Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

VII- LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ BÌNH AN TRONG CUỘC SỐNG?

Đây là 1 trích đoạn trong bài giảng  của BS nguyễn Quý Khoáng trong bài giảng "Từ cái tôi đáng ghét của Pascal đến Lý Vô Ngã của Đức Phât "
Nếu muốn xem hết bài ,bạn có thể bấm vào liên kết phía cuối
        Để có được bình an trong cuộc sống, theo tôi, hãy làm những bước sau đây: 


A./ QUÁN CHIẾU LẼ VÔ THƯỜNG CỦA ĐỜI SỐNG, XEM CUỘC ĐỜI NHƯ GIẤC MỘNG
      Vạn vật trên thế gian này luôn chuyển động không ngừng, do đó thay đổi thường xuyên và có ngày phải tan rã. Mặc dù biết đời là mộng nhưng chúng ta vẫn phải có bổn phận tránh làm các điều ác, nên làm các điều lành vì “nhân giả nhưng cũng có quả giả” và nghiệp báo sẽ theo ta như bóng với hình ngay trong giấc mộng. Để áp dụng trong việc sửa mình cho thật tốt, chúng ta nên nhớ lời một bậc Thầy Mật tông đã dạy: “Hãy luôn luôn nhận thức rõ ràng tính mộng huyễn của cuộc đời để giảm bớt luyến ái và thù ghét. Hãy có tâm tốt đối với mọi loài, có tâm thương xót bất kể kẻ khác đối xử với bạn ra sao. Những gì người khác làm đối với bạn không quan trọng khi bạn xem chúng là mộng huyễn. Cái chính là bạn phải có những ý định tốt trong giấc mộng , đây là điểm cốt yếu. Đây đích thực là tu tâm.” Xem cuộc đời như giấc mộng, không phải là ta buông xuôi, mặc kệ, thậm chí là sống luông tuồng, vô trách nhiệm; trái lại ta vẫn sống đầy trách nhiệm với chính mình, với gia đình mình, với xã hội .


B. / ĐỪNG XEM CÁI TÔI MÌNH TO QUÁ
         Khi đưa ra lý Vô ngã, Đức Phật không phải bảo chúng ta xoá bỏ cái thân này mà chỉ muốn chúng ta đừng có chấp vào nó, cho rằng nó có thật để bị dính mắc vào tham và sân.
*Đừng tự đề cao mình quá vì mình còn nhiều hạn chế:
-Mình chịu sự chi phối bởi luật của tạo hoá: sinh, lão, bệnh, tử.
-Hiểu biết của mình còn nhiều hạn chế.
-Hãy khiêm tốn, đừng quan trọng hoá mình quá.
*Mình cũng có thể phạm lỗi như mọi người, do đó mình nên thông cảm, bao dung, tha thứ lỗi lầm của người khác.
*Thấy đời là giấc mộng, thấy mình là vô ngã thì ta sẽ tránh được “stress” vì tám ngọn gió (bát phong) không lay chuyển được ta:
-ĐƯỢC: được tài lợi, tâm không xao xuyến
-MẤT: bị thiệt hại, lòng vẫn thản nhiên
-KHEN: được công kênh, tâm vẫn như không
-CHÊ: bị hủy nhục, lòng không bực tức
-VINH: được ngợi khen, tâm vẫn bình thản
-NHỤC: bị chê bai, lòng không biến đổi
-VUI: được việc vui, tâm không xao động
-KHỔ: gặp khổ đau, lòng vẫn an nhiên.


 C. /HÃY THƯƠNG YÊU TẤT CẢ CHÚNG SINH
        Thấy rõ được lẽ vô thường không chừa một ai, ta hãy thương mọi người vì họ cùng cảnh ngộ với mình. Cuộc đời như tấm gương phản chiếu vì khi mình mỉm cười thì trong gương cũng cười lại còn nếu mình giơ nắm đấm lên thì trong gương cũng giơ nắm đấm lại. Trong Đạo Phật có một câu rất hay: “Muốn biết kiếp trước người đó thế nào thì hãy xem kiếp này của họ, Muốn biết kiếp sau người đó thế nào thì hãy xem họ sống ra sao trong kiếp này.” Vậy ta là chủ vận mệnh của mình, hạnh phúc hay đau khổ là do chính ta quyết định chứ không do bất cứ một ai khác, một đấng nào khác. Vì thế, ta nên giữ ý nghĩ, lời nói, việc làm trong sạch để tạo những nghiệp tốt.
          Từ 3 nhận thức trên đây, ta hãy để Tâm mình buông xả, không chấp vào một điều gì, không dính mắc vào bất cứ cái gì. Xả ở đây xuất phát từ sự hiểu biết, niềm cảm thông, lòng bao dung. Xả là lòng an tịnh, quân bình, không phân biệt người với mình. Cái tôi càng nhỏ thì tâm xả càng trọn vẹn:
-Từ tâm xả này, ta sẽ có tâm hỷ nghĩa là vui với cái vui của người khác thay vì có tâm ganh ghét một cách nhỏ nhen.
-Từ tâm xả này, ta sẽ có tâm bi nghĩa là thương những người nghèo đói, bị bệnh tật, gặp hoạn nạn, đau khổ về thể xác và tinh thần.
-Từ tâm xả này, ta sẽ có tâm từ nghĩa là thương yêu tất cả mọi người, mọi sinh vật một cách không phân biệt, thậm chí đến cả cỏ cây.
VÔ NGÃ ==> XẢ ==> HỶ==> BI==> TỪ==> BÌNH AN

 KẾT LUẬN
       Vậy cách giải thích của Pascal về gốc của « cái Tôi đáng ghét » là do « tự ái » và của Đức Phật về « Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình » là do « chấp ngã » không khác nhau là bao, chung quy cũng chỉ vì ích kỷ mà đối xử tệ bạc với người khác.Tuy nhiên, Đức Phật phân tích sâu hơn và đề ra “lý vô ngã” để giải thích chính  sự  CHẤP NGÃ là căn nguyên  của mọi vấn đề.
      Ta nên chuyển hóa cái tôi riêng tư thành vô ngã, chuyển cái tôi hẹp hòi ích kỷ thành cái tôi công đức như một vị Thầy đã nhắn nhủ: “Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi” (nói cho dễ hiểu là khi làm một việc gì cũng hướng về lợi ích của chúng sinh thì mình sẽ không còn tâm phân biệt ta với người). Vô ngã là một sự thật mà Đức Phật đã ngộ ra nên Ngài đã khuyên dùng làm phương pháp tu tập nhằm giải thoát khỏi khổ đau do chấp ngã gây nên. Nói như lời cụ Nguyễn Duy Cần trong  quyển Phật học tinh hoa:
<Đó là diệt cái nhận thức mê lầm của Ngã chấp.Chỉ có thế thôi, thật là hết sức đơn giản ! Ngoài ra, cái mà gọi là ta, không phải là không có (như cái mà gọi là con rắn, đâu phải là không có). Không có con rắn thật nhưng có sợi dây thừng thật, nên gọi là "phi hữu, phi không". Bảo là con rắn thì sai nhưng bảo là không có gì cả cũng sai: rằng có là sai mà rằng không cũng là sai, tức là cái nghĩa: "Có mà Không, Không mà Có". Tóm lại, cái ta không có thật nhưng khi mê thì thấy là ta, khi ngộ thì lại là Chân Như,  Phật Tánh>
        Thấu hiểu lý Vô ngã, ta không chán ghét mọi sự mà là tiếp xử vạn vật với Tuệ giác, nghĩa là với thái độ không tham đắm và không dính mắc.Ta giữ được tâm bình thản trước mọi thay đổi bất ngờ: Ta không tuyệt vọng vì những bất hạnh chẳng may xẩy ra với chúng ta cũng như không quá phấn kích vì những may mắn bất ngờ đến với chúng ta. Chúng ta hiểu đó chỉ là màn kịch tạm thời ở đời, chỉ là một giấc mộng mà dù là ác mộng hay giấc mơ đẹp thì không thể kéo dài vô tận được. Vấn đề là ta phải tỉnh cơn mộng đời này để sống với cái Ta chân thật, với Phật tánh, từ đó ta không còn bị lệ thuộc vào vòng luân hồi-sanh tử nữa.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kinh Vô ngã tướng (Anatta-lakkhana sutta) trong “Căn bản học Kinh Phật” của cư sĩ Thiện Nhựt- Huỳnh Hữu Hồng.
2.Thân tâm và ta, bài thuyết trình tại Tổ đình Từ Quang, Montreal, tháng7/2008 của cư sĩ Thiện Nhựt- Huỳnh Hữu Hồng.
3. Tâm và Ta , ĐĐ Thích trí Siêu.
4. Đức Phật và Phật pháp, Đại Đức Narada, Cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch.
5. Phật học tinh hoa, Thu Giang Nguyễn Duy Cần.
6. Tìm lại chính mình, HT. Thích Thánh Nghiêm.
7.Trung Đạo về Bản Ngã, Thường Hỷ Lê Niên.
8. Duy Ma Cật sở thuyết kinh,Tỳ kheo Thích Duy Lực dịch và giảng.
9. Vài ý kiến về Vô Ngã, BS Trịnh Đình Hỷ.
10. L'enseignement central du Bouddhisme: La production conditionnée et le non-soi, BS Trịnh Đình Hỷ.

Ghi chú: Để hiểu rõ hơn về đề tài này, xin xem các bài liên hệ trong Website của BS KHOÁNG theo địa chỉ sau đây:<cdhanqk.com> .

Cản ơn Gia Đình Phan Lê đã chia sẽ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...