Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Chả sợ gì...Chỉ sợ già

Chả sợ gì!!!
(Chỉ sợ già)
 Tôi có anh bạn rất thích nói lái và giỏi nói lái. Đã thế anh còn biết nhiều chuyện xưa, chuyện nay, chuyện trong nước và cả ngoài nước về nói lái. Lâu lâu, gặp nhau, chúng tôi tuy biết trước anh thích nói lái đùa chơi (cho vui chớ chẳng bao giờ hại gì đến ai) nhưng đôi khi vẫn bất ngờ với cách nói lái của anh.


Dịp Tết âm lịch năm ngoái, hầu hết lớp bạn học trung học năm xưa lo bận tranh thủ thăm gia đình, họ hàng, nên hẹn nhau trưa mồng Năm mới gặp nhau tán dóc. Để có thứ nhâm nhi, chúng tôi giao hẹn ai có bất cứ thứ gì còn lại qua Tết, cứ việc đem tới “góp vui” cho xôm tụ.
Vậy là kẻ thì mang theo đòn bánh tét, người nửa cái giò thủ, có anh xách chai rượu, có anh bỏ trong túi chục nem Ninh Hòa nổi tiếng hoặc mấy gói tré đặc trưng xứ Huế, lại có anh bê nguyên xi cả chiếc giò heo jambon, hoặc con gà farci…
- Vậy mà – anh bạn tôi kể về bữa gặp mặt đầu xuân ấy – có đứa mang cọc khăn tới, làm ai nấy xúm lại chửi.
Nghe anh bạn kể lại, tôi bảo:
- Thì có khi anh ấy mua khăn giấy nhiều quá, Tết xài không hết, nay mang cho anh em lau tay trước khi ăn và lau miệng sau khi ăn để hợp vệ sinh, cũng tốt chớ sao. Đã giao hẹn có gì mang nấy rồi mà.
Anh từ tốn:
- Nói thế mà cũng không chịu hiểu. Anh bạn có biết “cọc khăn” nói lái là gì không?
Lúc này tôi mới vỡ nhẽ, ôm bụng cười.
Ngồi nhậu tất nhiên có tán dóc. Nhân nói về câu thơ “Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn” ai nấy đều chịu phục hai chữ nói lái cuối câu, nhưng không ai nhớ nổi câu tiếp theo đối lại, có nói lái kiểu như vậy hay không, thì anh bạn tôi lên tiếng đọc:
“Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo”.
Và tiện đó, đọc nguyên cả bài thơ của Tú Mỡ, có tựa đề “Lỡm cô Ngọc Hồ”, mỹ tự Băng Tâm khách:
Tưởng băng trắng muốt, tuyết trong veo,
Tuyết lấm băng nhơ rõ chán phèo.
Tiết sạch coi nhàm, trăng gió nhởn,
Hoa tàn nhử mãi bướm ong theo.
Hồ tù ngán nỗi con rồng lộn,
Ngọc vết thương tình kẻ cố đeo.
Nhắn khách Băng Tâm ai đó tá,
Mỹ danh hai chữ nghĩ buồn teo!
(Chính vì “Lỡm cô Ngọc Hồ” nên 2 câu luận bắt đầu bằng chữ Hồ và chữ Ngọc)
Cũng theo anh bạn tôi, nói lái là “độc quyền” của tiếng Việt, nhờ đơn âm, chớ những tiếng Anh, Pháp đa âm nên không thể nói lái. Ngay cả tiếng Trung Quốc, tuy cũng đơn âm, vẫn không hề có nói lái. Nhưng anh vẫn kể một câu chuyện vui về nói lái tiếng Pháp.
Chuyện rằng, hồi Pháp thuộc có một me Tây (phụ nữ Việt lấy Tây). Một bữa mùa hè nọ, hai vợ chồng vô tiệm bán quạt máy, ai dè chủ tiệm lại là người quen biết với bà vợ. Thấy vợ xem tới xem lui một chiếc quạt, tưởng đâu bà vợ vừa ý, ông chồng hỏi giá. Nghe chủ tiệm trả lời, me Tây phẩy tay nói “très chaud”.
Nghĩ vợ than trời quá nóng, hẳn muốn mua quạt, chồng trả tiền ngay. Về đến nhà, vợ cằn nhằn:
- Lúc nghe hét giá, tôi đã bảo “trop cher” là mắc quá sao anh còn mua?
- Đâu có, tôi nghe bà nói rõ ràng “très chaud” là nóng quá mà!
- Chủ tiệm là người quen nên tôi không lẽ nói thẳng bảo ông đừng mua, nói lái có vậy mà không hiểu.
Quả Tây dốt nói lái!
Đúng là thời gian như “bạch câu quá khích” (ngựa trắng thoáng qua khe cửa). Anh em bạn học cũ còn lại mấy ngoe nhìn đi nhìn lại đều “thất thập cổ lai hy” cả rồi. Có bữa gặp nhau khá đông đủ, anh bạn tôi tâm sự:
- Lũ chúng mình trong hội “hoa dã quỳ” (quỷ già) đều đã lớn tuổi cả rồi, trải qua biết bao nhiêu sóng gió cuộc đời. Lúc này mình mới nhận ra rằng quan trọng nhất đối với đấng nam nhi như bọn mình là có chỗ đứng.
Cả bọn nhao nhao:
- Đúng vậy, làm gì thì làm, nếu không có chỗ đứng trong thời buổi này thì chán chết, chỉ có nước tiêu đời.
Chờ không khí lắng dịu bớt, anh bạn cười cười:
- Ý tôi nói “có chỗ đứng” nói lái, tức…
Cả bạn chúng tôi sực hiểu ra, ôm nhau cười rũ rượi. Anh bạn lại tiếp:
- Nói cho vui vậy thôi, chớ tuổi này, đã xấp xỉ bảy mươi cả rồi thì có gì đáng sợ nữa đâu. Hỏi thật, các bạn đây có sợ gì không hay giống mình chả sợ gì?
Cả bọn lại nhao nhao:
- Chừng này tuổi, chết cũng được rồi còn sợ quái gì nữa?
Lúc này anh mới cười ngất:
- Vậy giống mình, “chả sợ gì” tức “chỉ sợ già”!
Theo Baomoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CANADA TỰ DO MUÔN NĂM

  MAKE CANADA FREE FOREVER CANADA TỰ DO MUÔN NĂM 𝗧𝗵𝘂̛  𝗻𝗴𝗼̉ 𝗰𝘂̉𝗮 𝗰𝘂̛̣𝘂 𝘁𝗵𝘂̉ 𝘁𝘂̛𝗼̛́𝗻𝗴 𝗝𝗲𝗮𝗻 𝗖𝗵𝗿𝗲́𝘁𝗶𝗲𝗻 (Lời ngư...