Câu Chuyện Thầy
Lang: Uống
Thuốc như thế nào
BS Nguyễn Ý Đức
Dược phẩm chỉ có tác dụng tốt khi được dùng đúng theo hướng dẫn của nhà bào chế hoặc của bác sĩ, dược sĩ. Bằng không thì thuốc không có tác dụng như ý muốn mà lại còn gây ra nhiều rủi ro cho sức khỏe nhất là khi đang bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, cao cholesterol…
Nhưng toa thuốc của bác sĩ thường chỉ giản dị có mấy dòng chữ tên thuốc, số lượng được mua, uống mỗi ngày mấy lần và còn được mua bao nhiêu lần. Một bệnh nhân có vài ba bệnh mãn tính thì có thể có dăm toa với nhiều loại thuốc khác nhau.
Thuốc do dược sĩ trao cho thường được ghi thêm mấy chi tiết như uống trước hoặc sau bữa ăn, không nên bẻ hoặc tán vụn thuốc, thuốc có thể gây khó chịu cho dạ dầy thì ăn một miếng bánh hoặc một chút thức ăn…
Về nhà, bệnh nhân thắc mắc không biết uống mỗi loại thuốc vào thời điểm nào trong ngày hoặc là liệu có thể uống chung với nhau cho tiện việc sổ sách.
Thời điểm uống trong ngày rất quan trọng vì các hoạt động của cơ thể cũng như diễn tiến bệnh thay đổi với thời gian trong ngày.
Thí dụ huyết áp thường lên cao vào sáng sớm, cao nhất vào giữa trưa rồi giảm dần tới chiều để rồi lên cao vào buổi sáng. Người bị cao huyết áp cần uống thuốc vào đúng thời điểm để hạ huyết áp. Bệnh cũng nặng nhẹ vào giờ khác nhau của mỗi ngày. Cho nên uống vào lúc nào là
điều cần được để ý.
Sau đây là giải đáp một số thắc mắc thường được nêu ra. Và cũng
xin thưa trước là đây chỉ là ý kiến chung chung, bà con cần hỏi bác sĩ đang điều trị vì các vị này biết rõ bệnh tình và sẽ đưa ra hướng dẫn thích hợp cho mỗi người, mỗi bệnh.
1.Tại sao phải uống khi ăn hoặc sau bữa ăn?
Vì một vài loại thuốc có thể kích thích dạ dày gây ra nôn mửa như Allopurinol chữa bệnh thống phong, thuốc Bromocryptine chữa bệnh Parkinson, cho nên phải uống cách xa bữa ăn.
Ngược lại cũng có thuốc gây khó chịu cho dạ dày cho nên phải uống khi ăn một chút thực phẩm, như là thuốc chống đau Aspirin, Advil hoặc các loại steroid.
Một số dược phẩm như Gaviscon để giảm ợ chua hoặc chặn chất chua từ dạ dày tiết ra thì lại phải uống ngay sau hoặc trong khi đang ăn là lúc mà dịch vị chua của dạ dày lên cao.
Các loại thuốc chữa bệnh ở miệng hoặc cuống họng như nước súc miệng, thuốc thoa chữa nấm miệng nystatin, miconazole phải dùng sau bữa ăn, nếu không thức ăn sẽ làm thuốc mau rời khỏi miệng và giảm tác dụng.
Một số thuốc cần có thực phẩm để dễ dàng được hấp thụ tại dạ dày và ruột thì lại cần được uống khi no bụng, chẳng hạn thuốc chữa HIV ritinavir, saquinavir…
Thuốc uống trị bệnh tiểu đường nên uống gần bữa ăn để giảm đường huyết sau khi ăn và để tránh đường huyết quá thấp.
2.Liệu tôi có thể tán vụn hoặc bẻ nhỏ viên thuốc cho dễ uống?
Lời hướng dẫn chung của nhà sản xuất là không nhai nát, tán vụn hoặc bẻ nhỏ viên thuốc ngoại trừ khi bác sĩ nói làm vậy.
Lý do là mỗi loại thuốc viên như vậy có tác dụng riêng biệt. Có thứ cần được tan dần vào cơ thể, có thứ được bọc một lớp bảo vệ và không có tác dụng nếu không uống nguyên dạng. Nếu ta tự ý tán nhỏ hoặc nhai nát thì thuốc có thể hòa vào máu cùng một lúc và có thể gây ra rủi ro đôi khi nguy hiểm.
3.Thế nếu tôi không nuốt được viên thuốc thì phải làm gì?
Trong trường hợp này, nên cho bác sĩ hay để có thể thay thế bằng thuốc nước hoặc viên thuốc hòa tan trong nước.
Nếu bác sĩ nói có thể tán nhỏ và cho hòa tan trong nước hoặc rắc lẫn vào với thực phẩm cho dễ dùng, thì làm theo
đúng hướng dẫn.
3.Nếu toa thuốc dặn uống trước hoặc sau bữa ăn thì uống như thế nào?
Nếu toa thuốc nói uống trước bữa ăn thì nên uống từ 1 giờ tới 30 phút trước bữa ăn; nếu nói sau bữa ăn thì uống 30 phút tới 1 giờ sau bữa ăn. Nếu toa nói uống khi bụng đói thì nên uống ít nhất 1 giờ trước khi ăn.
Chẳng hạn thuốc giảm cân Alli phải uống 1 giờ sau khi ăn để có tác dụng tốt, insulin phải chích 30 phút trước khi ăn vì đó là thời gian cần thiết để thuốc bắt đầu có tác dụng hạ đường trong máu.
4.Nếu toa thuốc nói uống ngày hai lần thì uống vào lúc nào?
Với nhiều loại thuốc cần được duy trì mức độ đậm đặc thường xuyên trong máu, ta phải uống theo đúng chỉ dẫn của nhà bào chế và bác sĩ.
Nếu nói uống 2 lần mỗi ngày thì ta có thể uống khi nào thuận tiện dễ nhớ như uống ngay sau khi ăn sáng và khi ăn cơm chiều. Nếu hướng dẫn nói không uống khi ăn thì uống khoảng từ 30 phút tới 60 phút trước khi ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn.
5.Nếu uống ngày 3 lần thì uống ra sao?
Hãy chọn thời điểm thuận tiện cho mình, chẳng hạn có thể uống vào buổi sáng khi ăn điểm tâm, buổi chiều và gần bữa cơm tối.
6.Uống mỗi 6 giờ thì có thể uống sáng sớm lúc 6 giờ rồi giữa trưa, 6 giờ chiều rồi nửa đêm. Hoặc 8 giờ sáng, 2 giờ chiều, 8 giờ tối và 2 giờ sáng, tùy theo lịch trình nào thuận tiện cho mình.
Còn mỗi 8 giờ thì có thể là lúc 6 giờ sáng, 2 giờ chiều và 10 giờ tối. Hoặc 8 giờ sáng, 4 giờ chiều và nửa đêm, tùy theo thời gian mà mình có thể áp dụng thường xuyên.
7.Còn uống khi đi ngủ thì uống khoảng 30 phút trước khi lên giường đi ngủ, ngoại trừ bác sĩ hướng dẫn cách khác.
Và nếu bác sĩ dặn uống mỗi 12 giờ thì uống vào 6 giờ sáng và 6 giờ chiều hoặc 8 giờ sáng và 8 giờ tối, tùy theo hoàn cảnh.
Thực là quá phức tạp nhưng nếu muốn khỏi bệnh thì phải uống đúng theo hướng dẫn.
8.Thế nếu tôi quên
một lần uống thì phải làm gỉ?
Trong trường hợp này thì phải đọc lại hướng dẫn trong hộp thuốc, vì mỗi loại thuốc có đặc tính riêng. Nếu vẫn còn thắc mắc thì hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.Không nên uống gấp đôi để bù.
Cách uống một số dược phẩm
1.Thuốc hạ huyết áp
Huyết áp thay đổi tùy theo thời gian trong ngày cũng như khi cơ thể vận động, nghỉ ngơi hoặc khi có stress.
Ở một người khỏe mạnh, huyết áp thường lên cao từ sáng sớm, cao nhất là vào buổi trưa sau đó xuống dần cho tới tối rồi lại lên cao để đón bình minh. Nếu huyết áp không thay đổi theo chu kỳ này
thì có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh tim mạch. Cũng vì lẽ đó mà người bị cao huyết áp phải đo áp xuất này nhiều lần trong ngày vào cùng thời điểm.
Thuốc hạ huyết áp có loại có tác dụng kéo dài trong 24 giờ thì nên uống vào buổi tối. Còn thuốc có tác dụng từ 8-12 giờ thì uống vào buổi sáng.
Cho nên có ý kiến cho rằng nên uống thuốc hạ huyết áp vào buổi tối để có tác dụng vào buổi sáng cũng như để tránh tình trạng ngây ngất do một vài loại thuốc gây ra.
Tuy nhiên, nếu đang uống vào buổi sáng như bác sĩ dặn thì xin cứ tiếp tục như vậy. Điều quan trọng là uống vào lúc nào thuận tiện, dễ nhớ.
Riêng với heart attack và
tai biến não thường xảy ra vào buổi sáng thì có ý kiến nói là nên uống sớm nhất khi ngủ dạy vào buổi sáng.
2-Thuốc tiểu đường.
Có hai loại: thuốc viên uống và thuốc insulin chích.
Với thuốc uống, thường thường là uống khi ăn vì sau khi ăn thì đường huyết lên cao.
Với Insulin: có loại có tác dụng nhanh hoặc chậm và kéo dài và có người bệnh phải chích 2 hoặc 3 lần mỗi ngày. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách dùng.
3.Thuốc hạ cholesterol
Cholesterol thường được cơ thể sản xuất vào ban đêm cho nên thuốc hạ cholesterol được dùng vào lúc đi ngủ.
4.Thuốc chống đau nhức
Bệnh viêm khớp osteoarthritis thường gây đau nhiều vào ban đêm hơn là ban ngày, do đó nên uống thuốc chống đau như ibuprofen vào buổi trưa để có tác dụng vào ban đêm.
Còn bệnh thấp khớp Rheumatoid arthritis lại đau nhiều vào buổi sáng cho nên uống thuốc sau bữa cơm chiều để giảm đau xuất hiện vào ban đêm.
5. Bệnh hen suyễn
Vào ban đêm, phế quản thường thu hẹp cho nên người bị hen suyễn thường hay lên cơn vào ban đêm vì thế có ý kiến cho rằng một liều thuốc hít prednisone vào buổi chiều, khoàng 3 giờ, sẽ có tác dụng tốt hơn là dùng vào buổi sáng.
6. Thuốc trị loét dạ dày
Lượng acid
trong dạ dày thay đổi tùy theo thời gian trong ngày và dấu hiệu bệnh loét bao tử thường cao nhất vào buổi tối hoặc sáng sớm. Do đó thuốc trị loét dạ dày nên uống vào lúc đi ngủ để có tác dụng giảm đau.
7. Thuốc kháng sinh.
Đa số kháng sinh có tác
dụng tối đa khi bao tử không có thức ăn vì khi đó kháng sinh dễ dàng được hấp thụ vào máu, không phải cạnh tranh với thực phẩm. Tuy nhiên cũng có một số kháng sinh lại cần uống khi ăn, vì thế nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ cho rõ ràng.
8.Thuốc chống dị ứng
Dị ứng thường xảy ra vào buổi sáng, cho nên cần uống chống dị ứng vào ban đêm để sẵn sàng loại trừ dấu hiệu dị dứng vào sáng sớm, đồng thời cũng để tránh khỏi bị ngây ngất buồn ngủ ban ngày.
9.Viên thuốc ngừa thai
Thuốc ngừa thai có mục đích ngăn sự rụng trứng ở người nữ và nếu không có trứng rụng thì không có thụ thai. Ngoài ra thuốc cũng thay đồi chất nhờn ở tử cung khiến cho tinh trùng
không di chuyển vào đây được để kiếm trứng cũng như tạo điều kiện bất lợi cho trứng bám vào tử cung để tăng trưởng. Do đó phải uống thuốc vào cùng thời điểm mỗi ngày để lượng hormone luôn luôn cố định ngõ hầu ngăn được sự sự thụ thai.
10.Thuốc chữa bệnh loãng xương.
Có nhiều loại thuốc chữa loãng xương, thông thường nhất là Bisphosphonates (Fosamax, Actonel, Bovinia…). Thuốc có tác dụng làm chận sự thoái hóa của xương, không được hấp thụ dễ dàng ở dạ dày và có thể gây ra khó chịu bao tử, ợ chua. Do đó nhà
bào chế nói nên uống khi bụng đói, với một ly nước to đầy, không nằm hoặc cúi mình xuống trong thời gian từ 30-60 phút sau khi uống để tránh thuốc trào ngược lên thực quản.Sau 30 phút có thể ăn được. Nên nhớ là thuốc này phải uống dài hạn, có khi cả dăm năm và cũng phải dùng thêm vit D và calcium.
Trên thị trường, có cả hơn 4000 loại thuốc mà cách uống cũng khác nhau. Cho nên xin dần dần tìm hiểu tiếp.
Trong khi chờ đợi, bà con cô bác có bất cứ thắc mắc nào về thuốc cũng như cách dùng, xin hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ cung cấp thuốc cho mình hoặc đọc kỹ giấy hướng dẫn kèm theo mỗi chai lọ đựng thuốc. Các dược sĩ đều được huấn luyện về cách
dùng thuốc cũng như tác dụng phụ của thuốc. Họ sẵn sàng giải thích cặn kẽ.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét