻ loi cuốn theo chiều gió sớm. Từ đó mẹ Luân ở lại một mình, buồn vui một mình. Chén cơm
nguội
lót lòng buổi sáng, trước khi đi học, mẹ không còn phải sớt làm hai phần, một nhiều một ít. Mẹ cũng không còn
phải
chờ cơm chiều những
lúc tan trường về, Luân cứ mãi mê bắn bi ngoài đám ruộng cuối chợ. Ngọn đèn dầu tắt sớm
hơn mặc dù Luân biết mẹ còn thức trong bóng đêm.
Lên tỉnh, Luân ở trọ nhà của chị Ngoan cùng với Toàn là em của chị, cũng lên học cùng lớp đệ thất từ chợ Vên Vên. Chị Ngoan và Toàn là
con của bác Lương vốn là bạn cũ của ba Luân, lúc hai người còn bôn ba trên Cam Bốt. Luân gặp Toàn đôi ba lần
khi bác Lương đến thăm gia đình Luân sau khi nghe tin ba Luân qua đời. Chị Ngoan là chị lớn của Toàn, lập gia đình trên tỉnh không lâu thì
chồng
chị mất, chị không có chồng khác, ở vậy một mình. Nhà ở gần trường nên hai đứa không phải đi xa như đám bạn khác. Chị Ngoan lo lắng và chăm sóc cho Luân không khác gì em ruột. Mấy tháng đầu của năm đệ thất, cứ mỗi tuần một lần, chiều thứ sáu là mẹ Luân lên tỉnh đón về nhà chơi rồi sáng sớm thứ hai đưa Luân ra đón xe đò
lên tỉnh lại. Nhưng sau đó, Luân về thăm nhà một mình, thường thì có Toàn đi cùng chuyến, Luân xuống xe ở Trà Vỏ còn Toàn thì đi
tiếp
về
Vên Vên.
Mỗi lần về nhà, Luân ít khi đi đâu, cứ quẩn quanh bên mẹ, kể đủ mọi thứ chuyện trên tỉnh, chuyện trường, chuyện nhà chị Ngoan, chuyện học hành, chuyện quần chuyện áo. Mẹ vò đầu Luân cười thật nhiều nhưng xem ra cũng buồn thật nhiều. Thỉnh thoảng Luân đi vòng
ra chợ, đứng nhìn vào cái sân trường làng nhỏ nhoi, trốn mình trong đám
phượng
già nua cứ rậm lá từ ngày Luân đi cho đến ngày Luận về. Đám bạn con nhà nghèo của những ngày tháng trước đã không còn mấy ai. Thằng Thanh con bác
bảy
lò rèn đã theo bác về Gò Dầu Thượng, bác có đến từ giã mẹ Luân, hình như Thanh vào học trường quận. Thằng Côn đã bỏ học, ở nhà phụ ba má làm bún bán ở chợ. Khu rừng cuối làng thiếu hẳn người thăm. Mấy cây guồi và nhãn lòng
hoang lúc
này luôn đầy trái vì không còn bị bọn
Luân hái ăn trước mùa. Con đường đất xuống bến đò, chiều về đã không còn lắm bụi vì cũng không
còn ai tranh nhau đá banh đá cầu. Mấy con ma ở căn nhà hoang ông Chấy bây giờ tha hồ mà nhát người qua kẻ lại vì không còn đám học trò cản ngăn. Luân thật sự xa lần Trà Vỏ, xa hết những cái vui ít buồn nhiều, vốn đã đeo đẳng mẹ con Luân gần hết cuộc đời.
2
Mẹ Luân nằm xuống, Trà Vỏ không còn là nơi mà Luân náo nức phải về, mỗi khi nghe tiếng chuông
reo tan trường chiều thứ sáu. Nhờ chú mười Hoạch, phó xã trưởng, bán được căn nhà tranh, vốn liếng cuối cùng mà mẹ Luân để lại. Không nhà
không cửa cho nên Luân để lại tất cả những gì hiện có cho gia đình
người chủ mới, chú thiếm Đạt, dọn ra từ Khiêm Hanh. Ngày
giao nhà, Toàn từ dưới Vên Vên lên phụ một tay, thu dọn một cách hối hả rồi ra đi sau khi chào từ biệt
vài người quen gần bên nhà thật sớm. Luân đến ngồi bên mộ mẹ suốt sáng rồi vào thăm ông sư già
trong chùa, gởi lại một số tiền nhờ ông dòm ngó giùm mộ và đọc kinh cầu an cho bà. Giống như mẹ, lần bỏ Long Thuận ra đi, Luân cũng bỏ Trà Vỏ với mớ hành trang không đầy hai túi xách.
Vào học không được bao lâu, chị Ngoan dọn vể Vên Vên. Căn nhà được bán lại cho ông bà chủ nhà máy nước
đá bên kia đường. Luân theo về ở trọ tại nhà bà cô ruột của Toàn cách chợ cũ không xa. Luân lang thang khắp
nơi tìm viêc làm mấy
ngày sau đó. Luân nhờ bà cô đem gởi số tiền đôi ba ngàn vào ngân hàng phát triển nông nghệp tỉnh coi như là gia tài cho suốt đời mình. Nhờ sự giới thiệu của cô Quỳnh, giáo sư môn Sử Địa lớp đệ tứ, Luân đến phụ việc cho tiệm bán cơm của bác sáu Biếu
trên đường Pasteur, bên cạnh nhà thờ chính tòa tỉnh vào mỗi chiều sau khi tan học. Tiệm cơm này là nơi cô Quỳnh và mấy cô khác, vốn đổi lên trường tỉnh từ Sài Gòn đến ăn và cô cũng là người có đạo. Khi biết được Luân đi làm, bà cô
không bằng lòng vì bà từng nói, cũng như hai
bác Lương, ba mẹ Toàn, là bà sẽ lo cho, không nói là nhiều
nhưng ít nhất cũng là năm này, Luân
chỉ
lo học
cho thi đậu là được rồi. Luân đã khóc
nhiều
lần trong đêm vắng. Ba mẹ đã bỏ Luân quá sớm cho đoạn đường đời còn lại. Ơn nghĩa mẹ cha vốn đã chất chồng trên vai rồi nghĩa ơn cô bác cũng sẽ chồng chất trong đời của mình, một phần đời chưa biết nhiều vinh quang hay tủi nhục. Luân giãi thích với bà cô, xin lổi đã làm cô buồn nhưng xin ở bà cô một sự thông cảm. Mấy ngày đầu cô giận
nhưng sau rồi cũng nguôi ngoai.
Phụ việc ở tiệm cơm bác sáu không mấy gì vất vả cho lắm. Mỗi chiều khoảng vài tiếng đồng hồ, sau khi tan học Luân đi thẳng đến tiệm, phụ bưng dọn
cơm, sắp xếp chén đủa cho khách đến ăn chiều, phần lớn là công chức nhân viên không có gia
đình ở đây, trong số đó có mấy cô dạy trong trường. Sau khi vắng khách không
còn mấy người, Luân phụ bác trai lau
chùi bàn ghế, cất chén tô cùng mấy việc lặt vặt khác rồi cùng hai bác và chị phụ bếp ăn cơm chiều. Đôi khi bác gái cho
Luân ăn trước, rồi đi về chứ không phải chờ đến khi không còn khách, Luân biết phận mình, cho nên có khi cũng
nấn
ná tìm việc này việc kia làm, ở lại cho đến khi tiệm đóng cửa. Thường thì hai ba
ngày bác trai phát tiền cho Luân một lần. So với việc làm hình như
bác trả lương nhiều lắm. Cứ mỗi lần đưa tiền là bác dặn dò bảo Luân ráng học. Có những lúc vắng khách, nhứt là những ngày thứ bảy chủ nhật, hai bác kể cho Luân và chị Ánh phụ bếp nghe, đủ thứ chuyện đời vui buồn lẩn lộn. Luân thường im lặng ngồi nghe ít hỏi. Bác trai vốn trước đây là trưởng ty giáo dục Kiến Hòa, vì bất đồng với ý kiến cấp trên về một vụ tiền bạc sao đó, cho nên bác xin nghĩ hưu và cùng gia đình dọn về Tây
Ninh. Người con trai lớn của bác hiện sống bên Anh, chị kế là dược sĩ, đã lập gia đình đang ở tận trên Đà Lạt.
Hai bác là người rất ngoan đạo, bác trai ngoài thời giờ phụ tiệm ra, đều thấy bác bận rộn với công việc nhà thờ, tỉa cây cắt cỏ, quét dọn sân ngoài sân trong. Trong vòng họ đạo, ai có chuyện gì cần cũng gọi tới bác. Hai bác cũng chưa hề rầy
rà Luân cũng như chị Ánh cái gì ngay cả những lúc quên làm việc hai bác dặn. Đôi khi bác trai dẫn Luân vào nhà thờ xem chỗ này chỗ nọ, gặp ai cũng giới thiệu là cháu tôi hết sức thân tình.
Luân dọn đến ở một mình trên căn gác trọ cuối
đường
Võ Tánh, chừng hai tháng sau ngày
đi làm phụ tiệm cơm bác sáu. Bên kia
đường
là một
cái biệt thự cũ, dây leo phủ gần kín tường gạch màu nâu đậm, nằm lặng im trong khu vườn trồng đầy hoa sứ. Đường lúc nào cũng đông học trò lại qua. Phía cuối thì trường tư thục Văn Thanh, đầu
đường
rẽ trái không xa là trường trung học tỉnh, nhất là ở ngay ngã ba đầu trường có quán cà phê nhạc thật hay, tương đối khang trang, thầy cô hay học trò, trong đó
có bọn
Luân, đều đến ngồi ở đó, ít nhất cũng phải một vài lần. Dù không còn ở chung, Luân vẫn thường đến thăm bà cô mỗi khi rãnh rỗi. Toàn thì gần như có mặt trên gác trọ của Luân hàng ngày. Toàn cũng
không bao giờ quên thắp thêm nhang trên bàn thờ ba mẹ Luân, cái bàn thờ nhỏ nhoi đặt trên đầu kệ sách cũ mỗi khi ra về. Luân thật sự đơn độc
vào đời từ những ngày tháng đó.
Thuyên Huy
(Trích trong
tập truyện “Where the happiness begins” do
Athena House, London xuất bản năm 2003)
(ảnh;ngocyen.webblog)
Danhvo.
Trả lờiXóaBài này Thuyên-Huy viết hay và cảm động quá chị Hoà ơi. Tôi cảm nhận được từng địa danh mà tác giả nói đến, như mình sống và đi qua những nơi đó. Xin chị có thể nói lại chút xíu về Thuyên-Huy nếu có thể đuoc