Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Chuyện"Hai con khỉ già ""- Nguyên Nhung

Xin thành thật xin lỗi chị   Nguyên Nhung  về bài đăng nầy.
Do được chuyển qua lại nhiều lần nên thiếu  mất tên tác giả trên bài viết
Xin thứ lỗi
Họ tự nhận là “hai con khỉ già”.
Bởi vì nụ cười của họ
bây giờ cũng xệch xạc, méo mó lắm, nhất là
mỗi lần cãi nhau, nhìn lại càng chẳng giống ai,
cứ vênh vênh váo váo mà lại lườm lườm nguýt
nguýt trông đáng ghét tệ. Nhưng mà đó là
chuyện của họ, chẳng là của ai trên cõi đời
này, nếu ai có trùng hợp mà nhận là vợ của
mình thì cũng mặc thiên hạ.

Ðúng ra họ đã hay chí chóe từ hồi còn trẻ, y
như hai con khỉ non. Lúc mới yêu nhau họ cũng hay
giận hờn, nhưng những thứ giận hờn thuở đó
chỉ bừng lên như lửa rơm, làm họ càng nhớ
tới nhau nhiều hơn khi xa cách.
Trước khi quyết định đi tới hôn nhân, họ đã
về vấn đề và xin phép cha mẹ đôi bên so tuổi
như bao nhiêu cặp vợ chồng khác. Lão thầy bói
đeo đôi kính đen, gật gù bấm bấm đốt tay, sau
một lúc lẩm nhẩm tính toán, nghe loáng
thoáng câu gì “thìn, tuất, sửu, mùi tứ hành
xung, tý ngọ mẹo dậu ở với nhau không nát một
chiếu”. Nhưng may quá hai người không nằm trong
nhóm tuổi ấy, cuối cùng thì thầy cùng nói một
câu ba phải: “Nữ mạng hỏa, nam mạng thổ,
thổ sanh hỏa, tương sanh, tuy không giàu có, nhưng
sống với nhau trăm năm đầu bạc”.

Thôi thế cũng được, bà già đứng dậy xuýt xoa
cám ơn thầy, dẫu có khắc khẩu chút đĩnh mà
cứ bạc đầu răng long cãi nhau hoài hoài thì
cũng xem là hạp tuổi, không lo một đứa rửa
chân về chầu Giời sớm. Mạng tích lịch hỏa
chỉ là lửa sấm sét, nó gầm thét lên như chớp
nhoáng là nguội ngay, còn thổ ngự sơn thì tuy
không điền sản, dinh cơ, nhưng thanh cao chót vót
đỉnh núi, sấm chớp không hề hấn gì. Sợ
nhất là cái mạng mộc gặp hỏa, hay hỏa gặp thủy thì coi chừng hai đứa,
đứa chết đứa bị thương. Xem thế cũng chưa
chắc đúng, và thời ấy là thời chiến tranh, có
nhiều người xem rất hạp tuổi mà vẫn gãy gánh
giữa đường. Những lúc ấy, hai người đang yêu
nhau lắm, dẫu có phải nhảy vào lửa để chết
cho tình yêu họ vẫn chết, cho nên việc đưa nhau
đi xem tuổi chỉ là để các cụ ở nhà yên chí
mà thôi.
Thời gian cứ như thế vùn vụt trôi đi, mới
ngày nào mà nay đã hơn ba mươi năm đầu gối tay
ấp. Hôm lũ con đề nghị những ngày “hấp
hôn” cho cha mẹ, ông đã nửa đùa nửa thật
nói với lũ nhỏ:
“Thôi, đừng phú quí sinh lễ nghĩa, tao với mẹ
mày ngày nào cũng như ngày tân hôn, cần gì tổ
chức cho rậm đám. Ðứa nào thương cha mẹ, cứ
cho tí tiền đi du lịch
trăng mật tuổi già, chứ ăn thì đã không dám
ăn, mặc đẹp cũng chả ai nhìn”.

Ðúng thế, với tuổi này ông nghỉ như vậy là thực tế,
tiết kiệm được tiền cho con cái, mà lại không ngại thiên
hạ xì xèo. Vợ chồng ông sống theo lối Việt Nam, hôm ngày
Valentine, ông đi làm về, nghe thiên hạ ra rả
chuyện tặng nhau đóa hoa Tình Yêu, lại thấy chú
Mỹ đen đứng bán hoa ở ngã tư đường, ông bèn
hào sảng mua tặng bà một đóa hồng nhung đỏ.
Hí hửng lái xe, ông đậu xe rồi đem đóa hoa vào
bếp. Thấy bà đầu bù tóc rối đang nấu cơm,
ông vui vẻ đưa cho vợ, chưa kịp nói câu gì hay
ho để lấy điểm với bà, thì bà đã nhăn nhó
lên như khỉ:
“Làm trò khỉ gì thế, hoa với chả hóet. Sao
không mua cho tôi bó rau muống xào thịt bò ăn cơm
có phải ngon không?”

Ông cụt hứng, ngẫm nghĩ, rõ chán phèo cho cái
con khỉ già, làm như cuộc đời chưa hề biết
tới chữ “romantic” bao giờ cả. Nhưng nhìn
mặt mũi vợ đỏ gay khi đứng bên bếp lửa,
đang làm bữa cơm chiều cho cả nhà, ông lại nghĩ
thương vợ: “Ừ phải đấy, cứ rửa cho bà ấy đống
bát đĩa bẩn mà bằng trăm đóa hoa hồng khỉ gió kia.”

Thế là ông xắn tay áo lên để rửa bát, nhưng bình
thường đã mấy khi ông đụng đến công việc
bếp núc của vợ. Ông lúng túng rồi tuộc tay
làm vỡ cái ly, thế là bà tru tréo lên:
“Thôi ông cụ ơi, hễ ông mó vào đâu là đổ
vỡ đến đó. Cứ để tôi, chẳng cần ông phải
làm.”
Ông lắc đầu bỏ ra ngoài vườn, thôi đi tưới
cây vậy. Nhác nhìn thấy mấy cây mướp đắng
bà trồng hôm nay đã leo lên hết chiếc cột gỗ
bên vệ rào, ông nghĩ ngay đến chuyện làm cho bà
cái giàn.
Nghĩ là làm, ông hí hoáy lấy thang, rồi dùng
những thanh gỗ mỏng để bắc giàn, nhưng chưa
gì ông đã thấy bà đứng lù lù sau lưng.
Tưởng bà khen, ai ngờ bạ lại la hoảng lên:
“Tôi lạy ông, ông chẳng làm gì cho nên thân
cả. Lỡ gãy chân, nằm một chỗ là chết cái
thân già này.”

Ông tự ái: “Bà cứ hay ồn ào, không ngã mà
cứ nghe bà la hoảng cũng đủ giật mình ngã gãy
cổ. Ðàn bà có thứ đâu ăn nói cứ toang toác
lên.”
Bà đâu có toang toác, bà lo cho ông đấy chứ,
nhưng hai chữ “toang tóac” làm bà ấm ách, mặt
sưng lên lên trông hệt như con khỉ già. Tuy thế,
ông cũng vác cái thang cất vào nhà kho, rồi vào
nhà cơm, trên chiếc kệ gỗ, đã thấy hoa hồng
đỏ ông mua tặng bà được cắm vào chiếc bình
thuỷ tinh. Ông tủm tỉm cười, đàn bà họ nói
vậy mà không phải vậy, đóa hoa hồng bây giờ
đã tươi lên vì có nước.

Cũng không phải lúc nào họ cũng cãi nhau, và
cũng không phải lúc nào ông với bà lại không
có những giây phút êm đềm bên nhau khi lũ con đi
vắng cả. Những câu chuyện họ trao đổi, nghe
không ngọt ngào như hồi đôi mươi, nhưng đầy
những lo lắng và băn khoăn cho nhau về sức khỏe
cũng như chuyện trong nhà, ngoài phố. Ông hay
nhắc bà cần phải uống thêm thuốc bổ mỗi
ngày, còn bà thì lo lắng cái chân của ông dạo
này đi đứng có phần thiếu ngay ngắn. Nhưng
phiền nhất là mỗi lúc lái xe có bà bên cạnh
lái phụ, nhắc nhở từng chi tiết khi cái kim
đồng hồ nhích lên nhích xuống, bởi vì bà
không lái xe mà lái tài xế. Cái này thực khổ
cho ông, khi mắt phải chăm chú nhìn kính trước
kính sau, miệng bà thì ong óng nhắc nhở chạy
nhanh chạy chậm, khiến đầu ông cử hoảng lên
suýt tông vào xe người khác. Ông
quát vợ:
“Có câm cái mồm khi không? Ði với bà có ngày
chết mết ngáp. ‘Pô Lít” tôi không sợ mà sợ
cái miệng bà’.

