Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Hành trình Xuyên Việt (P.1)- Bút ký - Hồ Xưa


                K nim HÀNH TRÌNH XUYÊN VIT
                * Tác giã: Hồ Xưa ____________________________


          Ngày 21-4-2012, chúng tôi đã thực hiện một cuộc hành trình du lịch Xuyên Việt để đi thăm những nơi thắng cảnh và khu di tích lịch sử của quê hương Việt Nam ở miền Trung và miền Bắc, do “Công Ty Saigontourist” tổ chức.
         Từ sáng sớm, chúng tôi đáp chuyến bay của hảng Hàng Không Vietnam Airline rời Tân Sơn Nhất đi Đà Nẳng.                   
         Sau gần một giờ bay, phi cơ đáp xuống phi trường Đà Nẳng, một thành phố cãng đẹp và cũng là nơi có một căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trước đây.
         Nhân viên hướng dẫn của Công Ty Du Lịch đón chúng tôi về khách sạn nhận phòng, sau đó đưa chúng tôi đi thăm chùa Linh Ứng ở bán đảo Sơn Trà, mở ra trang đầu tiên của cuộc hành trình Xuyên Việt sẽ kéo dài trong chín ngày sắp tới.
                              “Quê em có dãi sông Hàn,
                         Có hòn Non Nước, có hang Sơn Trà.”(Ca dao)
          Xe chạy phon phon trên những đường phố sạch sẽ, đẹp mắt đang trên đà kiến thiết, phát triển qui mô của Đà Nẳng. Nhiều cao ốc, nhà cửa tiện nghi, sang trọng đang xây dựng dọc theo bờ biển Bắc Mỹ An xinh lịch mà nghe nói nơi đây ngày xưa thật đìu hiu, hoang vắng, cây cối xác xơ. Nhiều căn nhà mới sang trọng giống như căn tri-plex ở Mỹ, gồm 3 hộ đã hoàn chỉnh ở khu vực nầy có trị giá trên một triệu đô-la, đang ẩn núp sau những hàng cây mát rượi mới được trồng vài năm nay ở độ tuổi xanh tươi mơn mỡn. Tự nhiên, sao tôi lại thì thầm tự hỏi một mình: Ai có thể mua được những căn nhà sang trọng nầy ngoài người ngoại quốc và những đại gia có thế lực trong một nước mà đa phần dân chúng còn đang trong cảnh nghèo đói?
         Đàng kia, trên mặt biển khá yên tịnh lặng gió hôm nay, hàng trăm chiếc tàu thúng của dân đánh cá đang bềnh bồng, nhấp nhô tạo nên hình ảnh khá đẹp mắt. Đó là những phương tiện sinh sống của một thành phần lao động vất vã tại địa phương, ngày đêm cật lực, mệt nhọc với cuộc sống truyền thống lâu đời đang theo bước chân của cha ông họ trước đây: Đó là nghề đánh cá.
          Chiếc xe buýt đời mới xinh lịch đưa đoàn 30 người của chúng tôi đi, chẳng mấy lúc đã đến khu vực núi Sơn Trà. Đường đi Sơn Trà để lên chùa Linh Ứng – Bãi Bụt quanh co, cao dốc nhưng được tráng nhựa và xây đá qui mô, kiên cố. Nhìn từ xa, trên cao chót là pho tượng Phật Bà Quan Âm đang sừng sững uy nghi, vượt vút giữa nền trời xanh, thỉnh thoãng có những vầng mây trắng lững lơ buông mình tuyệt đẹp. Tượng Phật Bà bằng đá trắng cao 67 mét, đường kính tòa sen 35 mét, tương đương với tòa nhà 30 tầng, hiện nay là ngôi tượng cao nhứt trong nước. Phía sau tượng là ngôi chùa uy nghi, rộng rãi với tiếng mỏ, tiếng chuông quyện lẩn với mùi trầm hương nhang khói tạo ra cảnh trí oai linh, hùng vĩ và không khí đượm nét linh thiêng, huyền diệu. Người viếng cảnh đang thanh thãn tâm hồn mình hướng nhìn từ trên độ cao đưa tầm mắt về bờ biển xa xa, lòng như quên đi bao ưu phiền của cuộc thế, tìm an hưởng đôi giây phút ngắn ngũi riêng tư đầy thú vị. 
 
          Rời khỏi khu vực linh thiêng, chúng tôi được đưa đi dùng cơm trưa và nghỉ ngơi tại khách sạn. Chiều đến, đoàn đi thăm Ngũ Hành Sơn, khu vực gồm có năm ngọn núi nằm cạnh nhau một cách đẹp mắt, là vùng núi rất nổi tiếng trong lịch sử địa lý nước nhà. Ngũ Hành Sơn thuộc khu vực bờ biển Non Nước. Chúng tôi phải bước lên 160 bậc đá mới đến được hang động Ngũ Hành Sơn, chung quanh là cảnh trí kỳ bí, lung linh huyền ảo, mãi ngắm nhìn mà lòng như bị cuốn hút, không thấy chán.
          Xuống núi, chúng tôi đi thăm khu làng truyền thống chuyên khắc tượng đá gần bên núi Ngũ Hành Sơn. Cả làng Hòa Hải đều làm nghề điêu khắc tượng đủ loại bằng đá quý. Đâu đâu cũng tràn ngập những xưởng điêu khắc và trưng bày sản phẩm điêu khắc. Vị tổ sư nghề nầy là một nghệ nhân đã đến từ miền bắc Việt Nam mấy thế kỹ trước đây, vào sống và truyền dạy hàng bao nhiêu thế hệ cái nghề điêu khắc với kỹ thuật tân kỳ, tinh xảo đã trở nên nổi tiếng trong nước và cả thế giới.

                        
                         Tượng Phật Bà Quan Âm tại chùa Linh Ứng

Những sản phẩm bằng đá quý hiếm gồm nhiều tượng Phật, tượng Chúa, tượng Đức Mẹ Maria, tượng Phật Bà Quan Âm, đến cả những tượng nghệ thuật của những nữ nhân khỏa thân với những đường cong tuyệt mỹ. Đến xem, du khách sẽ bị mê hoăc giữa một rừng nghệ thuật tràn ngập những sản phẩm tượng đá đầy hấp dẫn đủ loại, đủ cở, đủ thể hình.


                           
                             Tượng mỹ nhân
     
            Luyến tiếc vẫn còn mãi vươn vấn khi phải ra khỏi làng điêu khắc, chúng tôi hướng về thăm phố cổ Hội An, cách xa làng điêu khắc 25 cây số về phía nam, là một vùng đất mua bán lịch sử nổi tiếng trù phú sầm uất một thời của quê hương nhiều thế kỹ trước. Chúng tôi vào thăm di tích còn giữ như nguyên vẹn của gia đình ông Phùng Hưng, người làm nghề mua bán lâu đời nhứt nơi đây, đi xem từ tủ chứa hàng, căn phòng làm việc, bàn thờ gia chủ, đến cả tấm lưới chắn bằng thép an toàn ngày xưa trên gác mỗi khi có ngập lụt. Tất cả di vật đều trở nên quý giá hiếm hoi. Mọi căn nhà phố mua bán ngày xưa trên Khu phố cổ Hội An được giữ gìn, bảo vệ khá nguyên vẹn. Một số ít căn phố với lối kiến trúc xưa hiện vẫn do con cháu của người Nhựt, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý tiếp tục nghề mua bán. Đó là những hậu duệ của những thương buôn đã từng ghé nơi nầy trao đổi, mua bán hàng hóa với dân bản xứ, dần dần biến đổi vùng đất cằn cỗi, vắng vẻ nầy trở thành khu phố mua bán trù phú, sầm uất vang tiếng một thời của vùng Đông Nam Á mang tên Phố Hội An. Ngày nay, để bảo tồn nét cổ kính của khu di tích lịch sử nầy, chánh quyền địa phương đã có luật cấm việc sửa chửa tự ý nhà cửa. Nhờ vậy mà nhà cửa vẫn như còn nguyên vẹn như ngày xưa, từ đường sá nhỏ hẹp, chiếc cầu nhỏ đơn sơ bắc qua con sông, những ngôi nhà kiến trúc cổ tỉ mỉ, khéo léo bằng gỗ quý, cho đến cái ao chật hẹp vẫn còn đọng nước. Đó là hình ảnh Hội An của hàng bao thế kỹ trước đây.
Phố cổ Hội An ban ngày.


Phố cổ Hội An ban đệm

                
                          
                        Cầu Nhật Bản bắc qua sông Hoài

         Đêm đã về trên phố cổ Hội An. Chúng tôi đi thã bộ trên cây cầu Nhật Bản bắt qua sông Hoài, nhìn về bên kia cầu là khu phố đèn lồng với những chiếc đèn lồng hoa đủ kiểu, đủ màu đang tỏa rực ánh sáng tạo thành bức tranh thủy mạc lung linh về đêm thật đẹp tuyệt vời. Tại trung tâm phố cổ trong giờ nầy

                         

           Tại trung tâm phố cổ trong giờ nầy không thấy có ánh đèn điện sáng choang, mà chỉ là những chiếc đèn lồng. Đâu đâu cũng là đèn lồng. Đèn lồng phủ kín cả khu phố mua bán cho đến những gánh hàng rong, quán cà phê bên vệ đường hay những ghe tàu nhỏ đang lướt nhẹ trên sông. Cảnh tượng thật mơ mộng, lung linh, mờ ảo. Vào trong trung tâm phố cổ, người ta cũng không thấy bóng dáng xe hơi, mà chỉ là những chiếc xe đạp, xe xích lô đạp và xe gắn máy. Có lẽ vì đường phố chật hẹp và cũng để bảo vệ khách bộ hành đang tấp nập đi dạo cảnh chăng? Cũng có thể lắm!
         Sau khi từ giã Khu phố Hội An cổ kính, chúng tôi dùng cơm tối và trở về nghỉ đêm nơi khách sạn Minh Toàn. Sáng hôm sau (ngày 22-4-2012, ngày thứ nhì của chương trình du lịch), chúng tôi đi thăm Khu Du lịch Bà Nà – Núi Chúa, cách Đà Nẵng 30 cây số.
         Xe chạy trên con đường Nguyễn tất Thành khang trang, xinh đẹp với những hàng thông thẳng đứng xõa tóc lã lơi dọc theo bờ biển tạo ra phong cảnh đẹp lý tưởng nhất của miền Trung Việt Nam. Đặt chân lên tại chân ga cáp treo Thuận Phước, bên cạnh Suối Mơ, du khách bắt đầu lên cáp treo để đến chùa Linh Ứng ở tận trên đỉnh núi Chúa. Hệ thống cáp treo nầy được tập đoàn quốc tế gồm các nước Ý, Tây Ban Nha, Anh và Thụy Sĩ cùng khai thác theo kỹ thuật tân kỳ, hiện đại nhất của thế giới. Cáp treo gồm hai đoạn: Đoạn thứ nhất dài trên 6 cây số và đoạn cáp thứ hai dài trên 700 mét. Đây là hệ thống cáp theo hiện đại và dài nhất Việt Nam. Khi lên được đến đỉnh núi, có nghĩa là du khách đã chinh phục được ngọn núi Chúa ở độ cao 1,487 mét, du khách còn phải đi bộ từng bước lên những bực đá dốc cao mới tới chùa Linh Ứng. Nhìn từ xa bên dưới, tượng Phật cao vót đang ngự trị cả vùng rừng núi mênh mông, bát ngát.
            Trước cổng vào chùa là Khu Vườn Thiên Phước, nơi có tượng Đức Phật Thích Ca đang thuyết Đạo và hình ảnh năm vị học trò đã được Phật độ thành năm vị La Hán.   
     
                    
                     Chân núi Bà Nà.

           Trời trong sáng, ánh nắng rực rỡ, nhưng không khí mát rượi. Thỉnh thoãng có từng cụm mây trắng mang hơi lạnh phủ kín cả núi rừng trong mù mịt, âm u rồi thoáng một chốc lại tan nhanh, nhường lại cảnh trời tươi sáng đẹp mắt. Từ trên độ cao ở chùa Linh Ứng, du khách có thể nhìn toàn cảnh chung quanh là những núi rừng trùng điệp, thấy toàn khu vực thành phố Đà Nẵng hiện ở phương xa dưới chân mình. Người ta nói trên vùng Bà Nà nầy mỗi ngày có bốn mùa là đúng lắm! Đây là Bà Nà thân thương của miền Trung nước Việt. Chúng tôi dọ hỏi thì được biết, sở dĩ người ta gọi tên Bà Nà vì theo lịch sử ghi lại rằng trong thời kỳ Pháp thuộc, có một vị Thiếu tá người Pháp được lệnh đi dò xem tình hình địa lý vùng núi rừng nầy, khi đến thì thấy nơi đây có nhiều chuối rừng nên mới đặt tên là Vùng Chuối (Banana). Dân địa phương đọc trại ra là Bà Nà (Bà Ná Nà). Ngoài ra, trước đây vùng nầy có nhiều gỗ quý như trầm hương, gõ, trắc. . .rất có giá trị về kinh tế. Nhưng sau năm 1975, lợi dụng thời gian khó khăn của đất nước, bọn khai thác gỗ lậu đã cùng với “lâm tặc địa phương”tận triệt tài nguyên của quê hương đất nước nay đã trở thành đại gia; toàn vùng nầy chỉ còn lại những rừng gỗ thường với cây tạp không có giá trị mấy.
         Đón cáp xuống trở lại Suối Mơ, đoàn chúng tôi lên xe hướng về Huế, xe từ từ xuyên qua vùng Hải Vân bằng con đường hầm dài trên 6 kí-lô-mét. Đoàn không đi theo con đường đèo nguy hiểm mà xuyên qua đường hầm. Đây là đường hầm dài đẹp và hiện đại nhất vùng Đông Nam Á do các nước Việt nam, Thụy Sĩ, Anh và Ý thực hiện. Trong hầm có hệ thống thoát hiểm khi hữu sự, có camera quay tự động và hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại. Dòng xe chay qua lại hai chiều phân ranh nhau bằng hàng rào ở giữa. Xe xuyên qua hầm cấm không được phép vượt hay luồn lách và cũng cấm các loại xe như xe trâu bò, xe tải nặng, máy cày, xe đạp và xe gắn máy không được qua hầm. Các loại xe nầy phải dùng đường bộ qua đèo Hải Vân như trước nay để rời khỏi, xuôi về nam hay đi đến Huế.

