Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2024

GIÁNG SINH NGUYỆN CẦU - Thơ Duy Anh Và Bài Họa Của Các Thi Hửu


GIÁNG-SINH NGUYỆN CẦU

Giáng-Sinh nguyện trước quảng trường nầy
Rực rỡ cây Thông đèn đóm đầy.
Tiếng vọng tình thương vơi ác chiến
Lời truyền bác ái xóa mù mây.
Noel mộng ước lòng đà thỏa*
Christmas niềm lo dạ đã khuây.
Chúa nhậm lời cầu nơi Bạch-Ốc
Phái Trump kiến tạo Thái Bình** đây!
DUY ANH

Merry Christmas 2024
* Trump đắc cử Tổng Thống thứ 47th của U.S.A.
**Trump chủ trương chấm dứt chiến tranh Ukraine và Trung Đông

Thơ Họa :

1./ GIÁNG SINH NGUYỆN ƯỚC

Nguyện xưa tròn ước Giáng Sinh nầy
Thế giới bình an, hạnh phúc đầy
Ác quỷ thôi trò ma, hiểm kế
Thiên thần xua bão tố, quang mây
Em thơ nhẹ bước miền tươi mới
Phụ lão yên lòng chốn khỏa khuây
Cứu rỗi nhân loài ơn Thượng Đế
Vui đời sống đạo, thiện lành đây
Lý Đức Quỳnh
20/12/2024


2./ NGỪNG

Giáng sinh vui đón rước năm nầy

Chúa sẽ ban ơn đến đủ đầy
Dân chủ dừng tay gieo sóng gió
Cộng Hòa từng bước lên thang mây
MAGA tái diễn dân yêu chuộng
Xã Hội xa rời Mỹ khỏa khuây
Những cảnh bao che phường bạc ác
Tin rằng mọi chuyện ngừng từ đây.
2024-12-19
Võ Ngô


HỌA  3 : THIÊN TÀI DONALD TRUMP

Cầu nguyện Ơn Trên cứu nước nầy.
Ban cho hạnh phúc đức tràn đầy.
Cây thông chiếu sáng xua chinh chiến,
Chuông điện vọng tràn xóa thảm mây.
Mừng đón Noel thanh thản giải,
Vui bên Christmas họa vơi khuây.
Trump lo hạnh phúc dân an lạc,
Thượng Đế giúp tìm lãnh đạo đây.
*
Xua tà đuổi quỷ nước vinh xây.
HỒ NGUYỄN (GIÁNG SINH 2024)

 HỌA 4  : GIÁNG SINH NGUYỆN CẦU

Xin Chúa khẩn thương nhân loại nầy
Oan khiên càng lúc lại đong đầy
Mở lòng lãnh đạo yêu đồng loại
Xoay hướng càn khôn chuyển gió mây
Hãy bỏ kiệu lênh không nói bậy
Cũng đừng tự ái đáp cho khuây
Rồi ban mọi giới đều chung hưởng ,
Hạnh phúc Noel sắp tới đây.
Thái Huy 12/21/24

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Hồn ma đêm Giáng Sinh (Báo Mai )

 

KÍNH MỜI ĐỌC VÀ HỌA THƠ "ĐÔNG VỀ'"của HỒ NGUYỄN

 


ĐÔNG VỀ

Lằng lặng Đông sang vóc héo gầy,
Thu buồn rời xóm hút heo mây.
Phòng cô đơn dáng hiu hiu quạnh,
Ngõ vắng lơ thơ tuyết rớt đầy.
Thỏ bỏ sân chơi chui hốc trốn,
Lá gom gốc chụm bám quanh vây.
Hồng tươi má đỏ khăn che khuất,
Ảo mộng tan tành hết kết xây.
*
Đông em đi vắng để mình đây!
HỒ NGUYỄN (19-12-2024)


Thơ Họa :

1./ CÔ ĐƠN

Chiều đông giá lạnh buốt thân gầy
Ánh nắng nhạt nhòa khuất đám mây
Đường vắng chơ vơ người bước vội
Bến đò lặng lẽ nước dâng đầy
Âu sầu, thiếu phụ âm thầm đợi
Se sắt, nỗi buồn nặng trĩu vây
Cuộc sống cô đơn ngày lại tháng
Một mình giữa bốn bức tường xây.
Sông Thu
( 19/12/2024 )


2./ LẬP ĐÔNG.

Đông về se lạnh buốt vai gầy
Nắng đã giấu mình,ẩn đám mây
Gió rít ào ào xe tấp vội
Thân run bần bật tuyết rơi đầy
Ngoài đường vắng lặng không người vảng
Trong quán im lìm chẳng khách vây
Áo,mũ, khăn choàng che kín kẽ
Bếp hồng sưởi ấm, củi vần xây.
LAN.
(19/12/2024)


3./ HỌA: ĐỜI PHI CÔNG


Lang thang lão bước dáng hao gầy
Cô độc bên trời lạnh lẽo vây
Nhớ lúc trông sao đùa với nguyệt
Và khi đuổi gió lượn cùng mây
Sấm rền mặt đất mù lan tỏa
Chớp lóe từng không sáng phủ đầy
Ngang dọc một thời trên chiến địa
Giờ đây lặng lẽ ngẫm đời xây
Hưng Quốc (Texas 12-19-2024)


HỌA 4 ; HỤT HẪNG

Đông ăn quá lố : hết còn gầy*
Song cữa nhìn Trời gió thổi mây
Lộn lại chăn đơn mơ hụt hẫng
Lăn qua gối chiếc mộng vơi đầy
Sa cơ biệt xứ buồn bao phủ
Mạt lộ ly hương chán bủa vây
Chính nghĩa cờ Vàng mai dựng lại
Quốc gia Lạc việt: sớm về xây ... !
Tím Dec 19 2024

HỌA 5 : GIỌT MƯA BUỒN 

Đêm đông quạnh quẽ ánh trăng gầy
Từng giọt mưa buồn...kỷ niệm vây
Đã khuất, niềm thương còn ấp ủ
Vì đâu nỗi nhớ vẫn đong đầy
Bướm ơi! thôi chớ vờn hoa lá
Gió hỡi xin đừng quyện áng mây
Biển vắng vô tình con sóng vỗ
Vỡ rồi lầu cát bởi ai xây...
20/12/2024
H VÂN 


HỌA 6 :NĂM TÀN

Lầu cao lặng ngắm mảnh trăng gầy
Mờ ảo phố chiều quyện khói mây.
Kỷ niệm trùng trùng sầu chất ngất
Tình yêu hun hút lệ vương đầy.
Đông về phòng quạnh cô đơn thấm
Lạnh tới đêm buồn tĩnh lặng vây.
Tờ lịch cuối cùng không nỡ xé
Năm tàn hiu hắt nỗi niềm xây!
Mailoc
12-20-24



HỌA 7 : TÂM SỰ TUỔI GIÀ

Trẻ xưa mong béo, lão trông gầy
Mập bệnh già nằm ngó bóng mây
Nhớ thuở eo thon cơ rắn khỏe
Sầu nay bụng phệ mỡ dư đầy
Chiều ăn bỏ rượu, trà thôi uống
Tối ngủ thoa dầu, thuốc đến vây
Chỉ có con tim còn rạo rực
Mơ thầm mỹ nữ địa đàng xây…
Lý Đức Quỳnh
20/12/2024

HỌA 8 : LẠNH ĐÔNG

Mùa mưa, tiết lạnh cóng vai gầy 
Nắng nhạt chiều buông rải rác mây
Đò đợi đông vui người tấp nập 
Bến chờ rậm đám khách qua đầy 
Lá gom chất đống bay quanh gốc 
Sóc trốn chuyền nhau chạy dưới cây
Tuyết trắng cành thông xương xẩu gay
Má hồng thiếu nữ cổng trường xây 
MAI XUÂN THANH 
Silicone Valley December 20, 2024




NHỚ MÙA GIÁNG SINH XƯA - Thơ Tranh Ngoc Ánh (nguoideplongyen )

 


MÙA GIÁNG SINH - Đào Ngọc Phong


Mùa Giáng Sinh
( Đào Ngọc Phong)

Thời gian qua mau như giòng sông chảy xiết, nhưng không cuốn trôi mất kỷ niệm vui của tôi về Lễ Giáng Sinh năm 2021.
Tôi ở trong nhà dưỡng lão được hơn hai năm rồi. Năm tôi sáu mươi chín, bất ngờ bị vấp té, đầu gối tôi yếu hẳn, từ đó đi đứng khó khăn; con trai tôi khuyên mẹ vào nhà dưỡng lão có dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt. Căn nhà của mẹ sẽ cho thuê để có tiền trả cho nhà dưỡng lão, tọa lạc quanh vùng Little Sài Gòn, để tôi còn dễ liên lạc vói cộng đồng người Việt.

Chuyện kể thì đơn giản như thế, nhưng hai năm sống một mình trong căn phòng nhỏ của viện dưỡng lão, tôi mới cảm nghiệm nỗi trống vắng mà không một ngoại cảnh nào lấp cho đầy được. Các cô y tá, y công, các nhân viên hành chánh, nhà bếp, ai cũng nhã nhặn dễ thương; phòng sinh hoạt có TV với đủ mọi chương trình hấp dẫn; hàng tháng có những đoàn thanh niên thiện nguyện đến trình diễn ca hát múa diễn rất hay, phòng sinh hoạt đầy tiếng cười vui. Tôi hòa mình vỗ tay, cười nói vui vẻ với những bạn lão niên đồng viện.

Nhưng khi trở về phòng một mình, thì tôi lại chìm vào những khoảng trống trong đó tôi lơ lửng như không biết bám vào chỗ nào để đứng vững; có khi tôi cảm thấy bị hút vào một hang sâu, cứ bay đi tuồng như không có đáy cùng; hoặc có khi tôi rơi vào một giòng suối chảy xiết sắp đến bờ dốc trở thành một cái thác mà tôi không sao cưỡng lại được.

Thường những tâm cảnh đó làm phát sinh những tình cảm sợ hãi, âu lo, hay ray rứt ăn năn một lầm-lỡ nào trong quá khứ.

Để xóa tan hay chạy trốn những tình cảm đó, tôi rời phòng ra công viên, ngồi trên ghế đá. Khung trời mây vút trên cao, ôm những tàn cây rậm-rì, xanh ngắt làm tâm tôi dịu dần, êm ả hơn. Nhìn những con chim sâu xinh- xinh chập-chờn bay từ nụ hoa này sang nụ hoa kia, tôi nhớ khu vườn nhà của cha mẹ tôi trong vùng ngoại ô yên tĩnh của Sài Gòn xưa. Tôi bình tĩnh nhìn rõ tâm mình, tự phân tích tại sao tôi hay bị những khoảng trống làm cho sợ hãi.

Cha tôi là bác sĩ quân y cho một đơn vị quân đội, tử trận trong biến cố Mậu Thân 1968, năm tôi mười tám tuổi vừa tốt nghiệp trung học. Mẹ tôi vốn có sẵn một tiệm may quần áo tại nhà, nhưng sức khỏe bà yếu, nên tôi phải bỏ học làm thay bà. Chính nhờ chăm chỉ học nghề của mẹ, vừa theo sáng kiến riêng của tuổi trẻ mà cửa hàng may của mẹ phát đạt. Nhưng năm 1980 bà mất sau một cơn bệnh. Tôi đã ba mươi tuổi rồi, lập gia đình với một kỹ sư cơ khí, vốn cũng là bạn học xưa. Suốt năm năm, vợ chồng tôi chuẩn bị tàu bè máy móc đầy đủ, lại vừa sinh cháu trai đầu lòng, nên quyết định ôm con ra đi với tàu riêng, chỉ cho vài gia đình thân nhất đi theo. Làm ăn cũng có đồng ra đồng vô, tại sao phải mạo hiểm như thế? Chồng tôi giỏi nghề máy, nhưng có biết gì về nghề đi biển? Có lẽ tôi bị ám ảnh bởi những câu chuyện mà bố tôi kể lại.

Bố kể ông nội, vốn xa xưa là lính của cụ Đề Thám, chỉ có vài sào ruộng, nhưng cũng bị đấu tố là địa chủ, chết trong tù. Trong kháng chiến những năm 50, bố bị liệt vào hàng trí thức tiểu tư sản, phải bỏ về thành rồi di cư vào Nam. Về phía chồng tôi, thì cha có cửa hàng máy móc gia dụng cũng bị kết án là tư sản bóc lột, nhà cửa gia sản bị tịch thâu. Chúng tôi đều thấy đời sống bấp bênh, nên quyết định ra đi.

Nhưng khi đến đảo thì chồng tôi bị bạo bệnh chết. Tôi một mình ôm con sang Mỹ lập lại cuộc đời năm 1990.

Ôn lại giòng đời đến đây, tôi bỗng thấy một tia sáng lóe lên trong trí. Có lẽ kho nước mắt dùng để khóc ba người thân đã cạn trong tôi rồi. Tâm hồn tôi hình như đã khô như đá tảng, tôi lạnh- lùng xử trí với tha nhân, với việc đời.

Đặt chân lên đất Mỹ, với tiền và tay nghề có sẵn, tôi bắt tay ngay vào việc mở cửa hàng quần áo, may mặc. Tôi làm việc ngày đêm, trước mặt tôi chỉ có tiền và công việc; tha nhân chỉ là công cụ của tôi. Khi cửa hàng mở rộng, tôi mướn nhân viên làm việc cho tôi như làm việc với một vị tướng. Tôi độc đoán, chỉ ra lệnh cho nhân viên phải thực hiện, không có tranh cãi; tôi luôn luôn bảo vệ, bào chữa cho bản ngã tôi; tôi tự nghĩ mình không bao giờ sai lầm; có gì lầm lỗi, sai trái trong cửa hàng, tôi luôn đổ lỗi trước hết cho một nhân viên nào đó, hay cho một nguyên nhân bên ngoài. Nhân viên nào dám cãi lại lệnh tôi, tôi sa thải liền. Tôi luôn giữ nguyên tắc : một đồng tôi chi ra thì phải đáng gíá một đồng. Hầu như ít khi nào tôi khen ưu điểm của một nhân viên, luôn luôn thấy họ có một khuyết điểm gì đó làm hại đến danh tiếng của cửa hàng.

Có một hôm, một anh nhân viên giỏi, lâu năm, đột ngột nói ngày mai anh ta sẽ đi làm hãng khác, anh ta đã chịu đựng tôi quá lâu. Trước khi giã từ, anh xin phép tôi nói lên vài cảm nghĩ : “Bà chủ là một phụ nữ giỏi, nhưng cầu toàn đến mức phi lý; bà luôn luôn muốn vạn sự như ý của bà. Có người muốn đưa sáng kiến làm cửa hàng phát triển hơn, nhưng bà gạt phắt; chỉ một lỗi nhỏ mà bà la hét, tuồng như đó là cái cớ để bà tấn công một con người, hay là để trấn áp một mặc cảm gì nặng nề trong tâm bà. Bà tự ban cho mình duy nhất có quyền kết án người khác; chỉ vì bà sợ hãi nhìn lỗi lầm của mình. Bà suy nghĩ đi. Cám ơn bà đã giúp tôi học được một nghề, và cho tôi một bằng cấp tâm lý học thực tiễn không cần học đại học. Xin chào bà.”

Tôi choáng-váng vì mất một người cộng tác giỏi-giang, không kịp kiếm người thay thế. Sau vụ đó, tôi tự phản tỉnh; cách cư xử mềm mỏng hơn, bao dung hơn, tiền thưởng rộng rãi hơn. Nhưng cái tính độc đoán của tôi không chừa được.

Giòng tâm tư của tôi bị cắt ngang vì một tiếng cười trẻ thơ vang lên từ cổng vào của viện. Hai vợ chồng trẻ đi ngang qua tôi cúi đầu chào, hỏi thăm bác vẫn mạnh khoẻ chứ ạ. Hai năm rồi chúng tôi quen nhau, vì cứ nửa tháng họ vào thăm mẹ đều gặp tôi. Tôi tươi cười cảm ơn hai vợ chồng, cháu trai giơ tay vẫy tôi, cười nhỏn-nhẻn. Tôi thầm nghĩ bà cụ có phước, có con cháu thăm nuôi đều. Còn tôi cô quạnh, mặc dù cũng có con trai, có con dâu, có hai cháu nội, một trai một gái.

Tôi lầm rồi; có lẽ anh nhân viên nói đúng; tôi có một mặc cảm nặng nề; cách xử lý việc đời như trong cửa hàng, tôi lại áp dụng vào con trai tôi. Tôi luôn tự bào chữa, con tôi phải theo lệnh tôi thì đời mới không hư hỏng. Tôi luôn nhắc nhở nó khi lớn lên con phải học ngành y, như ông nội của con, mẹ sẽ nuôi con cho đến khi ra bác sĩ, sau đó phải về Việt Nam tìm vợ.

Hết trung học, quả là nó vâng lệnh tôi, ghi tên học lớp chuẩn bị cho ngành y ở một tiểu bang khác. Tôi vui lắm, gởi tiền bạc đầy đủ cho con khỏi lo. Nhưng sau hai năm, tôi bỗng nhận được thư của nó gởi từ một căn cứ hải quân Hoa Kỳ, nói con thấy không thích hợp với nghề y sĩ; từ nhỏ con đã có mộng hải hồ đi khắp thế giới, hiện đang theo khóa huấn luyện cơ bản, kèm vài tấm hình chụp một thanh niên rắn-rỏi, da sạm đen trong bộ quân phục.

Cơn giận bùng lên bất ngờ, tôi xé nát lá thư và những tấm hình. Tôi viết ngay một thư nói con đừng về gặp mẹ nữa; mẹ không coi con là con của mẹ , mẹ cắt mọi thứ tiền bạc.

