Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

MỘT CHÚT THIỆN Ý....THUYÊN HUY

MỘT CHÚT THIỂN Ý GỞI
ANH NGUYỄN CANG – NGƯỜI VIẾT NHẬN XÉT BÀI THƠ “THEO SÓNG ĐỜI LAO XAO” CỦA THUYÊN HUY


 
    Tôi hân hạnh biết anh Nguyễn Cang qua một số bài viết về cổ thi của văn học sử Trung Hoa, đặc biệt là những bài thơ vào thời nhà Đường trên trang HNTN cũng như trang HV. Thành thật mà nhận, tôi vốn hiểu biết không nhiều về thể loại thơ xưa này nhưng qua những dẩn giải ngắn gọn, mạch lạch, thích đáng và xúc tích dựa vào vốn liếng kiến thức sâu rộng và đa dạng có được của anh, tôi phải nói là nhờ nó, tôi đã học thêm nhiều điều đáng học mà từ lâu nay thiếu sót trong cái kiến thức hẹp hòi của mình.
    Tôi thật cảm động khi được anh Nguyễn Cang chọn bài thơ có tựa “Theo Sóng Đời Lao Xao” của mình để viết một bài nhận xét về nó. Cũng qua văn thức mà anh đã dùng trong các bài viết về thơ thời Đường quen thuộc, anh không ngần ngại chia sẻ cùng người đọc những cảm nhận của riêng mình. Vì là của riêng mình cho nên, theo lẽ tự nhiên, ý tưởng của anh có thể sẽ không hoàn hảo cho lắm, nhưng đã gọi là chia sẻ thì ai cũng có thể tìm thấy ở nó có đôi điều đồng ý được một cách tương đối.
   Về nội dung bài viết của anh Nguyễn Cang, tôi xin miễn bàn vì anh viết về tôi, cho nên hay hay dỡ phải để cho người ngoài nhận xét trong thái độ khách quan mà bản thân tôi và anh Nguyễn Cang không có được trong trường hợp này. Tuy nhiên ở phần gần cuối bài, anh Nguyễn Cang có đưa ra vài thắc mắc về một số chữ mà tôi dùng trong bài thơ nói trên và có ý kiến là liệu nó có thể thay bằng những chữ mà anh thấy hay hơn không.
   Để đóng góp chút ý của mình, nhằm giải thích tại sao các chữ mà anh Nguyễn Cang nhắc tới, trong khuôn khổ kiến thức hạn hẹp của mình, mớ kiến thức vừa đủ để làm người học trò của anh, tôi xin mạo muội gởi anh đôi lời mọn qua bài viết này.

    Những chữ mà anh nêu lên, xét về nghĩa và cấu trúc cách dùng bình thường thì anh hoàn toàn đúng nhưng ở một mặt khác, đứng về lối sử dụng chữ trong thơ, thường trong thơ nhiều hơn viết văn viết truyện, thì đôi khi người làm thơ đổi dạng chữ, biến thứ tự trước sau hay sau trước để tạo ra một phong cách ( style) riêng cho tác giả. Cho nên, thí dụ thơ của Vũ Hoàng Chương hay Quang Dũng khi đọc lên sẽ thấy khác thơ của Xuân Diệu hay Hồ Xuân Hương. Như trong nhạc cũng vậy, nhạc Lam Phương hay Trần Thiện Thanh khác hoàn toàn với nhạc Vũ Thành An hay Cung Tiến. Anh có nhớ bài nhạc Pháp, tôi thật sự quên tên, thay vì viết “ la neige tombe” thì chữ “tombe đi trước thành ra “tombe la neige”, hy vọng tôi viết tiếng đúng mấy chữ Pháp này, nếu sai xin anh sửa cho.

    Trở lại phần bài thơ “Theo Sóng Đời Lao Xao”, những chữ tôi dùng đó đều có một sự cố tình chọn chữ, để người đọc thấy lạ, tuy lạ nhưng cũng hay, nên có thể thả hồn sâu hơn mà thấm thía với cái hiểu của các chữ đó sau khi tự mình tìm ra.

- Chữ "nhớ nhung" trong đoạn này chủ đích của nó hoàn toàn khác với chữ "nhớ mong".
    Còn ai đó không cho nhớ nhung, c hữ nhớ nhung dùng với ý chỉ để hỏi " có còn ai đó không nhưng không mong gặp lại, trong khi nếu dùng nhớ mong thì nó còn có ý hỏi rồi mong gặp lại. Cho nên anh thấy chữ nhớ mong hay cũng như chữ nhớ nhung nhưng tôi đã không dùng nó.
Chữ "cũng" trong câu "kiếm cung cũng làm than tráng sĩ" nó cũng được dùng qua nghĩa khác chữ "từng". Cũng làm thân tráng sĩ ý muốn nói, nhân vật  trong thơ chưa là tráng sĩ nhưng đứng trước tình cảnh nào đó, anh ta cũng cố làm thân tráng sĩ vì một lý do hay một động lực nào đó, cho nên tôi đã không dùng chữ cũng vì cũng có nghĩa là anh ta đã là tráng sĩ rồi. Giống như trường hợp tráng sĩ Kinh Kha đi thích khách vua Tần, Kinh Kha cũng là thân tráng sĩ chứ không là tráng sĩ như Điền Tử Lang.

-Trong đời còn mấy buổi trăm năm.

Như đã trình bày với anh ở đoạn trên, chữ này cũng là một cách đổi chữ mà tôi muốn dùng. Anh nói đúng, người ta thường nói buổi hẹn hò chứ ai nói buổi trăm năm. Thật ra như vầy, chữ trăm năm mang ý nghĩa của tuổi già cuối đời người, nếu có buổi hẹn hò thì cũng sẽ có buổi chia tay trong một đời người nếu hai người đi trọn chung đường đời với nhau. Trước câu này là câu “mất nhau theo tháng ngày chinh chiến”, bối cảnh chiến tranh mang cho mình một hình ảnh chết chóc, cho nên câu cuối hỏi còn mấy buổi trăm năm, ngụ ý là bạn bè người thân, đã có bao nhiêu người nữa sẽ nằm xuống huyệt mộ.

-Buồn trốn sông xưa đò qua vội:

Bỏ có nghĩa là rời đi ra đi, không ai phiền không ai trách, cũng không làm lỗi gì với ai, tức là khi bỏ đi thì không có gì áy náy, nhưng chữ trốn, tự nó làm rõ ý của lời thơ. Trốn có nghĩa là nhân vật trốn này đã không làm tròn một cái gì đó, lời hứa, cam kết, thề nguyện... cho nên phải trốn tránh đi vì mình chưa trả được nơ nần của người yêu, người thân hay quê hương, đồng bào...Cả hai chữ bỏ và trốn đều có nghĩa tượng hình nhưng tượng hình hai cách khác nhau.

-Có ai cho hẹn buổi bạc đầu:

Nếu đã có buổi hẹn hò thì tại sao lại không có buổi bạc đầu. Khi hai người mới quen nhau, rồi yêu nhau, người viết văn thường dùng buổi ban đầu hay buổi hẹn hò, chữ buổi hay hơn những chữ khác như lúc, khi ... vì buổi diễn tả một cách xác định thời gian hơn là lúc vì nó nói lên mốc thời gian chắc chắn, không thể nào nào lầm lẫn. Từ đó, trong ý thơ, khi hỏi có ai cho hẹn buổi bạc đầu không ngoài ý nào khác, là còn ai hẹn với mình tại cái buổi bạc đầu này không, sau những năm đời bắt đầu từ buổi hẹn hò đó một cách thủy chung.

    Trong tinh thần hiếu học và cầu tiến, tôi hy vọng, đôi lời giải thích thô thiển trên có thể làm anh Nguyễn Cang thấy tạm hài lòng nhưng nếu vẫn còn chưa đủ như anh muốn,  xin anh không ngại cho tôi thêm vài lời chỉ giáo.


Thuyên Huy 
25/07/2014




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

21 sự thật bạn chưa biết về Nhật Bản:

  21 sự thật bạn chưa biết về Nhật Bản: (FB.PhuocHuynh 1. Nhật Bản bao gồm bốn đảo chính: Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. Honshu chiếm ...