Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Trường lớp ngày xưa - Hồ thị Đậm(cựu GV trường TH Long Hoa-Tây Ninh )





Cuối năm học 2007-2008 tôi có dịp dự lễ mãn khóa ở trường Harstern Elementary, trường của một đứa cháu, 
thuộc thành phố Louisville, tiểu bang Kentucky. 

Có dịp quan sát trường sở ở xứ người, thấy nhữngtiện nghi của ngôi trường này, tự nhiên tôi nhớ lại những ngôi trường ở Việt Nam khi xưa, lúc tôi bắt đầu đi học,
hay khi ra trường làm nghề gỏ đầu trẻ. Và tôi cũng không
làm sao quên được những ngôi trường ở vùng xa xôi hẻo lánh mà tôi đã có dịp thăm qua. Càng so sánh tôi càng thông cảm nỗi khó khăn mà thầy cô giáo đã trãi qua, vàthương những em học sinh học trong những ngôi trường quá cách biệt với những ngôi trường ở đây.



Tôi bắt đầu đi học vào năm 1946. Năm sau Nhựt đảo chánh Tây, bom đạn đã biến ngôi trường duy nhứt ở quận Tân Châu (Châu đốc) thành đống gạch vụn. Chánh quyền địa phương tạm dùng ngôi đình làng làm trường học cho chúng tôi.

Đình rất lớn, có bảy lớp học, mỗi lớp học sinh ngồi thành nhóm, không có vách ngăn và cũng không có bàn ghế cho học sinh ngồi, chỉ có bàn viết cho thầy giáo. 

Chúng tôi ngồi thành hàng ngay ngắn trên sàn gạch tàu theo theo qui định của thầy: hai chân để phía trước, kê  bảng  đá lên hai đầu gối mà viết; khi nào viết vào tập thì chúng tôi để tập lên bảng. Thỉnh thoảng chúng tôi để tập trên sàn gạch và nằm sấp viết. Chúng tôi nằm hay ngồi
viết tùy ý, thầy không bao giờ tỏ ra khó chịu hay bực mình, vì thầy biết rằng chúng tôi rất mệt! Chúng tôi ngồi học không được thoải mái, thầy cũng khổ công khi dạy chúng tôi. Vì chúng tôi ngồi quá thấp, nên mỗi khi thầy cầm tay dạy chúng tôi viết hay sửa chữ sai, thầy phải khom lưng hoặc quì gối xuống.

 Chúng tôi học trong lớp như vậy gần nửa năm mới có lớp đàng hoàng.
Sau này nhớ lại, tôi tưởng tượng, nếu có người dân nào của Pháp hay của Nhựt còn chút lương tri, khi nhìn thấy thầy trò chúng tôi sinh hoạt trong lớp học như thế, họ sẽ hổ thẹn cho việc lảm tàn ác, bạo quyền của nước họ và chính họ sẽ mất đi niềm tự hào rằng nước họ là một nước văn
minh tiến bộ. Riêng đối với tôi, năm học đó là một năm học đáng nhớ trọn đời và thật dễ thương. Với lương tâm chức nghiệp. với lòng yêu mến học sinh thầy tôi đã không quản công, hy sinh thời giờ quí báu riêng tư của thầy;
thầy mang tập vở chúng tôi về nhà, bao bìa, dán nhản từng cuốn tập. Mỗi ngày thầy còn gạch hàng đôi vào tập cho chúng tôi dễ viết. 

Dù sĩ số học sinh rất đông nhưng cuối năm học chúng tôi đều được lên lớp. Sau này khi gặp
lại bạn học chung năm học đó, chúng tôi thường gọi nhau bằng từ rất dễ thương: “Bạn học ngồi chồm hổm.”
Lớn lên, khi chúng tôi ra trường Sư phạm, bạn cùng khóa đi dạy học khắp nơi trong nước. Một số ít được dạy ở thành thị, họ dạy trong những ngôi trường khang trang, tạm đủ tiện nghi. 

Phần đông chúng tôi về tỉnh và được bổ nhiệm ở các vùng sâu, có người dạy học ở tận đảo Côn
sơn.

 Một lần nọ tôi đi công tác ở khu trù mật Vị Thanh, Vùng này đường chưa được tráng nhựa,  thật xấu, xe chạy trên đường đất đỏ gồ ghề. Dù xe chạy rất chậm,nhưng nếu không vịn chặt tay, xe qua mấy ‘ổ gà”, xe lắc lư, chồng chềnh có thể va đầu vào mui xe, u đầu là chuyện thường.
 Khi đi đến nơi, đầu cổ, tóc tai, quần áo đều biến màu vì bụi đất đỏ. Chỉ đi công tác có một lần, tôi không muốn đi trên đường đó thêm lần nào nữa.
Nghĩ lại tôi thấy thương mấy anh chị đi dạy ở vùng này biết bao!
Nhân chuyến đi Vị Thanh, tôi có dịp viếng trường của một chị bạn, trường gần mười lớp học, mái lợp tôn, nền lót gạch tàu. 

Ở sân trường có mấy cây bả đậu nhưng còn rất thấp nên không đủ bóng mát che sân trường. 
Khi trời nóng bức, gió thổi đưa hơi nóng vào lớp học thật khó chịu. Khi trời mưa, mái tôn khua động điếc tai. Chị bạn tôi cho biết: “Nếu cơn mưa trước giờ học, học sinh sẽ mang bùn sình vào lớp thật dơ bẩn. Đợi học sinh vào lớp đông đủ, đội trực nhựt phải làm vệ sinh lại dù trước đó
các em đã quét lớp rồi!

 Những ngày trời nắng, đường khô ráo, mỗi lần xe chạy qua, vì trường ở gần đường, bụi bay
vào lớp rất nhiều, cả lá cây trên cành cũng không còn màu xanh nữa, mà là màu đất đỏ.

 Hằng ngày chúng tôi phải hít bụi phấn viết, bụi đường, rồi ngày nào đó có lẽ phổi sẽ
không còn chỗ chứa không khí nữa!”
Tôi nắm tay chị, tỏ vẻ thông cảm với chị, rồi chị lại nói tiếp: “Sau cơn mưa, đường trơn trợt, lúc về nhà cũng như lúc đến trường, bùn đất dính đầy giày dép, có đoạn đường trơn trợt quá, phải xách dép, đi chân không, lai áo dài và lai quần đều nhuộm màu đất đỏ; cũng may là nhà
trọ của tôi không xa trường lắm.”
Có mấy anh đi dạy ở vùng xa xôi, nơi người dân tộc thiểu số sống, hẳn nhiên mấy anh cũng phải ở nhà sàn và tập uống rượu cần để hòa mình với họ.
Riêng tôi, tôi được bổ vể dạy học ở Phụng Hiệp, người ta còn gọi là “Ngã bảy Phụng hiệp” vì ở đó là nơi giáp nhau của bảy nhánh sông. 

Năm đầu tiên tôi dạy lớp nhứt (bây giờ gọi là lớp năm). Khi ông Hiệu trưởng đưa tôi tới lớp để giới thiệu với học trò. Đến lớp, tôi cảm thấy quá ngỡ ngàng, thất vọng vì lớp đông nghẹt học sinh, với sĩ số bảy mươi hai em!

Ở trường Sư phạm, lớp dạy mẫu chỉ có ba mươi em, tôi nhìn lâu quen mắt, lớp học này có
sĩ số hơn gấp đôi, tôi cảm thấy ngột ngạc làm sao ấy!

Bảy mươi hai em toàn là học sinh nam, bản chất hay chọc phá; mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, tôi cảm thấy lo ngại vô cùng! 
Lớp không có quạt máy, các em ngồi chen chúc.Khi viết thường đụng tay nhau, nên hay cải nhau vì bị đổ mực hay bị hư nét chữ. 
Vừa dạy vừa giữ trật tự một lớp quá nhiều học sinh như vậy thật vất vả
 Những lúc trời oi bức, mồ hôi các em nhể nhại trên mặt, trên lưng thấm cả vào áo, hơi người tỏa ra cả lớp. 
Thấy các em học hành trong tình trạng như vậy tôi cảm thấy thương các em vô cùng.
Về phương tiện di chuyển, các em không được diễm phúc như học sinh Mỹ được xe buýt đưa đón mỗi ngày.
Các em phải “cuốc bộ” suốt cả đoạn đường từ nhà đến trường dù mưa hay nắng. Có một số em chân không giày,đầu không nón khiến tóc các em vàng hoe. Tuy các em còn nhỏ nhưng dáng vẻ các em thật phong trần! 

Những em ở xa hơn thì đi học bằng xe đạp, làm phu xe chở thêm em hoặc bạn cùng xóm. Những em ở cách sông thì dùng xuồng đi học … Có những em phải đi xuồng mỗi lượt cả
ba bốn cây số ngàn. Phần đông các em ở cùng xóm đi chung xuồng với nhau.
Vì ở đồng quê, đến mùa cấy hoặc gặt lúa, có nhiều em phải nghỉ học để phụ cha mẹ vài ngày. Những em đi học bằng xuồng, thỉnh thoảng cha mẹ các em cần xuồng, các em đành bỏ học. Các em hay nghỉ học, mất bài vở, thầy cô cũng gặp trở ngại vì phải mất thêm thời giờ dạy ôn lại, nhất là môn Toán; nhờ vậy mấy em mới theo kịp chúng bạn. Ngoài những em có cha mẹ khá giả, có đầy đủ điều kiện vật chất, các em khác thật đáng thương, thiếu thốn mọi bề. 

Thầy cô giáo dạy ở đây thường nhín chút tiền lương để các em có vài cuốn tập, viết, sách, có khi
tặng các em vài khúc vải để học sinh của mình được lành lặn hơn.
Càng thương học sinh tôi càng cố gắng dạy. Tôi biết rằng thời giờ của các em rất quí; ở chốn thôn quê các em ít có cơ hội tiến xa như những em ở thành thị. Thời gian còn được ngồi ghế nhà trường của các em trân quí biết bao!

Cuối năm dạy học đầu tiên tôi được đi tu nghiệp Sư phạm một tháng ở Vũng tàu. 

Gần cuối khóa, ông Ty trưởng Phước tuy mượn chiếc tàu Vạn kiếp của quân đội cho chúng tôi thăm viếng Côn-sơn một ngày.
 Chiều thứ bảy chúng tôi lên tàu, sáng hôm sau tới nơi. Thăm viếng trọn ngày chúa nhựt và đến chiều chúng tôi lại xuống tàu  để trở về đất liền. Mấy thầy giáo dạy ở đây thấy chúng tôi
đến họ mừng lắm, mời chúng tôi viếng trường dù hôm đó học sinh nghỉ học. 

Trường sở ở Côn-sơn thật khang trang, sạch sẽ, trường chỉ có năm lớp từ lớp năm đến lớp nhứt.
Mỗi lớp có tủ đựng sổ sách và dụng cụ để dạy học. Phòng ốc trang hoàng đẹp, đầy đủ bản đồ, tranh ảnh. Điều đáng nói là mỗi lớp sĩ số không quá mười học sinh, thậm chí có
lớp chỉ vỏn vẹn năm em. Học sinh hiếm hoi vì ở Côn-sơn không có dân chúng sống. Các em toàn là con của công chức. Tôi nghĩ rằng trường này có sĩ số học sinh thấp


nhứt nước. Thấy vậy, một giáo viên trong số chúng tôi hỏi:
- Dạy nhàn quá, có khi nào thầy giáo nằm trên bàn đọc thơ Lục Vân Tiên hay nhờ học sinh nhổ tóc ngứa không?
Câu hỏi làm cho chúng tôi phì cười, một anh giáo viên trả lời:
- Đời nào có chuyện đó, nhưng có điều, vì học sinh quá ít, được dạy kỹ nên các em giỏi đều, thuộc nhiều bài hát, ca dao, tục ngữ; ngoài ra các em học lớp bốn, lớpnăm được chúng tôi dạy thêu luôn.
Nghe nói, chúng tôi quá ngạc nhiên. Một anh hỏi:
- Làm sao các anh biết thêu mà dạy?
Để làm bằng chứng một anh giáo viên mở tủ lấy ra cuốn tập có đính nhiều mẫu thêu, theo thứ tự từ mủi thêu đơn giản đến mủi thêu phức tạp để làm mẫu dạy các em học sinh. Ngoài ra, còn có một mặt áo gối của thầy giáo còn thêu dang dỡ. Chúng tôi tấm tắc khen các anh thêu đẹp quá, cả hai mặt đều giống nhau. Một anh dẫn giải:
- Vì thêu để giết thời giờ nên phần đông tù nhân ở đây đều biết thêu. Họ dạy chúng tôi thêu đấy.
Một anh xen vào:
- Dạy ở đây đã nhàn mà giáo viên hoặc công chức ở đảo có thể mượn một người tù về phụ công việc nhà mỗi tuần vài ngày. Do đó chúng tôi có cơ hội học thêu.
Một anh giáo viên khác nói tiếp như khuyến dụ chúng tôi hoán chuyển với các anh:
- Chúng tôi được ở nhà miễn phí, tiền người giúp việc khỏi tốn, lương bổng được lãnh thêm phụ cấp dạy ở vùng xa. Chúng tôi ít có cơ hội mua sắm nên tiết kiệm được nhiều tiền.
Tuy vậy, các anh than buồn, một anh cho biết thêm:
- Ở Côn-sơn, chợ chỉ được nhóm mỗi tháng vài lần, sau khi có hàng hóa từ đất liền chở ra. Đặc biệt ở đây cấm bán vải vì sợ tù nhân dùng vải kết buồm trốn khỏi đảo.
Một anh khác thành thật cho biết thêm:
- Mỗi chúa nhựt mấy người tù được phép ra tắm,chơi thể thao hay bắt cá theo ven đảo. Mấy ngày ấy có vẻ nhộn nhịp, qua ngày chúa nhựt cảnh trống vắng lại trở về trên đảo, chỉ nghe tiếng sóng vỗ vào bờ, tiếng gió thổi vi-vu qua kẽ lá, quang cảnh thật buồn!
Cuối cùng các anh ngỏ ý tìm người hoán chuyển, có anh pha trò:
- Ở đây mãi, chúng tôi không có một mối tình nào lộn lưng cả, chúng tôi muốn về đất liền để kiếm ý trung nhân.
Chúng tôi thấy trường sở và sĩ số học sinh ở đây có vẻ hấp dẫn, nhưng vì là nơi quá cô tịch nên không có người nào muốn hoán chuyển cả, chỉ biết an ủi các anh:
- Mấy anh ráng đợi đợt ra trường năm sau sẽ có người khác thay thế.
Nghe chúng tôi nói, các anh khẽ thở dài, thất vọng than:
- Có lẽ chúng tôi chờ bà tiên huơ đũa thần hóa phép,chúng tôi mới được về đất liền!
Nghe anh bạn đồng nghiệp này nói, chúng tôi lặng lẽ nhìn các anh bồi hồi xúc động vì không giúp các anh được gì. Lúc bấy giờ có mấy chiếc xe cam-nhông mui trần đến nơi để đón chúng tôi viếng mộ cụ Nguyễn An Ninh và đi thăm viếng quanh đảo. 

Lên xe, đầu óc tôi còn văng vẳng lời than của mấy đồng nghiệp, tôi ước mong mấy anh
được sớm trở về đất liền.

Hai năm sau, tôi được chuyển về dạy học ở Thị Nghè (Gia Định). Một trong mấy anh dạy ở Côn-sơn cũng được hoán chuyển về dạy ở Thủ Thiêm.

Gặp anh, tôi vội hỏi:
- Bà tiên huơ đũa thần hóa phép giúp anh rồi phải không?
Anh cười, vui vẻ nói: - Đúng vậy, thưa chị. Ở đời “vật đổi sao dời” mà, trên đời này vẫn có người thích nơi vắng vẻ như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, xin hoán chuyển với tôi đấy.
Rồi anh nói thêm:
- Mong được về đất liền, đến khi ở đất liền một thời gian lại nhớ Côn-sơn, nhớ bạn, nhớ đám nhỏ học trò ngây thơ, đau lòng nhất là lúc chia tay, chúng nó khóc thật thảm thương
Sau cùng tôi dạy ở trường Tiểu học Cộng đồng Long Hoa. Tôi dạy ở đây trong một thời gian dài nhất. 

Tuy trường khang trang sạch sẽ nhưng vẫn còn thiếu tiện nghi.
Không có quạt máy, sĩ số học sinh vẫn đông, những lúc oi bức chúng tôi cảm thấy không thoải mái. Nhưng dù sao cũng diễm phúc hơn những người bạn dạy ở Suối Đá, Khiêm Hanh hay những vùng xa xôi gần biên giới Việt Miên. Vì dạy ở đây lâu năm, tôi có biết bao kỷ niệm thân
thương với bạn đồng nghiệp, với những em học sinh ngây thơ dễ thương. Dù thời gian qua nhanh nhưng những hình ảnh người xưa không bao giờ lu mờ trong tim óc tôi. 

Giáo viên chúng tôi có biết bao nỗi vui buồn cùng chia xẻ với nhau. Những bữa tiệc tất niên hay tiệc chia tay, chúng tôi không đến nhà hàng ăn, mấy thầy cô giáo tự tổ chức tại trường. Quí thầy thì lo sắp xếp bàn ghế, ly tách, nước đá hay trang hoàng phòng tiệc, các cô quây quần nấu nướng,tuy vất vả nhưng thật vui. Những kỷ niệm êm đềm khi xưa nay chỉ còn trong mộng tưởng. Thỉnh thoảng tôi về Việt Nam thăm lại bạn bè cũ, ngậm ngùi thay kẻ còn người mất. Nghẹn ngào khi gặp lại và xót xa khi chia tay nhau.


Ở Mỹ gần như mỗi lớp chỉ độ trên dưới hai mươi bốn học sinh mà có hai giáo viên phụ trách. Vì nước ta nghèo, để tiết kiệm phòng ốc cũng như tiền lương cho giáo viên, nên sĩ số học sinh trung bình vào khoảng sáu mươi em. Vì vậy người ta thường nói: “Nghề giáo là nghề bán cháo phổi”. Nhưng vì thương yêu học sinh, thầy cô giáo nước ta hầu hết đều có lương tâm chức nghiệp, không nệ khó khăn dù gặp trường hợp nào, nên tục ngữ cũng có câu:
“Nghề giáo là nghề cao quí”. Ra trường đi dạy, gặp bao khó khăn, tôi có dịp nhớ lại lời dạy bảo, dặn dò thân thương của thầy cô giáo cũ, thông cảm nỗi khó khăn của các bậc tôn sư và khâm phục họ đã thắng bao trở ngại để rèn luyện mầm non cho đất nước như lời thầy cô thường
khuyên nhũ qua những câu tục ngữ: “Chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo” hay câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

 Tôi cố noi gương thầy cô hầu tiếp tục nối gót các người để làm tròn trách nhiệm một giáo viên trong việc dạy dỗ học sinh.
Mặc dù người Việt Nam ta học trong những ngôi trường quá đơn giản, thiếu mọi phương tiện vật chất, nhưng nhờ thầy cô giáo chịu khó dạy dỗ, với lòng kiên nhẫn phi thường của học sinh, có rất nhiều người thành công rực rỡ. Chuyện xưa dùng để làm khuôn vàng, thước ngọc cho học sinh, nào là chuyện Châu Trí, Trần Minh khố chuối, Ngu Thừa Cung … 

Nhưng dù sao trường ốc khang trang, đầy đủ phương tiện cho học sinh thì chúng dễ thành công hơn. 
Tôi ước ao sau này trường học ở Việt Nam cũng đầy đủ phương tiện vật chất như những ngôi
trường ở các nước tân tiến, học sinh ta sẽ đạt được thành tựu hơn hầu giúp nước nhà được phú cường, thịnh vượng

Hồ Thị Đậm


Ngan Trieu at 06/06/2012 10:28 am comment
*Bài viết của chị phản ánh hiện thực một cách chân thực,những chi tiết chọn lọc,sắp xếp rất hoàn chĩnh.Hồi đó 24 tên,k2,SPS chúng tôi ra trường dạy lớp Tiểu học ở Hậu Nghĩa,vùng "xôi-đậu" rất nguy hiểm...nhưng cũng vẫn có nhiều hs đến trường...Điều đó,chứng tỏ hơn 1 lần,tinh thần hiếu học truyền thống và bản lĩnh của VIET NAM...luôn luôn vượt khó để khổ công tìm kiếm tri thức. *TRI THỨC chính là những chiếc chìa khóa ...của cuộc sống con người,trong xã hội... Do đó,có rất nhiều...rất nhiều gia đình"chạy ăn từng bữa"mà vẫn cho con cái ăn học tới nơi,tới chốn.Chưa kể phần lớn các em,một buổi đi học/buổi còn lại phải lao động nhọc nhằn,phụ giúp kinh tế gia đình... *Những ao ước của Chị,cũng như của chúng tôi/đầu tư cho giáo dục là lỗ nặng,hao ngân sách...nhưng ít nhất vài thế hệ đi qua...thì lợi ích cho quê hương... nhiều vô kể./Trường tiểu học ở Long An ngày nay,kể cả nông thôn...đều có thư viện,thiết bị(đồ dùng dạy học)computer,máy chiếu hình minh họa bài hoc,có gv thể dục,gv dạy năng khiếu trẻ em,(hội họa,âm nhạc...)/Coi như đã có mô hình đào tạo<rất mừng>...còn mức độ hiệu quả (thấp,cao,bền vững)...hãy còn tùy thuộc các cấp quản lý...tùy thuộc ở từng địa phương... *Cảm ơn Chị,bài viết "Trường lớp ngày xưa" đã cho chúng tôi 1 cơ hội hoài niệm...một thời làm nghề đưa đò...đưa những thế hệ học trò...qua bến nước xưa.
CuuHSTN5575 at 06/05/2012 05:24 pm comment
Chị Hồ thị Đậm là 1 trong những GV SPTH khóa đầu tiên,lúc đó hình như mang tên là trường SP Nam Việt. Lớp sau nầy ,bọn mình có cơ sở trường khá hơn nhưng sau đó là chiến tranh ác liệt phá hỏng mọi thứ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - Huyền Không Đạo Hữu

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG   Con cháu Lạc Hồng mãi khắc mang Công ơn Quốc Tổ thật vô vàn. Bắc bình, trang sử dài oanh liệt Nam tiến, núi sông đẹp vẻ...