Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Cá Ma cà rồng - từ VTC.News

Những con cá Candiru, một loài cá da trơn nhỏ bé với chiều dài chỉ chừng 4-5cm, lại được gọi với cái tên đáng sợ là cá Ma cà rồng bởi thói quen hút máu. Hơn thế nữa chúng còn là thủ phạm của những cuộc tấn công rất rùng rợn đối với con người. Con sông Amazon là nhà của rất nhiều loài cá độc đáo không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu khác trên thế giới, chẳng hạng như loài cá Arapaima khổng lồ hay là những con cá rồng có chiều dài vài mét. Tuy nhiên nơi đây cũng đồng thời tồn tại những loài thủy quái cực kỳ đáng sợ, như loài cá ăn thịt nổi tiếng Piranha, cá đuối gai độc nước ngọt… Và loài cá Candiru hay còn được biết đến với tên gọi cá Ma cà rồng cũng nằm trong số đó. Hãy thử tượng tượng trong một dịp ngao du trên dòng sông lớn nhất thế giới, bạn đang mải mê tận hưởng niềm vui được trải nghiệm biết bao điều kỳ thú bên cạnh những người thân yêu của mình

Những con cá nhỏ bé và khá đẹp này lại mang một cái tên đáng sợ: cá Ma cà rồng!
Chúng thường thâm nhập vào khe mang của các loài cá khác để hút máu. 
Rồi giữa cái nắng nóng của vành đai nhiệt đới, bạn muốn hòa mình vào làn nước mát của con sông. Đột nhiên, bạn thét lên vì một cơn đau thấu tâm can xuất hiện nơi vùng hạ thể. Rõ ràng bạn đã quên những lời cảnh báo về loài cá Ma cà rồng đáng sợ nơi đây! Loài cá Candiru là thành viên của họ cá da trơn Siluriformes khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên chúng có kích thước nhỏ hơn các loài khác rất nhiều. Chiều dài của những con cá này thông thường chỉ chừng 4-5cm. Cơ thể của chúng gần như trong suốt, cộng với việc chủ yếu sinh sống ở đáy sông nên chúng rất khó bị phát hiện ra. Nhỏ bé như vậy nhưng đây lại là những con cá cực kỳ đáng sợ. Cá Candiru sinh sống bằng cách hút máu của những loài cá khác, đó cũng chính là nguyên nhân chúng được gọi là loài cá Ma cà rồng. Chúng thường bất thần lao thẳng vào khe mang của những loài cá khác, cắn vào động mạch chủ của nạn nhân bằng những chiếc răng nhọn như kim, và hút máu.



Hình ảnh một con cá Candiru được bác sỹ phẫu thuật lấy ra từ bộ phận sinh dục của nạn nhân. 
Không những thế, chúng còn tấn công cả con người, vào chính bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể. Điều này hoàn toàn không phải chỉ là những lời đồn đại mà người dân địa phương thêu dệt. Không ít trường hợp bị cá Candiru tấn công khi tắm hoặc đi vệ sinh trên dòng sông đã được ghi nhận trong suốt những năm qua.Những con cá quỷ quái này có thể thâm nhập vào niệu đạo của nạn nhân thông qua dòng nước tiểu. Chúng sẽ ở lỳ trong đó, cắn, hút máu và gây ra những cơn đau khủng khiếp. Hậu quả của cuộc tấn công rùng rợn này có thể là một cái chết trong đau đớn, nếu con cá không kịp thời được lấy ra. Các bác sỹ phẫu thuật là lựa chọn tốt nhất, tuy nhiên trong trường hợp khẩn cấp, người dân địa phương cũng có một bài thuốc để khống chế loài quái vật nhỏ bé này. Họ thường sử dụng lá cây Jagua và cây táo dại Buitach đặt vào cơ quan sinh dục của nạn nhân hoặc cũng có thể là vắt lấy nước để nhỏ vào. Người ta tin rằng hai loại lá cây đó có thể khiến con cá phải chui ra và giết chết nó. Những trường hợp đó quả thực là đáng sợ. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì không phải loài cá này cố ý tấn công vào chỗ hiểm của con người mà chỉ là do chúng bị thu hút bởi chất đạm từ nước tiểu nạn nhân. Các chuyên gia cũng tin rằng những trường hợp cá Candiru tấn công con người là cực kỳ hy hữu, và người ta vẫn có thể an toàn miễn là không “bậy” giữa dòng sông nơi chúng sinh sôi. Điều này có lẽ cũng hoàn toàn xác đáng!
Thái Hồ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

EM MÙA THU, CHIỀU MƯA THÁNG MƯỜI - Thơ Ngọc Ánh

Tranh Hứa Xuân Trường EM MÙA THU Em ďi dưới nắng Xuân hồng đó Mái tóc mây trời trong trắng bay Má đào đã ửng hây hây đỏ Em thướt tha ngời tr...