Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Tỵ nạn môi trường - Bài viết của Alan Phan

TỴ NẠN MÔI TRƯỜNG


TỴ NẠN MÔI TRƯỜNG
BLOG CỦA ALAN PHAN NGÀY THỨ HAI 12 AUG 2013
12 Aug 2013
Anderson Hong có lẽ là một trong những người đầu tiên thuộc nhóm gọi là “tỵ nạn môi trường” . Một bình loạn trên Sohu đưa ra con số là có khoảng 20,000 đại gia Trung Quốc năm nay đưa vợ con ra nước ngoài để tránh nạn suy sụp của môi trường sống tại đây. Người thật giàu thì chọn Âu Mỹ Úc, người ít tiền hơn thì thoả mãn với Singapore, Hong Kong hay Thái Lan.
Anderson học cùng trường với tôi tại Penn State vào 1963. Gia đình anh người Tàu gốc Mã Lai; anh về nước sau khi học và làm ở ngành ngân hàng. Khoảng 10 năm sau, anh chuyển qua làm và nhập tịch Singapore. Anh là một Hoa Kiều say mê chủ nghĩa Đại Hán, luôn luôn tin tưởng vào sự khôi phục của văn minh Trung Quốc như ngàn năm trước. Tôi thích cá tính anh, thật thà, trung thành, tử tế…nhưng không thân lắm vì khi đi học, anh làm tôi buồn ngủ với những bài kinh ca tụng Mao Trạch Đông và đồng phạm mỗi tuần.
Cho nên tôi không ngạc nhiên khi anh báo là đem gia đình qua Beijing sống vào khoảng 1984 nhân cơ hội HSBC mở văn phòng đại diện. Anh thay đổi việc, làm cho nhiều ngân hàng lớn khác nhau sau đó, nhưng bám trụ tại các chi nhánh ở Beijing. Khi GDP Trung Quốc được dự đoán là sẽ vượt Mỹ vào 2020, anh gởi tôi một bài văn không khác gì lắm với ngôn từ của cuốn “mùa xuân đại thắng”.
Cũng như phần lớn những người gọi là “ái quốc”, Anderson chỉ tin vào Trung Quốc, dù tư bản hay cộng sản. Anh thích Mỹ, Pháp…và ghét Nhật Bản, Việt Nam… như mọi người Tàu khác. Anh sẵn sàng bỏ qua những sai lầm về chính trị như Thiên An Môn, về kinh tế như các tập đoàn nhà nước, về xã hội như khoảng cách giàu nghèo, về quan chức và các tệ nạn tham nhũng…Anh cho rằng đó là cái giá “xứng đáng” phải trả để Trung Quốc vươn lên thống lĩnh thế giới.
Tuy nhiên qua những Emails trao đổi 2 năm gần đây, anh đã bày tỏ những dấu hiệu bức xúc về một Trung Quốc mà giá trị sống càng ngày càng tuột dốc. Anh than phiền về nạn kẹt xe tốn anh và gia đình vài tiếng mỗi ngày; anh lo lắng cho vợ con mỗi khi đi đâu vì nạn cướp giật ngay cả tại những khu sang trọng. Cư xử thiếu văn minh, vô cảm, giả dối,  việc phóng uế bừa bãi và tệ nạn ồn ào không trật tự tại các nơi giải trí, du lịch là một khổ nạn bất cứ lúc nào. Ngay cả trong trường lớp, nạn du thử du thực và lối học kiểu từ chương và copy-paste khiến kỹ năng kiến thức của mấy đứa con anh không còn theo kịp chuẩn mực thế giới.
Khi anh đến Beijing vào thập niên 80’s, không khí bị ô nhiễm nặng khoảng 63 ngày mỗi năm vì nạn bão cát từ phía sa mạc Bắc và vật liệu xây dựng. Năm 2012, có đến 219 ngày mỗi năm, không khí Beijing bị nhiễm độc trên mức trung bình của thế giới. Các giòng sông quanh thành phố luôn luôn có sự cố về chất thải từ các nhà máy và tư nhân.
Trên hết, những đe doạ hàng ngày từ an toàn thực phẩm làm mất đi khoái khẩu cho gia đình. Vợ anh mở trường dậy nấu ăn và bà hiểu rõ những nguy hiểm của mọi nguồn thực phẩm từ bên trong hệ thống. Dù đã thử mọi phương thức, bà nói không thể nào kiểm soát hết những hoá chất nguy hiểm đã được bơm tẩm vào mọi thứ nhằm tăng lợi nhuận. Đỉnh cao của sợ hãi là khi đứa bé 2 tuổi nhà hàng xóm uống nhầm sữa nhiễm khuẩn và phải nhập viện.
Sau gần 50 năm xưng tụng mù quáng các lãnh đạo Trung Quốc và suốt 25 năm cùng gia đình bám trụ ở Beijing đợi ngày chiến thắng huy hoàng, Anderson bỏ cuộc tháng rồi. Giấc mơ Trung Quốc hoàn toàn tan vỡ trong trí tuệ cũng như tâm hồn. Khi tôi gởi tặng anh cuốn sách về tội ác Mao Trạch Đông của Frank Ditkotter, anh nói đây chỉ là bề nổi của tảng băng. Anh nói anh đã đọc rất nhiều tài liệu về Cộng Sản Trung Quốc mười mấy năm qua và anh xin lỗi tôi về những bài giảng ngày xưa ở Đại Học. Tôi nói tôi chỉ bị thối tai, tiền bác sĩ cũng không đắt lắm.
Anh đem gia đình về lại Singapore mặc cho một promotion trong công ty đang đợi. Anh chỉ chua xót là dù anh và 20,000 đại gia vượt biên dễ dàng, nhưng cả tỷ người Trung Quốc, đồng bào của anh, đang hứng chịu tất cả hệ quả của một đường lối phát triển ngu xuẩn trong chụp giựt và lợi ích cá nhân. Và vấn nạn môi trường này còn tồn tại ít nhất là vài ba thế kỷ nữa.
Alan Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐÊM NÔ EN XƯA - Thơ MP.Trường Giang Thủy

bài thơ cũ ĐÊM NÔ EN XƯA Tôi về trên lối đông xưa, Nghe lồng lộng gió cuối mùa lạnh căm. Nô en xưa gặp - trăng rằm, Nhưng đêm ly ...