Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Liễn Tết cho " ép phê " ngược- Đỗ Chiêu Đức

   LIỄN TẾT... CHO ÉP-PHÊ NGƯỢC


              Trước khi kể chuyện của tôi, xin mời tất cả cùng ôn lại hai tác giả lớn trong văn học cổ Việt Nam ta nhé, đó là....

             Nguyễn Khuyến 阮勸 (1835-1909), Tam nguyên Yên Đỗ, vì ông ở làng Yên Đỗ và đậu đầu 3 cuộc thi nên gọi là TAM NGUYÊN : Đậu đầu thi Hương gọi là HƯƠNG NGUYÊN  (còn gọi là GIẢI NGUYÊN , đậu đầu thi Hội gọi là HỘI NGUYÊN  (còn gọi là CỬ NHÂN) và đậu đầu thi đình gọi là ĐÌNH NGUYÊN (còn gọi là TRẠNG NGUYÊN). Ông chẳng những giỏi thơ mà còn rất giỏi về làm câu đối.
            Ngày xưa, khi nhà có điều hiếu hỉ như đám cưới, đám ma... thường được chúc mừng hoặc chia buồn bằng đôi câu đối. Nhưng muốn có câu đối hay thì phải nhờ đến những bậc Đại khoa có tài như Nguyễn Khuyến làm thì mới có giá trị. Muốn nhờ những vị nầy làm câu đối thì phải có lễ vật hậu hỉ, tốn kém vô cùng.
            Một hôm, có một anh kia mang lễ vật rất hậu đến nói với cụ Tam Nguyên rằng: Nhờ cụ làm cho một đôi câu đối mà hiếu hay hỉ gì cũng dùng được cả, để đám cưới, đám ma, chúc thọ... nhiều quá, mỗi lần đều rất tốn kém, thà tốn một lần cho xứng đáng để khỏi phải mỗi lần mỗi tốn. Cụ cười cho cái hảo ý của anh ta, và viết cho đôi câu đối như sau :

  Nhất đức tại thiên tùy phó phận,      
  一 德 在 天 随 付 份,
  Thất tình ư ngã khởi vô tâm .            
 七 情 於 我 豈 無 心.
Và được...
         Giải thích như sau :
         Nếu là đám cưới sẽ có nghĩa như thế nầy: Cái đức là do Trời ban, duyên Trời rung ruổi phó cho phải gặp số phận nhân duyên như thế. Về mặt tình cảm của con người (Thất tình là Hỉ, Nộ, Ái , Ố, Ai, Cụ, (lạc), Dục) thì... Tôi đâu thể vô tâm trước cái vui của quý vị... (Khởi vô tâm: có nghĩa  Sao mà có thể vô tâm cho được!) . Ý là: Tôi cũng mừng cho qúy vị đó !
       Nếu là đám ma thì sẽ giải thích như sau: Cái đức do Trời ban cho số phận có bao nhiêu đó mà thôi (đừng buồn nữa). Về mặt tình người thì tôi đâu thể vô tâm làm ngơ  trước sự tang tóc của các vị cho được!).  Ý là: Tôi cũng xin chia buồn đó!
       Nếu là chúc thọ thì lại có nghĩa: Cái đức của Trời cho được hưởng phước phần trường thọ là vậy, nên về nhân tình thì tôi cũng đâu thể làm ngơ, tức là tôi cũng chúc mừng THỌ cho quý vị đó!
          Quả là một câu đối vạn năng vạn dụng dùng cho vui buồn gì cũng được!
          Bây giờ, thì ta nói về Trần Tế Xương (1870 - 1907) nhé!  Ông  có một bài thơ theo thể HÁT NÓI nói về Tết, trong đó có 2 câu đối rất hay. Mời Quý vị cùng đọc bài Hát Nói sau:

"Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống chi mình cũng đã đỗ tú tài
Ngày Tết đến cũng phải một vài câu đối
Đối rằng:
"Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài 
     極 人 間 之 品 價, 風 月 情 懷
  Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt” 
     最 世 上 之 風 流, 江 湖 氣 骨
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay
Rằng hay thì thật là hay
Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú Tài
Xưa nay em vẫn chịu ngài".

           Hai câu đối trên là loại Câu đối 10 chữ, (thuộc loại văn Biền Ngẫu kiểu Tứ Lục & Lục Tứ) có nghĩa như sau :

         Câu 1: Cái phẩm giá cao nhất trong đời nầy là: Tình hoài vọng về gió trăng phong nguyệt. (chỉ sự thanh cao phong nhã, không nhuốm mùi tiền bạc tầm thường của thế tục).
        Câu 2: Cái phong lưu nhất trên đời nầy là: Khí cốt của kẻ giang hồ. (rày đây mai đó cho thỏa chí nam nhi tang bồng hồ thỉ, không màng đến lợi danh tầm thường của nhân thế!).

          Bây giờ thì tôi sẽ kể một câu chuyên về bản thân tôi nhé!

          Năm tôi 20 tuổi, nghĩa là đã đi dạy học được 2 năm rồi, và cũng có nghĩa là đến tuổi động viên phải đi lính rồi. Tôi là Chuyên viên Điện Ảnh của Sư đoàn 3 Không Quân Biên Hòa. Cuối tuần, thường hay đi phép về Chợ Lớn, ở trọ nhà thông gia của một người bạn học cũ. Một hôm, khi vừa về đến Chợ Lớn thì ông bạn của tôi cho biết tin là bà thông gia chủ nhà trọ qua đời tối hôm qua. Trong lúc bất ngờ, không kịp chuẩn bị, sẵn miếng vải liệm ông bạn tôi làm để điếu tang, tôi viết luôn đôi Câu đối của Cụ Nguyễn Khuyến lên đó :
                  Nhất đức tại thiên tùy phó phận,
                  Thất tình ư ngã khởi vô tâm.
         Lúc đó, tôi còn trẻ, nét chữ còn mạnh mẽ như rồng bay phượng múa, làm cho một người bà con bên phía thông gia đến điếu tang trầm trồ và tìm đến gặp tôi để hỏi thăm... đủ thứ.  Sau đó, hỏi lại người bà con, mới biết Ông ta là vua mứt bí của Chợ Lớn, thấy tôi tuổi trẻ mà viết được Câu đối cao siêu làm vậy, lại thêm nét chữ thanh nhã bay bướm, nên mới hỏi thăm gia thế và định bắt tôi... làm rễ. Sau đó, ông mời tôi và ông bạn của tôi đến nhà chơi, ăn cơm, để cho con gái ông ta xem mắt, và rất thường xuyên lui tới với gia đình thông gia của ông bạn của tôi.
         Chuyện tưởng như xong xuôi đâu vào đó cả rồi, chuyến nầy chuột sa hủ nếp, tha hồ mà béo nhé!
         Tết năm đó, tôi ăn mứt bí ngọt tới tim luôn, sẵn hứng chí, thừa thắng xông lên, tôi viết luôn một đôi liễn Tết dán lên nhà của người bà con để khoe tài. Đó là đôi liễn "quỹ quái" của Ngài Trần Tế Xương đó:

       Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài,
       Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt.

         Ông Vua mứt bí đến xem thấy, hỏi của ai viết, rồi bảo gở xuống, và từ đó ông ta không thèm hỏi thăm đến tôi nữa. Đợi hoài không thấy động tịnh gì cả, tôi đâm nghi ngờ, rồi hỏi thăm người bà con, thì được họ nói cho biết như sau :
        Trước đây, ông ta thấy tôi tuổi trẻ mà có học thức, văn hay chữ tốt, nên định chiêu tôi làm rể để tiếp giúp ông ta quản lý sổ sách, phát triển làm ăn, chừng thấy câu đối Tết của tôi, Ông ta nản chí quá. Suốt ngày nó cứ "Phong nguyệt tình hoài" hú hí với con gái mình hoài, không biết lo làm ăn, lại còn "giang hồ khí cốt" nữa chứ, không khéo nó rủ rê con gái mình bỏ nhà theo nó đi giang hồ thì bỏ bu luôn!  Không được, phải kiếm thằng nào chí thú làm ăn, giúp ông ta làm giàu thêm nữa thì mới được... Thế là vãn tuồng, vãn hát cải lương luôn! 

        Quý Vị thấy đó, đồng thời cũng là một Câu đối, nhưng Câu đối của Cụ Nguyễn Khuyến thì người ta khen hay muốn gả con gái cho, còn Câu đối của Trần Tế Xương thì làm hư việc hết... Suy cho kỹ thì cũng tại mấy chữ "Giang hồ Khí cốt" mà ra cả!
       Đây là chuyện thật một trăm phần trăm của đời tôi hồi còn trẻ, tuổi trẻ thường sống với lý tưởng cao nhã, tình cảm cao thượng mà phóng túng, không chịu gò bó vào vòng danh lợi, không nuốn hơn thua với đời, mà chỉ chuộng cái khí cốt giang hồ thanh cao, đẹp đẽ... Hơn nữa, Trần Tế Xương là một tác giả lớn trong chương trình học, mà học sinh nào thích văn chương đều rất ngưỡng mộ, đâu có ngờ câu đối của ông ta lại cho "ép phê ngược" như thế!  Thì ra cuộc đời thực tế khác hẵn với cuộc đời trong văn chương là vậy!  Lúc đó, tôi cũng rất ngạc nhiên là, tại sao câu đối của Trần Tế Xương hay là thế, mà lại bị chê dữ vậy?!?! 

        Bây giờ thì đầu đã bạc rồi, con người đâm ra thực tế hơn. Nói thật, nếu bây giờ có "thằng nào đó" mà có cái "Khí cốt giang hồ" đến để hỏi cưới con gái tôi, thì chắc tôi cũng lắc đầu từ chối, trừ phi con gái tôi nó chịu!  (Nói chơi, chứ con gái tôi đã có chồng con hết rồi!)

                             Đỗ Chiêu Đức .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...