Bà im một tí rồi lại lên mày:
“Ðã lái dở mà lại cứ chạy ‘len’ giữa,
lỡ muốn ‘ếch xít’ thì sao?
Ông hầm hừ: “Ðường nó nằm trong đầu tôi,
lái ‘len’ trong lỡ trượt bánh xe là đi vào
thành xi măng, cũng giập đầu mà chết.”

Họ cứ cãi nhau lọan xạ như thế, nhất là khi
ông mắt mũi kèm nhèm, không nhìn rõ bảng tên
đường, định quẹo phải mà một thằng Mỹ đen
đã lù lù chặn ngay bên cạnh. Thế là ‘sảy
một ly đi một dặm’. Họ đã có nhiều kinh
nghiệm những lần đi lộn đường như vậy, rồi
loanh quanh mãi tìm không ra lối về, đi lạc vào
những khu lạ hoắc, chỉ mới hoàng hôn mà nghe
như đã tối om vì nỗi sự dâng ngậplòng.
Bà còn sơ nhất là tính nóng nảy của ông, khi bị
một cái xe đằng sau cứ bóp còi ‘tin tin’ thúc hối,
bởi ông bận nghĩ đâu đâu mà đèn xanh nhấp nháy
vẫn chưa chịu chạy. Rồi khi nó vượt qua mặt ông,
bèn giơ ngón tay giữa ra để chọc tức. Mỗi ngón
tay là một biểu tượng của ngôn ngữ, có xấu có
tốt, nhưng ở trường hợp này thì bà phải can
ông đừng bắt chước kiểu trả lời thiếu văn
hóa như thế, nhất là lỡ gặp phải thằng có
súng, thôi thì ‘một câu nhịn chín câu lành’
vậy.
Hồi ông mới qua Mỹ, chả hiểu ‘mô tê’
gì về ngôn ngữ ngón tay như vậy, lông ngông tìm
đường đi thì đã thấy một cái đầu ở xe bên
kia thò ra, giơ một ngón tay lên, ông còn lại mĩm
cười nói ‘thank you’ người bạn Mỹ tốt
bụng, về nhà cứ thắt thỏm sao nó biết mình
đang đi tìm đường để chỉ.

Mỗi lần có dịp đi đâu với ông, phải lái
trên ‘freeway’, xe cộ lạng lách như điên
khiến ông xoay trở đến nhức
đầu, mồm luôn luôn rủa ‘đồ khốn nạn’
bà lại bật cười. Hôm ấy trong lòng ông đời
đầy những thằng khốn nạn, chúng nó đi đâu
mà như ăn cướp, xã hội này khó mà có hòa bình
khi con người cứ sùng sục lên như vậy. Nghĩ cho
cùng thì chả bao giờ hết chiến tranh, từ triệu
năm trước tới ngàn năm sau, con người cứ sống
rồi chết, chiến tranh rồi lại hòa bình, kẻ đi
vào lòng đất người lại tiếp tục sinh ra. Gọi
là nhân loại còn khổ, vì lòng người cứ sùng
sục lên như nồi nước sôi.


Hôm nay ông bà lại cãi nhau. Mặt bà sưng lên còn
ông thì lừ lừ không nói năng. Họ đang cằn
nhằn nhau, hay là chỉ có bà hay cằn nhằn mà
thôi. Bà nói dai như đĩa, mà lạ thật, bà chỉ
hay dai dẳng với ông chứ với người ngoài bà
ngọt sớt, chiến tranh chỉ xảy ra giữa hai vợ chồng
già còn khi ra ngoài bà hay đem hai chữ ‘bình an’
để tặng riêng cho thiên hạ. Thế có tức không chứ.

Chuyện thì đâu có gì ghê gớm, vợ chồng thằng
con trai dẫn đứa cháu nội đi đâu từ sáng sớm,
chúng nó quên cả ngày kỵ của ông cố, mãi tới giờ
này vẫn chưa dẫn cháu về ăn giỗ.
Ông bảo bà: “Muốn gì phải nói. Thời buổi
này bận bù đầu bù cổ, chúng nó làm sao nhớ
được ngày gì ngoài ngày thứ bảy với ngày
chúa nhật”.
Bà chua chát: “Nhưng ít ra thấy tôi sửa soạn
bàn thờ, nói xa nói gần thì cũng phải biết
để cháu ở nhà đốt nhang cho ông bà chứ. Có
thứ đâu lại cắp đít đi hết như vậy.

Ông chép miệng: “Ôi giào! Không có chúng nó thì
tôi với bà cứ bày ra cúng rồi cùng xơi với
nhau, càng ít người càng được ăn nhiều.”

Nhìn căn nhà vắng vẻ, nấu nướng bày biện xong
đã mệt ngất như mà con cháu chưa đứa nào về,
đâm tủi thân: “Mai mốt tôi với ông chết đi
chắc chẳng có ai đốt cho nén nhang, cứ thời
buổi này thì chẳng giỗ chạp làm gì cho mất
công.
Ông gật gù: “Ừ, mà cũng chẳng cần phải chôn
cất nữa cho chật đất. Tôi có chết cứ thiêu
xong rồi đem tro đổ xuống biển, nhà thờ cho
chúng nó một năm đôi lần thăm viếng. Nằm
dưới ấy lại mát. Còn không thì đem lên núi,
trãi ra làm phân bón cho cây cỏ, không ích lợi
hơn à?
Nghe ông bình thản nói vui vẻ mà vẫn cứ ngậm
ngùi. Mâm cúng đã dọn lên, mùi trầm nhang nghi
ngút. Bà đốt ba nén nhang cắm vào bát nhang trên
bàn thờ, miệng lâm râm khấn vái:
“Lạy các cụ, hôm nay ngày giỗ ông, mời các cụ về
xơi bữa cơm với con cháu. Các cháu bất hiếu
cụ bỏ lỗi cho, thời buổi này chẳng giống hồi xưa,
các cụ ‘sống khỏe chết thiêng’ về phù hộ cho
cả nhà an vui, khỏe mạnh, gia đạo trong ấm
ngòai êm...’
Nghe bà khấn, ông vốn hay pha trò buộc miệng:

“Các cụ có phù hộ thì cứ phù hộ, còn việc
hiện về xin miễn cho kẻo con cháu nó sợ.’

Ðang buồn trong bụng, thế là bà quay sang vặc
lên với ông:

“Ăn nói rõ là lăng nhăng, ông đừng đùa với
người khuất bóng mà mang tội, các cụ nghe
được cả, đâu phải chỗ để ông đùa, bố
thế hèn gì con cũng vậy. Tôi nói cho ông biết,
lát nữa dẫn nhau về đây tôi cho một
trận...”
Ông nhăn mặt: “Thôi xin can bà, bà chửi chúng
nó các cụ cũng nghe, lần sau hoảng không
dám về ăn giỗ nữa. Ai lại mời các cụ về ăn
giỗ, cầu vui cầu khỏe, mà gia chủ mặt mũi
nhăn nhó như con khỉ già, tôi mà là cụ tôi cũng
‘đấm’ vào. Bà cứ để tôi dạy chúng cho,
‘ngọt mật mới chết ruồi’ chứ nhấm nhẳng
chỉ làm nó ghét mình hơn”.
Bà ngang nghạnh trả miếng, bởi vì có mấy khi
bà chịu thua ông.
“Không phải ngọt với ai cả, nó là con chứ
không phải bố mình, nói nặng còn chẳng nghe ra,
chứ nhẹ đã ăn thua gì.”

Thế là bữa cơm nấu nướng công phu đầy những
món ngon bỗng lạnh ngắt vì chẳng ai muốn ăn.
Ông bực mình nghĩ tới thằng con trai vô tâm
không biết đến ngày giỗ ông bà mà bảo vợ ở
nhà giúp mẹ chồng. Chúng nó đi đâu mà quên cả
đường về, bọn trẻ bây giờ đều vô tâm thế
cả, nếu cha mẹ mà không có lòng tha thứ và thông
cảm, thì chắc chắn sẽ buồn giận suốt đời.
Hóa cho nên hồi vợ chồng chúng nó mới lấy
nhau, ông đã nghĩ đến chuyện ở riêng để ai
có tự do của người đó. Nhưng riêng thì riêng,
nề nếp gia đình vẫn phải giữ. Ông mặc quần
áo rồi bảo vợ: “Tôi đi đằng này một
chút”.
Bà đang ngồi buồn rầu nhìn mâm cơm: “Ði đâu?
Cơm canh dọn sẵn rồi cũng bỏ đi, đúng là
‘bố nào con nấy’.

Ông bực mình quát: “Bà biết tôi đi đâu mà
đã toang toát lên. Tôi đi tìm chúng nó về để
bà chửi, chứ ăn uống thế này ngon lành gì mà
ăn.
Tự nhiên giọng bà dịu xuống, ứa nước mắt:
“Thôi ông ạ. Hai đứa kia đi học xa, chỉ còn
chúng nó ở với mình, khó lắm chỉ sinh tội ra.

Thấy bà nói, ông bật cười, cái tính bà thì ông
không lạ, chỉ chớp lên như lửa trời nhưng rồi
lại tắt đi ngay, lão thầy bói chả nói thế là gì. Ông
nhìn vợ pha trò: “Trông mặt bà cứ y như ‘con khỉ
già’ trong sở thú.

Bà cũng nguýt yêu ông: “Ngó ông cười thì khỉ
cũng đẹp hơn. Răng cỏ chưa gì đã ‘sút càng
gẫy gọng’ cả ra.

Hai vợ chồng già giống như ‘hai con khỉ’
ngồi bắt chấy cho nhau. Họ cãi nhau luôn luôn
để rồi vẫn thương nhau như thế đấy, ai có
cười thì hở mười cái răng. Mỗi lần ông đi
làm về thấy vắng bóng bà, ông bổ đi tìm,
thấy bà nằm đắp chăn kín mít, vội sờ vào
chân vợ thấy lạnh ngắt, ông hối hả đi lấy
dầu bóp chân cho bà. Còn hễ ông đi về muộn,
bà đi ra đi vào mắt không ngừng ngó cái kim
đồng hồ, bụng nghĩ đến trăm thứ bất trắc trên
đời. Nhưng hễ nghe tiếng xe ông đậu ở ngoài
‘garage’, bà thở phào nhẹ nhỏm, nhưng rất bực
mình vì cái ‘con khỉ già’ về muộn mà không nói
qua cho bà biết, lúc ấy mặt bà nặng chịch y hệt
một con khỉ. Không biết ai là khỉ, nhưng họ cứ nghĩ
tới nhau bằng cái tình đầy âu yếm mà chẳng
cần ai phải hiểu.

Bỗng ông đứng bật dậy khi nghe tiếng máy xe
nổ ngoài sân, vợ chồng thằng con đã dẫn cháu
về, thằng bé lên năm mặt mũi xinh xắn, chạy
ào ào vào ôm lấy ông nội nói bi bô:

“Thưa ông nội cháu mới về”

Thằng cháu nói còn đã đớt, mặt mũi nó hồng
lên như hai quả đào. Ông ôm cháu và lòng âu
yếm hỏi: “Cháu ông đi đâu mà lâu thế? Hôm
nay giỗ cụ không về sớm mà ăn giỗ.”

Bây giờ anh con trai mới lên tiếng: “Chúng con
cho cháu đi sở thú,nhớ ngày giỗ cụ muốn về sớm,
nhưng cháu ông không chịu về, cứ đòi xem mãi.”

Ông vuốt tóc cháu, hôn lên đôi má phính: “Thế
cháu thấy con gì trong sở thú kể cho ông nghe
với.”

“Cháu xem con khỉ con bú mẹ, xem hai con khỉ già
cãi nhau.”
Ông bảo cháu: “Tưởng gì, ở nhà mình cũng có
hai con khỉ già cãi nhau suốt ngày.”
Bà đang đứng trong nhà nhìn ra, nghe ông nói,
lườm ông một cái dài hơn cây số.

Nguyên Nhung (Texas)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...