Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Mít hầm Tây Ninh -Nàng dâu TN



Gặp  chàng  lần  đầu  tiên  trong một  buổi  dạ  vũ  sinh 

viên Việt Nam,  thú  thật  tôi  có hơi  “kết”  chàng qua diện 
mạo  cao  ráo,  trắng  trẻo,  “được”  thôi  chứ  không  “điển” 
trai.  Tuy  nhiên,  khi  nghe  nhỏ  bạn  bảo  chàng  gốc  Tây 
Ninh “nắng cháy da người”, tôi  lại  thấy chàng “quê quê” 
nên chỉ xã giao qua loa, không thèm chú ý thêm. Vậy mà 
sau  đó  vài  năm,  tôi  trở  thành  bà  xã  của  chàng. Bây  giờ 
nghĩ lại, rõ là duyên số. 
Khi ấy chàng học năm cuối, sắp ra trường, tôi còn lẹt 
đẹt năm thứ nhất đại học. Sau lần gặp gỡ đầu tiên đó, một 
hôm  tôi  đang  bù  đầu  về một  chương  trình  vi  tính  trong 
phòng “láp” (À, lúc ấy tôi đang lấy cua vi tính nhập môn 
với mục  đích    xem mình  có  khiếu  để  theo  cái  “nghiệp” 
này không)  thì chàng xuất hiện hỏi  thăm. Tôi  lịch  sự  trả 
lời, xong  tiếp  tục  làm bài  trên PC. Chàng  tự nhiên “như 
người Hà nội” kéo ghế ngồi kế bên tôi, rồi chăm chú nhìn 
vào màn ảnh. Tôi bực dọc vì đang bí  lối,  làm chưa xong 
bài  tập phải nộp ngày mai mà còn bị kỳ đà cản mũi, nên 
rủa  thầm  trong bụng: “Đàn ông con  trai gì mà vô duyên!                    
Đi  đâu  cho  rảnh  mắt.”  Chợt  chàng  khiêm  tốn  bảo  tôi: 
“Mình  có  thể  giúp  bạn  làm  bài  tập    này. Nhờ major  là 
Computer  Science,  chứ mình  không  dám  làm  thầy mô!” 
Ôi,  tôi  như  kẻ  té  sông  chụp  được  phao,  quên  phứt  luôn 
việc  chàng  nhái  giọng  nói  của  tôi. Mà  chàng  giỏi  thật, 
trong vòng mười lăm phút chàng cắt nghĩa và giúp tôi sửa 
cái  chương  trình  quỷ  quái  ấy,  kết  quả  như mong muốn. 
Tôi vui mừng, chưa kịp mời chàng đi ăn  trưa để đền ơn 
thì chàng buột miệng mời tôi trước. Tôi “dính” với chàng 
từ hôm ấy. 
Thiên tình sử của chàng và tôi bắt đầu là thế, vậy chứ 
cớ  chi  tôi  kể  chuyện  “Mít  hầm  Tây  Ninh”  này?  Số  là, 
chàng của tôi gì cũng tốt, nếu tôi kể ra không khéo có thể 
bị nhiếc “mèo khen mèo dài đuôi” nên thôi, nhưng chàng 
có một  cố  tật. Đối với  chàng Tây Ninh  cái gì cũng hay, 
cũng  đẹp, món  ăn  chi  cũng  ngon,  cũng  xuất  sắc. Trong 
buổi tiệc cưới chúng tôi, lúc đã ngà ngà say cùng bè bạn, 
chàng  tuyên bố một cách “xanh dờn” qua câu ca dao xứ 
Tây Ninh: 
Trời mưa chưa ướt lá khoai 
Đố ai lấy được con trai núi Bà! 
rồi nheo mắt, nhìn tôi, miệng cười sung sướng. Lúc ấy, vì 
yêu chàng da diết, nên tôi thấy chàng “kiêu” (cute) không 
thể  tả. Sau này, khi đã “ngộ” ra cái bệnh Tây Ninh năm-
bờ-oan  của  chàng  thì  tôi  thấy  tưng  tức  trong  lòng.  Tôi 
sanh  trưởng  ở  Sài  Gòn,  cha  gốc  Trà Vinh, mẹ  quê  tận 
ngoài Huế. Tôi lớn lên trong chiến tranh nên chưa có dịp 
thăm quê nội, quê ngoại trước khi theo cha mẹ làm thuyền 
nhân, rồi định cư ở xứ cờ hoa này. Sài Gòn là đất “tả pín 
lù” như ông nhà văn nào đó viết, nên tôi không có nơi nào 
đặc biệt, món nào độc đáo mà  “khoe” với  chàng. Trước 
khi có dịp thăm quê chàng, tôi chỉ biết Tây Ninh qua hình 
ảnh và  lời kể của chàng mà  thôi. Đây  là một xứ hài hòa, 
có sông, có rạch, có núi, có rừng, có đồng bằng, có ruộng 
lúa.  Tôi  công  nhận  Tây Ninh  đẹp  ở  chỗ  nớ,  nhưng  thà 
chàng  cứ  để  cho  tôi  nhận  xét,  rồi  khen,  chứ  đừng  có 
“khua” làm tôi ấm ức.           
Có một món ăn Tây Ninh mà chàng “ca” mãi đến nỗi 
tôi dùng nó đặt  tên  riêng mà ghẹo  chàng  cho  “bõ ghét”. 
Chàng bảo Tây Ninh của chàng có một món  ăn  tuy đơn 
sơ, nhưng rất ngon miệng. Đó  là món mít hầm, ăn chung 
với bánh ướt, thịt ba rọi luộc, rau sống, chan nước cốt dừa 
và nước mắm thì không món nào bì kịp. Mạ tôi nghe vậy, 
ân cần làm gỏi mít, một món ăn Huế, cho chàng rể thưởng 
thức.  Chàng  khen  ngon,  nhưng  thật  tình  bảo  nó  không 
bằng mít hầm. Chàng bảo, miếng gỏi  làm bằng mít  luộc 
màu  tai  tái  và  cứng  (Ô  hay,  nếu  mềm  thì  sao  làm  gỏi 
được!) chứ không có cái màu đỏ quyến rũ như miếng mít 
hầm mềm nhũn, và vào miệng có cảm  tưởng như miếng 
mít tan ra cùng với mùi thơm của nó, ngon không thể tả. 
   
Phải đợi đến 16 năm  sau, khi về quê chồng  lần đầu 
tiên, tôi mới có dịp thưởng thức món mít hầm. Má tôi (bà 
nội của sắp nhỏ) nghe  tôi nói muốn ăn mít hầm  liền kêu 
đứa cháu ra vườn bẻ một trái mít non, cỡ bằng trái mít Tố 
Nữ  để  bà  hầm  hôm  sau  ăn  với  bánh  ướt.  Bà  bảo  rằng, 
thường  thường mấy nhà  tráng bánh ướt khi xong việc họ 
dùng nước đã nấu  sẵn  trong nồi  tráng bánh, để  lửa  than 
riu riu mà hầm mít. Bà sai trẻ kê gạch, làm một lò đốt củi 
sau hè, bắt một cái nồi nước để hầm mít. Khi nước đã sôi,                    
bà bỏ một chút vôi ăn trầu vào nồi, quậy đều cho vôi hòa 
tan  trong  nước,  xong  bà  thả  trái mít  vào,  đậy  nấp  nồi. 
Canh  lửa để  cháy  riu  riu mà  thôi, nước  có hụt  thì  châm 
nước sôi vào, bà hầm  trái mít  trong vòng  tám  tiếng đồng 
hồ  mới  chín. Má  tôi  bảo  rằng  bí  quyết  hầm  mít  là  để 
nguyên  trái mít,  giữ  cái  cuống,  không  vạt mặt  (nghĩa  là 
không cắt đầu trái mít) và cho chút vôi ăn trầu mít mới có 
màu đỏ thắm.  
Mít hầm xong, để nguội. Trước khi ăn, gọt bỏ vỏ, cắt 
ra  từng miếng nhỏ bằng ngón  tay cái, dùng với bánh ướt 
như chàng của tôi đã kể. Ai ăn chay thì không kèm thịt và 
dùng nước tương thay vì nước mắm. À, còn một bí quyết 
khác má tôi truyền lại là thịt luộc với nước dừa Xiêm, vừa 
chín tới mới ngon. Còn nước cốt dừa, khi biết bên Mỹ tôi 
dùng cốt dừa đóng hộp, má  tôi dạy  tôi như sau: nạo dừa 
rồi  trộn với nước chín mà vắt  lấy nước cốt,  lấy chút bột 
khuấy đều trong nước chín cho sền sệt là được; nấu nước 
cốt dừa, khi vừa  sôi  tim bỏ nước bột vào, quậy đều,  lửa 
nhỏ, sôi  tim mà  thôi, nếu không nước cốt dừa sẽ bị bồng 
con (lợn cợn). 
 Buổi cơm  trưa hôm ấy  là món mít hầm ăn với bánh 
ướt. Hai  thằng con của  tôi  là dân “hăm-bơ-gơ”, “pít-gia” 
mà  chúng  cũng  làm  sạch  dĩa. Riêng  tôi,  khi  cắt  trái mít 
hầm  để  xấp  vào  dĩa  tôi  đã  thử  trước một miếng. Ngon 
thật,  ngon  “ngậm mà  nghe”  theo  ngôn  ngữ Huế  của mạ 
tôi. Ngon từ màu sắc đến mùi vị, đúng như chàng của tôi 
đã nói. 
Đêm  ấy,  tôi nằm nép mặt  trên ngực  chàng, khe  khẽ 
gọi  chàng:  “Mít  hầm”. Chàng  trả  lời  bằng  vòng  tay  ôm 
siết. Chàng đã biết  cái  tên  ấy không  còn  là  lời  chọc quê 
của  tôi  nữa.  Tôi  bỗng  nghĩ  ra  tình  yêu  vợ  chồng  cũng 
giống như trái mít hầm. Phải chăng chúng ta nên biết gọt 
đi cái vỏ sần sùi  là những dị biệt,  tương khắc mà  thưởng 
thức vị ngọt  của  tình  yêu, đỏ  thắm, hầm  chín bằng hiểu 
biết, dung hòa và  tha  thứ cho nhau? Tôi ngước mắt nhìn 
chàng, định nói cho chàng nghe ý nghĩ ấy, nhưng bị xao          
lãng bởi vòng  tay, nụ hôn nồng cháy của chàng. Tôi  thủ 
thỉ: “Mít hầm … mít hầm …”, chìm đắm trong niềm hạnh 
phúc vô biên …■ 
Nàng dâu Tây Ninh 
Đầu Hạ, 2009 

1 nhận xét:

  1. Ngày nay mít hầm thành đặc sản rồi...
    Rất mắc tiền so với rau củ thông thường và khó mua

    Trả lờiXóa

QUAN SÁT CƠ THỂ (Pinterest )