(bên ngoài và bên trong  đường hầm Hải Vân)
          Ra khỏi hầm là vào địa phận của thành phố Huế, vượt qua cầu Lăng Cô. Vùng mang tên Lăng Cô vì trước đây có ngôi lăng rất linh thiêng thờ bà Cô. Theo truyền tụng, ngày xưa có một thanh niên từ xứ Bắc vào vùng nầy để tìm cha đi làm ăn xa lâu ngày không thấy về. Khi đến đây, tìm mãi không thấy người cha ở đâu, chàng trai quá nãn chí, buồn rầu, nét mặt tiều tụy, lê từng bước đi lững thững xuống đò để trở lại gia đình. Thấy vậy, cô gái đưa đò xứ Huế mới hỏi thăm sự việc.


                 
                   Cảnh Lăng Cô.                                                             Ảnh Hoàng Nam

                
                  Lăng Cô Bay Resort                                                                 Ảnh: HX

Chàng thố lộ tấm lòng và cô gái cảm thấy đau xót tâm sự đáng thương của chàng. Từ thương xót, cô gái trở nên yêu chàng và tỏ ý khuyên chàng ở lại nơi đây.. Chàng trai do dự rồi bằng lòng và từ đó cả hai nên duyên thành chồng vợ. Hàng ngày chàng đi đánh bắt cá và nàng vẫn tiếp tục chèo đò đưa khách sang sông để sinh sống. Cuộc sống êm đềm kéo dài chẳng được bao lâu, tai ương lại ập đến. Một hôm, người chồng đi đánh cá không thấy về; người vợ trẻ chèo thuyền đi kiếm và rũi ro bị tai nạn chết. Dân làng thương xót xây lăng thờ cô. Việc xây lăng thờ một người con gái quê là một việc không bình thường vì ngày xưa lăng chỉ xây để thờ bậc vua chúa chứ thường dân không được phép. Nhưng vì chơn hồn cô gái rất hiển linh, đã giúp dân làng nhiều việc và vì vậy mà quan chức địa phương cũng thuận cho phép dân làng đặc biệt xây Lăng để thờ cô và từ đó dòng sông nầy được mang tên là sông Lăng Cô. Ngày nay lăng đã biến mất vì năm tháng gió mưa nhưng tên gọi Lăng Cô vẫn còn đó. Tại khu vực Lăng Cô đã hình thành “Lang Co Bay Resort” khá đẹp mắt, nơi đây có trưng bày và bán các sản phẩm nghệ thuật độc đáo.
           Qua Lăng Co Bay Resort, chúng tôi đã vào đất Huế. Thành phố Huế là kinh thành cổ xưa của nhà Nguyễn nhưng so với Đà Nẵng thì Huế chật hẹp và dân thưa hơn nhiều. Diện tích thành phố chỉ có trên 300 kí-lô-mét vuông và 320,000 dân. Hiện nay thành phố không có đơn vị hành chánh Quận, Huyện mà chỉ có Phường và Khu phố. Đường phố sạch, đẹp. Nhưng nói đến Huế là nói đến những di tích lịch sử của cả triều đại nhà Nguyễn kéo dài hàng trăm năm cùng với những đền đài cung điện, những lăng tẫm qui mô cổ kính mà ít có những nơi nào khác sánh bằng.
           Tối ngày 22-4-12, đoàn đến nhà hàng Hoàng Tộc dùng cơm vua và mướn áo vua, cũng như áo Hoàng hậu mặc để chụp ảnh kỷ niệm. Cảnh tấp nập khác thường. Các vị đàn ông thì tìm áo vua, áo quan còn các cô, các bà thì tìm áo hoàng hậu hay áo công chúa. Mãi bận lo mặc áo, nhiều ông quên mặc quần dài. Xong cuộc, nhận bức ảnh đã chụp, nhìn vào mới cười bổ ngữa ra khi phát hiện mình là vua mặc Hoàng bào mà không mặc quần. Lại thêm một trận cười rồn rã thõa thích nữa thật là vui!
        Thức ăn được nấu dọn ra mang tên cao lương mỹ vị theo cung cách của thức ăn dành cho vua chúa ngày xưa, mặc dầu thực tế không phải thế. Bữa ăn Hoàng Tộc được thêm linh đình, vui vẻ khi ban ca nhạc xứ Huế trình diễn văn nghệ cho đoàn thưởng thức. Du khách có một đêm say mê câu hò, điệu hát xứ Huế qua lời hát véo von, trầm bỗng của các cô gái Huế dễ thương và ngón đàn điêu luyện của các nghệ nhân chuyên nghiệp. Đó là hình ảnh giải trí nhằm nhắc gợi lại cảnh cung đình vua chúa ngày xưa ở Huế.
          Ngày thứ ba của cuộc hành trình (23-4-2012), đoàn đuợc hướng dẫn đi thăm hai ngôi mộ của hai vị vua tiêu biểu của nhà Nguyễn. Đó là vua Minh Mạng và vua Khải Định.
         Vua Minh Mạng là vị vua tài đức và có công lớn trong việc mở mang lãnh thổ bờ cõi Việt Nam, nhất là về phương nam cho đến tận vùng Cà Mau, Phú Quốc, nhưng lại bị mang tai tiếng là vị vua có nhiều vợ (trên 500) và có cả thảy 142 người con gồm 78 hoàng nam, 64 hoàng nữ. Trên đường đi đến Lăng Minh Mạng, xe đi qua Đàn Nam Giao giữa rừng thông bạt ngàn. Đàn Nam Giao được vua Gia Long ra lịnh xây dựng để cúng tế trời đất hàng năm. Đàn được kiến trúc gồm ba tầng: Hai tầng dưới hình vuông, tượng trưng cho đất và người. Tầng trên hình tròn tượng trưng cho trời cũng là uy quyền của vua, vì vua thay trời trị nước. Vua Gia Long là người bình dị, chịu khó nên ông cho lịnh xây mộ mình nằm giữa rừng bên cạnh núi non trùng điệp để hòa hợp mình cùng với thiên nhiên, trời đất. Còn Minh Mạng thì khác với vua cha. Ông lên ngôi năm 1820, sáu năm sau, tức năm 1826, ông cho người đi tìm vùng đất có đầy đủ các yếu tố địa dư phù hợp theo dịch lý Á đông, nghĩa là phía trước phải có sông, hai bên có hồ và phía sau để lăng mộ tựa vào là núi cho trụ vững. Nhưng mãi đến 14 năm sau (1940), vị quan triều đình giỏi nhứt về địa lý thời bấy giờ là Lê văn Đức mới tìm được nơi ưng ý hợp phong thổ dịch lý, đệ trình với nhà vua. Vua nghe trình rất hài lòng ra lịnh ân thưởng, cho nâng hai cấp đặc cách vị quan nầy.
            Tháng 4 năm 1840, vua Minh Mạng đích thân đến xem địa điểm sẽ xây lăng mộ của mình và khi nhìn thấy nơi đây vua rất vui mừng liền cho đổi tên núi Cẩm Khê nơi đó thành núi Hiếu Sơn. Nhà vua sai vẽ họa đồ thiết kế xây dựng và cho lịnh gởi ngay 3 ngàn lính cùng thợ xây lên, bắt đầu thực hiện việc phát quang, đào hồ trong khu vực để tiến hành xây lăng mộ.
          Nhưng ngày 20-2-1841, Minh Mạng đột ngột băng hà lúc mới 50 tuổi. Vua Thiệu Trị lên ngôi, ra lịnh tiếp tục gấp rút công việc xây Lăng của vua cha, huy động một (01) vạn quân cùng 7 vị quan viên quản vệ, 140 suất đội, 7 ngàn biền binh, 2 ngàn lại dịch dưới quyền vị Đại học sĩ Trương đăng Quế ngày đêm lao tác. Trong lúc nơi đặt mộ chưa hoàn chỉnh, thi hài của vua được gìn giữ ở thuyền rồng trên con sông phía trước.
             Đến ngày 20-8-1841 quan tài nhà vua mới chính thức được đưa vào Bửu Thành nhập Lăng. Toàn bộ khu vực Lăng Minh Mạng rộng 28 mẫu, chung quanh có tường dày cao 2 mét 50 bao bọc, chu vi 1 ngàn 723 mét, được hoàn chỉnh năm 1843 đúng theo đồ án được nhà vua phê duyệt trước đây.

     
                  
                    Lăng vua Minh Mạng.   
                                                          


                  
                   Cảnh hồ bên cạnh Lăng Minh Mạng.

           Vùng Lăng Minh Mạng nằm ở núi Cẩm Khê, ấp An Bằng, Huyện Hương Trà, Huế gồm 20 khu vực đền đài, phía trước là sông, hai bên là hồ và phía sau là núi. Khi vào lăng, phải qua Đại Hồng Môn, Bái Đình (Sân chầu), Nhà Bia, Hiền Đức Môn, Điện Sùng Ân (nhà thờ), Hoằng Trạch Môn, Cầu Trung Đạo, Minh Lâu, Cầu Thông Minh Chính Trực, cuối cùng là Lăng Mộ vua tựa vào chân núi.
         Hai bên đường vào Lăng nầy là các kiến trúc như Hồ Trừng Minh, Nghênh Lương Quán, Điếu Ngư Đình, Hồ Tân Nguyệt, Truy Tư Trai, Quan Lan Sở, Linh Phương Các, Tả Tùng Phòng, Hữu Tùng Phòng và Hư Hoài Tạ. Bàn thờ vua nơi Điện Sùng Ân được sơn son thếp vàng, bên phải là bàn thờ Bà Hồ Thị Hoa, người vợ bạc phước chỉ sống với ông có hơn 01 năm, sau khi sanh Hoàng Tử Đãm (vua Thiệu Trị) được 13 ngày thì mất. Lăng Minh Mạng được đánh giá là công trình kiến trúc tuyệt diệu về nghệ thuật tạo hình, đúng phong thổ dịch lý, theo kiểu Á Đông và Việt Nam. Người đi tham quan cảm thấy thích thú khi thanh thãn bước từng bước đi ngắm phong cảnh đền đài trong Lăng, lắng đọng lòng mình để hòa hợp với núi hồ, sông nước rất thâm nghiêm, hữu tình, thơ mộng chung quanh.
          Quay trở lại con đường đã đi xuyên qua rừng cây râm mát ngút ngàn, xe dừng lại Lăng vua Khải Định nằm sát cạnh đường. Khu vực Lăng chỉ rộng một (1) mẫu tây với Lăng tẫm và những đền điện hoàn toàn khác với Lăng Minh Mạng. Lăng vua Khải Định tọa lạc ở núi Chóp Vung và Kim Sơn nằm trong tư thế rồng chầu, hổ phục cách Lăng Minh Mạng bởi dòng sông Hương không xa lắm. Hoàn toàn khác với Lăng Gia Long và Lăng Minh Mạng cũng như với các Lăng khác của các vua nhà Nguyễn vốn với nét cổ kính Á đông, Lăng Khải Định xây dựng tốn kém thời gian và tiền bạc rất lớn.
            Thời gian thực hiện kéo dài 11 năm (từ 1920 đến 1931), trong lúc Lăng Minh Mạng 4 năm; Gia Long 6 năm và Tự Đức chỉ có 3 năm. Kỷ thuật kiến thiết hoàn toàn mới lạ, theo kiểu cách phương Tây và do Pháp phụ trách thực hiện, bảo vệ vì vị vua nầy hoàn toàn theo chính sách cai trị của người Pháp.
Phía trước lăng Khải Định 
(Đường lên lăng-ảnh Flicks


(Bên trong)

                     
                     Lăng Khải Định.                                                                     Ảnh: HX

            Trong khu vực cũng có phía trước là Khe Châu Ê, Tả hữu Tòng Tự, Sân Chầu, Nhà Bia, Trụ Biểu, Điện Khải Thành, Lăng đặt thi hài, Điện thờ, Tả hữu Trực phòng, sau cùng là núi tựa. Từ cổng chính vào đến Lăng có cả thảy 127 bậc cấp thang bằng đá xanh lên cao dần. Lối chạm trổ các đền điện bên trong cũng hoàn toàn mới lạ với đá hoa cương, sành sứ, thủy tinh, kim loại quý hiếm bằng nghệ thuật điêu khắc chạm trổ tinh vi, sắc sảo, cầu kỳ với vật liệu xi măng cốt sắt. Ngoài ra còn có hai tượng đồng của nhà vua; một tượng ngự trên ngai vàng và một tượng đứng, điều nầy chưa bao giờ có trong Lăng tẫm các vị vua khác. Đến Lăng Khải Định, du khách có dịp chiêm ngưỡng một nét đổi mới hoàn toàn trong nghệ thuật điêu khắc đền đài của Việt Nam ở thời đại này vì đã được canh tân theo kiểu cách kỷ thuật Tây phương rất tinh xão, pha chút cổ kính Á đông. Hình dáng toàn cảnh trên cao trong bản đồ nhìn trông giống như hình một chiếc cell phone đời mới ngày nay, bên trong tràn ngập những lâu đài kiên cố như ở Châu Âu, không có nhiều cây xanh cổ thụ rợp bóng như những nơi khác. 






    
                   
                     Hoàng cung Huế.
(Điện Thái Hòa)

            Buổi chiều ngày 23-4-2012, sau khi dùng cơm trưa tại nhà hàng, đoàn tham quan được viếng thăm Thành nội Huế, kinh đô của 13 triều đại nhà Nguyễn, từ Gia Long cho đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại. Hoàng cung được bao quanh bởi vòng thành kiên cố ngăn cách bên ngoài bởi hồ nước sâu để bảo vệ cạnh bờ sông Hương thơ mộng. Từ ngoài vào có Ngọ môn, Điện Thái Hòa, Tử Cấm Thành, Thế Miếu, Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh. Điện Thái Hòa là nơi hội họp triều nghi quay hướng về phía nam, phía trước có trụ cờ cao nhất nước đặt trên bục tháp 3 tầng hình vuông. Sau trụ cờ là sân rộng nơi tập luyện các binh sĩ hay họp dân vào các kỳ lễ lớn. Điện xây ở độ cao phía trước có cầu ván, phòng khi có giặc tấn công cầu được rút đi để ngăn giặc. Theo nghĩa tìm hiểu, Thái Hòa không phải là hòa bình, an lạc mà mang ý nghĩa: Vua phải hòa hợp một lòng với quan và dân thì mới có được an bình, thịnh vượng cho đất nước. Điện có ngai vàng cho vua ngự, bao quanh bởi hàng lớp Hoàng thân quốc thích trong Hoàng gia, xuống bậc thấp hơn mới tới các quan trong triều từ lớn đến nhỏ, từ nhứt phẩm đến cửu phẩm. Lần vào bên trong có rất nhiều cung, nhiều điện dành cho vua, hoàng hậu, thứ phi, cung nữ, thái giám, lính vệ, phục dịch. .

                  
                    Cung Hoàng Hậu.                                                                   Ảnh: HX

            Vua Minh Mạng gồm trên 500 thứ phi, với cả trăm đứa con nên việc tạo dựng cơ ngơi và phục dịch thật là lớn lao, tốn kém. Cơ ngơi giữa các cung, điện, nhà trù được phân cách bởi thành vách cao kiên cố và những đường đi thẳng tấp, phẳng đẹp rợp bóng cây xanh và vườn hoa đủ loại. Hoàng cung nằm cạnh đại lộ trung tâm thành phố Huế, được kiến trúc rất kiên cố, nguy nga tráng lệ và đẹp mắt rất đúng theo phong thủy và dịch lý Á đông. Hoàng cung nhà Nguyễn ở Huế là di sản của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
            Rời Hoàng Cung triều Nguyễn cổ kính, chúng tôi đi thăm Chùa Thiên Mụ. Chùa được xây năm 1601 dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng, được trùng tu rất nhiều lần qua nhiều thời kỳ chúa Nguyễn phúc Tần, Nguyễn phúc Chu., vua Gia long, vua Thiệu Trị. Phía trước chùa cạnh dòng sông có xây tháp Phước Duyên gồm bảy (7) tầng, cao 21 mét 28; mỗi tầng thờ một vị Phật. Tầng cuối có tượng Phật Thích Ca bằng vàng.
Trước tháp còn lưu bia đá khắc ghi ngày tu bổ qui mô thời vua Thành Thái thứ 11. Theo tìm hiểu, sở dĩ có tên chùa Thiên Mụ vì theo dân làng kể lại cho chúa Nguyễn Hoàng khi chúa đến viếng vùng này rằng: Trước kia có một bà tiên lông mày và tóc bạc phơ mặc áo đỏ hiện ra cho biết vùng này sẽ là nơi phát khởi một triều đại mới của lịch sử. Chúa Nguyễn Hoàng rất vui mừng nghĩ đó là triều đại của các con cháu mình nên liền cho xây chùa tại đây, đặt tên Thiên Mụ để thờ bà tiên trên. Điều tiên tri nầy đã thực sự xãy ra với triều đại Nguyễn.
                                   
                               Chùa Thiên Mụ Huế.





                     
                      Dòng sông Hương thơ mộng.                                                 Ảnh: HX

Nói đến Huế mà không nói đến sông Hương là một điều thiếu sót lớn. Kinh thành Huế nằm dựa cạnh sông Hương, dòng sông êm đềm nổi tiếng của cả nước.
            Đêm về, đoàn tham quan ngồi trên thuyền máy đang trôi lững lờ, nghe các cô gái Huế hát những bài ca tình tự quê hương bằng âm điệu Huế dễ thương, du dương trầm bỗng, cùng những hình bóng đáng yêu và nét vóc yểu điệu với chiếc áo dài lụa mõng đang bay bay trong làn gió nhẹ.

                    
                    Các cô gái Huế đang hát trên thuyền máy.

             Hàng chục chiếc ghe máy với ánh đèn mờ ảo, nhấp nhô đang thã trôi trên sông lững lờ như đang đi tìm thơ mộng. Xa xa đàng kia là cây cầu Tràng Tiền sáu vại mười hai nhịp, bắc ngang qua dòng sông về đêm rực rỡ ánh đèn pha từ luồng xe đang qua lại tạo nên hình ảnh lung linh trông thật đẹp mắt, hấp dẫn. Lưu lượng khách kẻ lên người xuống bến ghe để thưởng thức cái cảm giác say mê câu hò điệu hát miền Huế trên sông Hương về đêm thật là tấp nập như mấy câu ca dao đã diễn tả:  
            Đt Thừa Thiên Huế trai hiền gái lịch,
            Non xanh nước biếc, điện ngọc, đèn rồng.
            Tháp bảy tầng, Thánh miếu, chùa Ông,
            Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Hòa.
            Cầu Trường Tiền mười hai nhịp bắc qua,
            Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khách âu ca thái bình.
 Và:   
          “Huế mộng Huế,
            Huế không thơ không mộng”.
Từ đó tôi lẫm bẫm vài ý thơ vừa mới nhen nhóm trong lòng:                  
              Anh v nắn lại mấy vần thơ,
              Để nhớ về em hồn dật dờ.
              Đến để mà chi xa thấy nhớ
              Nhớ em đẹp mãi tựa trong mơ”.     
             Rời khỏi khoang thuyền lên bờ chia tay bao nhiêu câu hò điệu hát, bao nhiêu ý sông tiếng nước vẫn còn đậm nét trong tâm tư.
           Sáng ngày 24-4-2012, chúng tôi bắt đầu rời khỏi những di tích cổ kính Huế để thẳng hướng về động Thiên Đường, thuộc tỉnh Quãng Bình, cách xa Huế hơn 4 giờ đi xe, xuyên đường mòn Hồ Chí Minh. Con đường nầy không còn hình dáng của con đường mòn đầy vết bom đạn chạy dọc theo dãy Trường Sơn như trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
             Bây giờ đường được nâng cấp, tráng nhựa thẳng tấp, phẳng phiu như con xa lộ nhỏ. Dọc theo hai bên đường là rừng thông bạt ngàn và núi non hùng vĩ không cách xa biên giới Lào Việt bao nhiêu. Thỉnh thoãng cũng thấy có những rừng cao su, nhưng không tốt bằng cao su miền đông Nam bộ như Tây Ninh, Bình Phước, Biên Hòa hay Bình Dương. Cũng có những thửa ruộng và bắp nhưng sơ xác, cằn cỗi, có lẽ đất xấu hay thiếu chăm sóc. Động Thiên Đường không có sông như Phong Nha mà chỉ có núi non trùng điệp, thuộc dãy Trường Sơn. Xe đổ bến. Du khách phải lên xe đánh golf đi đến chân núi cách đó vài cây số. Hang động Thiên Đường mới được ông Hồ Khanh, một người dân địa phương phát hiện vài năm gần đây (1995) và được các nhà thám hiểm Hoàng gia Anh đưa vào khai thác năm 2005 vì được đánh giá là thạch động dài và đẹp nhứt thế giới. Động Thiên Đường nằm trên độ cao thẳng dốc, phải bước trên 530 bậc thang xây bằng đá xanh mới tới được cửa miệng hang. Chúng tôi phải dừng chân nghỉ mệt đôi ba lần trên đường leo trèo dốc đứng. Từ cửa động người ta phải lần bước xuống trên 400 bậc thang nữa mới tới nơi thật sự ngắm được cảnh Thiên Đường. Động Thiên Đường có độ cao trần từ 30 đến 150 mét.
            Thiên Đường! Thiên Đường! Phải thừa nhận đây quả thật là Động Thiên Đường hiện hữu nơi trần thế. Vào trong động du khách mới thấy được sự kỳ ảo, tuyệt vời của tạo hóa. Nhiều hình ảnh rất gợi cảm, giống như một triều đình của Vua Trời, nhiều tượng đá thạch nhủ giống như Đức Phật, Đức Mẹ Maria, Đức Phật Quan Thế Âm, hình tượng nữ nhân xõa tóc, ảnh các quan thần đang chầu Vua Trời, cảnh mây nước mênh mông, bầu trời cao vút bao la, ảnh nữ tu hóa đá ….rất nhiều và nhiều vô tận không sao kể xiết. Dù mệt mõi bao nhiêu khi nhìn thấy những hình ảnh thạch nhủ nầy, những tượng đá thiên nhiên, hang động xinh xinh kỳ bí, du khách mới cảm nhận thật sự mãn nguyện khi đến được nơi đây. Tôi gặp một nữ du khách người Mỹ, từ thành phố Michigan, bà Michelle Duane. Khi tôi hỏi: “Bà nghĩ thế nào khi đến nơi đây?”.
            Michelle mĩm cười vui vẻ, trả lời:
       “- Đẹp tuyệt vời! Dù ta có chụp 100, hay 1000 bức ảnh cũng không diễn tả hết cảnh đẹp nầy. Muốn thưởng thức trọn vẹn cái đẹp thực sự đó chỉ có một cách duy nhất là phải đến được nơi đây chiêm ngưỡng thôi. Chúng ta được diễm phúc đó!”
                    
                     Thạch nhủ Động Thiên Đường.                                             Ảnh: HX

          Động Thiên Đường dài 31 km 4, nhưng chỉ mới khai thác và cho tham quan hơn 01 cây số. Nghe các chuyên viên thám hiểm cho biết vừa khám phá mới nhất thêm 7 kí-lô-mét nữa, có nhiều cảnh thạch nhủ đẹp như những bức tranh phù điêu khổng lồ, những buồng hang rộng như những nhà hát lớn, những thạch nhủ non đang lớn, những mái thạch nhủ óng ánh. Ngoài ra, cũng có những dòng suối mơ với nước trong vắt không gợn một chút hạt dơ, chảy lờ lững bên cạnh khối đá mềm đủ màu sắc.  Kinh ngạc nhất là “hành lang đá vàng” như đã từng nghe trong các chuyện huyền thoại về Thiên đình hay cột thạch nhủ trắng tinh kỳ lạ cao từ 7 mét đến 25 mét. Theo các nhà khoa học, thành nhủ ở hang động nầy được hình thành trong khoảng thời gian từ 35 đến 36 triệu năm. Hy vọng trong thời gian gần nhất, du khách sẽ có thể đến được những bước kế tiếp để chiêm ngưỡng những cái đẹp mới nhứt nầy của thế giới.
Thạch nhủ nâu rất hiếm có trên thê giới
(có thêm 1 số ảnh từ Google)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...