Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Chữ VẠN - Hồ Nguyễn

                                   CHỮ “VẠN”TRONG ĐẠO PHẬT
           Chữ VẠN của Phật, màu vàng, thẳng đứng, quay ngược (A) hay quay thuận (B) kim đồng hồ: Svastika hay Evolution (tốt đẹp).


                                                                         A
                                      
       

            Còn Chữ VẠN của Hitler, màu đen, chính giữa xéo: Sauvastika hay Destruction (ý nghĩa xấu xa)
                                                               

  
                                                   Chữ VẠN của Hitler
              Chữ VẠN là một biểu tuợng chứ không phải là chữ viết.
              Bốn cánh của chữ VẠN tạo thành như 4 cái bóng của 4 cái đầu của hình chữ Thập + khi quay tròn. Do đó chữ VẠN nếu có chiều quay ngược chiều kim đồng hồ (gọi là A) thì là chiều quay tự nhiên của các quả địa cầu quanh mặt trời và cũng là chiều tự quay của nó. Nếu nó quay thuận theo chiều kim đồng hồ (gọi là B), tức là theo chiều tương sanh trong Ngũ hành. Có nhiều tranh cãi về chiều quay của chữ VẠN trong Phật giáo. Cáo nào đúng?Cái nào sai?
1- Theo Hán Việt của Thiều Chửu, trang 68:
             Chữ nầy trong kinh truyện không có, chỉ trong nhà Phật mới có thôi. Nhà Phật nói rằng: Khi Phật giáng sinh, trước ngực có hiện ra hình chữ VẠN, người sau mới biết.
Chữ VẠN quay theo chiều ngược với chiều quay của kim đồng hồ.
              Trong bộ Hoa Nghiêm Âm Nghĩa nói rằng: Chữ VẠN nguyên không có, đến niên hiệu Tràng Thọ thứ hai đời nhà Chu mới chế ra âm là VẠN, có nghĩa là muôn đức tốt lành đều hợp cả ở đấy. Lại nữa, nguyên chữ VẠN quay ngược nầy theo nguồn tiếng Phạn tên là Srivatsalaksana. Các Ngài La Thập, Huyền Trang dịch là ĐỨC, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch là VẠN.
             Ở bên Ấn Độ, thì tương truyền là cái tướng cát tường thì dịch là ĐỨC để nói về công đức, còn dịch VẠN là nói về công đức đầy đủ.
             Song, chữ VẠN (A) nguyên là hình tướng chớ không phải là chữ, cho nên dịch là cát tường hải vân tướng, mà theo cái hình xoay về bên hữu (A) là phải hơn. Vì xem như nhiễu Phật thì nhiễu về bên hữu, hào quang của Phật ở khoãng long mày phóng ra cũng xoay về bên hữu, thì viết xoay về bên hữu như (A) mới đúng là tướng cát tường, có chỗ để xoay về bên tả (B) là lầm.
          Vậy theo Thiều Chửu như trên đây thì chữ VẠN quay theo chiều ngược kim đồng hồ là ĐÚNG.
2- Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn: (nơi trang 600, Q3)
          Chữ VẠN (Svastika) thì chữ quay thuận theo chiều kim đồng hồ (B) cũng gọi là Kiết Tường. Ấy là chữ linh bên Ấn Độ, chữ ấy có sức đưa lại, nêu ra các điểm tốt lành, vui vẻ, phước đức. Vì vậy nên gọi là Kiết tường, Vạn tự, Đức tự. Sức lành của chữ VẠN theo mẫu (B) sâu rộng như biển, cao lớn như mây.
         Chư Phật Thế Tôn đều có hình chữ VẠN nổi nơi ngực. Ấy là tướng quí của các Ngài, và tóc của các Ngài cũng có hình chữ VẠN nữa. Chữ VẠN tiêu biểu cho các điều may mắn, phước đức, tốt lành, cho nên ở trước các ngôi chùa Phật, người ta thường thấy vẽ hình chữ VẠN ấy.
  

Chữ VẠN nơi ngực Đức Phật

         Theo Đoàn Trung Còn, hình chữ VẠN (A) là sai, (B) là đúng.
         Điều nầy trái ngược với Thiều Chửu (phần1 trên). Nhưng cả hai đều không giải thích được lý do tại sao chữ VẠN quay chiều nầy thì cát tường, theo chiều kia ngược lại thì nguy hại. Cả hai vị đều không đưa ra được cái lý do xác đáng và có sức thuyết phục để người ta không thể bài bác được.
         Còn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thì sao?
3- Từ Điển Phật Học của Giáo Hội PGVN:
         Theo Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, Chủ biên Kim Cương Tử, Q2-trang 1822:
         VẠN TỰ: Svastina hoặc Srivatsalaksana là thuật ngữ.
          Theo đó, chữ VẠN theo chiều nghịch (A) là tướng biểu thị sự tốt lành lưu truyền ở Ấn Độ, Phật Giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ Na giáo đều có sử dụng. Sớm nhất là trên tượng Phật Phạm Thiên, Visnu, Krisna. Âm tiếng Phạn chữ VẠN là Thất-lị-mạt-sa-lạc-sát-nẵng (Srivatsalaksana). Tức là tướng hải vân cát tường.
          Các tôn sư Cu-ma-la-thập, Huyền Trang dịch là ĐỨC.
          Bồ Đề Lưu Chi đời nhà Ngụy trong Thập Địa Kinh Luận, quyển12, dịch tiếng nầy là VẠN (Vạn tự), trong đó Thất-lị-mạt-sa tức là chữ VẠN (A) dịch là VẠN với ý nghĩa là công đức viên mãn, nên có nghĩa là hải vân cát tường; còn dịch là không có lầm lỗi.
Chỉ có lạt-sát-nẵng dịch là Tự (chữ). Đây là sự lầm lẫn với từ ác-sát-na. Tiếng Phạn lạc-sát-nẵng tức là tướng ác-sát-na là Tự. Nay chữ VẠN (A) là tướng chớ không phải là tự nên có thể dịch là cát tường hải vân, tức là vạn tướng.
           Thế nhưng hình dáng nầy vòng bên phải là VẠN (A) tương tự như kính lễ Đức Phật, hoặc vòng về bên phải ba vòng, tương tự như sợi long trắng ở giữa hai lông mày của Đức Phật chuyển vòng bên phải. Tóm lại, chuyển vòng về bên phải (như A) là tốt lành (cát tường). Xưa nay, có khi thấy viết chữ VẠN (B) là nhầm. Cao Ly Bản Tạng Kinh và Tuệ Lâm Âm Nghĩa (Q.21), Hoa Nghiêm Nghĩa đều viết chữ VẠN theo VẠN (A), ngược chiều kim đồng hồ.
            Lại nữa, theo thuyết của Kinh Đại Thừa thì điều đó biểu thị tướng cát tường trên ngực của Đức Phật và Thập Địa Bồ Tát. Chữ VẠN là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật và nó nằm ngay trước ngực của Ngài. Tuy nhiên, một số kinh điển khác thì lại nói đây là tướng tốt thứ 80 của Đức Phật Thích Ca. Dầu là tướng tốt thứ mấy đi chăng nữa thì không ai có thể chối cải chữ Vạn chỉ là một ký hiệu chớ không phải là văn tự dùng để thể hiện cho người có công đức vẹn toàn. Có những lúc chúng ta thấy chữ VẠN xoay qua phía mặt và cũng có khi xoay qua phía trái. Từ đó có những lý luận cho rằng chữ vạn của Phật giáo phải xoay hướng nầy thì đúng còn hướng kia thì sai. Đó là một kết luận đầy tính chủ quan phiến diện.
           Như vậy, theo Kim Cương Tử và các Hòa Thượng soạn giả thì hình chữ VẠN (A) nghĩa là quay ngược kim đồng hồ là đúng, còn thuận kim đồng hồ (B) lại là sai.
3- Theo Từ Điển Phật Học của Thích Minh Châu - Minh Chi, trang 757: Theo Thượng Tọa Thích Minh Châu, nguyên là Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn thì:
“VẠN: Một trong 32 tướng đẹp của Phật, vị trí trên ngực của Phật. Nó biểu thị công đức vô lượng cửa Phật, lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Phật.
            Là phù hiệu, không phải là chữ viết.
            Viết xoay bên trái, hay bên phải, đều được, tuy rằng có một số nhà Phật học tranh luận nhau về hướng xoay của phù hiệu nầy.
            Nhà độc tài Phát xít Hitler cũng dùng phù hiệu nầy cho Đảng áo nâu của mình, nhưng đặt nghiêng”. (Tiến Sĩ /TT.Thích Minh Châu)
           Theo như trên đây, Thượng Tọa Thích Minh Châu và nhà Phật học Minh Chi thì chữ VẠN (A) hay (B) đều được cả vì cả hai nhóm bênh vực cho chữ VẠN quay thuận chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ đều không bên nào đạt được lý lẽ thuyết phục.
            Một ý kiến khác của Viện Nghiên Cứu Phật Học có viết:         
           “Trước đệ nhị thế chiến có Adolf Hitler sanh ngày 20-04-1889 tại Áo quốc gần biên giới nước Đức. Vì nuôi tham vọng thống trị cả thế giới qua chiêu bài Phát xít Đức, Ý, Nhật nên đã chọn chữ VẠN như là biểu tượng của đảng Đức Quốc xã. Chính chữ VẠN này đã được bác sĩ Fridrich Krohn phát họa. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ thì chữ vạn của Hitler thì màu trắng nằm nghiêng trong một vòng tròn màu đen. Bởi thế chữ vạn của Hitler là tượng trưng cho sự tăm tối và chết chóc. Vì thế cứ mỗi khi nghe đến tên Hitler thì cũng như màn đêm sắp xuống, bóng ma chặp chờn, không khá nỗi.
           Do đó chữ VẠN của Hitler không thể nào có thể đem so sánh với chữ VẠN của Phật giáo cho được. Một bên là trời cao xanh mướt còn một bên thì thăm thẳm mù đen. Một bên thì thanh cao thánh thiện còn bên kia thì tội lỗi đau thương. Cũng vì sự tối tăm đó nên giấc mộng Đồ vương của Hitler biến thành mây khói và đưa đến cái chết cho hàng triệu người vô tội và dĩ nhiên cũng kết liễu cuộc đời của một tên bạo chúa. 

                                             


Đây là chữ VẠN của Đức Quốc Xã (chính giữa xéo góc X). Đó là hai chữ S viết tắt    (Social State).
         Vào thời nhà Đường, Hoàng hậu Vỏ Tắc Thiên cũng dùng chữ VẠN. Nhưng đây chỉ là biểu tượng cho mặt trời mà thôi. Tóm lại, cho dù chữ VẠN xoay bên trái hay bên phải thì chữ VẠN trong Phật giáo vẫn luôn luôn tượng trưng cho lòng từ bi và trí tuệ vô lượng của Đức Phật. Sự xoay vần có nghĩa là Phật lực phát tỏa khắp bốn phương. Và ánh sáng từ bi của Ngài tỏa ra vô cùng vô tận để cứu giúp chúng sinh còn đang lặn hụp trong bến bờ mê muội.
                                                 
                      Và đây là chữ VẠN của Phật Giáo (chính giữa thẳng đứng +).
                          Theo: Tài liệu trích trong “Lịch Sử Phật Giáo.com”.
4- Nghiên cứu của tiến sĩ Quang Đảo Đốc ở đại học Quốc Sĩ Quán Nhật Bản:
          Chữ VẠN vốn không phải lả là chữ viết (word), mà chỉ là ký hiệu (symbol), và nó đã có từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, và đến thế kỷ thứ ba trước công nguyên mới được dùng trong kinh Phật.
         Ngài Bồ Đề Liêu Chi dịch là “Vạn”, còn ngài Huyền Trang dịch là “Đức”. Tất cả đếu có nghĩa là “phước đức viên mãn, trí tuệ và lòng từ bi vô hạn”
         Theo Huệ Lâm Âm Nghĩa quyển 21 và kinh Hoa Nghiêm thì có 17 chỗ nói chữ Vạn viết xoay về phải. Trong các đồ cồ, các bệ Phật cổ, các tượng Phật cổ của Trung quốc, của Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản, … cũng đều dùng lối viết A, tức xoay về phải.
         Ngôi tháp cổ ở vườn Lộc Dã được xây để kỉ niệm Đức Phật nhập diệt cũng khắc chữ Vạn xoay về phải.
         Ba bản Tạng kinh đời Tống, Nguyên, Minh, và Cao Ly Đại Tạng Kinh cũng đều dùng chữ Vạn xoay về phải.
         Nhưng tín đồ Lạt Ma giáo, Ấn Độ giáo, và Bổng giáo thì dùng lối viết B , xoay về trái. Có những chùa tại Ấn Độ, và Trung Quốc  hiện nay, trước hai cánh cửa chính, một bên thì vẽ kiểu A, một bên lại vẽ kiểu B! Và những hoa văn quanh bệ thờ, cũng xen kẽ lối viết A và B!
Cách viết nào đúng?
Như đã nói “Vạn” không phải là một chữ mà là một ký hiệu xuất hiện rất sớm, có thể là từ thời nguyên sơ từ khi con người mới tìm ra lửa. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nó ở khắp mọi vùng trên trái đất, nhưng kí hiệu nầy đã không thống nhất (chỗ viết theo lối A, chỗ viết theo lối B).
Từ khi Đức Phật ra đời, trên ngực đã có chữ “vạn”, biểu tượng tướng mạo phi phàm, có ý nghĩa là đại cát tường, phúc lộc viên mãn,… Thế nhưng từ đó về sau, chữ VẠN trong đạo Phật cũng không thống nhất. Nhưng ta hãy suy những điều sau đây, có thể hiểu được cách viết nào đúng:
- Xoay qua phải, là theo chiều hào quang của Phật phóng ra.
- Ký hiệu âm dương của vũ trụ thu nhỏ lại (xem biểu tượng “thái cực” của Lão giáo). “Chữ S” phân chia vòng thái cực xoay về phải.
-Sợi lông trắng (bạch hào) giữa hai lông mảy của Phật uyển chuyển xoay sang phải.
-Trong các kinh điển cổ, phần lớn đều viết chữ VẠN xoay về bên phải.
-Trong các nghi thức sám, nhiễu Phật, nhiễu Pháp đều hướng về phải nhiễu hành.
           (Tiến sĩ Quang Đảo Đốc - Nhật Bản)
5- KẾT LUẬN:
          “Hình chữ VẠN quay theo chiều ngược kim đồng hồ (mẫu A) hay quay cùng chiều kim đồng hồ (mẫu B) thì đó cũng chỉ là hai cái nhìn khi đứng ở hai vị trí trước mặt hay sau lưng của cùng một chữ VẠN mà thôi.
           Trên nóc chuông của Báo Ân Từ trong nội ô Tòa Thánh Tây Ninh có gắn hình chữ VẠN. Nếu chúng ta đứng phía trước Báo Ân Từ tại cột phướn nhìn lên, chúng ta sẽ thầy chữ VẠN theo mẫu (A), tức là quay ngược kim đồng hồ. Còn nếu chúng ta bước sang hông của Đền Thờ Báo Ân Từ nhìn lên, tức là nhìn phía sau của chữ VẠN thì sẽ thấy theo hình chữ VẠN (mẫu B), nghĩa là quay thuận theo chiều quay của kim đồng hồ.
           Chữ VẠN tượng trưng cho chơn lý, và chơnlý nầy chỉ có một. Nhưng tùy theo vị trí, góc độ đứng nhìn mà thấy chơn lý theo kiểu nầy, mang hình thức nầy; còn nếu ở vị trí đứng khác thì sẽ thấy chơn lý theo kiểu khác với hình thức khác. Nhưng chơn lý vẫn chỉ là một. Khi chúng ta hợp lại tất cả nhận thức, hợp lại tất cả kiểu dáng của tất cả sự mô tả chơn lý thì may ra chúng ta mới có thể hiểu được chơn lý một cách toàn vẹn đủ các mặt.
           Cho nên, chúng ta không nên lấy quan điểm riêng của mình, ở vị trí của mình với cái nhìn của mình mà phê bình chê bai những nhận thức khác là sai. Thật là không nên.
           Chữ VẠN tượng trưng cho điều lành điều tốt đẹp, vì nó hiện ra trên ngực của Đức Phật. Nó là một trong 32 tướng tốt của Phật. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng, nếu chữ VẠN quay theo chiều nào đó thì nó thiêu hũy công đức. Công đức của ta, chỉ có những việc làm sai trái của ta mới tiêu hũy được công đức của ta. Cái lữa giận của ta chẳng hạn. Ngoài ra, không có điều gì khác có thể thiêu hũy được công đức của ta.
           Chúng ta là những tín đồ Cao Đài đang ở trong trường thi công quả do Đức Chí Tôn tạo lập. Chúng ta cứ để mặc cho chữ VẠN quay tự do theo chiều quay của nó mà không cần bàn cãi. Chúng ta cố gắng lo làm tròn nghĩa vụ của mình, lập công bồi đức càng nhiều càng tốt, vì cái đức nầy mới đem chúng ta lên những ngôi vị cao trọng nơi cõi Thiêng liêng”. - HT.Nguyễn văn Hồng (Cao Đài Tự Điển-Q3-trang 1463).
______Hồ  Nguyễn sưu tầm từ:
-          Cao Đài Tự Điển (HT.Nguyễn văn Hồng Q3)
-          Học viện Phật giáo.news.
-          Viện Phật Học của PGVN.

-          BuddhaNet.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CANADA TỰ DO MUÔN NĂM

  MAKE CANADA FREE FOREVER CANADA TỰ DO MUÔN NĂM 𝗧𝗵𝘂̛  𝗻𝗴𝗼̉ 𝗰𝘂̉𝗮 𝗰𝘂̛̣𝘂 𝘁𝗵𝘂̉ 𝘁𝘂̛𝗼̛́𝗻𝗴 𝗝𝗲𝗮𝗻 𝗖𝗵𝗿𝗲́𝘁𝗶𝗲𝗻 (Lời ngư...