Việc đó xảy ra khi tôi 55 tuổi, và con tôi 20 tuổi. Những năm sau đó, quả là nó không về, nhưng cứ vài tháng, tôi nhận được một bì thư, có lá thư thăm sức khỏe mẹ, cùng một xấp hình chụp ở những quốc gia khác nhau. Tôi hết giận con rồi, vì tôi nhớ con vô cùng, mỗi khi nghe người hàng xóm cười nói vui vẻ đón con cháu về những dịp lễ Việt hay lễ Mỹ. Tôi hối hận đã để cơn giận mù quáng khiến tôi viết lá thư từ con. Hối hận như vậy, nhưng tôi vẫn tự bào chữa cái lý của tôi, tự ái, không viết thư trả lời con. Tôi cất những bì thư của con vào một ngăn tủ cẩn thận, thỉnh thoảng lấy hình con ra coi.

Những đêm nằm nhớ con, tôi dần dần thấy tại sao tôi cứ cột chặt vào mình cái tâm tự ái, cao ngạo, cố chấp, ngay đối với con ruột duy nhất của mình; tôi đã mất cha, mất mẹ, mất chồng, sao nay lại ngu xuẩn đẩy con đi xa, lỡ ra sông nước hiểm nguy… Có phải tôi tự mình làm mình trở thành kẻ cô quả; số mệnh nào đâu, tự mình thôi. Tôi vùng dậy, viết ngay một bức thư dài, gởi cho con, nói mẹ xin lỗi con đã bỏ bổn phận làm mẹ; mẹ có lỗi với ông bà nội, với cha con.

Một tuần sau, con tôi gọi điện thoại trực tiếp cho tôi, hai mẹ con cùng khóc. Nó nói sẽ sắp xếp về thăm mẹ. Tôi như hồi sinh từ một cơn bạo bệnh. Tôi viết thư thường xuyên cho con, tưởng như nó vẫn ở bên tôi. Nhưng những chuyến hải trình liên tiếp chưa cho nó dịp nào về nhà.
Tám năm, 2013, đúng là con tôi xa mẹ tám năm rồi, nó đã 28 tuổi, hình như nó đã là một sĩ quan hải quân trong bộ phận truyền tin điện tử. Tôi nhận được một bì thư con tôi báo tin sắp thành hôn với một thiếu nữ Mỹ, con gái của một vị thuyền trưởng. Hình chụp hai đứa đẹp đôi quá, cô gái trông thật xinh đẹp. Tôi mừng rỡ gọi liền cho con, nói mẹ sung sướng được cô con dâu xinh xắn như thế. Tôi quên bẵng khi trước muốn bắt con tôi về Việt Nam tìm vợ. Đúng, nó có cuộc đời riêng của nó, tôi không thể can thiệp vào, theo ý muốn độc đoán của tôi.
Hai đứa làm đám cưới ở một quốc gia nào đó; rồi cứ năm này qua năm khác, gởi thư về kèm những hình ảnh hai đứa cháu nội của tôi lớn dần lên ở những hải cảng khác nhau; cho đến khi hai vợ chồng được thuyên chuyển về Mỹ, ổn định đời sống cho hai cháu đi học.
Tôi chỉ nhìn thấy chúng qua hình ảnh; đúng, nỗi niềm cô quả của tôi là cái giá tôi phải trả cho cơn giận mù quáng của tôi. Đâu có phải như ai nói, nữ tuổi dần chịu cảnh cô quả?
Thiếu gì quí bà tuổi dần mà con cháu quây quần đầm ấm ?

Khi tôi vấp ngã trên bậc cầu thang vào năm 69 tuổi, con tôi mới bay về một mình lo cho tôi vào nhà dưỡng lão, lo cho thuê căn nhà. Rồi hơn hai năm nay, tôi vẫn cô đơn trong căn phòng nhỏ của viện dưỡng lão, chỉ sống với con cháu qua hình ảnh.
******************************************
Khi tôi dự thi quốc tịch, tôi đã đổi tên Mỹ là Emma cho dễ dàng trong việc kinh doanh. Trong viện dưỡng lão có một cô y tá người Việt, thường đến chích thuốc cho tôi. Một lần gần Tết, cô mang biếu tôi một hộp bánh đủ thứ mứt kẹo, cô nói : “Bác Emma ơi, cháu thương bác quá, bác không có ai thăm, hai năm rồi “. Tôi cảm ơn cô, nhưng không nói đó là lỗi tại tôi; tôi rơm-rớm nước mắt nói con cháu sống ở nước ngoài, khó về thăm mẹ, thăm bà.
Mùa Giáng Sinh năm 2021. Ngày 23 tháng 12, trong khi các phòng khác tấp nập người thân đến thăm các cụ, thì phòng tôi yên ắng. Khoảng buổi trưa, cô y tá đến thầm thì với tôi, bác sắp có tin vui rồi, ban giám đốc sẽ tổ chức một buổi lễ tặng quà Giáng Sinh cho những cụ neo đơn. Tôi cám ơn cô đã báo tin, nhưng tôi cảm thấy hững-hờ, y như khi tham dự những chương trình văn nghệ của các cháu thiện nguyện mỗi chủ nhật. “Vui là vui gượng kẻo mà”.
Quả nhiên, vào buổi chiều, bà giám đốc đến phòng tôi, xin phép ngồi ghế đối diện tôi, tươi cười nói : “Thưa bà Emma, ban giám đốc trân trọng mời bà trưa mai 24 đến phòng sinh hoạt dự buổi lễ tặng quà Giáng Sinh. Trong viện chúng ta, có năm cụ lâu không có thân nhân thăm viếng; nên năm nay chúng tôi tổ chức tặng quà, mong đem lại chút niềm vui cho các cụ; 12 giờ trưa mai, nhân viên sẽ đưa bà ra phòng, xin bà vui lòng trang phục đẹp nhá”. Tôi tỏ ra vui vẻ cám ơn nhã ý của ban giám đốc, hứa sẽ ăn mặc thật đẹp. Bà giám đốc cáo từ; bà luôn luôn lịch sự, nhã-nhặn.
Tôi không cảm thấy nóng lòng chờ đợi buổi lễ, chỉ nghĩ đó là một nghi thức xã giao, hay …..là một cách quảng cáo kinh doanh.
Phòng sinh hoạt hôm nay được trang trí rực rỡ, với cây Noel sáng choang đèn lấp lánh, những dây hoa xanh đỏ, một hình tượng ông già Noel to như người thật, nhạc Giáng Sinh vui phát ra từ bốn góc tạo nên một bầu không khí lạc quan yêu đời. Có năm chiếc ghế bành bọc vải hoa đủ màu dành cho năm cụ. Không hiểu sao, tôi được ngồi ghế giữa.

Trên bàn dài đối diện, tôi thấy bày bốn gói quà lớn bọc giấy màu trông hấp dẫn.

Vì quen với việc buôn bán, tôi tự hỏi, có năm cụ, mà sao chỉ có bốn gói quà. Nhưng ý nghĩ thoáng qua rồi biến đi không có câu trả lời, khi bà giám đốc trong trang phục lễ hội tiến vào cùng với hai cô nhân viên trẻ đẹp. Bà trang trọng chào mừng quí khách, nói lý do buổi lễ, giới thiệu tên tuổi từng cụ, trong những tràng pháo tay vui vẻ. Sau đó bà xin thay mặt ban giám đốc viện trao quà tặng cho từng khách mời.

Lần lượt bốn cụ hai bên tôi nhận quà từ hai cô nhân viên; bốn gói quà trên bàn đã được trao. Còn lại mình tôi, bà giám đốc bỗng cao giọng nói : “Thưa bà Emma, hôm nay chúng tôi sẽ dành cho bà một món quà đặc biệt”.

Mọi người ngơ ngác nhìn quanh xem món quà đặc biệt nằm đâu.

Bỗng cửa phòng phía sau mở ra. Tôi giật thót mình, tưởng như trong mơ. Con trai tôi, Benjamin; vợ nó, Isabella; cháu nội trai, Oliver; cháu nội gái, Everly xuất hiện trong trang phục lễ hội sặc sỡ dần dần bước tới, cúi chào ban giám đốc, chào bốn cụ, rồi đến trước tôi.

Tôi chết sững. không biết phản ứng thế nào; thì Isabella, Oliver, Everly chạy tới ôm lấy tôi, nói bằng tiếng Việt lơ-lớ giọng Mỹ.

Isabella : “Con dâu Isabella chúc mừng mẹ Mùa Giáng sinh an lành vui vẻ”

Oliver : “ Cháu Oliver chúc mừng bà nội Mùa Giáng Sinh an lành vui vẻ”

Everly : “ Cháu Everly chúc mừng bà nội Mùa Giáng Sinh an lành vui vẻ”

Tôi không kềm được cảm xúc, khóc òa, ôm lấy ba mẹ con : “Mẹ, bà nội cám ơn các con, các cháu”.

Cả phòng rộn lên tiếng vỗ tay, tiếng nhạc, tiếng hát Giáng Sinh; Benjamin nói lời cám ơn ban giám đốc đã đứng ra tổ chức một buổi đoàn tụ gia đình mùa Giáng Sinh thật là cảm động.

Ban nhà bếp dọn đồ ăn lên. Gia đình tôi ngồi riêng một bàn. Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, xúc động, không cầm muỗng dĩa, mà chỉ nhìn các con các cháu, tràn ngập niềm hạnh phúc mà suốt đời tôi chưa từng cảm nghiệm. Benjamin nói, suốt cả tháng nó đã luyện cho ba mẹ con câu chúc tiếng Việt. Benjamin đã đưa sáng kiến tặng quà cho các cụ neo đơn, đã chi hết tiền bạc nhờ ban giám đốc tổ chức buổi lễ hôm nay.

Benjamin xin phép ban giám đốc cho bà Emma vắng mặt nửa tháng để cùng gia đình đi một chuyến cruise trên Thái Bình Dương.

Giáng Sinh 2022 sắp đến; Benjamin báo sẽ về cùng vợ con, mời mẹ đi du lịch Âu Châu ba tuần. Tôi chỉ biết cám ơn các con, các cháu và cuộc đời đã cho tôi hạnh phúc những năm cuối đời.

Đào Ngọc Phong


Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Cô Vương Thanh Tú gặp HT cũ THCL.Tây Ninh 19/12/2024

 Cô giáo Vương Thanh Tú (cô Tú . Kohn ) về Tây Ninh cùng con trai vả  cháu nội găp các HT cũ THCL.Tây Ninh 19/12/2024 ,nhà hàng Sông Quê

Con trai cô Tú (áo xanh),bìa trái là cháu nội
Mọi người đều vui

Kính chúc cô nhiều SỨC KHỎE,GIA ĐÌNH BÌNH AN

Mong Được Gặp Lai  Mọi NGƯỜI Vào Những Năm Sau

💘💘💘💘💘💘💘

FB Trịnh thị Hảo

TÌM VỀ NGUỒN CỘI.
( Kính tặng Cô Vương Thanh Tú với Con Trai và cháu Nội.
Mến tặng các bạn bè có mặt lẫn không thể có mặt được trong buổi họp mặt hôm nay)
*****
Nghe tin Cô Tú về nước và sắp xếp một buổi gặp lại các học trò trường Trung Học Tây Ninh của Cô thuở xưa… bọn em vui hết sức. Vừa có dịp gặp Cô, vừa có dịp gặp nhau… Một dịp hiếm có trong thời buổi này, vì bản thân em cảm nhận được rằng bọn chúng em mỗi ngày một vắng hơn…trong ánh nắng vàng vọt của tuổi hoàng hôn!
Vẫn như thường lệ, hai đứa ở xa nhất lại đến sớm nhất… Rồi Cô và các bạn cũng đến. Cô vẫn khỏe, trẻ và vui tươi như thuở nào! Nghe lời Cô kể, em mới hiểu rõ và thấm thía ý nghĩa chuyến đi này. Là do con trai Cô chủ động muốn tìm hiểu về quê mẹ, muốn Cô dắt đi thăm những nơi mang đầy kỷ niệm của Cô và Thầy. Nói lãng mạn hơn là nơi nảy sinh mối tình Việt Mỹ thật đẹp, thật thơ dưới mái trường Trung học Tây Ninh, một nơi nhỏ bé, quê mùa nhưng tràn đầy tình cảm… cũng như những nơi Cô, Bà và gia đình từng in dấu kỷ niệm trong cuộc sống tại Việt Nam ngày xưa.
Em biết rằng cuộc hành trình của Cô với con trai và cháu nội ở đất nước Việt Nam sẽ còn xuyên suốt và kéo dài, mà Tây Ninh với lũ học sinh chúng em chỉ là một mắc xích nhỏ xíu trong chuyến tìm về nguồn cội có một không hai này. Nhưng chúng em rất rất vui vì đã có một phần trong ký ức của Cô, để được Cô giới thiệu với các núm ruột của Cô trong chuyến đi.
Một điều làm chúng em cảm động là Cô đã coi trọng và dạy dỗ rất tốt, để con trai và cháu nội của Cô quan tâm đến quê mẹ, chủ động tìm về quê mẹ…nơi mà trong huyết quản của họ đã tuôn chảy một phần dòng máu Việt Nam.
Đã nói Cô chúng em là tuyệt vời nhất mà!
Thưa Cô, em biết rằng Cô còn rất bận để sắp xếp thời gian cho chuyến tìm về nguồn cội này, và không chắc có dịp để tiễn Cô và gia đình về lại Mỹ, nên em xin đại diện tất cả các bạn, chân thành chúc Cô, Con Trai, cháu Nội mọi sự như ý, suông sẻ trong hành trình đáng ghi nhớ này, hy vọng nó sẽ mang lại một dấu ấn sâu sắc, một kỷ niệm tốt đẹp về quê hương đất nước Việt Nam trong ký ức của Cô ( dĩ nhiên), nhất là với 2 cháu!
19/12/2024

GÁNH ĐỜI - Thơ Kiều Mộng Hà Và Bài Họa Của Các Thi Hửu


GÁNH ĐỜI

Khổ thân vác khổ đổ đầu non
Chân mỏi vai trầy nặng vẫn còn
Ngán ngẩn đường ghềnh xa diệu vợi
Chán thay phố dốc ước mơ mòn
Tri âm vắng bóng đành thui thủi
Bạn cũ rụng dần thêm héo hon
Phận mỏng bao phen mưa gió tạt
Gánh đời nghiệt ngã bước chon von
Kiều Mộng Hà
Dec.17.2024

Thơ Họa:

2. NỖI ĐỜI

Cong lưng gánh cực đổ trên non
Trốn chạy loanh quanh, khổ mãi còn
Bởi phận luôn dìm nơi khốn khó
Nên thân phải chịu cảnh hư mòn
Môi cười trả lại thời trong trẻo
Tiếng khóc hồi sinh thuở hỏn hon*
Vắng bặt lời ru dào dạt biển
Xa rời đỉnh Thái vót vòn von**…
Lý Đức Quỳnh
18/12/2024

*Thuở hỏn hon: thuở mới sinh còn đỏ hỏn.
**Vót vòn von: xin phép được láy từ von vót (nhọn và cao vút lên) cho hiệp vận.

 2./ VÔ THƯỜNG

Kiếp sống gập ghềnh núi với non
Thăng trầm dâu bể sức luôn còn
Bao phen quay quắt, lòng hằng vững
Lắm lúc đảo điên , trí chẳng mòn
Vững dạ ngại gì nguy lẫn hiểm
Bền gan đâu quản héo cùng hon
Cho dù số phận nhiều ngang trái
Vẫn thấy chim trời hót véo von
Tường Thuý

3./ DÃY TRƯỜNG SƠN

Một dãy Trường Sơn dọc nước non
Trải bao năm tháng vẫn luôn còn
Suối khe, đèo rậm quanh co lượn
Vách đá, sườn thưa lởm chởm mòn
Đỉnh núi Ngọc Linh nằm chót vót (*)
Vườn rừng Bạch Mã đứng chon hon (**)
Khí thiêng sông núi, hồn dân tộc
Trong tiếng gió ngàn mãi véo von.
Sông Thu
( 18/12/2024)


(*) Núi Ngọc Linh cao 2598m ( ở Quảng Ngãi, Kontum, Quảng Nam )
là đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn ở trong địa phận nước ta.
(**) Vườn quốc gia Bạch Mã ( Huế ) nằm ở phần cuối của dãy Trường Sơn Bắc
là một địa điểm du lịch nổi tiếng.


4./ GÁNH MẸ.

Dù là xuống biển hoặc lên non
Chỉ ước Mẫu tôi được sống còn
Bệnh nặng làm thân người ốm yếu
Sức vơi khiến thể xác hao mòn
Ngày, đêm săn sóc khôn xao lãng
Sáng,tối cận kề dẫu hắt hon
Gánh Mẹ,con nào đâu quản ngại
Để cho tiếng Má lại veo von!
LAN.
(18/12/2024).

5./ Kính Họa Vận : MỘT GÁNH LO…!

Ghềnh thác chập chùng nợ nước non
Chí trai hồ thủy vốn luôn còn…!
Đơn thân vạn lý xa vời vợi
Độc mã dặm trường há mỏi mòn
Tri kỷ chàng ơi…! Lòng trống vắng
Bạn tình thiếp đợi…! Dạ đành hon
Nợ duyên tiền định, mưa giông tố
Quẵng gánh lo, chim hót véo von
MAI XUÂN THANH
Silicone Valley December 18, 2024


6./ VƯỚNG NỢ NGHÈO

Mòn chân gánh cực đổ đầu non
Vẫn tưởng từ nay nó chẳng còn
Nhẹ nhỏm thở phào xong của nợ
Lèo đèo lót tót kiếm đường mòn
Trời ơi nghiệp chướng sao đeo miết
Mẹ bố tiên sư bám héo hon
Nhắm mắt đưa chân cam chịu phận
Coi như chuyện thử thách cười von
Trần Đông Thành

7./ gánh nặng

nặng nợ làm trai... gánh nước non
điêu linh chinh chiến biết thân còn?
con thơ dạy bảo… lòng rười rượi
vợ dại chờ trông... xác mỏi mòn?
chuyến tuyến canh phòng trơ với trọi
quê nhà tuởng nhớ héo cùng hon
ba thu đăng đẵng chừng vô tận?
phải thế... người đời đã...ví von!

anh khờ

HỌA 8 ./: ĐỜI KHỔ

Cực khổ đeo quằn quại vóc non,
Quanh năm nhọc vẫn nặng vai còn.
Một thân cô quạnh đi vời vợi,
Đơn độc sầu thương bước mỏi mòn.
Tri kỷ có ai… suy nghĩ tủi,
Gia đình vắng bóng,,, dạ hiu hon.
Mong manh lạnh nóng cam đành chịu,
Phận gái chu toàn tim véo von.
*
Gánh đời nặng kéo tuổi mòn son.
HỒ NGUYỄN (18-12-2024)

HỌA 9 :TRAI THỜI LOẠN 


gánh vác san hà chuyện nước non 

Thân trai chẳng nệ mất hay còn 

Giang sơn biến loạn rầu thin thít

Tổ quốc thanh bình rộn ví von

Quyết chí xông pha lòng khó đổi 

Bền gan phấn đấu dạ không mòn

Thiên cơ trời định thân đành chịu

Viễn xứ tâm sầu héo với hon

Hưng Quốc 

Texas 12-18-2024


HỌA 10./ NHẮN

Núi biết mình già nhắn nhủ non
Đồi cao cây cỏ sắc luôn còn
Đừng đem dưỡng chất đi ra khỏi
Chớ để mầm sinh bị chết mòn
Nguồn nước không nên khô lẫn cạn
Lá hoa chớ để héo cùng hon
Rừng xanh muôn thuở nuôi muông thú
Chim sống yên lành hót véo von.
2024-12-19
Võ Ngô 

KÍNH HỌA 11 : TUỔI GIÀ NUSE ROOM .

Một đời gian khổ núi cùng non...
Gối mõi chân rung nghiệp vẫn còn....
Con cái gia đình xa vắng bóng,
Anh em bằng hữu cũng lần mòn...
Tuổi già đành chịu Nuse room mãi....
Tủi phận cô đon thân héo hon...
Nước mắt tuôn tràn khi nhắc nhớ,
Bao giờ tù giả cõi chon von....
Mỹ Nga, 20/2024 AL, 20/11/Giáp Thìn.



HỌA 12 / ƠN DÀY DƯỠNG DỤC
    
Công cha nghĩa mẹ ngất tày non,
Vĩnh biệt ngàn thu đã chẳng còn.
Tận tụy dìu đưa đi nẻo chính,
Nhiệt tình hướng dẫn bước đường mòn
Phơi thân kiếm sống đời gian khổ,
Nát óc mưu sinh dạ héo hon.
Dưỡng dục ơn dày sao trả hết?
Đến giờ con vẫn đứng chon von!
Đỗ Quang Vinh
phụng họa

HỌA 14 : Thăm Chồng 

Cố gắng thăm chồng chốn hiểm non 
Tìm anh lặn lội sức đua còn 
Sườn ngang chẳng ngại dù thân rã 
Đỉnh dốc không lo dẫu xác mòn 
Sỏi đá đâu nề che khổ ải 
Đường rừng cớ nệ lắp sầu hon
Thương người muốn gặp vơi niềm nhớ 
Nỗi đắng cao vời tận chót von 
     Minh Thuý Thành Nội 
       Tháng 12/20/2024


Con diều giấy - Chu Sa Lan ( Songnhi.Blog )

 

Sáu ngồi dựa ngửa vào thân cây dừa xiêm. Mũi của nó nhăn nhăn vì cảm nhận được mùi gì là lạ.

– Mùi gì kỳ vậy ta… thơm quá…

Nó hít một hơi thật dài như cố hít hết thứ mùi là lạ đang phảng phất trong không khí nóng hừng hực của buổi trưa hè. Hít hít vài lần xong nó đưa mắt nhìn quanh quất như cố tìm xem cái mùi hương từ đâu theo gió thổi đến vì xung quanh nó tuy có nhiều cây cối nhưng lại là những thứ cây có bông mà lại có ít hương. Với lại nó là thằng con nít mới có 10 tuổi thì để ý làm chi tới chuyện bông hoa cây cỏ có hương có hoa. Mấy thứ đó mắc mớ gì tới nó. Bông hoa cây cỏ để dành cho mấy ông già bà lão ” nhàn cư vi bất thiện, ở không thì hay sanh chuyện ” mà. Cái câu này Sáu nghe được từ anh Bảy Bê. Thấy hay hay nó bèn học thuộc lòng rồi nhận là của mình và thường đem ra nói giỡn với đám con nít trong vườn. Tuy nhiên trưa nay, nằm dưới gốc cây dừa xiêm đầy bóng mát ngắm trời mây ruộng nước, nó lại thắc mắc về thứ mùi xa lạ cứ phảng phất vào mũi của mình.

– Mùi gì thơm quá… kỳ quá ta…

Sáu lẩm bẩm trong lúc ngước đầu nhìn vơ vẩn. Khi thấy quài dừa đang nở bông trắng xoá trên đầu của mình, nó hừ tiếng nhỏ cau mày lẩm bẩm.

– Hổng lẽ… hổng lẽ… hừ…

Không dằn được sự tò mò nó chỏi tay đứng dậy. Quài dừa chỉ cao hơn đầu nó một chút nên khi nhón chân lên thì cái mũi của nó cũng vừa ngang tầm với mấy cái bông dừa đang lơ lửng trong không khí. Bật cười hắc hắc nó buột miệng.

– Hèn chi… Mấy cái bông dừa mắc dịch…

Nói thì nói song nó lại nhón chân cho cao hơn để mũi của mình chạm sát vào quài dừa rồi hít lấy hít để.

– Má ơi… Mình đâu có ngờ bông dừa lại thơm như vầy…

Hít đã một hồi nó lại ngồi xuống dựa lưng vào cây dừa ngó mong ra xa. Đồng ruộng cỏ mọc xanh xanh. Phía bên phải chỗ nó ngồi là thửa vườn trái cây của nhà cô giáo Thâu. Cô cưng nó nhất. Khi được biết lý do cô giáo cưng mình thì nó khoái lắm. Hổng biết cô giáo Thâu có nói giỡn hay là nịnh nó không. Cô cưng nó vì nó khôn hơn mấy đứa học trò khác mặc dù nó cũng phá phách hơn. Thỉnh thoảng cô kêu nó qua nhà hái trái cây cho nó ăn. Bù lại nó cũng giúp cô bằng cách đi lấy ổ kiến vàng đem về để lên những cây quít trong vườn của cô. Nó được cô dạy rằng muốn cho cây quít có trái lớn, nhiều nước và nước ngọt thì phải có kiến vàng sống trên cây quít. Nó thì không hiểu tại sao cần phải có kiến vàng sống ở trên cây quít thì trái mới ngon.

Ngồi tựa lưng vào thân cây dừa Sáu cảm thấy bốn mí mắt của mình từ từ khép lại vì con buồn ngủ len lén bò vào. Cố hết sức nó cựa mình ngồi bật dậy rồi há miệng ngáp lớn. Nó cảm thấy chán và buồn vì không có việc gì làm cho vui cho qua hết thời giờ. Tiếng con cá lóc táp mồi dưới gốc cây khế khiến cho nó quay nhìn một cách thờ ơ. Câu cá, tát mương, mò cua, bắt ốc riết rồi nó đâm ra mệt với ba cái vụ đó. Từ lúc má nó dời nhà ngoài chợ về cái nhà lá cất lẻ loi trên miếng đất mới của bà nội cho thì nó ít đi ra chợ hơn. Đường từ nhà ra tới chợ xa gần cây số. Mỗi lần ra chợ phải cuốc bộ, nên ra tới nơi đã đói bụng rồi chỉ ở chơi một chút lại lội bộ về nhà lục cơm nguội, thành ra đi được vài lần nó hổng muốn đi nữa. Còn quanh quẩn khu nhà thờ này thì chẳng có gì chơi. Con nít ở đây, đứa thì nhỏ quá, đứa thì lớn quá, hổng có cùng trang lứa và hạp với nó. Đám con nít trong vườn như thằng Hết, Em, Biết thật thà và dễ bảo hơn đám con nít khu nhà thờ này. Cô thân độc mã nên nó không muốn gây sự với bất cứ đứa nào. Với lại quánh lộn hoài nên nó cũng chán. Thật tình mà nói thì nó cũng hổng ưa quánh lộn với con nít khác. Cái vụ thượng cẳng chân hạ cẳng tay này chỉ xài với mấy thằng con nít du côn du kề, ỷ lớn ăn hiếp nhỏ mà thôi. Nghĩ ngợi lan man Sáu cảm thấy mắt mình nhắm lại từ từ dù nó cố gượng mở mắt ra vì không muốn ngủ.

Biết cứ nằm một chỗ thì thế nào cũng rơi vào giấc ngủ, Sáu chỏi tay ngồi dậy rồi đi vòng vòng quanh cái ao rộng. Đây là cái ao mà người ta đào lấy đất đắp nền nhà rồi sẵn dịp má nó mướn đào sâu và rộng hơn để nuôi cá tra. Bà là người hay có sáng kiến song ít có kiên nhẫn theo đuổi và thực hiện cái sáng kiến của mình tới nơi tới chốn. Bà mua cá con về thả xuống rồi giao cho con cái đi hái rau muống về cắt nhỏ ra trộn với chuối cây và gạo lức nấu chín thành viên lớn bằng nắm tay để làm thức ăn cho cá tra. Mới đầu con cái còn hăng hái tham gia vì lạ và hổng có việc làm, sau đó cực quá nên hổng đứa nào hưởng ứng nữa. Thế là cá dưới hồ đói nhăn răng luôn và chết dần chết mòn trừ con nào mạnh mới sống được. Xung quanh bờ ao trồng đầy cây khế và cây so đũa để lấy bóng mát và dừa xiêm của bà ngoại mang lên trồng. Trời trong vắt và xanh một màu xanh lơ. Gió nhè nhẹ làm lắc lư rặng trâm bầu xa ngoài kia. Không có chuyện gì làm Sáu thơ thẩn bước từng bước chậm chạp dài theo bờ mẫu chạy đụng tới con rạch lớn. Nó là nhánh của rạch Bình Chánh hay sông Bến Tre chảy vào đây nên lúc nào cũng nhiều nước và sức nước chảy mạnh.

Vào mùa nước rong, toàn vùng hầu như ngập nước trừ một vài cái gò cao có cỏ mọc. Hai tay chấp sau đít, đầu ngước lên nhìn trời, Sáu bước chậm và đều. Được nửa đường thì tới một cái gò cao cỏ mọc tràn lan nhưng lại không cao lắm vì mấy đứa trẻ chăn trâu thường hay chơi ở đây làm cho cỏ không mọc cao lên được. Gần tới rạch lớn nên gió mát hơn khiến cho nó tỉnh cơn ngủ. Xa tít trên cao lơ lửng một con ó đang soải cánh lượn theo gió. Nhìn con chim Sáu ước gì mình được như nó để tự do bay trên trời. Đọc sách nó nghe nói tới máy bay nhưng chưa bao giờ thấy tận mắt hình dáng. Tuy nhiên nghe kể nó ao ước được ngồi lên máy bay bay về một phương trời xa thẳm. Nó chưa bao giờ được đi xa trừ một lần được đi thăm ba ở Nam Vang. Đó là chuyến đi xa nhất trong đời với nhiều cái mới lạ như ngồi xe lửa, xe đò, được ăn mía ghim, ăn kem chứ hổng phải cà lem cây. Kem ở Sài Gòn ngon vì có mùi thơm lạ và béo bùi hơn cà lem cây làm ở trên tỉnh. 
Mặc dù có gió thổi lai rai nhưng đang độ mùa hè nắng cháy da nên Sáu vẫn cảm thấy nóng. Đưa tay áo quệt mồ hôi trán nó nhìn con ó đang sải cánh lượn dật dờ trên cao như tìm mồi. Tuỳ theo vùng thì con vật đó có người gọi là diều hâu, chim bù cắt, chim ó. Nghĩ tới đó nó lại đâm ra lẩn thẩn tới hai tiếng ”ó đâm”. Tại sao người ta lại gọi là ó đâm. Kỳ quá. Tiếng gì kỳ cục quá… Ngước nhìn con diều hâu lượn trước mặt mình nó chợt bật cười hắc hắc.

– Rồi… mình nhớ ra rồi…

Dứt lời nó quày đầu chạy u một hơi về nhà. Cái mà nó vừa nhớ ra là thả diều, một trò chơi mà con nít nào cũng biết. Đám con nít trong vườn hổng biết thả diều vì ở trong vườn cây cối rậm rạp đâu có chỗ trống để thả diều. Phải ra đồng ruộng kìa mới có gió và trống trải cho diều bay cao. Vào tới nhà, cắm đầu xuống lu nước mưa ực một hơi no cành hông xong nó bước lẹ vào nhà. Gọi là bước lẹ vì nó phải nhón chân, bước êm để không gây tiếng động đánh thức chị Năm đang ngủ trưa. Muốn làm con diều nó phải có một vài thứ. Trước nhất phải có giấy. Giấy tập học trò làm cũng được song không đẹp và bền bằng giấy kiến có màu và dai hơn giấy tập học trò. Kế đó là cuộn dây để thả diều. Hai thứ đó không thể thiếu nếu muốn làm con diều coi cho được con mắt. Khung diều bằng trúc thì dễ rồi vì trước nhà đã có sẵn bụi trúc cây nào cây nấy cao trật ót luôn. Nhẹ kéo cái hộc tủ ra nó mỉm cười khoái chí khi thấy một xấp giấy kiến đủ màu. Len lén rút vài tờ nó lủi nhanh ra khỏi nhà trước khi chị Năm thức dậy. Giấu xấp giấy kiến vào bọng cây dừa, nó xách dao phai ra bụi trúc. Hì hục, nào chặt, chẻ, vót hồi  lâu nó mới làm xong cái khung. Chỉ cần dán giấy kiến lên là xong. Trở vào nhà nó pha bột gạo với nước lạnh quậy cho đều đoạn đun sôi để làm hồ dán giấy. Quá quen nên chút xíu là nó dán xong con diều giấy với hai cái tai và cái đuôi dài. Gật gù đắc ý nó máng con diều chưa làm xong lên cây đoạn đi làm một việc khó nhất. Đó là kiếm dây để thả diều. Nhà có chỉ may song nó không dám đụng tới vì sợ bị má la và sau nữa chỉ nhỏ nên dễ đứt lắm. Nó không muốn con diều của mình đang bay cao mà bị đứt dây. Đối với những đứa con nít thả diều nghề ở nhà quê thì diều đứt dây là một đại hoạ. 

Thứ dây tốt nhất là nhợ giăng câu vừa dai vừa bền nên không sợ bị đứt khi có gió mạnh.

Anh Tư của nó rỉ tai cho nó một bí mật là ở trên cao gió mạnh lắm nên muốn diều bay cao thì phải có nhợ chắc và bền. Lạng quạng là gió thổi diều bay tuốt luốt luôn. Vùng này đồng ruộng với sình lầy nên diều đứt dây thì kể như mất con diều. Gãi gãi đầu suy nghĩ trong lúc đi loanh quanh sau vườn, chợt thấy cây cần câu cắm cá lóc, Sáu reo lên tiếng mừng rỡ. Phải rồi. Năm ngoái anh Tư ở Sè Gòn về nhà có cho nó một cuộn dây câu mới tinh chưa có xài. Cái này thả diều thì hết biết. Bay cao tới cung trăng luôn. Lục lạo một hồi Sáu mới tìm được cuộn dây câu coi thì cũ mà còn chắc vì nó thử bứt cũng hổng đứt. Mừng rơn nó ôm con diều đã được cột dây, tất tả theo bờ mẫu ra khoảnh đất trống giữa đồng.

Gió thổi lai rai. Không cần chạy, con diều giấy cũng no gió bốc lên cao tức thì. Hai cái tai dài bay phất phới còn cái đuôi dài ngoằng lả lướt trong cơn gió đồng mát rợi. Nước những lớn vì mương dừa nước lên xâm xấp. Con diều no gió bốc lên càng lúc càng cao và tung tăng bay lượn giữa khung trời bao la. Đứng thả diều một hồi lâu mỏi chân Sáu, tay cầm cái ống nhợ đi dần dần về phía nhà của mình. Tới hồ nuôi cá tra nó cột con diều vào gốc cây khế xong bỏ vào nhà kiếm cái gì dằn bụng vì nhớ ra từ sáng tới giờ mình chỉ có ba bốn chén cơm nguội thôi. Mỗi khi nghe má nó than nuôi đàn con đang lớn tốn tiền quá thì bà ngoại lại cười nói con nít mới lớn ăn như thổi. Dù nhỏ nhít Sáu cũng biết má nó làm bộ than thở để xin tiền bà ngoại. Thương con, cắt ca cắt củm có bao nhiêu tiền bà đều xì ra cho con gái vì biết con gái cưng của mình vô phước có chồng mà chỉ được tiếng nâng khăn sửa túi chứ chẳng được bịt mắt móc túi chồng để ăn xài cho sướng tấm thân.

Xực tô cơm nguội với cá bóng dừa kho khô bự tổ chảng mà chỉ thấy lưng lửng bụng, Sáu bước ra ngoài sân đứng nhìn vơ vẩn. Nhà vắng tanh chẳng có ai. Má nó đi Sài Gòn thăm chị hai và anh tư chắc còn lâu lắm mới dìa. Đã quen với chuyện má vắng nhà nên chị năm, nó và Sơn có thể tự lực cánh sinh được. Gạo thì có sẵn trong lu. Tôm cá thì lủ khủ dưới ao, mương. Mỗi sáng nó cầm cần câu đi rảo một vòng thì đủ ăn rồi. Cá bóng dừa sống trong những bẹ dừa nước, con nào con nấy mập ú và trắng phau dòm thấy chảy nước miếng luôn vì nó mà kho tộ ăn với rau càng cua trộn giấm thì ngon hết biết. Ăn cá bóng dừa riết chán, nó cởi áo nhảy xuống mương nước lấp xấp ngang đầu gối, quậy đùng đùng một hồi là tép bạc, tép đất và tôm lóng ló đầu, nổi râu lên bắt hổng hết. Khi nào bắt được cá lóc hoặc tôm càng nó đem qua cho cô giáo Thâu. Bù lại cô cho nó trái cây ăn ê răng luôn. Thỉnh thoảng nó cũng đem qua cho chị sáu Nhũ làm nghề tráng bánh tráng ở bên cạnh và chị cho nó những cái bánh phồng, bánh tráng đã bể ra từng miếng. Chị sáu Nhũ tráng bánh ngon ơi là ngon. Khi nướng trên lửa than miểng gáo nó bốc mùi thơm thơm mà dòn rụm và béo bùi hết biết luôn.

Đang nhìn vơ vẩn Sáu chợt nhíu mày khi thấy có đứa nào đang đứng cạnh gốc cây khế nơi nó cột con diều giấy đang bay. Nhìn kỹ nó mới nhận ra đó là đứa con gái nhờ mớ tóc đen dài và chiếc áo bà ba màu vàng.

– Ai dậy ta… Đứa nào dậy ta?

Sáu lẩm bẩm trong lúc nhẹ bước theo từng thân cây so đũa, cây khế và thân cây dừa để ra chỗ gốc cây khế đang buộc con diều. Nó len lén đi vì muốn hù cho con nhỏ chạy quắn đít đặng cười chơi.

– Tại mày qua nhà tao mà hổng xin phép trước… Tao bắt mày tao trói vô gốc cây cho kiến cắn chơi…

Sáu lẩm bẩm trong lúc lần bước theo các thân cây tiến về nơi con nhỏ mặc áo vàng đang đứng. Tới cách chỗ con nhỏ đứng chừng ba gốc cây, nó dừng lại chăm chú nhìn. Mặc cái áo bà ba màu vàng, quần đen, đi chân đất, con nhỏ đứng im nhìn con diều đang bay trên trời. Gió đồng khá mạnh thổi tung mái tóc đen dài của con nhỏ bay bay. Sáu lẩm bẩm.

– Con nhỏ tóc dài ghê… Ban đêm trời có trăng mà nó mặc áo trắng, để tóc dài dám mình tưởng ma con nít hiện lên…

Không nhịn được Sáu bật cười song ngậm miệng lại thật nhanh. Tuy nhiên con nhỏ cũng nghe được tiếng cười của nó nên quay qua nhìn và nhoẻn miệng cười. Dù chỉ là nhoẻn miệng cười sao mà Sáu thấy nó có duyên tệ. Dù còn nhỏ song nó cũng thấy được nhiều người cười như má, chị hai, chị năm, chị sa, con Thêu… mà nó chưa thấy ai cười đẹp như con nhỏ này. Nụ cười tự nhiên chứ hổng phải làm duyên hay ỏng ẹo, hoặc giả bộ cười.

– Con diều của anh đẹp ghê… Anh cho em cầm một chút nghen anh?

Ôi câu nói sao mà nghe xong Sáu muốn cho con nhỏ luôn con diều của mình. Không trả lời câu hỏi, Sáu lại hỏi con nhỏ mà khi nghe xong con nhỏ lại gật đầu nhoẻn miệng cười.

– Em thích con diều hông?

– Dạ thích… thích ghê lắm… nhà em nghèo má em hổng có tiền mua cho em con diều mà em hổng biết làm…

Sáu khoái sự thành thật của con nhỏ. Nhiều đứa con nít nhà nghèo muốn cạp đất ăn thế mà mở miệng là khoe giàu sang đủ thứ. Con nhỏ này lạ ở chỗ hổng có mắc cỡ về nhà nghèo. Có lẽ nó còn nhỏ quá, thơ ngây chưa có mặc cảm về cái nghèo của mình. Như nó vậy. Nhà nghèo nên bị bên nội ghét bỏ. Bà nội mà con cháu giàu sang ở trên tỉnh hay Sài Gòn về thì bà cưng chiều. Bao nhiêu món ngon vật lạ, trái cây chín bà cho mang về ăn phủ phê, không bằng nó xin thì bà bảo ra gốc cây mà lượm. Nó nhớ và nhớ không bao giờ quên, một lần chú năm, con nuôi bà nội về ăn đám giỗ gì đó. Dĩ nhiên má nó phải có mặt và bà cũng phải cho con vào thăm bà nội. Chú năm ở Mỹ Tho, chạy xe mô tô nổ bành hạch mà nổ còn thua cái hống hách và oai quyền của chú. Thấy chiếc xe lạ nó lại gần ngắm nghía và săm soi sờ mó. Chát… nó ăn nguyên bạt tai nháng lửa, chảy máu miệng chỉ vì cái tội sờ mó chiếc xe của ông chú mình. Má nó phải xin lỗi chú năm. Nó không khóc mà đau, đau không phải vì cái bạt tay mà đau vì má nó phải hạ mình xin lỗi. Lúc đó nó thù, ghét chú năm tới độ mà sau này lớn lên, có thời gian ở tại Mỹ tho mà chẳng thèm lui tới. Má nó biết nó buồn nên mới nói như vầy: Con bị thằng nhổ răng (chú năm làm thợ nhổ răng) bạt tay, còn Hàn Tín phải luồn trôn thằng bán thịt. Con nghĩ ai nhục hơn ai? Câu nói đó làm cho nó suy nghĩ hoài và mỗi khi có bị ai chưởi mắng, đánh đập nó thản nhiên chịu đựng. Sắt được ông thợ rèn tôi bằng lửa thì sắt mới trở thành sắc bén cũng như người có bị bầm dập, đá lên đá xuống thì mới nên người.

– Anh cho em con diều đem về nhà thả cho vui…

Con nhỏ tròn mắt nhìn Sáu. Nó đoán con nhỏ ngạc nhiên.

– Dạ… em cám ơn anh… mà em đem về nhà cho má em coi rồi ngày mai em qua đây thả diều với anh. Ủa mà anh hổng có diều thì làm sao thả…

Sáu cười hắc hắc.

– Thì anh làm con diều khác… dễ ợt hà…

Con nhỏ gật đầu chăm chú ngó lên con diều đang bay lơ lững trên trời. Sáu cảm thấy ánh mắt của con nhỏ thật lạ. Nó không biết lạ như thế nào, chỉ biết là nó khác hơn ánh mắt nhìn của bất cứ đứa con nít nào mà nó đã gặp.

– Nhà em ở đâu dậy?

Sáu bắt đầu cuộc điều tra của mình. Cái tật của nó là vậy. Hể thích ai là nó quấn lấy người đó, dù có bị xua đuổi, xô đẩy nó cũng tìm cách tới gần.

– Dạ ở chỗ kia kià…

Con nhỏ chỉ tay về chỗ xóm nhà nằm kế bên nhà của chị Sáu Nhũ.

– Nhà em ở trên tỉnh rồi bây giờ dọn về đây. Cái nhà nhỏ xíu. Ở đây buồn quá… hổng có ai chơi với em hết…

Sáu gật đầu im lặng như cảm thông được cái buồn của con nhỏ vì nó cũng là đứa ở trên tỉnh dọn về đây. Chắc nhà con nhỏ cũng giống như mình, nhà giàu rồi hoá ra nghèo phải dọn về quê tá túc. Tự dưng nó thương con nhỏ mới biết này. Có lẽ vì đồng cảnh ngộ.

– Thì anh em mình chơi với nhau…

Con nhỏ quay nhìn Sáu đăm đăm.

– Thiệt hả anh…

– Ừ… anh nói thiệt mà… Anh thích chơi với em…

Con nhỏ cười toe toét phô hàm răng có cái răng bị rụng.

– Em cám ơn anh… Ở đây hổng có ai chịu chơi với em hết… Mấy anh lớn chê em nhỏ… Mỗi lần em lại gần là mấy anh đuổi em đi chỗ khác…

Giọng con nhỏ như có nước mắt làm cho Sáu nổi máu anh hùng. Giơ nắm tay lên nó nói với con nhỏ.

– Anh chơi với em… Đứa nào mà đuổi em đi chỗ khác anh dọng sặc máu mũi nó…

Con nhỏ cười híp mắt vì sung sướng. Đã có người chịu chơi với nó mà còn binh vực nó thì bảo sao nó không thích mê tơi. Giơ tay cầm lấy ống nhợ câu Sáu ấn vào tay con nhỏ.

– Con diều của em đó… Em biết thả diều hông?

Con nhỏ cười ngỏn ngoẻn lắc đầu.

– Dạ hông…

Sáu nghĩ thầm: ” trời đất… mê thả diều mà hổng biết thả diều… cái này lọa à ta…”. Dù nghĩ như vậy nó cũng cười dịu dàng nói với con nhỏ.

– Để anh chỉ cho em thả diều…

Bằng giọng của người anh, nó chỉ con nhỏ thu dây từ từ để kéo con diều xuống đất. Con nhỏ im lặng làm theo lời chỉ dẫn. Khi con diều được kéo xuống đất thì nó dẫn con nhỏ đi dài theo bờ đất rộng tới khoảng trống giữa đồng. Gió nhè nhẹ song cũng đủ làm cho cái đuôi và hai cái tai diều bay phất phới. Con nhỏ reo hò cười hắc hắc khi nó mở ống dây câu và con diều bốc lên cao.

– Ui… ui… đẹp quá… Nó bay lên anh ơi…

Sáu cười vui lây cái vui mừng của con nhỏ. Đứng thả diều một hồi hai đứa mới đi dần dần về phía hồ cá. Con nhỏ vẫn nắm chặt lấy ống nhợ câu có con diều bay lượn trên không. Đang thả diều con nhỏ chợt lên tiếng.

– Em phải đi về thôi má em trông…

Sáu gật đầu bảo con nhỏ kéo diều xuống đặt nằm trên mặt đất rồi chỉ cách cho nó xếp con diều lại để cầm trên tay.

– Em đem về khoe với má em đi rồi sáng may qua đây mình thả diều chung với nhau…

Nhoẻn miệng cười con nhỏ bước đi. Tới lúc nó khuất bóng Sáu mới chợt nhớ ra là chơi với nhau cả buổi mà hai đứa hổng có đứa nào biết tên đứa nào. Cú lên đầu mình cái mạnh sáu lẩm bẩm.

– Mình ngu quá… hổng biết tên nó rồi biết đâu mà tìm…

Mặt trời đứng bóng. Ở trong nhà nhìn ra Sáu thấy bóng con nhỏ chạy lúp xúp trên bờ đất đầy cỏ xanh rồi con diều bốc lên cao. Đi dài theo bờ đất quanh hồ cá nó nghe tiếng cười thỏa thích của con nhỏ khi thấy con diều phất phới bay. Tới đứng trước mặt Sáu, con nhỏ cười.

– Má em coi con diều rồi. Má em khen nó đẹp… Má em cho phép em chơi với anh…

Sáu cười híp mắt. Chợt nhớ ra điều gì nó hỏi liền.

– Em tên gì dậy?

– Dạ tên Ngoan. còn anh tên gì vậy?

– Anh tên Sáu…

– Em mấy tuổi?

– Dạ tám tuổi. Còn anh mấy tuổi?

– 10 tuổi…

– Anh Sáu hổng có diều rồi làm sao anh Sáu chơi với em…

Sáu lắc đầu.

– Thì anh ngồi đây ngắm em thả diều. mình thiếu gì trò chơi…

Ngắm nghía Ngoan thả diều hồi lâu Sáu đâm ra chán. Riêng con Ngoan thì chưa. Nó có đủ trò với con diều của mình như thu dây lại thật nhiều rồi bất thình lình buông ra làm cho con diều lảo đảo như bị đứt dây rơi gần tới đất mới theo gió bốc lên cao. Lần đầu nó làm Sáu không để ý nên tưởng con diều bị đứt dây bèn la lớn.

– Ngoan… ngoan… diều đứt… diều đứt dây rồi…

Tới chừng nghe con nhỏ cười hắc hắc nó mới bật ngửa là con nhỏ giỡn chơi. Vừa quê vừa buồn cười nó nghĩ.

– Con nhỏ này cũng rắn mắt dữ…

Giỡn với con diều một hồi có lẽ mệt, Ngoan tới ngồi cạnh Sáu nơi gốc dừa xiêm

– Em khát nước… để em chạy về nhà uống nước…

Sáu lên tiếng.

– Nhà anh nước thiếu gì…

Hai đứa đi bộ vào nhà uống nước vừa xong thì Ngoan lại kêu đói bụng làm Sáu phải đốt lửa nướng bánh tráng, bánh phồng cho nó ăn rồi trở ra chỗ thả diều. Chạy nhảy thả diều một hồi mệt, Ngoan tới ngồi dựa vào Sáu ngủ gà ngủ gật. Tội nghiệp nó đỡ con nhỏ nằm gối đầu vào lòng mình mà ngủ. 

                                                         ***
Con Ngoan khóc mùi mẩn khi biết là anh Sáu của nó sẽ bỏ nó vì sẽ dời lên trên tỉnh. Rồi đây không còn ai chơi với nó nữa. Sẽ không còn ai binh vực nó, dẫn nó đi học nữa. Rồi đây không còn ai thả diều với nó nữa. Không có Sáu, quãng đồng rộng sau nhà sẽ vắng bóng con diều bay phất phới. Hai đứa ngồi im nơi bờ hồ nhìn ra đồng vắng. Trên cao con diều bay phất phới. Sáu buồn nhiều hơn vui. Dù mới quen nhau có mấy tháng song nó thấy mến và thương con Ngoan như đứa em gái bé bỏng của mình. Nghe con Ngoan sụt sùi Sáu vỗ về.

– Em đừng khóc… anh đi mai mốt anh về thăm em…

– Chừng nào anh về…

Sáu lặng thinh. Đó là câu hỏi nó không trả lời được. Làm sao một thằng con nít như nó có thể biết được khi nào trở lại đây.

– Anh đi xa em nhớ anh…

Con Ngoan đưa tay áo lau nước mắt. Sáu cười nói nhỏ.

– Em nhớ anh thì em gởi thơ cho anh…

– Gởi bằng cách nào…

Sáu im lặng nhìn con diều giấy đang bay lơ lững trên cao. Trong óc nó nãy ra ý nghĩ.

– Anh chỉ cho em cách gởi thơ. Em viết thư rồi gắn vào con diều rồi nó sẽ bay lên tỉnh đưa cho anh…

Để làm cho con Ngoan tin tưởng, Sáu kể chuyện ngày xưa người ta dùng chim bồ câu đưa tin với nhau. Con Ngoan mừng lắm vì có cách để nói chuyện với Sáu khi hai đứa xa nhau. Sáu còn chỉ cách cho con Ngoan viết và gởi thư nữa. Nó xé giấy thành miếng nhỏ tròn tròn rồi viết ” Ngoan… anh nhớ em…” xong xé miếng thư gắn vào sợi nhợ. Gió cuốn miếng giấy bay lên cao và biến mất luôn. Con Ngoan vỗ tay reo nghĩ lá thư mình gởi anh Sáu đã nhận được. Theo cách của Sáu làm, nó viết ” Em cũng nhớ anh anh Sáu… ” rồi gởi lên nhờ con diều bay lên tỉnh trao thư cho anh Sáu.

– Khi nào muốn gởi thư cho anh em cứ thả diều bay lên rồi nó sẽ đem thư tới cho anh. Nhận được thư anh sẽ trả lời cho em…

                                                          ***

Mừng lắm con Ngoan không còn khóc nữa. Một tháng sau Sáu bỏ con Ngoan theo gia đình dời lên trên tỉnh. Hai đứa chỉ ở cách xa nhau chừng mươi cây số song không bao giờ gặp lại. Từ dạo ấy, dù ở bất cứ nơi nào, mỗi lần nhìn thấy con diều bay trên trời cao, Sáu lại nhớ tới con Ngoan. Nó nhớ những lá thư mà hai đứa gởi cho nhau bằng con diều giấy trong đó có câu ” em thương anh… anh sáu của em…” được viết bằng ngòi viết lá rong nguệch ngoạc trên giấy kẽ hàng. Con nhỏ chắc cũng như con diều giấy, không biết trôi dạt về phương nào.
Chu Sa Lan

  1. songnhiblog

    Ngày Xưa Ơi !

    Có cánh diều nào chở giúp tôi không ?
    Kỷ niệm của ngày xa xưa ấy
    Vót từng nan tre , tỉ mỉ cắt giấy
    Dán những cánh diều nuôi dưỡng ước mơ

    Có chuyến xe nào đưa tôi về ấu thơ
    Long nhong tắm mưa vô tư cười nói
    Thời con nít chưa biết điều giả dối
    Tâm hồn nhẹ nhàng như nắng ban mai .

    Hiện diện ở chốn nao giữa cuộc đời này
    Miền hoa cỏ , yên lành tươi thắm
    Nơi người ta không cần lớn, không ưu tư chìm đắm
    Hồn nhiên chơi trò cút bắt năm, mười

    Phải chi có chiếc hộp chứa được nụ cười
    Cùng trò chơi ô quan, cò nhảy
    Tôi sẽ chẳng khi nào mở ra đâu. Thật đấy !
    Để tâm hồn mãi trong trẻo thơ ngây .

    Chiều hôm qua, mới chiều hôm qua thôi
    Hay tin cô bạn cũ trở về cát bụi
    Tim đau nhói dù cố tự mình an ủi
    Ừ, lại kết thúc một chuyến rong chơi .

    Nhớ nhung quá đỗi …



GIÁNG SINH NGUYỆN CẦU - Thơ Duy Anh Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

GIÁNG-SINH NGUYỆN CẦU Giáng-Sinh nguyện trước quảng trường nầy Rực rỡ cây Thông đèn đóm đầy. Tiếng vọng tình thương vơi ác chiến Lời truyền ...