Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Mùa xuân nơi miền tuyết trắng - Hoàng Hải


Đêm nay anh về sớm hơn thường lệ để cùng các con đón giao thừa. Khi anh bật công tắc đèn thì cả bốn đứa con cùng ùa ra ôm lấy anh. Căn nhà được bọn trẻ trang trí khá đẹp cũng có cành đào, trên bàn thờ chị cũng có bánh chưng, mâm ngũ quả. (Hoàng Hải, Đức)
Đón xuân trong tuyết trắng. Ảnh: fineartamerica
Anh lặng lẽ bước đi trong đêm lạnh giá, những bông tuyết trắng bay đọng trên tóc, tan chảy trên khuôn mặt khắc khổ cũng không cản được bước chân vội vã của anh trên đường về nhà. Anh nhẹ nhàng cởi chiếc áo khoác ướt nhèm vì tuyết, khẽ khàng cất đồ vào tủ lạnh rồi rón rén bước vào từng phòng kiểm tra xem các con ngủ ra sao, có đạp chăn rơi xuống đất hay không? Anh đứng dựa vào cửa ngắm các con đang chìm sâu trong giấc ngủ lòng thấy xốn xang vui buồn đan xen khó tả.
Anh dọn dẹp lại căn bếp cho ngăn nắp rồi chuẩn bị đồ ăn cho các con sáng mai dậy ăn trước khi đi học, công việc anh làm đã hơn 10 năm nay chỉ trừ khi các con nghỉ đông hay hè.
Bước đến bên bàn thờ vợ anh thắp nén nhang thì thầm, đã 13 năm em vẫn như ngày nào, vẫn trẻ và vẫn cười duyên như thế nhưng anh đã không còn như trước, mắt đã phải đeo kính, khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn và tóc anh đã có nhiều sợi trắng như tuyết rơi ngoài cửa sổ.
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương anh được hưởng chế độ con liệt sĩ nên được đi xuất khẩu lao động sang CHDC Đức. Nước Đức thống nhất, nhiều lần về thăm nhà thấy vợ vất vả, các con thiếu cha nheo nhóc mà lòng nhói đau. Mơ ước của anh là đón vợ con sang Đức đoàn tụ gia đình nhưng khổ nỗi bố anh là liệt sĩ mà anh là con độc đinh, nếu vợ con sang với anh thì ai sẽ chăm sóc mẹ già nơi quê nhà. Như hiểu được suy nghĩ trăn trở ấy của anh, chị cũng gạt ngay khi anh đề cập đến vấn đề đó.
Sau nhiều lần về Việt Nam được sự đồng ý của mẹ và vợ, anh đón hai con lớn sang ở cùng anh, đứa lớn khi ấy mới 10 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi, còn hai đứa út ở lại với mẹ và bà. Vất vả là vậy nhưng khi có các con bên cạnh anh cũng thấy vui, ngày ngày chở chúng đi học anh lại tất tả cho buổi chợ.
Đêm giao thừa năm ấy khi các con đã ngủ say, anh vẫn thấy mẹ ngồi bên bếp củi bập bùng ánh lửa. Khi thấy anh lại gần mẹ anh khẽ khàng nói. "Anh này, mẹ có chuyện muốn nói với anh. Mẹ biết anh thương mẹ con dâu lại thảo hiền, người ta chia sông chia núi chứ ai chia vợ chia chồng. Anh làm thủ tục đón vợ cùng hai đứa nhỏ sang đấy cho gia đình đoàn tụ, cho vợ có chồng cho con có mẹ".
"Bố anh liệt sĩ khi anh còn chập chững biết đi, mẹ ở vậy nuôi anh đến ngày trưởng thành nên mẹ hiểu cảnh sống thiếu vắng người đàn ông trong nhà. Mẹ không muốn anh sống gà trống nuôi con bên đó, mà con dâu mẹ lại thiếu chồng khi tuổi còn xuân. Mẹ nào chẳng muốn con mình hạnh phúc mà mẹ lại chỉ có mình anh, anh hiểu lòng mẹ chứ…" Anh quỳ xuống ấp má vào lòng mẹ hai mắt cay xè, tiếng anh nghẹn đi gọi mẹ khi mùa xuân đang tràn về trên luỹ tre ngọn chuối.
Chị sang với anh được gần tháng, cứ kêu mệt và đau đầu, hôm nay anh được nghỉ đưa chị đi khám. Nhận được kết quả anh lặng người đi như không tin vào mắt mình nữa, chị bị u não, khối u đó là u ác tính giai đoạn cuối, theo dự kiến của bác sĩ chị không còn sống quá 3 tháng nữa.
Anh đi sau linh cữu chị mà lòng quặn đau, nhìn thằng út vô tư đi bên anh với vành khăn tang trên đầu nó đâu biết nỗi đau này với nó là quá lớn, mất mát này suốt cuộc đời không gì bù đắp được. Hai mắt anh hằn những tia đỏ vì mất ngủ , người lâng lâng cảm giác như sắp bay.
Ngày đoàn tụ chẳng tày gang. Anh tự nhủ mình không được buông xuôi, anh đã là người lính đi qua cuộc chiến biên giới Tây Nam, đã ôm bao đồng đội ngã xuống vì đất nước vậy mà hôm nay khi ôm vợ lần cuối trước khi vĩnh biệt anh bật lên những tiếng khóc khô khốc, làm tất cả những người đến dự không ai cầm lòng trước tình cảm anh dành cho chị.
Kể từ ngày vợ mất anh một mình ngày đêm vò võ với công việc, một mình anh lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ. Cảnh gà trống chăm con đã vất vả, ở xứ người đất lạ sự vất vả ấy lại nhân gấp bội khi bên anh không có một người thân.
Anh làm đủ nghề từ bán báo buổi sáng ở các ngã tư, chạy xe đi giao hàng thêm cho các quán ăn nhà hàng, làm bồi bàn rồi phụ bếp. Giờ khi sức không còn trẻ anh xin được chân làm dọn dẹp cho một khách sạn lớn của thành phố.
Đêm nay anh về sớm hơn thường lệ để cùng các con đón giao thừa, cô con gái lớn giờ đã là sinh viên học ở Berlin cũng về đón tết cùng bố và các em. Từ xa anh thấy lạ vì cửa sổ nhà anh tối om, sự lo lắng hiện rõ trong anh trên những bậc cầu thang. Khi anh bật công tắc đèn thì cả bốn đưa con cùng ùa ra ôm lấy anh. Căn nhà được bọn trẻ trang trí khá đẹp cũng có cành đào, trên bàn thờ chị cũng có bánh chưng mâm ngũ quả .
Anh bất ngờ khi cô con gái lớn gọi các em đến để cùng tặng quà cho bố nhân dịp năm mới, đứa nhỏ tặng anh một đôi tất, hai đứa chung tiền mua cho anh một chiếc chăn điện để anh nằm khi đau lưng. Cô lớn đưa cho anh một chiếc hộp khá to, khi anh mở ra đó là bộ comple. Đó là số tiền mà cô con gái đã dành dụm cả năm đi làm thêm để mua tặng anh. Thay mặt các em cô chị thủ thỉ nói với anh. Cám ơn thượng đế đã ban tặng cho chúng con một người bố tuyệt vời, tình yêu và lòng nhân từ của bố dành cho chúng con sâu rộng hơn đại dương, bố luôn chắp cánh cho chúng con những ước mơ và chia xẻ khi chúng con gặp khó khăn. Chúng con yêu bố…“
Nghe con gái nói mà mắt anh mờ đi hai má giật giật theo từng câu nói. Đã hơn 10 năm, hôm nay anh lại khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn rơi khi mùa xuân mới đang về đâu đó, trên phố tiếng pháo giao thừa sớm đã vang. Với anh mùa xuân hạnh phúc đang về trên miền tuyết trắng.
Hoàng Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...