Hôm nay đang café sáng góc vườn, bỗng thấy một phong bì nhỏ ném vào sân, may mà trời không mưa nên không bị ướt. Mở ra thấy lời chúc viết tay rất nắn nót gửi chú cùng với ảnh em bé.
Đó là con gái của anh Mẫn mới sinh con trai viết thiếp báo tin vui, gửi từ Philadelphia xa chục ngàn kilomet, sau hơn một tháng mới tới nhà. Thật cảm động vì lâu lắm mới thấy bưu thiếp viết tay.
Từ khi có Yahoo rồi email, mỗi khi Giáng sinh hay năm mới, tôi hay nhận được thiệp ảo bằng ảnh và âm thanh, trông vui mắt. Năm sau lại những điệp khúc ấy, và đôi khi tôi cũng copy/paste và gửi đi cho người khác. Chợt nhớ về một thời bưu thiếp và thư gửi qua bưu điện.
Nhớ lần đi công tác Singapore vào dịp cuối năm 2012, ăn sáng ở khách sạn Crown Plaza trong sân bay Changi, tôi thấy một thiếu phụ phương tây, dáng quý phái, hí hoáy viết những bưu ảnh. Lâu lắm tôi mới thấy chuyện lạ này. Tôi hỏi chị, sao không dùng email cho tiện. Chị cười, không có thứ IT/AI nào có thể thay thế tình người được viết từ ngòi bút có mực.
Dễ đến mấy chục năm, tôi không còn viết thư tay hay bưu ảnh nữa. Một phần do công việc, một phần do internet với email, chatting, đã làm cả nhân loại trong đó có cả tôi quên đi những bức thư viết bằng mực trên trang giấy trắng.
Nhớ khi sang Krakow (9-1970) học tiếng Ba Lan ở ký túc xá có phòng thường trực là cái ô cửa bé tí. Ai có thư thì bà gác cửa để ở chỗ cửa kính, đi học về tranh nhau xem mình có thư. Hồi đó thư đi cả tháng mới tới vì chuyển bằng tầu hỏa. Lẽ ra viết thư liên tục thì ở nhà cũng trả lời liên tục nhưng cứ đợi bên kia viết gì rồi mình mới viết, thành ra đầu tháng viết thư này tháng sau mới có hồi âm.
Thư bạn học, thư bố mẹ, thư anh chị em, cả lũ thèm thư xa có khi lôi ra đọc tập thể. Con gái nhớ nhà vừa đọc vừa khóc. Ai có thư người yêu thì giấu tịt ra xó đọc một mình. Có bố đứa bạn ở Thanh Hóa báo, xã ta vẫn đánh Mỹ giỏi, chắc chắn thắng thôi. Con cứ yên tâm học tập, ở nhà bố mẹ đã nhắm cho con một cô gia đình thành phần cơ bản, không có bệnh truyền nhiễm.
Ở Ba Lan một thời gian, bọn sinh viên quay sang dùng bưu ảnh cho tiện. Đến đâu chỉ mua một cái bưu ảnh ở thành phố đó, viết vài chữ, dán tem vài zloty, thế là xong, kiểu như email bây giờ.
Nhớ một cô xinh xinh ở Sư phạm Hà Nội, bọn tôi hay viết thư dài kể lể chuyện không đâu. Nhưng thích ngắn gọn kiểu Ba Lan nên khi về hè qua ngả Moscow, tôi chỉ gửi mỗi cái bưu ảnh có lăng mộ Lê-nin. Cô ấy giận và không thư từ gì nữa, và nói từ biệt, chuyện chúng mình nằm trong lăng rồi của nhà vô sản rồi.
Khi làm album ảnh về Ba Lan, ngồi soạn và nhớ tên từng bạn, có người còn nhớ mặt, có người chả biết tại sao gửi cho mình. Có bạn gọi là drogie – quý mến, có bạn nữ xưng kochanie – bạn yêu, cuối thư làm quả całować (hôn) anh nhé như đã yêu nhau lâu rồi. Hiện lên thời tuổi trẻ, vi vu đây đó, ngày xưa tới nơi đó vài ngày cứ nghĩ không bao giờ quên, giờ thì tịt ngóm, chẳng biết chỗ nào, 50 năm rồi còn gì.
Thư có từ thời Hy Lạp, Ấn Độ, Roma hay Trung Hoa cổ đại cách đây mấy ngàn năm, viết trên giấy, trên đá, đôi khi là thẻ tre. Gửi theo đường người đưa thư đi bộ, bằng ngựa, bằng xe hơi và cả máy bay, có cả trong trường ca Iliad và Homer ở thế kỷ 8 trước Công nguyên. Rồi phong bì và bưu thiếp.
Thời Internet, chỉ trong giây lát, kiểu thư đã khác. Vài cú gõ phím, bạn đã có một bức thư gửi đi cho người thương ở bên kia trái đất. Chưa kể Yahoo Messenger, Google Chat, Windows Chat giúp cho hàng tỉ người trên hành tinh xích lại gần nhau sau cái nhấp chuột hay miết tay trên phone.
Xem những bưu thiếp đã úa vàng, tự nhiên tôi nghĩ, dù có email nhanh trong chốc lát hay bao tiện ích khác, không có thứ công nghệ AI/4.0 nào có thể thay thế được bưu ảnh mang chút tình của ai đó còn mãi với thời gian như người phụ nữ quý phái phương Tây ở sân bay Changi đã nói. Những gì viết trên mạng sẽ thành ảo thật, vì không ai tìm được những lời tình tứ Yahoo xưa, dù chỉ mới chục năm thôi.
Hôm nay nhận được bưu thiếp của con gái của anh Vũ Duy Mẫn từ xứ Mỹ xa xôi, tôi chợt nghĩ, hay là nên quay lại thời gửi bưu ảnh để 50 năm sau vẫn còn ai nói về những dòng chữ có thật trong đời.
HIỆU MINH 04.03.2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét