Lời người dịch:
Để kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, hôm qua
trong buổi Breakfast Seminar tôi cùng các đồng nghiệp gặp mặt, tổng kết các dự
án mà một năm qua chúng tôi theo đuổi, trong chuỗi các dự án về Bình đẳng giới.
Ngoài công việc, chúng tôi cũng chia sẻ những
kinh nghiệm cá nhân của chính mình về bình đẳng giới ngay trong gia đình nhỏ bé
của mình. Suy cho cùng, tất cả bắt đầu từ mỗi gia đình, hạt nhân cấu thành xã
hội. Quan hệ tương tác của vợ và chồng ra sao, một quan hệ bình đẳng sâu sắc
hay một chiều áp đặt? Chúng ta, với tư cách là bố mẹ, đối xử với con trai và
con gái như thế nào? Liệu chúng ta đã công bằng trước những lựa chọn của con
cái mà không có bất cứ chút kỳ thị giới tính?
Chẳng cần bàn bạc, chúng ta cũng dễ dàng đồng
ý với nhau, rằng không có sự ủng hộ và hợp tác của người bạn đời nam giới, thì
phụ nữ chúng ta đã gặp khó khăn ngay từ trong gia đình, chưa nói gì đến xã hội
rộng lớn. Vì vậy, nhận thức và vai trò tương tác ủng hộ của người đàn ông trong
vấn đề bình đẳng giới là rất quan trọng. Chỉ đến khi cả hai bên đi đến đồng
thuận, rằng đây là vấn đề đôi bên cùng có lợi, thì công việc mới trở nên dễ
dàng.
Trong buổi thảo luận của chúng tôi, một video dài gần chục phút,
ghi lại hình ảnh nữ diễn viên Emma Watson - trên cương vị Đại sứ Thiện chí của
Cơ quan Phụ nữ Liên Hiệp Quốc - phát biểu vào tháng 9-2014, phát động Chiến dịch toàn cầu HeforShe (Đàn
ông vì Phụ nữ) , đã được chia sẻ và được nhiệt liệt tán dương.
Trước hàng loạt các chính khách, Emma Watson
đã diễn thuyết hết sức ấn tượng về quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Cô gây được
sự xúc động và thuyết phục rất lớn đối với người nghe, không phải vì những lý
lẽ cao siêu, mà chính bởi sự chân thành trong từng câu chữ. Thông điệp mà cô
chuyển tải đầy tính nhân văn, hướng đến lợi ích của cả nam và nữ trong vấn đề
bình đẳng giới.
Xin được chia sẻ tải toàn văn bản dịch bài
phát biểu của Emma để bạn đọc NCTG cùng tham khảo và chân thành mong muốn tất
cả chúng ta, cả nam và nữ, hãy sánh bước cùng Emma đấu tranh cho bình đẳng
giới. Hy vọng một ngày gần đây con cháu của chúng ta được may mắn sống trong xã
hội công bằng và văn minh hơn, không còn bất cứ kỳ thị nào về giới tính (Phương
Lan).
Hôm nay, chúng ta phát động một chiến dịch mang tên HeForShe. Tôi đến với các bạn để nói rằng chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Chúng ta muốn kết thúc sự bất bình đẳng giới và để làm điều này, cần tất cả mọi người tham gia. Đây là chiến dịch đầu tiên của chương trình này tại Liên Hiệp Quốc. Chúng ta sẽ nỗ lực phát động và kêu gọi nam giới, nam thanh thiếu niên tham gia cổ súy cho sự thay đổi này và không chỉ nói về nó, chúng ta muốn thử và muốn khẳng định các hành động này sẽ có tác động thiết thực.
Tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí cho phụ nữ của Liên Hiệp Quốc cách đây sáu tháng và càng có dịp nói chuyện về nữ quyền, tôi càng nhận ra rằng, đấu tranh cho quyền của phụ nữ thường xuyên bị đánh đồng với việc thù ghét nam giới. Nếu có một điều gì đó tôi biết chắc chắn, thì đó chính là: việc hiểu sai này phải được chấm dứt.
Nữ quyền, theo đúng định nghĩa, là niềm tin - những người đàn ông và phụ nữ phải có quyền và cơ hội bình đẳng. Đó là lý thuyết về sự bình đẳng về chính trị, kinh tế và xã hội của hai giới. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi cho những giả định và định kiến dựa trên giới tính từ một thời gian dài trước đây.
Khi tôi lên tám tuổi, tôi đã từng bối rối khi bị bạn bè gọi là “bà tướng”, chỉ vì tôi muốn chỉ đạo các vở kịch mà chúng tôi sẽ diễn cho phụ huynh xem, trong khi các bạn nam thì không bị gọi như vậy. Khi ở tuổi mười bốn, tôi bắt đầu bị báo chí phân biệt đối xử căn cứ vào giới tính, và cho đến mười lăm tuổi, các bạn gái xung quanh tôi bắt đầu từ bỏ khỏi đội thể thao yêu quý của họ, bởi vì họ không muốn trở nên “cơ bắp”, khi tôi mười tám tuổi, những bạn nam lại gặp khó khăn trong việc thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của họ.
Vào thời điểm đó tôi đã quyết định mình sẽ tham gia bảo vệ nữ quyền. Với tôi điều này không hề phức tạp, nhưng qua tìm hiểu và những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng “nữ quyền” đã trở thành một từ không phổ biến, không được yêu thích. Phụ nữ đang lựa chọn không đấu tranh cho nữ quyền. Rõ ràng, tôi nằm trong số những phụ nữ được xem là thể hiện quan điểm quá mạnh mẽ, “quá tích cực”, cô lập và chống lại đàn ông, thậm chí không hấp dẫn. Tại sao “nữ quyền” lại là một từ khó chịu như vậy?
Tôi đến từ nước Anh và tôi nghĩ rằng việc trả một mức lương bình đẳng ngang bằng cho tôi so với các đồng nghiệp nam là đúng đắn, tự quyết định làm gì với cơ thể của riêng tôi là đúng đắn. Tôi cũng nghĩ rằng, về mặt xã hội, phải có những người phụ nữ trên cương vị lãnh đạo đưa ra những chính sách đại diện cho những người phụ nữ như tôi, nhất là khi những chính sách đó ảnh hưởng đến tôi. Và cũng về mặt xã hội, tôi phải được tôn trọng như nam giới.
Nhưng thật đáng buồn, tôi có thể nói rằng, chưa có một quốc gia nào trên thế giới có thể khẳng định tất cả phụ nữ đều nhận được các quyền này. Không có quốc gia nào trên thế giới có thể nói rằng họ đã đạt được bình đẳng giới. Những quyền này, tôi cho là quyền con người.
Ở khía cạnh này, tôi là một trong những người may mắn, cuộc sống của tôi là một đặc ân tuyệt đối vì cha mẹ tôi đã không yêu tôi ít hơn vì tôi được sinh ra là một bé gái. Trường học của tôi không giới hạn tôi vì tôi là một nữ sinh. Những người hướng dẫn trong nghề nghiệp không cho rằng tôi sẽ chẳng tiến được xa hơn, vì tôi sẽ phải bận sinh con một ngày gần đây. Những người này chính là những đại sứ bình đẳng giới, đã ảnh hưởng đến tôi và khiến tôi là tôi của ngày hôm nay.
Họ có thể không biết điều đó, nhưng một cách vô thức họ đã là những người bảo vệ nữ quyền, người đang thay đổi thế giới hiện nay. Chúng ta cần nhiều hơn những tâm huyết như vậy.
Và nếu bạn vẫn còn ghét bỏ từ “nữ quyền”, hãy tin rằng bản thân từ ngữ không quan trọng, điều quyết định chính là ý tưởng và tham vọng đằng sau nó. Bởi vì không phải tất cả phụ nữ đã nhận được các quyền tương tự mà tôi có. Trong thực tế, thống kê cho rất ít người có được.
Năm 1997, bà Hillary Clinton có một bài phát biểu nổi tiếng ở Bắc Kinh về quyền của phụ nữ. Đáng buồn thay, rất nhiều điều trong số những điều mà bà ấy muốn thay đổi vẫn còn đang tồn tại cho đến hôm nay. Nhưng điều đáng suy nghĩ hơn với tôi, đó là trong những khán giả của buổi diễn thuyết đó, có ít hơn 30% là nam giới. Như vậy làm thế nào chúng ta có thể gây ảnh hưởng tới sự thay đổi của thế giới nếu chỉ một nửa nam giới được mời hoặc cảm thấy được chào đón để tham gia vào thảo luận.
Thưa các bạn nam giới, tôi muốn nhân cơ hội này gửi lời mời chính thức của mình tới các bạn. Bình đẳng giới cũng là đề tài của các bạn. Bởi vì cho đến nay, tôi đã nhìn thấy cha tôi không được xã hội đánh giá cao trong vai trò chăm sóc nuôi nấng tôi, dù tôi cần sự hiện diện của cha cũng nhiều như mẹ. Tôi đã nhìn thấy những người đàn ông trẻ tuổi bị bệnh tâm thần, không thể yêu cầu giúp đỡ, vì sợ nó sẽ làm cho họ mất đi phong độ hay bản lĩnh đàn ông.
Trong thực tế, ở Anh, tự tử là nguyên nhân tử vong lớn nhất ở nam giới, ở độ tuổi từ hai mươi đến bốn mươi chín, cao hơn tai nạn giao thông, ung thư và bệnh tim mạch. Tôi đã nhìn thấy những người đàn ông cảm thấy tổn thương và lo lắng xoay quanh những vấn đề, giá trị, những thứ được mặc định là thành công của nam giới. Ngay cả đàn ông cũng không có được bình đẳng giới.
Chúng ta không muốn nói rằng những người đàn ông đang bị cầm tù bởi định kiến giới tính, nhưng quả chúng ta có thấy điều này! Khi đàn ông được tự do, mọi thứ cũng sẽ thay đổi đối với phụ nữ như là một hệ quả tự nhiên. Nếu người đàn ông không buộc phải quyết đoán, phụ nữ sẽ không bị buộc phải phục tùng. Nếu đàn ông không cần phải kiểm soát, phụ nữ sẽ không bị kiểm soát.
Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận giới tính từ nhiều góc, độ thay vì dựng nên các ý niệm đối lập. Cũng đã đến lúc chúng ta nên dừng việc xác định rằng chúng ta là giới gì, mà hãy bắt đầu định nghĩa chúng ta là ai. Tất cả chúng ta có thể tự do hơn và đây là những gì HeForShe muốn mang đến: thông điệp về tự do. Tôi muốn đàn ông tham gia vào công cuộc thay đổi này, để không những con gái, chị em và các bà mẹ được tháo bỏ những áp đặt giới tính, mà cả con trai cần có quyền thể hiện những mong manh yếu đuối, dễ tổn thương rất con người, và chỉ khi làm như vậy, thì đó chính là một phiên bản thực sự và đầy đủ về bản thân.
Bạn có thể thắc mắc rằng cô nàng Harry Potter này làm gì tại Liên Hiệp Quốc? Và đó là một câu hỏi rất hay. Tôi đã tự hỏi điều tương tự. Tất cả những gì tôi biết là tôi quan tâm đến vấn đề này và tôi muốn làm cho nó tốt hơn. Khi được chứng kiến những gì diễn ra quanh mình về bình đẳng giới, tôi cảm thấy trách nhiệm phải chia sẻ, phải nói ra những điều mình thấy. Nhà chính khách Edmund Burke (*) đã từng nói rằng tất cả những gì cần để cái ác chiến thắng chính là những người đàn ông và phụ nữ tốt không làm gì cả.
Khi lo lắng, căng thẳng cho bài phát biểu này và vào những khoảnh khắc tôi nghi ngờ bản thân, tôi đã tự nhủ: “Nếu không phải là tôi, thì sẽ là ai? Nếu không phải bây giờ, thì sẽ là khi nào?”. Nếu bạn có nghi ngờ tương tự khi có cơ hội tham gia vào vấn đề này, tôi hy vọng rằng những lời đó của tôi sẽ hữu ích.
Bởi vì thực tế là, nếu chúng ta không làm gì cả, thì tôi nghĩ, sẽ mất đến bảy mươi lăm hoặc hàng trăm năm nữa phụ nữ mới có thể mong đợi được trả lương ngang bằng với nam giới cho cùng một công việc. Mười lăm triệu rưởi trẻ em gái sẽ kết hôn trong mười sáu năm tới, và có thể tới tận năm 2086 các bé gái ở nông thôn châu Phi mới có thể được phổ cập giáo dục trung học.
Nếu bạn tin vào sự bình đẳng, bạn có thể là một trong những nhà nữ quyền một cách vô thức mà tôi đã đề cập trước đó, và tôi hoan nghênh bạn. Chúng ta khó khăn để tìm một từ thống nhất, nhưng xin được khẳng định một tin vui, là chúng ta có những bước đi thống nhất trong chiến dịch HeforShe. Tôi mời bạn bước về phía trước, một cách mạnh dạn, và tự hỏi mình: “Nếu không phải là tôi, thì là ai? Nếu không phải bây giờ, thì bao giờ?”.
Cảm ơn các bạn nhiều, thật nhiều! (**)
(*) Edmund Burke (1729-1797): chính khách, triết gia, nhà hùng biện người Ireland.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét