Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Hành trình tìm cha....(nguồn VN.Express- Nguyễn Đông

Giữa trưa nắng gắt, cựu binh Trường Sa Trần Ngọc Châu (47 tuổi, trú xã Cẩm Kim, TP Hội An, Quảng Nam) trong bộ quần áo lấm len vôi vữa, quay vội khuôn mặt già nua để lộ ra chòm tóc phía sau đã nhuốm bạc, khi nhắc lại hành trình 45 năm tìm cha đẻ trong tiếng nấc: "Tháng tư năm ngoái, lần đầu tiên trong đời tôi được cha ruột ôm vào lòng!".
12 tuổi, Châu tủi thân khi biết mình chỉ là con nuôi trong gia đình ông Trần Huynh ở xã Cẩm Kim này. Trong ký ức không lành lặn, ông chỉ biết mình được bố nuôi dẫn về khi đang còn là đứa trẻ lên 7 ở tận Đồng Nai. "Tôi đang chơi trước sân nhà thì có người đàn ông đi ngang qua ngõ. Tôi chạy theo vô định leo lên xe đi cùng. Về bến xe Hội An, chú Huynh bế thốc tôi lên, bảo từ giờ cháu gọi chú là bố nhé!", ông Châu kể.
Cựu binh Trường Sa Trần Ngọc Châu bật khóc khi kể về hành trình tìm cha đẻ suốt 45 năm của mình. Ảnh: Nguyễn Đông
Học hết lớp 5, Châu nghỉ học ở nhà chăn trâu và dần tách mình ra khỏi nhà bố nuôi bởi "nhìn 5 anh em trong nhà không ai giống mình". Mỗi chiều đưa mắt nhìn sang phía bên kia dãy phố cổ Hội An, Châu lòng buồn rười rượi. Đủ tuổi, chàng thanh niên Trần Ngọc Châu nhập ngũ vào Trung đoàn công binh 83, ra xây dựng đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa lớn.
"Khi ấy những hòn đảo nổi ở quần đảo Trường Sa còn hoang vắng, chỉ có bãi cát nổi và sóng bốn bề. Ngày cùng đồng đội xây hầm hào quân sự, nhà tạm, đêm tôi lại trăn trở làm thế nào để tìm được cha mẹ mình", ông Châu nhớ lại. 3 năm ở đảo, khi đặt chân lên đất liền, ông bắt đầu đi tìm cha với chỉ vọn vẹn một địa danh Đồng Nai. Mình ở huyện, xã nào ông không nhớ nổi. Còn tên bố mẹ? Ông chỉ biết trả lời "Tôi không biết" mỗi khi có người tiếp chuyện hỏi.
Hết tiền, ông mới quay về quê Cẩm Kim. Nên duyên chồng vợ với người con gái cùng thôn Phan Thị Kim Oanh và có với nhau cậu con trai kháu khỉnh, ông Châu lại dành dụm tiền vào Đồng Nai với hi vọng nhất định sẽ gặp được cha mẹ. Nghe tin nhiều người tìm được người thân, nhờ chương trìnhNhư chưa hề có cuộc chia ly, ông Châu bắt xe vào TP.HCM nhờ đăng thông tin nhưng vẫn bặt vô âm tín. Những lần ông trở về, trong người không còn một đồng xu dính túi. "Vợ cũng động viên nhiều. Nhưng mình đi miết nên có lúc cũng càm ràm", ông Châu thật thà.
"Anh ấy đi tìm cha mẹ bao nhiêu lần tôi cũng không nhớ nổi. Nhiều lúc vô vọng, anh ấy lại uống rượu, ngồi với người lớn tuổi lại buột miệng ước gì con có được người cha như bác thì vui biết nhường nào. Có men rượu trong người, anh Châu lại mở nhạc bài Tình cha rồi ôm đứa con vào lòng, nằm khóc như một đứa trẻ", bà Oanh kể. Đứng nhìn vợ, ông Châu bảo: "Thì mình ngần này tuổi đầu, nghĩ đến con mình mai này trưởng thành mà không biết gốc gác họ tộc thế nào, không buồn sao được!".
Một buổi trưa giữa tháng 4/2012, một cụ ông ở Phú Ninh (Quảng Nam) bắt chuyến đò qua sông Hoài sang Cẩm Kim tìm con nhưng ngặt nỗi ông cụ cũng không biết tên con mình là gì, chỉ có một dấu hiệu được người vợ quá cố báo mộng "con của vợ chồng mình giờ tóc nó đã bạc hơn cả ông rồi". 
Ông Châu (bên phải) cùng người cha Nguyễn Não và anh trai Nguyễn Văn Sâm trong lần hội ngộ cùng cựu binh Trường Sa dịp 22/12/2012. Ảnh: A.H
Ông Châu đang ngồi uống nước cùng nhóm thợ nề thì được cậu con trai báo tin có cụ già ở Phú Ninh ghé nhà tìm. Linh tính mách bảo có lẽ đó chính là bố mình, nhưng ông Châu lại gạt tay xua đi hy vọng: "Mình được bố nuôi đưa về từ Đồng Nai, người đàn ông kia lại ở Quảng Nam thì sao có thể là cha mình được. Thôi cứ về nhà thử xem sao?".
Ông Châu chỉ chào ông trưởng thôn đang đứng cùng người đàn ông lạ mặt rồi đưa đôi mắt đầy hoài nghi nhìn người đàn ông gầy nhom cũng đang nhìn về phía mình. Khi ông Châu vừa cỡi mũ bảo hiểm để lộ ra mái tóc đã bạc trắng gần nửa đầu, cụ già chạy lại ôm chặt, thốt lên: "Con ơi! Vậy là cha đã tìm được con rồi!". Ông Châu khi ấy chỉ lắp bắp: "Thế mẹ con đâu? Mẹ còn sống không?", rồi bật khóc gọi cha.
Tối hôm đó, bên trong ngôi nhà tạm bợ, hai bố con nằm chung một giường, chuyện trò cho đến sáng. Ký ức của ông Châu được lấp đầy: "Mẹ con bị bắn chết trong một trận càn ở quê Tam Lập, huyện Phú Ninh khi con chưa đầy hai tuổi. Bố đi du kích, bị địch bắt, đầy ra Côn Đảo. Con có hai anh trai. Ba anh em sống nhờ nhà người chú họ rồi được một người ở Đồng Nai nhận làm con nuôi. Lúc nhỏ, con có tên là Nguyễn Văn Dũng. Mẹ thương bố đi tìm con nhiều năm nay nên về báo mộng, bảo rằng con ở Cẩm Kim này, tóc đã bạc trắng cả đầu và đã được đặt tên khác", cụ Nguyễn Não (80 tuổi), cha đẻ ông Châu kể.
Sáng hôm sau, ông Châu theo cha về xã Tam Lập. Gặp hai người anh trai, cả gia đình soi vào gương và ôm nhau khóc khi thấy 3 khuôn mặt giống nhau như đúc. Những câu chuyện dài không ngớt của ba anh em xa cách gần nửa thế kỷ là hình ảnh những lần cõng nhau chạy giặc, đói khát đi xin ăn... Cụ Não đã lấy vợ hai, có hai người con một trai một gái được ăn học thành đạt. Biết cha tìm được người anh thất lạc, mọi người vội vã về chung vui.
"Điều tôi buồn nhất là không nhớ nổi mặt mặt mẹ mình. Chiến tranh khiến bà ra đi mà không để lại được một bức di ảnh", ông Châu bồi hồi. 
Hai vợ chồng ông Châu với công việc phụ hồ mưu sinh mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Đông
Ông Bùi Phước Minh, Trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường Sa Hội An, kể có nghe chuyện ông Châu thất lạc cha đẻ và đã tìm kiếm nhiều năm nhưng không có kết quả. "Hôm đó nó gọi mấy anh em cựu binh Trường Sa đi uống rượu rồi hồ hởi khoe Tao tìm được cha đẻ của tao rồi. Anh em chỉ biết nhìn nhau mà chực khóc vì vui. Mọi người bàn nhau sẽ mời bố đẻ của Châu về dự ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 để Châu có dịp ra mắt cha mình. Hôm ấy là ngày vui nhất trong những dịp anh em tụ họp", ông Minh nói.
Ngày ngày, hai vợ chồng ông Châu vẫn đều tay xẻng, tay xô với công việc phụ nề. Ông Châu nói vẫn giữ lại họ Trần như một ký ức của đời mình. Ông cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ dọn về sống cùng cha đẻ ở xã Tam Lập bởi về đó chưa biết sẽ làm gì để có cơm ăn ngày hai bữa.
"Tôi ở lại Cẩm Kim và vẫn thường xuyên ghé nhà cha nuôi Trần Huỳnh, rồi về Tam Lập mỗi khi gia đình có việc. Bố đẻ và bố nuôi cũng đã gặp nhau, nói chuyện nhiều và mong muốn hai bên gia đình sẽ qua lại thường xuyên hơn. Không biết diễn tả cảm xúc của tôi lúc này như thế nào. Giờ đây tôi đã biết được thân phận của mình, và con tôi cũng đã biết được họ tộc", ông Châu nói với nụ cười tươi.
Nguyễn Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CANADA TỰ DO MUÔN NĂM

  MAKE CANADA FREE FOREVER CANADA TỰ DO MUÔN NĂM 𝗧𝗵𝘂̛  𝗻𝗴𝗼̉ 𝗰𝘂̉𝗮 𝗰𝘂̛̣𝘂 𝘁𝗵𝘂̉ 𝘁𝘂̛𝗼̛́𝗻𝗴 𝗝𝗲𝗮𝗻 𝗖𝗵𝗿𝗲́𝘁𝗶𝗲𝗻 (Lời ngư...