Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Nơi dòng sông lẻ bạn - Thuyên Huy

Nơi dòng sông lẽ bạn
Để tặng một người bạn tên Hân mà tôi đã không gặp lại từ những ngày cuối hè năm 1969


                                                                    *

Từ bên này cầu đò, tôi có thể nhìn thấy rõ mồn một khói cơm chiều nhà Hân tỏa trắng như sương sớm trên mấy ngọn cây cau vàng lá. Tôi thích nhất là buổi sáng đihọc. Tôi thường dậy thật sớm, ra cầu đò chờ Hân từ bên kia sông, theo chuyến đò ngang của bà Tư, rồi cùng nhau đi bộ đến trường, ngang qua cái quán nước ọp ẹp đầu chợ, không quên mua cho được mấy cái bánh tay heo giòn thơm mùi mỡ.

Nhà Hân ở đầu xóm nhỏ, bên kia cù lao, cách phố chợ nhà tôi một dòng sông. Dòng sông và cái cầu đò cũ kỹ này đã cho hai đứa tôi không biết bao nhiêu là kỷ niệm.
Mỗi lần mưa đổ bên kia sông là tôi thấy lòng mình buồn man mác nếu bên này trời sáng rực. Tôi thích buổi sáng bao nhiêu thì tôi lại ghét buổi chiều bấy nhiêu.
Tôi ghét cả cái trống trường treo lũng lẵng cuối hành lang lớp nhất. Cái chia tay tan trường ngắn ngủi của buổi chiều buồn buồn làm sao. Chân đứa nào cũng bước ngập bước ngừng, không chịu xuống đò, bịn rịn không chịu bỏ đi khó mà quên được.
Ba Hân mất sớm từ thuở nào, lúc Hân còn nhỏ xíu. Mẹ Hân, bác Diệu đã vất vả
chắt chiu nuôi con trong cái nghèo quanh quẩn. Tôi sinh ra may mắn hơn, cha mẹ gia cảnh tương đối khá giả nhưng tôi không có được cái nhà chòi làm bằng lá dừa, nằm khiêm nhượng ở cuối vuờn thơm hương cau kỳ diệu. Cái nhà chòi vừa đủ cho hai đứa ngồi ôn bài và hát ca dao nhớ ơn cha mẹ. Tôi ăn cơm với thịt kho dưa giá nhưhg lại thèm tô cá lìm kìm kho cay thơm mùi đất nung khó tả. Cũng như Hân,tôi thương làm sao tiếng mưa rơi lẻ loi êm đềm trên mái tranh già nua hơn tiếng mưa ào trên mái ngói của khu nhà ngói phố chợ. Khói cơm chiều nhà Hân tan dần rồi mất hút đâu đó.
Đêm chầm chậm xuống từ phía bên kia chân trời xa. Đám con nít tắm sông ồn ào từ xế chiều đã về nhà từ lâu lắm rồi. Nước sông chảy chậm hơn trong cái vắng lặng cuối ngày. Tôi trở lại nhà lặng lẽ.
Giữa thu, hàng cây bàng quanh sân trường bắt đầu rụng đầy lá úa. Cái chớm thu lành lạnh theo từng cơn gió heo may về mỗi sáng. Cô giáo Chiêu thường cho học trò chúng tôi đi nhặt lá bàng, gom lại ở cuối sân, gần lớp học đốt lên sưởi ấm.
Chúng tôi ngồi quanh, nghe cô giảng bài Bắc Bình Vương hay chuyện Con Rồng Cháu Tiên của một thời lập nước cho đến khi nắng lên gần hết nửa sân trường.
Trường chúng tôi tuy nghèo nhưng đầy ắp tình thương cô thầy và bè bạn. Cô Chiêu cô Quỳnh đã bỏ ra không biết bao nhiêu công lao để trồng bông Vạn Thọ quanh sân trường cho kịp mùa Tết đến. Thầy Tỵ thầy Quân lúc nào cũng tươi cười dù có tập cho chúng tôi đánh bóng bàn mệt mõi vì đứa nào cũng dở tệ. Tiếng thầy cô giảng bài lúc nào cũng êm êm như tiếng lúa rì rào sáng sớm trên đám ruộng quanh hông trường hay tiếng sáo diều căng gió trên trời xanh của những ngày đầu hè rực nắng.
Hè về, tiếng ve sầu kêu não nuột trên hàng phượng già cuối sân, làm cái vắng lặng của sân trường càng thêm lặng vắng. Thầy cô đã về nghỉ hè với gia đình ở một nơi nào xa xa đó. Học trò bọn tôi bắt đầu bày vẽ trò chơi tung tăng không biết mệt. Ngoài đôi ba ngày phải theo ba mẹ đi thăm họ hàng ở miệt dưới Gò Dầu Hạ hay ngược lên Long Hoa, hình như tôi với Hân chưa hề rời nhau nửa bước. Đám bướm có lẽ đã phải khổ nhiều với chúng tôi khi bay lượn trên hàng bông bụp đỏ.
Hân thích đuổi bắt cho được, đem ép vào tập cùng với đủ loại hoa dại. Tôi giống như Hân, hai đứa không thích hoa phượng vì chúng tôi cho nó là biểu tượng của biệt ly của ngăn cách. Hai đứa theo đám bạn ra đồng bắt cá lia thia đem về cho chúng nó đá nhau cho đến khi nào thấm mệt. Chưa kể là rủ nhau đi hái ổi hoang, đem xuống chấm ăn với muối hột. Hân thường rủ tôi lân ngồi lặng im trên khu đồi có nhiều hoa sim tím. Ở đó, chúng tôi có thể nhìn rõ được bóng mặt trời lặn từ phía chân trời xa, để cùng nhau ước mơ mình sẽ là chim đại bàng rộng cánh. Tôi cũng thường hay theo mẹ Hân chèo ghe hái bông súng. Bên cạnh đám hoa sen rực rỡ đỏ, đám bông súng dễ thương khép nép cúi mình khiêm tốn. Hân thường ví mình là bông súng nhỏ nhoi bên cạnh mẹ là cánh sen vĩ đại. Tôi chưa hề nghĩ ra điều đó, thế mới biết là tại sao Hân hay nhắc tới mẹ nhiều.


                                                                     *

Rồi thì mùa hè cũng đi qua như những mùa hè năm trước. Sân trường lại rộn rã tiếng nói tiếng cười. Thầy cô trở lại với thiên chức của mình, cái thiên chức rạng ngời đã có từ khi con người tìm ra sách vở. Tiếng trống lại chập chùng vô lớp ra về. Tôi cũng thức dậy sớm ra chờ Hân ở cầu đò, rồi cũng mua bánh tai heo mặc dù năm nay đã lớn hơn năm trước. 


Cuối năm lớp nhất, chúng tôi phải học nhiều hơn để chuẩn bị thi vào trung học. Nghe thầy cô nói về cái lớp đệ thất của trường trung học tỉnh sao mà thích quá. Nào là chúng tôi phải mặc đồng phục mỗi ngày, áo trắng quần ka ki xanh dương với giày ba ta trắng, nào là sẽ học nhiều thầy cô trong ngày chứ không phải một người như bây giờ.

Trường trung học tỉnh lớn lắm vì mỗi tỉnh chỉ có một cái mà thôi. Lớp học đủ chỗ, trên lầu dưới đất. Hành lang thơm phức tường vôi, nhất là học trò đông vô số kể. Hân đã từng ước mơ sẽ thi đậu vào trung học cũng như tôi nhưng rồi mình sẽ nhớ nhà vô hạn. Nhớ đủ thứ vì từ ngày đó mình sẽ là người phương xa, lẻ loi theo kiếp đời ở trọ.
Những ngày gần cuối năm học, mẹ Hân đau nặng. Ba mẹ tôi cố gắng đưa bà đi nằm bệnh viện nhưng tất cả không qua được định mệnh. Mấy ngày sau mẹ Hân mất. Còn cái đau thương tột cùng nào hơn khi đoá sen che nắng đậy mưa cho cái bông súng nhỏ nhoi đã úa tàn rã cánh. Cái bông súng Hân phải biết làm sao đây trước cái nắng hung tàn của mặt trời và cái mưa bão bùng cuồng lũ của gió lốc. 

Bà con trong xóm ai nấy ngậm ngùi tiễn đưa mẹ Hân về nơi an nghỉ cuối cùng trong khu nghĩa trang nhỏ lưa thưa cuối chân cái đồi mà hai đứa tôi thường lên ngồi nhìn mặt trời lặn. Tôi biết là bà sẽ không ngủ yên lành. Tôi ôm Hân khóc như chưa từng được khóc trước mộ. Chúng tôi chỉ biết khóc mà không biết gì khác nữa. 

Như số phận đã định trước, sau đám tang đôi ngày, Hân sửa soạn theo người dì bà con về trên Cẫm Giang vì ở đây Hân không còn có ai nữa.
Ngày chia tay, hai đứa lại khóc như đã khóc trước mộ mẹ Hân. Cái cầu đò cũ   kỹ bây giờ hình như run rẩy hơn . Nước sông chơt dừng hẳn lại. Hân tặng cho tôi cuốn tập có ép bướm và hoa dại mà Hân coi là một báu vật. Cái nhà chòi quạnh quẽ nín thinh, dấu chân hai đứa ra vào rồi sẽ tan đi theo nắng mưa của trời đất.
Con chim đại bàng rộng cánh trong mơ ước ngày xưa đã gãy cánh một mình trên ngọn đồi đầy bông sim tím. Tôi đưa cho Hân tấm hình đen trắng của hai đứa chụp chung với cô Chiêu trong ngày phát thưởng cuối năm. Hân ôm tấm hình vào lòng rồi vụt chạy theo dì Hân xuống đò để đón tàu lớn xuôi về Long Thuận. 

Tôi nức nở gọi Hân, ba mẹ tôi níu tay giữ lại. Qua cái lờ mờ của sương sáng sớm, tôi thấy Hân đứng vẫy tay giã biệt ở cuối đò rồi khuất mất.
Dòng sông cuồn cuộn chảy, dường như muốn cuốn trôi chiếc đò đi nhanh hơn để nổi buồn mất bạn của hai đứa tôi đừng kéo dài thêm nữa.
Tôi chia tay Hân từ đó. Dòng sông cách ngăn hai bên nhà tự nó có lẽ là một định mệnh. Bên cù lao xóm nhà Hân đã không còn khói cơm chiều quyện trắng.
Mấy ngọn cau già cũng đã rụng lá tự lúc nào. Và cũng từ đó, tôi không còn thấp thỏm ra cầu đò chờ con đò bên kia sông buổi sáng.


1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...