Bộ tộc không chặt cây, không ăn thịt.
Những cư dân của bộ tộc này được coi là những nhà bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của nhân loại...
Ít ai biết rằng, trên thế giới hiện nay còn tồn tại một cộng đồng người không ăn thịt động vật, sống trong sự hài hòa và luôn bảo vệ thiên nhiên... Họ được coi là những nhà bảo vệ môi trường đầu tiên trên Trái đất. Cộng đồng người đó mang tên Bishnoi.
Nơi người dân cho thú nuôi bú sữa như con đẻ
Những bà mẹ thuộc bộ tộc Bishnoi coi những loài vật xung quanh mình như con, sẵn sàng cho chúng bú sữa cùng với con mình.
Với dân số khoảng 300.000 người, tập trung sinh sống chủ yếu ở vùng sa mạc Thar (bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ), bộ tộc này luôn coi việc bảo vệ cây xanh và muông thú là một điều luật. Con người không có quyền chặt cây và càng không được sát hại động vật, những người anh em, đồng loại của mình.
Theo tiếng địa phương, Bishnoi có nghĩa là 29 ("Bish" là 20, "noi" là 9). Đó là số điều trong giáo luật mà những người theo đạo Hindu phải tuân theo. Giáo luật này do đạo sư Jambheshwar Bhagwan đề ra cách đây khoảng 540 năm.
Nhiều tài liệu ghi lại rằng, vào thời điểm đó luôn xảy ra các cuộc xung đột giữa người Hồi giáo và người Hindu, dẫn đến sự thù nghịch giữa các tầng lớp, tôn giáo trong xã hội. Trước tình hình này, đạo sư Jambheshwar thuyết phục mọi người, cách duy nhất để hòa giải là tôn trọng tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống.
Ông đã đặt ra 29 điều luật mà cho đến tận ngày nay, các thế hệ con cháu của ông vẫn còn tuân thủ. Trong giáo luật có những điều rất quen thuộc như phải giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống, nói năng ôn hòa để làm hài lòng người khác, có lòng từ bi và tha thứ.
Ngoài ra, một số điều luật còn khuyên mọi người không giết hại động vật, không phá hoại cây cối hoặc hãy bảo vệ động vật hoang dã. Có thể nói người, bộ tộc người Bishnoi rất có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Vào năm 1730, một nhóm gồm 363 người Bishnoi, từ người già đến trẻ em, đàn ông và phụ nữ đã hy sinh cuộc đời của mình để bảo vệ rừng cây khỏi sự tàn phá của quân đội hoàng gia.
Cho tới ngày nay, người Bishnoi vẫn kiên quyết giữ vững các đạo lý và nguyên tắc sống của mình. Họ sống trong tình thương với muôn loài, luôn có mối liên hệ khắn khít, tràn đầy lòng trắc ẩn với các động vật và rừng xanh.
Từ khi còn nhỏ, những đứa bé người Bishnoi được dạy là không nên sát sinh, không được làm đau người khác, dù chỉ làm tổn thương họ bằng lời nói.
Một trong những truyền thống của gia đình người Bishnoi là mang thức ăn và nước uống đến cho các loài động vật hoang dã. Đôi lúc, các loài động vật hoang dã bị thương sẽ tự tìm đến vùng đất của người Bishnoi vì chúng biết rằng, khi vào khu vực của họ, chúng sẽ có thức ăn và nước uống.
Cộng đồng người Bishnoi sống bằng nghề nông và chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, họ chỉ nuôi bò để lấy sữa bán hoặc trao đổi hàng hóa. Những con gia súc nào đã già yếu đều được họ chăm sóc cho đến khi chúng chết đi một cách tự nhiên.
Người Bishnoi thường sống trong xóm nhỏ được gọi là Dhannis. Mặc dù gọi là xóm nhưng đó chỉ là vài túp lều tròn với mái tranh, "tường" bao quanh được làm từ bùn đất.
Theo người Bishnoi, cách làm nhà này sẽ đem đến cho họ sự thoáng mát, nhất là khi phải sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở sa mạc.
Với tộc người Bishnoi, phụ nữ sẽ có nhiệm vụ quản lý ngân sách của gia đình, còn công việc kiếm sống nuôi gia đình là trách nhiệm của đàn ông. Ở Ấn Độ, phụ nữ được sở hữu đất đai và gia súc, số tài sản này được truyền qua nhiều thế hệ.
Trang phục của người Bishnoi vô cùng bắt mắt. Họ cho rằng, phụ nữ là biểu tượng của sự sáng tạo, nên sẽ mặc màu nóng như cam đỏ, xanh...
Đàn ông sẽ mặc quần áo màu trắng bởi nó tượng trưng cho sự sạch sẽ và thắt lưng buộc bụng, biết chăm lo cho gia đình. Đeo khuyên to bản trên mũi là một cách làm đẹp của tất cả phụ nữ Bishnoi.
Xung quanh nhà của người Bishnoi có rất nhiều những loài động vật hoang dã, trong đó có linh dương Chinkara - một loài động vật vô cùng quý hiếm. Người Bishnoi xem chúng là con vật linh thiêng bởi theo truyền thuyết, linh dương Chinkara mang linh hồn của Jambheshwar Bhagwan.
Họ cũng lập nên ngôi đền thờ Jambheshwar Bhagwan để tưởng nhớ công lao của vị đạo sư này. Những người khỏe mạnh nhất sẽ được chọn lựa để chung tay xây cất ngôi đền.
Các vị thầy tu theo đạo Hindu thường mặc trang phục màu cam, chủ trì nghi lễ và đón nhận những con vật bị thương mà tín đồ mang đến. Mỗi khi đến đền, những người Bishnoi sẽ ngồi thành vòng tròn và cùng nhau cầu nguyện sự an lành cho tất cả mọi người.
Một trong những điều luật của người Bishnoi là giữ vệ sinh cá nhân, tắm gội sạch sẽ hàng ngày. Tuy nhiên, do nước ở sa mạc Thar khan hiếm nên hầu hết mọi người vô cùng tiết kiệm, trẻ em của bộ tộc phải ngồi tắm trong những cái chậu. Mặc dù khó khăn vậy nhưng những cư dân Bishnoi vẫn dành ra một lượng nước để chăm sóc và tưới cho cây trồng.
Một điểm đặc biệt ở bộ tộc này đó là khi trẻ em được sinh ra, chúng chưa được công nhận ngay là người Bishnoi. Trong những tháng đầu đời, đứa bé ở cùng với mẹ.
Khi lớn lên một chút, chúng sẽ được tham dự một buổi lễ của cộng đồng người Bishnoi. Ở đây, chúng được nghe đọc 29 điều luật của người Bishnoi. Sau buổi lễ này, đứa bé mới chính thức trở thành thành viên của cộng đồng.
Trong thời đại hiện nay, các ngành công nghiệp ngày càng phát triển, kéo theo đó là sự cạn kiệt về tài nguyên, ô nhiễm môi trường tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân của sự đói nghèo, gây mất cân bằng sinh thái, làm tăng nguy cơ biến mất của nhiều loại động thực vật hoang dã...
Vì lẽ đó, sự tồn tại của người Bishnoi như một minh chứng cho việc, con người chúng ta hoàn toàn có thể sống tốt mà không cần giết hại động vật, đó là một cuộc sống hài hòa, được nuôi dưỡng bởi thiên nhiên và tình yêu muôn loài...
Bởi vậy, để xã hội nhân loại phát triển một cách bình thường, ta cần phải bảo vệ môi trường tự nhiên, giữ vững cân bằng sinh thái - đó là nhiệm vụ chung của toàn thể chúng ta. Nhưng để làm được những điều tươi đẹp ấy phải bắt đầu từ ý thức của chính bản thân mỗi người chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét