Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Về những bộ xương bí ẩn trong hang Cắc Cớ (chùa Thầy -Hà Nội)

VTC News) - Quân Minh dỡ nhà hun động, người trong động bị khói lửa hun đều chết, người nào ra hàng cũng bị giết cả, vợ con bị bắt làm nô tỳ.

hang cắc cớ
Bể xương trong hang Cắc Cớ được cho là của nghĩa quân Lữ Gia từ 2000 năm trước 
Kỳ 2: Di cốt ở Chùa Thầy, chứng cứ tội ác của “quân cuồng Minh”? Năm 2011, PV Báo điện tử VTC News đã thám hiểm hang Cắc Cớ (chùa Thầy, Hà Nội) và phát hiện rất nhiều xương cốt. Nhiều nhà khoa học đã vào cuộc, nhưng chủ nhân của hàng ngàn bộ xương vẫn chưa được giải mã. Mới đây, chúng tôi đã phát hiện ra một số tài liệu giải mã chủ nhân của hàng ngàn bộ xương bí ẩn này. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trước tác công phu của các nhà sử học lỗi lạc Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên… câu chuyện đau thương bắt đầu từ một viên ngụy quan Lộ Văn Luật, người ở Thạch Thất (Hà Tây cũ), không rõ năm sinh, năm mất.
Nhà Hồ làm mất nước, Lộ Văn Luật đem thân phụng sự giặc Minh, giúp giặc đàn áp người dân Việt đang chịu muôn vàn khổ nhục dưới ách đô hộ. Được giặc sử dụng làm tướng, không rõ Lộ Văn Luật đã tham gia đàn áp bao nhiêu trong số hơn 60 cuộc khởi nghĩa của người Việt đương thời. Chỉ biết đến tháng 7 năm 1419, Lộ Văn Luật đã là tướng tiên phong của Tổng binh Lý Bân, đem quân đi đàn áp cuộc binh biến ở thành Nghệ An. Nguyên trước đó có một viên ngụy quan khác là Phan Liêu, tri phủ Nghệ An, do không chịu bức bách phải nộp vàng bạc cho quan quân nhà Minh, đã nổi dậy giết các quan nhà Minh. Bị Lý Bân kéo đến đàn áp, Phan Liêu không hạ nổi thành Nghệ An, bèn theo đường Thanh Hóa chạy trốn sang Lào. Lý Bân sai Lộ Văn Luật làm tiên phong truy đuổi, nhưng sai đi rồi lại gọi về bàn việc khác, khiến Luật lo sợ, hoài nghi, bỏ quân trốn đi mất. Bân bèn bắt hết người nhà và gia thuộc của Lộ Văn Luật.
hang cắc cớ
hang cắc cớ
PV VTC News xuống động Cắc Cớ tìm "suối xương" 
Lộ Văn Luật bỏ trốn về quê ở Thạch Thất, tập hợp nhân dân dựng cờ khởi nghĩa. Người dân thấy có người tụ nghĩa chống Minh thì ùn ùn kéo theo. Lý Bân đem quân đến đánh, tháng 4 năm 1420 thì dập tắt cuộc khởi nghĩa đang trong thời kỳ trứng nước. Vẫn sách đã dẫn, chép rất cô đọng: “Lộ Văn Luật chạy sang Ai Lao (Lào – PV), dân chúng thì trốn vào hang núi Phật Tích và An Sầm (những tên cũ của hang động núi Chùa Thầy mà PV VTC News đã khám phá). Quân Minh dỡ nhà hun động, người trong động bị khói lửa hun đều chết, người nào ra hàng cũng bị giết cả, vợ con bị bắt làm nô tỳ”. Nhưng chỉ ít dòng đó thôi, cũng vẽ rõ chân dung người cầm đầu cuộc khởi nghĩa. Giặc đến, đem thân làm chó săn cho giặc cưỡng hại đồng bào. Khi có chút tỉnh ngộ về bản chất kẻ thù, ông ta tỏ chút chí khí, bỏ giặc mà đi, họp dân khởi nghĩa.
hang cắc cớ
PV VTC News cùng các bạn trẻ ham khám phá hang động trong hang Cắc Cớ 
Khi bị thua trận, chút chí khí ít ỏi của ông biến mất. Một thân bỏ chạy hàng trăm dặm trốn sang xứ khác, để mặc những lương dân mến nghĩa chịu số phận thảm khốc trong ngọn lửa hung tàn của quân giặc. Đáng tiếc hơn nữa, khi đã bỏ xứ sang bên Ai Lao, Lộ Văn Luật tiếp tục trượt dài, bộc lộ rõ tâm địa nhỏ nhen, tầm nhìn thiển cận, trở thành tội nhân thiên cổ của người Việt. Không chỉ “Đại Việt sử ký toàn thư”, mà trong “Lam Sơn thực lục” do Lê Thái Tổ sai Nguyễn Trãi viết cũng nhắc rất kỹ đến tội ác của nhân vật này, ảnh hưởng to lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chỉ sau sự kiện trên chưa đầy 1 năm. Vốn trước đây, nước Ai Lao có mối quan hệ cực kỳ mật thiết với Lê Lợi, chung vai sát cánh trong công cuộc chống giặc Minh. Những khi quân không còn một đội, phải giết ngựa, bẻ măng cầm hơi, nếm mật nằm gai ở núi Chí Linh, khi sai sứ sang đất Ai Lao, Lê Lợi có ngay quân lương đầy đủ, tiếp tục kháng chiến, có nơi nương tựa.
hang cắc cớ
hang cắc cớ
Rất nhiều xương cốt được tìm thấy trong động Cắc Cớ 
Nhưng từ khi Lộ Văn Luật trốn sang Ai Lao, đem lời dèm pha với xứ bạn, người Ai Lao trở mặt với nghĩa quân Lam Sơn. Họ bất ngờ tập kích nghĩa quân Lam Sơn trong bối cảnh đang chung lưng với nhau và giặc Minh áp sát trước mặt, một trận đánh mà nghĩa quân có thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Sách “Lam Sơn thực lục” viết: “Nguyên xưa nhà vua giao hảo với Ai Lao không hề có điều gì xích mích. Nhưng bị tên Lộ Văn Luật, làm quan với giặc, trốn sang nước ấy, du thuyết để làm kế phản gián. Vì thế nước Ai Lao hiềm khích với nhà vua. Khi ấy nhà vua cầm cự với giặc Ngô, được thua chưa quyết. Kịp khi giặc thua chạy, Ai Lao liền đem vài vạn quân, một trăm thớt voi, thình lình đến trại ta, giả vờ sang giúp ta; nói phao lên rằng cùng ta góp sức đánh giặc. Nhà vua thật bụng tin người, không ngờ vực gì khác. Nào dè nó mặt người dạ thú, nghe mưu gian của Lộ Văn Luật, đêm đánh úp trại ta. Nhà vua thân ra đốc chiến, tự giờ Tý đến giờ Mão. Quân lính đua sức tranh nhau tiến trước, cả phá được chúng, chém hơn vạn đầu; bắt được voi mười bốn thớt; quân lương, khí giới lấy vạn mà kể!”.
hang cắc cớ
hang cắc cớ
Đó cũng là thời điểm hiếm hoi mà sử sách chép chuyện vị anh hùng dân tộc Lê Lợi sa nước mắt khi nói chuyện với binh sĩ trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, khiến sĩ khí hăng hái mà đảo ngược được tình thế nguy kịch. Trận này, Lê Lợi cũng mất đi một đại tướng trẻ tuổi là Lê Thạch, người cháu ruột mà vua yêu quý hơn cả con mình. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng nhận định: “Trước đây, vua vốn hòa hiếu với Ai Lao, chưa từng có hấn khích gì. Khi vua cầm cự với giặc tại sách Lư Sơn, Ai Lao từng cho quân sang cứu viện. Đến khi tên ngụy quan Lộ Văn Luật trốn giặc sang Ai Lao, sợ uy danh vua, thêu dệt gây nên hiềm khích, nên mới đến nỗi thế”. Trở lại với động xương người ở núi Chùa Thầy, cứ theo sử sách thì có thể thấy rõ họ là những lương dân nước Việt, mến nghĩa đem thân chống giặc, chẳng may sa cơ bỏ mình. Nhưng trong con mắt của các nhà khoa học, chuyện sử sách chưa hẳn đã là bằng chứng, chỉ có giá trị tham khảo. Câu trả lời chính xác cho chủ nhân của những di cốt tại hang động núi Chùa Thầy là ai, vẫn cần sự đánh giá chính xác của các nhà khoa học với tâm huyết và các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu.
Lê Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CANADA TỰ DO MUÔN NĂM

  MAKE CANADA FREE FOREVER CANADA TỰ DO MUÔN NĂM 𝗧𝗵𝘂̛  𝗻𝗴𝗼̉ 𝗰𝘂̉𝗮 𝗰𝘂̛̣𝘂 𝘁𝗵𝘂̉ 𝘁𝘂̛𝗼̛́𝗻𝗴 𝗝𝗲𝗮𝗻 𝗖𝗵𝗿𝗲́𝘁𝗶𝗲𝗻 (Lời ngư...