Liên Trường Tây Ninh, một thời để nhớ.
Lê Tấn Tài
Hội
ngộ lần thứ nhứt của Liên Trường Tây Ninh tại Tiểu Bang California, Hoa Kỳ năm
2009 đã đem đến cho tôi cơ hội rất thích thú và tuyệt vời, được biết tin và nối
lại liên lạc với cô Phạm Bạch Tuyết, hiện đang cư ngụ tại Tiểu Bang Virginia,
và các bạn học cũ đã bặt tin trên 50 năm, như vợ chồng Ca Văn Sinh – Lê Kim
Thao, anh Trương Văn Bổng... Ban tổ chức buổi hội ngộ vừa qua đã thực hiện ý
nguyện của cô Phạm Bạch Tuyết rất thành công, đáng được tán thưởng và ghi nhận
công sức đóng góp to lớn. Dù không thể sắp xếp để về California họp mặt với Thầy
Cô và bạn học cũ trong lần hội ngộ thứ hai vào ngày 16/7/2011 sắp tới, tôi xin
đóng góp rất khiêm nhường bằng bài viết hồi ký ngắn, kể lại kỷ niệm trong thời
gian tôi học tại trường Trung Học Công Lập Tây Ninh, từ năm Đệ Thất (niên khóa
1957-1958) đến Đệ Ngũ (niên khóa 1959-1960). Viết lại ký ức của hơn 50 năm, nên
có điều sơ sót, kính xin Thầy Cô và các bạn tha thứ.
Tôi
học lớp Tiếp Liên A với thầy Lê Văn Vang tại trường Lê Văn Trung, niên khóa
1956-1957. Thầy Vang thường nhắc nhở học trò rằng năm nay, các trò phải cố gắng
rất nhiều để vượt qua 2 kỳ thi: Thi Tiểu Học và thi tuyển vào lớp Đệ Thất trường
công lập. Tuổi của tôi năm nay là năm cuối cùng để được nộp đơn thi vào Đệ Thất.
Nếu tôi không đậu vào Đệ Thất trường công thì tôi không còn cơ hội nào để thi
thêm một lần nữa. Tôi rất lo lắng, băn khoăn.
Ngày
thi Đệ Thất là 15/7/1957. Tôi nhớ rõ ngày nầy, vì đúng hôm tôi đi thi thì chị
tư tôi sanh cháu Nương, con gái đầu lòng của chị. Kỳ thi gồm có gồm có 3 bài:
bài Luận Văn, bài Toán Đố và bài Câu Hỏi Thường Thức về Sử Ký, Địa Dư và Cách
Trí. Môn Cách Trí sau đổi tên lại thành Vạn Vật ở bậc Trung Học. Đầu đề Luận
Văn cho kỳ thi nầy khá lạ và khó cho thí sinh. Thông thường ở bậc Tiểu Học, Luận
Văn sẽ xoay xung quanh các đề tài tả cảnh, tả người, kể chuyện hoặc thơ tín. Đầu
đề bài luận: “Cảm tưởng của trò về mùa Hè năm nay”. Đề bài Luận Văn khá lạ và
khó viết, vì phải trình bày cảm tưởng, dĩ nhiên phải có phần nghị luận, phê
phán tại sao trò yêu thích hoặc ghét. Đây là một bài nghị luận khó viết cho học
trò bậc Tiểu Học. Tôi nhớ mang máng, đại ý bài Luận Văn tôi soạn gồm có mấy điểm
chánh: Mùa hè năm nay rất nóng, hạn hán ở nhiều nơi trong Tỉnh, gây khó khăn
cho việc cày cấy của nhà nông. Gia đình tôi làm ruộng, ba tôi thường than thở
đám mạ vừa gieo bị héo úa, vàng chạch vì thiếu nước, còn trâu thì ốm tong teo
vì không đủ cỏ cho nó ăn. Cánh đồng cỏ khô khan, cằn cỗi.Thực trạng thê thảm nầy
của nông gia, tôi là người trực tiếp sống trong hoàn cảnh đó nên rất hiểu
rõ.Tôi viết lại những điều thực tế của gia đình tôi để hoàn thành bài Luận Văn.
May
mắn, tôi thi đậu Đệ Thất. Lớp tôi là lớp Đệ Thất năm thứ 3 của trường.Trường
Trung Học Công Lập Tây Ninh được thành lập với lớp Đệ Thất đầu tiên là niên
khóa 1955-1956.Lúc đầu, trường chưa cất xong nên học sinh học nhờ tại trường Tiểu
Học tỉnh lỵ Tây Ninh, đối diện với nhà của bác sĩ Hà Văn Sua.Đến niên khóa
1956-1957, trường bắt đầu dọn về trụ sở mới tại ngả tư Cửa Đồn. Khu đất trường
trước đây là bãi đất trống dùng làm nghĩa địa.Ông Đốc Mạnh là Thầy Hiệu Trưởng
đầu tiên của trường. Năm tôi học Đệ Thất, trường có 4 lớp, gồm Đệ Thất A, B, C
và D. Học sinh đậu hạng cao hơn hết được sắp vào lớp A, hạng kế vào lớp B, C và
D. Lớp A, B chỉ gồm toàn nam sinh. Lớp C, D nam sinh, nữ sinh học chung. Lớp A,
B, C chọn sinh ngữ là Pháp Văn. Lớp D chọn sinh ngữ Anh Văn. Phòng học lớp Đệ
Thất ở từng trệt. Học sinh chỉ học một buổi, sáng hoặc chiều.
Ở
bậc Tiểu Học, học trò chỉ có một Thầy dạy suốt năm.Bây giờ lên Trung Học, học một
môn với một Thầy, hoặc Cô, học trò thấy chưa quen, bở ngỡ.Tuy nhiên, lần lần rồi
cũng quen.Môn học ở Đệ Thất cũng khác hơn hồi ở lớp Tiếp Liên. Ở lớp Tiếp Liên,
học sinh học các môn Toán, Chính Tả, Tập Làm Văn, Cách Trí, Sử Ký, Địa Dư. Nay
lên Đệ Thất, học các môn hoàn toàn mới tinh, như Hình Học, Đại Số, Vật Lý, Hóa
Học. Môn Hình Học với các định lý, định đề, chứng minh khó hiểu quá. Năm ĐệThất,
Thầy Tam dạy Toán, Cô Nhân dạy Việt Văn, Thầy Vinh dạy Vẽ. Cô Hồng Vân dạy Pháp
Văn. Phương pháp giảng dạy của cô Hồng Vân rất hay, linh động, dễ hiểu. Tôi may
mắn được học Pháp Văn với cô Hồng Vân liên tiếp năm Đệ Thất, Đệ Lục, nhờ vậy
môn Pháp Văn tôi có tiến bộ. Tuy nhiên, dù tôi cố gắng thế nào cũng không bao
giờ vượt qua được bạn Lê Mến Trí.Bạn Trí luôn luôn là người đứng đầu lớp môn
Pháp Văn. Các thầy dạy Vật Lý, Hóa Học, Sử, Địa tôi không nhớ được. Trưởng lớp
Đệ Thất B là anh Trương Văn Bổng, ở chung xóm Trường Đua với tôi. Sang niên
khóa 1958-1959, lên lớp Đệ Lục B, anh Trương Văn Bổng được chuyển sang lớp Đệ Lục
A. Anh cũng làm trưởng lớp Đệ Lục A. Anh Ca Văn Sinh làm trưởng lớp Đệ Lục B,
thay anh Bổng. Năm Đệ Lục, cô Phạm Bạch Tuyết dạy Việt Văn. Thầy Châu Văn Năm dạy
Lý Hóa. Cô Bạch Tuyết, Thầy Năm vừa tốt nghiệp, về dạy đầu tiên tại trường nầy.
Thầy Khánh dạy Toán.Thầy Khánh người Bắc, dạy Toán rất hay, dễ hiểu, được học
trò ngưỡng mộ. Ngoài ra, năm nầy có 2 Thầy mới, một Thầy dạy môn Hán Văn, còn
thầy kia dạy Âm Nhạc. Tôi không nhớ tên của 2 Thầy, nhưng Thầy dạy Âm Nhạc có lối
cầm viết rất lạ. Thầy kẹp viết giữa hai ngón trỏ và ngón giữa.Ba ngón cái, giữa
và trỏ chụm lại để giữ ngòi viết. Mỗi lần Thầy viết, tôi nhìn Thầy chăm chú, và
tự hỏi, làm sao mà Thầy có cách cầm viết lạ lùng như vậy mà thầy lại viết bình
thường được? Thỉnh thoảng, Thầy đem vào lớp một cây đờn guitar để đờn cho học
trò nghe âm thanh các nốt nhạc “đồ mi pha sol la si” ra làm sao. Âm thanh các nốt
nhạc phát ra từ cây đờn của thầy thì cũng bình thường như các cây đờn guitar
khác, chỉ có điều làm cho học trò luôn trố mắt nhìn cây đờn của Thầy, vì nó có
hình dáng rất đặc biệt mà lần đầu tiên tôi mới được nhìn thấy. Thầy nói cây đờn
nầy làm ở Pháp.Thầy rất dễ thương, cởi mở. Thầy mặc quần áo sang trọng, với cây
đờn đặc biệt, nên tôi nghĩ có lẽ thầy là một nhạc sĩ có tiếng tăm ở thủ đô
không biết chừng? Trong niên học nầy, Thầy tổ chức một đêm nhạc do các học sinh
toàn Tỉnh Tây Ninh trình diễn. Đêm nhạc nầy được tổ chức ở rạp hát Thanh Sơn, gần
chợ mới Tây Ninh.Khán giả đông chật rạp hát.Buổi trình diễn nhạc của các ca sĩ
học trò rất thành công.Tôi cũng háo hức tham dự, và nhớ mãi giọng hát học trò ấm
áp, dễ thương. Chị Lữ Thị Kim Thanh, học sinh lớp Đệ Ngũ, là hoa khôi của trường,
người Huế. “O xứ Huế” nầy là con gái của Thiếu Tá Phó Tỉnh Trưởng Nội An, hát
bài “Tôi yêu”, chị Ngọc Diệp, nữ sinh ở Trảng Bàng, hát bài “Lối về xóm nhỏ”.
Đêm nhạc với tiếng hát học trò nhưng rất hay, rất dễ thương, rất điêu luyện mà
hơn nửa thế kỷ vẫn còn lưu lại kỷ niệm đẹp trong ký ức tôi.
Sau
một năm học ở bậc Trung Học, chợt tôi cảm thấy say mê văn chương, tập tành làm
thơ, viết văn, có chút mơ mộng, thỉnh thoảng thả hồn vào giấc mơ hoa nào đó, vẩn
vơ chưa định hướng rõ ràng, và bâng quơ hướng ánh mắt nhìn về phòng học của hai
lớp C, D bên cạnh với bóng hồng thướt tha. Hai lớp A, B chỉ gồm toàn nam sinh,
nên không có hấp lực nào với tôi. Còn hai lớp C, D thì nam, nữ sinh học chung,
mà trong số đó có nhiều cô rất dễ thương. Tuy nhiên, tôi rất nhát, chỉ hướng mắt
nhìn chứ đâu có dám làm quen với cô nào đâu! Vậy mà tôi cũng tập làm thơ, chép
thơ của các thi sĩ nổi tiếng vào nhật ký. Làm được vài bài thơ “con cóc”, viết
được vài câu chuyện tầm phào, vậy mà tôi dám cả gan gởi đến báo Nhân Loại. Chỉ
thấy tòa soạn Nhân Loại trả lời có nhận được bài là tôi cảm thấy sướng như
tiên, như đi trên mây và bay với gió, tưởng chừng như đã là một văn sĩ nỗi tiếng!
Tôi rất thích những bài trên Nhân Loại, như truyện ngắn của Sơn Nam, Trang Thế
Hy. Một số truyện ngắn đăng trên Nhân Loại, sau nầy được Sơn Nam in thành sách
“Hương Rừng Cà Mau”, trong đó có truyện ngắn “Mùa Len Trâu” được quay thành
phim.
Sau
đây, xin chép lại một bài thơ “con cóc” của thuở mơ mộng bâng quơ ngày xưa:
Trăng
thu
Đêm nay trăng xuống chốn cô liêu,
Hoang lạnh mình ta thức với nàng.
Dễ ai đã biết trăng gầy đẹp,
Vỏ vàng, u uất qua rèm sương.
Đêm nay trăng có khóc bên rừng?
Giọt lệ trăng rơi lạnh buốt vai.
Trăng ơi! Trăng khóc chờ ta phải?
Một kiếp tơ tầm cũng thế thôi.
Trăng ơi! Vạn vật chẳng biết ta,
Khi đêm lắng xuống, nhặt cánh hoa,
Mở lòng ép kỹ trong trang giấy,
Để ướm máu tươi... thắm vần thơ.
Trăng ơi! Ta sợ trăng chẳng lên,
Những đêm cô quạnh, thoảng gió về.
Giao cành loạt soạt, lá đớn đau,
Thì thầm... to nhỏ vào cõi chết.
Trăng ơi! Ta sợ rồi trăng chết,
Mất ở thi nhân bao ý thơ.
Nguyện cầu ta chết giữa đêm trăng,
Cho lòng hòa thắm ánh trăng mờ.
Sau
những ngày mơ mộng, với ánh mắt đơn phương hướng về các cô ở lớp C, D, thì tôi
chợt nhận ra rằng mình học trễ mất rồi. Việc học của tôi bị gián đoạn, vì năm
Thìn bão lụt 1952, tôi đang học lớp Nhì ở trường Tiểu Học Tỉnh lỵ thì phải nghỉ
ngang, ở nhà phụ ba làm ruộng, chăn trâu, lại rủi bị té gảy tay khi đang ngồi
ngất ngưởng trên lưng con trâu Cheo tại Gò Trôm, cạnh sông Vàm Cò Đông, phía
sau chùa Gò Kén! Tôi phải tạm nghỉ học một năm. Để bắt kịp thời gian bị trễ,
tôi chuẩn bị thi nhảy Trung Học Đệ Nhứt Cấp ở năm lớp Đệ Ngũ.
Bạn
Nguyễn Văn Quyền và tôi cùng học chương trình Toán lớp Đệ Ngũ cấp tốc với thầy
Giao tại trường tư thục Trình Minh Thế. Bạn Quyền là người Bắc di cư. Gia đình
bạn di cư vào Nam, định cư ở ấp Cao Xá, gần Trảng Lớn. Trường Trình Minh Thế do
thầy Yêm làm Hiệu Trưởng. Thầy Yêm dạy môn Việt Văn. Trường nằm ở gần bến xe đò
Tây Ninh – Sài Gòn, phía đối diện với rạp chớp bóng Lạc Thanh, đường Gia Long.
Chúng tôi mua sách Toán có bài giải sẵn của thầy Đặng Sĩ Hỹ để làm bài tập thêm
ngoài giờ học ở nhà trường. Các bài giải của thầy Đặng Sĩ Hỹ rất giản dị, dễ hiểu,
họp với trình độ “học nhảy” của chúng tôi. Về Toán Hình Học, chúng tôi đọc đầu
đề, tìm hiểu rồi vẽ hình, tìm cách chứng minh, xong mới mở sách ra so với bài
giải để xem cách giải của mình đúng hay sai. Còn Toán Đại Số, chúng tôi cũng chỉ
đọc đầu đề, rồi cố gắng làm bài, xong mới mở sách ra để so lại.
Niên
khóa 1959 – 1960, tôi học lớp Đệ Ngũ B tại trường Trung Học Công Lập Tây Ninh.
Về Toán Hình Học, Đại Số thì tôi có thể làm bài giải được rồi. Năm nầy, tôi học
Việt Văn với Thầy Nguyễn Vũ Hoan.Cô Thái dạy Pháp Văn. Tôi không nhớ thầy cô
nào dạy các môn Hình Học, Đại Số, Lý Hóa, Sử Địa. Tôi học chương trình Đệ Ngũ ở
trường Trung Học Công Lập Tây Ninh một buổi, còn buổi kia, tôi học chương trình
Đệ Tứ ở Trường tư thục Văn Thanh. Trường Văn Thanh ở gần xóm Bộng Dầu, nằm ở
phía tay trái trên đường từ Tỉnh lỵ đi về cửa số 2 Nội Ô Tòa Thánh Cao Đài Tây
Ninh. Tôi chỉ học các môn chánh để đi thi. Thầy Giàu dạy Việt Văn. Thầy giảng truyện
Kiều hay tuyệt. Giọng nói của Thầy lưu loát, văn của thầy súc tích, cách dùng từ
của Thầy linh động, chính xác và cảm động.Thầy Tạ Chí Đông Hải dạy Lý Hoá, Vạn
Vật. Thầy sáu Vinh dạy Pháp Văn. Thầy Âu Quang Nhứt dạy làm rédaction.Thầy Đạo
dạy Hình Học, Đại Số. Thầy Đạo dạy Toán Hình Học rất hay, rất dễ hiểu. Thầy làm
bài giải Toán rất nhanh, các chứng minh Hình Học của thầy giản dị, dễ theo dõi.
Thầy đứng trên bục, giảng giải nhỏ nhẹ, hiền từ mà linh hoạt, thầy vẽ vòng tròn
trên bảng đen rất thần kỳ. Thầy cầm cục phấn trắng, xoay một vòng tròn vo như
quây bằng “compa” trên bảng đen. Thầy là thần tượng toán học của chúng tôi.Tôi
nhìn Thầy làm bài giải toán mà ngưỡng mộ.Có nhiều bài toán khó trong các sách
thi BEPC của Pháp mà tôi giải không nổi, tôi đem hỏi Thầy.Thầy chỉ đọc lướt
qua, rồi giải rạch ròi ngay lập tức. Tôi lại một phen thán phục Thầy vô ngần,
nhứt là các bài toán về quỹ đạo! Các Thầy dạy ở trường Văn Thanh cũng dạy ở trường
Lê Văn Trung. Trường Lê Văn Trung do thầy Nguyễn Hữu Lương làm Hiệu Trưởng, là
trường do Hội Thánh Đạo Cao Đài lập nên. Trường Lê Văn Trung là trường đầu tiên
dạy tới lớp Đệ Nhị, luyện thi Tú Tài phần một tại Tây Ninh, với thành phần giảng
huấn rất ni tiếng, như Luật Sư Trần Văn Tuyên, nữ giáo sư Phạm Thị Côn, Thầy Chu
Văn Bình (tức nhà văn Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống, tác giả các tiểu thuyết
nỗi tiếng như Yêu, Sống, Tiền...). Thầy Chu Văn Bình làm Hiệu Trưởng trước thầy
Nguyễn Hữu Luơng.
Tôi
cũng học thêm Pháp Văn với thầy Huệ Chương ở ngả năm, Nội Ô Tòa Thánh.Thầy Huệ
Chưong có tiệm bán sách, cũng tên là “Huệ Chương”. Tiệm sách ở căn phòng phía
trước nhà, còn phòng học ở liền ngay sau tiệm sách. Lớp học của thầy Huệ Chương
có khoảng 20 học sinh. Thầy Huệ Chương dạy môn Pháp Văn cho học sinh chuẩn bị
thi Trung Học. Phương pháp dạy của Thầy rất độc đáo, học sinh theo học rất hứng
thú và mau tiến bộ. Thầy dạy một bài Pháp Văn, thường thường lấy từ sách của
tác giả Phạm Tất Đắc. Thầy rất chú trọng về văn phạm, như phân tích từng chữ
hay phân tích mệnh đề. Mỗi khi gặp động từ bất quy tắc, thầy chỉ trò nào thì
trò đó phải đọc liền động từ được chia ở thời (temps) và ngôi thứ. Chúng tôi
lúc nào cũng cố gắng học thuộc lòng cách chia các động từ bất quy tắc, lúc nào
cũng đem kè kè bên mình quyển “Art de conjuguer les 8000 verbes” của nhà xuất bản
Hachette. Tôi cùng học với các bạn Trần Minh Thấu, Ngô Minh Chí, chị Thân Thị Đời...
Thầy
Huệ Chương gọi học trò, luôn luôn kèm tên với chữ trò, như trò Chí, trò Tài...
Các tên Chí, Tài mà ghép với chữ trò thì cũng không có gì đáng để ý. Tuy nhiên,
khi thầy gọi “Trò Đời”, tên Đời mà ghép với chữ trò, nghe khá tức cười. Thầy gọi
tên chị Thân Thị Đời, chúng tôi không khỏi lặng lẽ, kín đáo cười tủm tỉm.Chữ
“Trò Đời” từ miệng của thầy Huệ Chương tôi không bao giờ quên được.Các bạn Ngô
Minh Chí, Trần Minh Thấu, Thân Thị Đời hình như sau nầy đều làm ngành giáo dục.Chị
Đời là Hiệu Trưởng trường Trung Học Nông Lâm Súc Tây Ninh, trụ sở ở Trạm Nghỉ,
gần Bến Kéo.Hiện nay, chị đã nghỉ hưu. Sức khỏe của chị không được tốt, vì qua
một cơn bệnh khá nặng. Nhân đây, xin cầu chúc chị thân tâm an lạc và sớm bình
phục.
Sau
một năm luyện thi khá bận rộn, tôi được may mắn thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp,
hạng Bình Thứ. Với mảnh bằng khá khiêm nhưòng nầy, tôi thi vào trường Phụ Tá
Thí Nghiệm. Trường Phụ Tá Thí Nghiệm nằm trong khuôn viên Viện Pasteur, đường
Pasteur, Sài Gòn.Sau hai năm học, tôi tốt nghiệp năm 1962.Tháng 10 năm 1963,
tôi được Bộ Y Tế bổ dụng làm Phụ Tá Thí Nghiệm, với chỉ số lương lúc mới ra trường
là 280.Tôi đi làm tại Ty Y Tế tỉnh Phước Long. Cũng xin nói thêm, niên khóa
1960 -1961, tôi vừa học ở trường Phụ Tá Thí Nghiệm ban ngày, còn ban đêm tôi học
lớp Đệ Nhị, ban A, tại trường Minh Đạo, đường Phan Thanh Giản, luyện thi Tú Tài
phần một. Tôi thi đậu Tú Tài phần một, ban A năm 1961. Năm 1962, tôi bận rộn lo
thi tốt nghiệp Phụ Tá Thí Nghiệm, nên nghỉ học một năm. Đến niên khóa 1962 –
1963, trong khi chờ Bộ Y Tế bổ dụng đi làm, tôi theo học lớp Đệ Nhất A tại trường
Trung Học Chu Văn An, gần nhà thờ Ngả Sáu, Chợ Lớn, và thi đậu Tú Tài phần hai
năm 1963, lúc tôi 20 tuổi.
Tôi
rời khỏi Tây Ninh năm 1960, để bước vào đời sớm hơn các bạn đồng lứa tuổi.Tôi rời
khỏi Tây Ninh để xuống Sài Gòn học nghề, và ra đời, mưu sinh sớm.Gia đình tôi
nghèo, khó khăn chồng chất. Ba má tôi cày sâu, cuốc bẩm, suốt đời chân lấm tay
bùn, cực khổ quanh năm. Vả lại, ba má tôi đã già, sức đã yếu, lợi tức khiêm
nhưòng của nghề nông không giúp gia đình tôi vươn lên một cuộc sống gọi là thoải
mái.Ba em gái tôi còn nhỏ, đáng được đi học đến nơi, đến chốn.Việc đi học của
tôi, thành thực mà nói, là kết quả của sự hi sinh của ba má và anh chị tôi. Ba
má và anh chị tôi cam nhận phần cơ cực, để nhường chỗ sung sướng cho tôi. Ôi,
tình cảm gia đình, ba má và anh chị hi sinh cho mình, cao quý là chừng nào. Biết
bao giờ trả được ân sâu nghĩa nặng của gia đình, của ân sư đã hết lòng nuôi dưỡng,
dạy dổ cho mình khôn lớn, thành tài!
Tôi
từ giã tuổi học trò mộng mơ, thơ ngây, đáng quý, đáng nhớ sớm hơn các bạn,
nhưng thời gian học ở Liên Trường Tây Ninh vẫn luôn luôn là kỷ niệm đẹp, êm đềm
của thời niên thiếu của tôi, của “một thời để nhớ”.
Lê
Tấn Tài
Viết
tại Trường Đại Học Tây Sydney
(Western
Sydney University, Campbelltown campus)
Ngày
thứ tư 20 tháng 10 năm 2010
Phạm Hòa:
Trả lờiXóaNăm 1955-56,trường mới thành lập,hs phải học 2 sinh ngữ:Pháp là chính,Anh là phụ.
Năm 1956-57 cũng vậy ,lớp A,B là nam,C có ít nũ(chị Đời,Bé,NN.Phu học lớp nầy.D toàn nữ,cũng học 2 SN
nhưng khoãng giữa năm 1957(nếu tôi nhớ ko lầm)có cải cách.
Hs chỉ học 1 SN mà thôi.Tụi nầy quen học PV từ trước nên học luôn.GS PV.bấy giờ là thầy Nguyễn văn Thại
Tôi vẫn nhớ Lữ thị Kim Thanh,có nhiều tài:ca hát,múa.Bạn đã dạy các nữ sinh khác 1 bài múa để trình diễn VN Ko biết bây giờ bạn ở đâu(Thanh học lớp C,ko thi TH vì ba chuyển đi nên gđ đi theo,bạn chỉ học đến hết lớp đệ ngủ.
Trả lờiXóaThầy Giàu dạy VV mất ở Mỷ 2012.
TM.Thấu vẫn còn ở TN.
Ngô Minh Chí vừa qua đời 7/1013