Da là một cơ quan đặc biệt của con người. Nó bao phủ hầu hết bề mặt của cơ thể. Ở người cao tuổi (NCT), ngoài việc sức đề kháng bị suy giảm thì sợi tạo keo và sợi liên kết của da cũng bị xơ hóa, chức năng tuyến bã và tuyến mồ hôi cũng bị suy giảm đáng kể, do đó, da của NCT trở nên nhăn nheo, giảm tính đàn hồi, khô hơn, càng dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được nếu NCT và các thành viên trong gia đình thực sự quan tâm.
Các dạng bệnh ngoài da thường gặp ở NCT
Bệnh dày sừng da (đồi mồi): là loại bệnh rất hay gặp ở NCT, trên da xuất hiện một số nơi bị tăng sừng, trên bề mặt khô, nhám, kích thước nhỏ hơn 10mm và có màu vàng, nâu sẫm. Vị trí hay gặp dày sừng da là những vùng da hay tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như lưng, bàn tay, cổ, mặt.
Tổn thương do zona.
|
Viêm da cơ địa (dị ứng): bệnh thường tiến triển thành mạn tính và có thể khỏi nhưng một thời gian lại xuất hiện. Ngứa thường xuất hiện ở nách, kẽ vú, khuỷu tay, khoeo chân, bẹn, hai mạng sườn. Nếu gãi nhiều làm cho da bị trầy xước, dầy lên và rất có nguy cơ nhiễm trùng mưng mủ và có thể lây lan ra nhiều vùng da khác nhau.
Viêm da ứ trệ: hay gặp ở vùng thấp của cẳng chân (ví dụ cổ chân) làm cho da bị thô ráp, đỏ sần, có mụn nước hoặc khi bị nhiễm trùng do gãi nhiều thì có mụn mủ.
Mụn cơm: thường xuất hiện ở vị trí lưng, cổ. Mụn cơm là một nốt sẩn gồ cao lên có hình bầu dục hoặc hình tròn, kích thước khá lớn (từ 10 – 20mm), màu vàng xám, số lượng mụn cơm có khi chỉ một mụn, nhưng có khi gặp nhiều mụn.
Zonna (còn gọi là bệnh zona thần kinh): là một bệnh do virut Zoster gây ra nhưng nếu thể nặng thì gây đau nhiều, kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Bệnh thường chỉ xảy ra một bên của cơ thể do gây tổn thương các rễ thần kinh. Người bệnh sốt, đau, rát, ngứa ở vùng da bị zona, sau một vài ngày, tại vùng da bệnh xuất hiện một mảng dát màu hồng đỏ, có các mụn nước mọc lên từng chùm sát vào nhau hoặc thành mảng.
Loét da ở NCT do suy giãn tĩnh mạch chân: gặp nhiều ở nữ giới, gây khó khăn cho máu trở về tim và máu ứ đọng lại gây loét da ở cẳng chân. Bệnh có thể xảy ra một bên hoặc cả hai bên cẳng chân.
Nhiễm khuẩn do vi khuẩn liên cầu (Streptoccocus): Bệnh biểu hiện ở một số vùng làm cho da đỏ tấy hoặc các mụn nước rải rác khắp toàn thân, nhất là da vùng đầu bong tróc nhiều vảy và gây ngứa.
Vảy nến: là bệnh chưa biết rõ nguyên nhân, bệnh thường xảy ra từng đợt, các đám da màu đỏ, kích thước khác nhau, ranh giới rất rõ, hơi gồ cao trên mặt da, nền cứng, có khi vảy trắng màu trắng đục, bóng giống như màu nến trắng. Vảy của bệnh có nhiều tầng, nhiều lớp và rất dễ bong ra và vảy tạo ra rất nhanh, bong lớp này thì xuất hiện lớp khác. Bệnh vảy nến có thể là loại vảy nến giọt hoặc vảy nến mủ và xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên da (da đầu, mặt, nếp gấp, móng...). Tuy vậy, bệnh vảy nến mang tính chất lành tính.
Bạch biến: nguyên nhân do mất hắc tố melamin của da làm da có màu trắng giống như màu của một tờ giấy. Lúc đầu chỉ thấy ở một vùng nhỏ trên da, sau đó xuất hiện nhiều vị trí khác, lan rộng ra, liên kết lại tạo thành một vùng lớn. Bạch biến nếu xảy ra ở đầu thì cũng làm cho tóc bạc trắng hoàn toàn ở vùng da đầu bị bạch biến.
Ngoài ra, NCT còn mắc một số bệnh như loét da, bệnh tự miễn, bệnh da đỏ toàn thân tróc vảy, lang ben, hắc lào hoặc ung thư da nhưng tỷ lệ gặp ít hơn. Bệnh lang ben, hắc lào là những bệnh do nấm, hay xảy ra vào mùa hè nắng nóng bởi vì da ra mồ hôi nhiều tạo điều kiện cho nấm phát triển.
ThS.BS. Mai Hương
Làm thế nào để phòng bệnh ngoài da ở NCT?
Ðể làm giảm mắc bệnh ngoài da ở NCT, trước hết cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Bởi vì trong cuộc sống hàng ngày khó có một chế độ dinh dưỡng nào dành riêng cho da của NCT, trong khi đó, nâng cao sức đề kháng của cơ thể NCT thì có ảnh hưởng rất tốt đến mọi cơ quan, trong đó có tổ chức da. Ăn uống đủ chất và đủ số lượng trong từng bữa ăn là hết sức quan trọng. Trong các bữa ăn, nên hạn chế ăn thịt mà tăng cường ăn cá, rau và quả. Cá, rau và quả có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho mọi cơ quan trong cơ thể vì chúng cung cấp các loại vi chất chống lão hóa và đồng thời trong rau có nhiều chất xơ là loại góp phần chống táo bón ở NCT. Tốt nhất mỗi ngày nên ăn 0,5kg hoa quả tươi hoặc rau xanh. Bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt, đều đặn thì phải luôn luôn giữ vệ sinh cá nhân như mùa nắng nóng nên tắm, rửa và thay quần áo hàng ngày. NCT nên mặc quần áo chất liệu vải sợi, cotton, mỏng, thoáng mát, không nên mặc quần áo chất liệu sợi ni lông, sợi tơ tằm khó thoát khí làm cho da ứ đọng mồ hôi dễ gây viêm da. Những loại quần áo nào gây dị ứng cho da thì dứt khoát loại bỏ không được dùng. Những trường hợp NCT không tự vệ sinh cá nhân được thì người nhà hoặc người giúp việc cần lưu ý trong khâu ăn, uống và mặc. Nơi NTC nằm ngủ hàng ngày cũng cần thoáng, mát, tránh ẩm, ướt đề phòng các loại vi nấm phát triển, nhất là vi nấm gây bệnh ngoài da. Nên thường xuyên rèn luyện cơ thể bằng các bài thể dục hoặc đi bộ. Khi đi ra ngoài đường, nên đeo khẩu trang, mang kính, mũ để hạn chế bụi, gió khiến các bệnh ngoài da sẽ tái phát và nặng hơn. NCT nên được khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh, trong đó có bệnh ngoài da để được điều trị sớm, dứt điểm tránh để bệnh kéo dài, mạn tính hoặc gây nhiễm trùng khó chữa trị và gây thêm biến chứng.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét