Năm 1994, trong một chuyến đi công tác ở huyện miền núi Như Xuân, tôi đã nhặt được tác phẩm kì diệu này từ đại ngàn. Nó là đoạn dây leo hoá rắn - một tuyệt tác của thiên nhiên!
Còn nhớ hôm đó, khi công việc xong xuôi, chúng tôi vào một gia đình nông dân ở ngay gần cửa rừng thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Bến En nghỉ ngơi. Ngồi trong nhà nhìn ra sân, thấy hỗn độn các loại củi rừng, trong đó có một khúc dây leo cong queo, cuộn khúc đang bỏ lăn lóc ngoài sân. Khi được biết chủ nhà sẽ dùng nó làm củi đun, tôi đã xin về.
Chú Mai Văn Chuyện (cùng cơ quan Trung tâm Khuyến lâm Thanh Hoá với tôi) buộc đoạn dây leo vào phía sau xe máy và cả đoàn về nhà chú Trịnh Đình Văn (Trưởng trạm Khuyến nông huyện Như Xuân) ăn cơm chiều.
Trong khi mọi người chuẩn bị nấu nướng thì tôi tranh thủ hỏi mượn cụ thân sinh chú Văn một cái cưa, một cái đục để bắt đầu tạo tác.
Trước tiên là nghiêng ngó, xác định đoạn nào là đầu, đoạn nào sẽ là đuôi con rắn. Sau khi đã thấy con rắn hiện lên mồn một trong hình dung của mình, tôi đặt lưỡi cưa đúng vào đoạn sẽ giữ lại làm cái cổ rắn đang vặn mình cuộn lên những gân cơ chắc nịch với cái đầu ngóc lên lắc lư, rồi cắt xoẹt phần thừa thẳng đuột dài khoảng 40cm đi. Sau đó, dùng đục tạo thành bụng rắn, hàm rắn và miệng rắn. Tinh thần là không can thiệp nhiều, cố gắng giữ lại nét tự nhiên nhất của đại ngàn.
Trong chốc lát, một con rắn lớn đã hiện ra trong chiều nhá nhem tối. Ông cụ thân sinh chú Trịnh Đình Văn lấy làm kinh ngạc vì thấy tôi sử dụng khá thành thạo cưa và đục, lại còn cho đoạn dây leo hoá thân thành con mãng xà trong tích tắc. Cụ cứ tấm tắc “Anh này giỏi thật, anh này giỏi thật!”
Trong ánh chiều tà của núi rừng, tác phẩm con rắn lớn cuộn mình ở góc sân hiện ra khiến tôi ngất ngây. Vỏ ngoài của đoạn dây leo sần sùi và mốc meo trông như con trăn mới tỉnh giấc ngủ đông. Điều kì diệu là một cái nhánh của đoạn dây leo đã tạo cho con rắn có một khúc đuôi săn chắc và nhọn dần về phía cuối. Chỗ mắt của con rắn là điểm lõm vốn có của dây leo, phần mép rắn hơi bạnh ra cũng hoàn toàn tự nhiên. Ở mọi góc độ, con rắn đều toát lên vẻ đẹp hoàn hảo.
Mọi người đều thừa nhận, nếu ai đó bất chợt gặp hình ảnh này trong lúc tranh tối tranh sáng thì chắc chắn phải hồn xiêu phách lạc. Sáng hôm sau, trên đường về, khi nghỉ chân uống nước ở Bến Sung, thì mọi người đổ dồn lại để xem con rắn của tôi.
Sau một thời gian, đoạn dây leo khô đi, quắt lại và bớt đẹp đi nhiều. Nó không còn vẻ mỡ màng, mềm mại ban đầu của thân rắn. Khúc cuộn của con rắn cũng không được tròn, được khéo như khi dây leo còn tươi mới.
Hơn 30 năm qua, dù rất nhiều lần chuyển nhà, thay đổi chỗ ở, và dù chật chội thế nào, nhưng đoạn dây leo hoá rắn này luôn được tôi mang theo, và trở thành báu vật lưu giữ sự kì diệu của thiên nhiên, lưu giữ kỉ niệm của thuở mới bước chân vào nghề.
Hoàng Tuấn Công - Xuân Ất Tị, 2025
……
Được biết, khúc dây leo này dân địa phương gọi là cây quạch, nó có thể bò xa hàng trăm mét. Khi đi rừng, nếu khát nước, cứ chặt một đoạn dây ra là có thể hứng được một thứ nước trong vắt và mát lành. Sở dĩ nó có hình con rắn là do dây bò vào một hốc đá. Nó cuộn mấy vòng để tìm đường ra, và cuối cùng ngóc ngọn lên, hướng thẳng ánh sáng để bò ngược lên cao, thoát khỏi hốc đá. Chính vì thế mà đoạn dây leo tạo thành con rắn đang cuộn mình và cái đầu thì ngóc lên như đang đớp mồi.
Mời Xem :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét