Thứ Hai, 3 tháng 2, 2025

mùa xuân nơi đâu - Trần C.Trí (TC.Da Màu )

Buổi chiều cuối năm dường như trôi qua thật chậm, chậm đến nỗi anh có cảm tưởng như nó đang dừng hẳn lại. Cảnh vật trước mắt anh trông như một bức tranh thuỷ mặc, chấm phá bằng những nét tối giản. Trong khoảng sân rộng rãi, hai cây dừa cao vút chao chao trong làn gió nhẹ, mấy gốc mai già chỉ còn trơ cành, đợi đâm chồi nẩy lộc sau khi được vặt hết lá cũ, hai ba con gà đi thơ thẩn, kêu túc túc, túc túc. Có vậy thôi. À, trừ một chi tiết nhỏ. Ở một góc sân, Đào đang lúi húi châm thêm củi vào cái lò kê bằng mấy viên gạch, bên trên là một nồi bánh tét nhỏ đang sôi sùng sục, dấu hiệu duy nhất của cái Tết đang cận kề.

Đào quay vào nhà, ái ngại nhìn anh đang ngồi buồn hiu trên bậc thềm trước hiên, cất tiếng nói:

“Thầy đang nhớ nhà, phải không?”

“Dạ, nhớ nhà lắm chớ,” anh gượng một nụ cười, “Đây là Tết đầu tiên tôi xa nhà đó, cô Đào à.”

Anh đổi giọng làm vui:

“À, mà sao cô không nấu bánh ở sân sau như mấy nhà hàng xóm vậy ha?”

“Năm nào nhà em cũng nấu ở phía sau, nhưng năm nay em làm phía trước đặng canh qua cửa sổ phòng em cho dễ, lỡ ngủ quên…” cô bỏ dở câu nói, hỏi lại anh, “Mà sao trường thầy lại lựa mùa tết nhứt mà bắt mấy thầy cô đi thực tập, thiệt là trái khoáy há!”

“Cũng có lý do chánh đáng, cô ơi,” anh giải thích, “Thiệt ra là hằng năm trường đại học sư phạm vẫn về đây cho sinh viên thực tập nhằm thời điểm trước khi nghỉ hè. Ngặt nỗi năm nay nhà trường sẽ cho sửa chữa phòng ốc vào khoảng thời gian đó nên năm nay tụi tôi mới phải thực tập vào lúc này.”

Đào ngồi xuống thềm, nhưng cô giữ ý ngồi cách anh một khoảng xa. Cô nói:

“Trời đang đổi tiết, đêm lạnh lắm. Tối thầy vô trong nhà ngủ, ngoài này lạnh chịu sao nổi!”

Anh khoát tay:

“Không sao đâu cô. Ngủ ngoài hàng hiên này thoáng lắm, mà cái mền của tôi cũng khá dày, chẳng lạnh lẽo gì hết. Cô đừng lo.”

…………………………………………………………………

Nhưng đó không phải là lý do thiệt sự. Số là tuần trước, lúc mỗi sinh viên trong nhóm về đây đã được từng nhà dân ở cái thôn nhỏ này nhận về cho tá túc trong thời gian thực tập, anh đến ở tại nhà Đào. Gia đình cô đơn chiếc, chỉ có hai mẹ con. Đào chắc cỡ mười chín, hai mươi, còn bà Bảy, mẹ cô, anh đoán khoảng lục tuần. Hai mẹ con rất tử tế với anh chàng sinh viên sư phạm xa nhà vào dịp Tết. Lúc anh tới, hai người vồn vã chào đón, rót mời anh tách nước trà, rồi ân cần xếp cho anh chỗ ngủ trên cái phản rộng bằng gỗ mun ở một góc của gian phòng chính trong căn nhà, ở giữa là bàn thờ uy nghi chưng nhiều tấm hình trong gia tộc.

Đêm đầu tiên trong căn nhà cũ kỹ, lâu chắc tới cả trăm năm, bay mùi ngai ngái, tất nhiên là anh không ngủ được. Anh nằm trăn qua trở lại, cố dỗ giấc ngủ mà sao đầu óc cứ tỉnh rụi, hai mắt anh mở thao láo. Tai anh nghe con thằn lằn nào đó chắc lưỡi trên trần nhà, và tiếng dế rả rích, não nuột ngoài sân. Nằm chán, anh ngồi dậy một đỗi, thần người ra. Rồi anh bước xuống phản, đi tới đi lui trong gian phòng thờ im ắng. Ngọn đèn dầu nhỏ leo lét trên bàn thờ nhưng cũng đủ cho anh thấy những tấm hình lớn nhỏ với gương mặt của những nhân vật nhìn đúng là từ một thời xa xưa nào đó. Tuy nhiên, nổi bật lên giữa các bức hình là một tấm khá lớn, ngó như mới hơn các tấm kia nhiều, có chân dung của một thiếu nữ. Khuôn mặt cô đầy đặn dưới mái tóc dài, và đôi mắt… đôi mắt thật có hồn, thật linh động. Anh chợt nghe một cảm giác ớn lạnh chạy dài theo sống lưng. Tay chân anh hình như cũng nổi da gà. Đôi mắt đó như biết nhìn theo anh. Anh đi qua bên phải, nó ngó theo qua phải. Anh thử quay về bên trái. Nó cũng cũng liếc theo qua bên trái. Anh đứng lại thì nó ngó thẳng vô mặt anh. Hồn phi phách tán, anh chạy về cái phản, chui tọt vô mùng, nằm thao thức cho tới khi tiếng gà trong thôn bắt đầu eo óc gáy mới chợp mắt được một chút.

Cả ngày hôm sau, anh bận rộn với nhiều sinh hoạt mở đầu cho đợt thực tập sư phạm nên cũng tạm quên chuyện đêm hôm trước, tuy người anh vẫn ngầy ngật vì thiếu ngủ. Xế chiều, lúc mặt trời sắp lặn, anh mới rụt rè nói với Đào là mình muốn ra ngoài ngủ ở hàng hiên trước nhà.

“Í cha!” Đào giãy nãy, “Thầy làm vậy chòm xóm thấy được chắc nghĩ gia đình nhà em bạc đãi thầy, ngó sao được!”

“Không sao đâu, cô,” anh cương quyết nói, “Ai thắc mắc thì tôi sẵn sàng giải thích. Tôi sẽ thường đi họp tới khuya mới về, không muốn lục đục sợ bác và cô khó ngủ. Vả lại, ngủ ở ngoài thú vị lắm, cô à.”

“Thú vị cái nỗi gì!” Đào thở ra, “Thầy nói lấy được thôi, chớ mấy thầy cô ở nhà khác cũng đi  họp về khuya như thầy, đâu phải ai cũng ra hàng hiên mà ngủ đâu!”

Nhưng thấy anh khăng khăng, Đào cũng nhượng bộ, lấy cho anh mượn một cái mùng để anh giăng. Đưa mùng cho anh xong, cô còn nói vớt vát:

“Thầy không sợ ma chớ? Thầy chưa nghe chuyện gì sao?”

Anh thoáng chột dạ, nhưng vẫn nói cứng:

“Ma cỏ gì hở cô? Tôi không sợ ma đâu. Ma nó sợ tôi thì có.”

Đào cười cười:

“Vậy là thầy chưa được nghe chuyện con ma loanh quanh ở thôn Thạnh Đức này rồi.”

“Ma loanh quanh?” Anh bắt đầu thấy tò mò, “Ma gì tên ngộ vậy, cô?”

Đào cười khúc khích:

“Dạ, nó tên như vậy vì ban đêm ai mà lỡ gặp nó thì sẽ bị nó hớp hồn, dắt đi loanh quanh khắp thôn suốt đêm luôn. Sáng dậy, người đó thường thấy mình nằm choèo queo ở bụi tre hay ngoài ruộng, mà miệng thì bị nhét đầy đất sét!”

Anh cũng cười lên khanh khách:

“Ha ha! Tên con ma đã ngộ, mà chuyện này lại càng ngộ hơn nữa! Không biết sao chớ tôi nghe cô kể, không những không sợ mà còn thấy vui là đằng khác.”

“Vui hay không, gặp nó là thầy biết liền,” Đào nheo mắt, kết thúc câu chuyện giữa hai người. Cô còn nồi cám heo phải canh chừng, vì các con vật đẫy đà đang kêu eng éc ở sân sau nhà chờ bữa ăn.

…………………………………………………………………

“Hai thầy trò đói chưa? Ăn đỡ món nhà quê này dằn bụng, chờ cơm chiều nghen,” bà Bảy lễ mễ bưng một cái mâm cũ kỹ, trên có hai cái dĩa và hai cái chén nhỏ, đặt xuống giữa anh và Đào. Món nhà quê thiệt chớ không giỡn chơi, nhỏ lớn giờ anh chưa từng thấy. Trên mỗi cái dĩa là những miếng đu đủ sống cắt mỏng, xếp ngay ngắn bên cạnh mấy cái bánh tráng. Hai cái chén nhỏ sóng sánh nước mắm màu hổ phách, cùng mấy lát ớt màu đỏ tươi. Bà Bảy trở vô trong, lấy một cái tô đựng nước lạnh đem ra để gần mấy cái dĩa để hai người nhúng bánh tráng. Đào ngó ánh mắt ngỡ ngàng của anh, cười nói:

“Chắc hồi giờ thầy chưa ăn món đu đủ sống cuốn bánh tráng chấm nước mắm há? Món dân dã này là món ăn chơi của tụi em ở đây đó.”

Anh gật gù:

“Quả có vậy, cô à. Đu đủ sống, bánh tráng, nước mắm ớt, từng thứ một thì dĩ nhiên là tôi biết rồi. Nhưng kết hợp cả ba thành một món thì đây thiệt là lần đầu tiên tôi được thưởng thức!”

Kể ra món ăn bình dân này cũng ngồ ngộ. Cái sần sật của đu đủ sống và mùi hăng hăng của nó hoà với vị nửa mặn nửa ngọt của nước mắm ớt chanh đường, cùng với lớp bánh tráng dai dai, mềm mềm, tất cả quyện lại với nhau, làm vị giác và khứu giác của anh sảng khoái một cách nhẹ nhàng, bình yên như buổi chiều cuối năm đang dần dần tan loãng.

Lúc Đào trở vô phụ mẹ sửa soạn bữa cơm chiều, anh vẫn ngồi trước hiên, vẩn vơ nhìn trời trăng mây nước. Nói văn vẻ cho vui vậy thôi, chớ lúc đó trời vẫn còn sáng, không có cảnh “ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi” như Thạch Lam đã viết. Gia dĩ, đêm nay là đêm ba mươi tháng Chạp, trăng nước nỗi gì.

Nói bữa cơm chiều nghe cho thịnh soạn, thiệt ra chỉ có một nồi cơm, dĩa cá kho và một dĩa dưa chua, nhưng chưa bao giờ anh ăn thấy ngon miệng như vậy. Trong bữa ăn, anh chợt bùi ngùi nhớ nhà. Giờ này ở nhà chắc má đã bày biện đủ thứ lên bàn thờ ông bà, nào bánh tét, chả lụa, nem chua, tai heo ngâm giấm, thịt heo, thịt gà luộc, dưa món, cùng trái cây và vài món chè. Ở đây, anh thấy bà Bảy chỉ để mấy chén chè đơn sơ lên bàn thờ, bên cạnh bình bông huệ đỏ, cũng để gọi là cúng ông bà cuối năm.

Cơm nước xong xuôi, anh phụ Đào dọn dẹp, cám ơn hai mẹ con rồi nói mình muốn đi dạo một vòng quanh thôn, cho tiêu cơm, anh bảo vậy. Lúc này trời cũng vừa nhá nhem tối. Đâu đó anh đã bắt đầu nghe tiếng pháo lẻ tẻ vang lên. Không gian hơi gờn gợn lạnh. Anh khoác thêm một cái áo ngoài, thong thả đi ra trước nhà, lần theo con đường quanh co, dẫn từ nhà này sang nhà khác. Không khí ngày cuối năm của miền quê thật yên ả, chừng như mùa xuân không về đến tận nơi đây. Nếu thỉnh thoảng không có một tiếng pháo nổ thì chắc anh cũng không nghĩ là Tết đã cận kề. Tiếng lao xao cười nói vẳng ra từ vài căn nhà nghe cũng chập chờn, không rõ ràng. Anh đi từng bước chậm rãi, lòng êm như biển lặng. Nỗi nhớ nhà phảng phất, ngùi ngùi. Thoang thoảng có mùi thịt kho tàu từ nhà ai đó bay ra theo gió.

“Thầy ở trong đoàn sinh viên thực tập, phải không?” Một giọng nói nho nhỏ từ đằng sau đưa tới làm anh thoáng giật mình. Ngoảnh lại, anh thấy một cô gái dáng gầy gò, mặc một bộ đồ màu sẫm mà anh không rõ là màu gì trong khoảng tối nhờ nhờ.

“Dạ phải,” anh đáp, “Chào cô. Tối rồi mà cô đi đâu vậy? Cô ở gần đây không?”

“Em cũng đi dạo như thầy đó,” cô gái tủm tỉm cười, “Em ở cuối thôn này, cũng không xa lắm đâu.”

Cô gái tiến lên, bước song song với anh. Liếc nhìn ngang trong bóng tối, anh thấy cô hao hao giống một ai đó mà anh chưa thể nhớ ra. Nét mặt cô hiền từ, dường như phảng phất một nỗi buồn, hay do anh giàu tưởng tượng cũng nên.

“Thầy mới về đây, chắc cũng chưa biết đường đi nước bước trong thôn,” cô gái điềm nhiên nói tiếp, “Thầy muốn ra bờ sông chơi một chút không?”

“Sông hở cô?” anh gật gù, “Hay thiệt, gần như chỗ nào có người ở cũng có một dòng sông. Hình như ông trời luôn đãi ngộ người dân mình. Con sông ở đây tên gì vậy, cô?”

“Khúc sông chảy qua thôn Thạnh Đức không có tên riêng như nhiều nơi khác,” cô gái trả lời, “Đây là một đoạn của sông Kỳ Lộ, bắt nguồn từ tận trên cao nguyên Gia Lai, chảy xuống tỉnh Phú Yên này.”

“Cô nói nghe y như cô giáo giảng bài địa lý,” anh thích thú nhận xét, “Ngắn gọn mà đầy đủ! Dòng sông này tên hay quá há cô.”

Như sực nhớ ra, anh nói:

“À, tôi chưa tự giới thiệu. Tôi là Duy, còn cô tên gì?”

“Em tên Mai,” cô gái nói gọn lỏn, “Tên của thầy nghe cũng hay lắm.”

“Cô nói chuyện thiệt khéo,” anh bật cười, “Tên của tôi thì thiếu gì người có.”

Cả hai sóng đôi, đi về phía bờ sông theo những bước đi dẫn đường của Mai. Trời càng về đêm, không khí càng trở nên lành lạnh. Cũng may là anh có mặc thêm áo. Mai thì trái lại, cô không tỏ vẻ gì là thấy lạnh cả, dù cô chỉ mặc mong manh bộ đồ bà ba.

Dòng sông Kỳ Lộ ban đêm trông cũng huyền ảo như cái tên của nó. Đêm ba mươi, trời không trăng không sao. Toàn cảnh chỉ là một màu đen với nhiều sắc đậm lợt chồng lên nhau như trong một cuốn phim của Hitchcock. Mặt nước sông đen ngòm, sóng gờn gợn theo từng đợt gió hiu hiu thổi. Tiếng côn trùng kêu đều đều, thật tương phản với cái im lặng của vùng sông nước huyền bí ban đêm. Anh chợt rùng mình mấy cái liên tiếp. Nhìn qua Mai, anh thấy cô vẫn bình thản. Nét trắc diện của cô phơn phớt một màu trắng đục, nổi bật trên nền trời đen thẫm. Cô chợt cất tiếng:

“Thầy đi lang thang trong xóm vào đêm trừ tịch như vầy chắc cũng không chỉ vì nhớ nhà, phải không?”

“Cô đoán hay lắm,” anh thở ra, “Xa nhà lần đầu tiên làm tôi như chợt giật mình, có dịp nhìn lại mọi thứ trên đời, và hoang mang không biết ngày sau sẽ ra sao.”

Anh nói tiếp, miên man, như độc thoại, như bên cạnh không có một người xa lạ vừa mới gặp:

“Những gì tôi đã làm, những gì tôi không làm, và những gì tôi chưa làm… tất cả những điều đó có nghĩa là gì?”

“Tất cả những điều đó là như trong một cuốn phim,” Mai chậm rãi nói. Trời tối om, nhưng anh có thể tưởng tượng ra là cô đang mỉm cười một cách bí hiểm, “Có người vẫn chưa xem hết được cuốn phim đó, như thầy chẳng hạn. Thầy còn thắc mắc, trông đợi, âu lo. Nhưng cũng có những người đã xem hết phim, đã hiểu rốt ráo ngọn ngành.”

“Hiểu gì hở, cô?” anh cảm thấy đầu óc như mụ mị hẳn đi.

“Hiểu là mọi thứ đều có bắt đầu và chấm dứt,” giọng Mai đều đều, êm như ru, nhưng nghe cũng thấy rờn rợn, không hiểu vì sao, “Khoảng giữa của sự bắt đầu và hồi kết thúc là một dòng sông, có những khúc lặng lờ, yên ả, có những đoạn lên thác, có những đoạn xuống ghềnh…”

“Cô nói làm như dòng sông của cô đã kết thúc vậy,” anh ngẩn ngơ nhận xét.

“Cuốn phim kết thúc thì có,” Mai nói, như không để anh nghe mà cho chính mình, “nhưng dòng sông nào rồi cũng đổ ra biển cả. Đó là một sự bắt đầu khác, của một thực thể chuyển đổi trạng thái…”

Giọng nói của Mai càng lúc càng xa vời, không còn rõ ràng, đầy đủ nữa. Anh chỉ còn nghe lõm bõm những tiếng rời rạc, lặp đi lặp lại, bắt đầu… dòng sông… biển cả… kết thúc… chuyển đổi… Toàn thân anh bỗng lạnh toát. Bây giờ, Mai chỉ là một khối sương đen lạnh, vật vờ theo làn gió mỗi lúc một trở mạnh. Anh nghe một cảm giác mệt nhoài, tê dại, nhưng đồng thời cũng thật dễ chịu—cảm giác lâng lâng của một người chìm mênh mang vào một giấc ngủ sâu thăm thẳm…

…………………………………………………………………

Tiếng Đào cất lên, mừng rỡ:

“Má, má! Ông thầy tỉnh dậy rồi!”

Bà Bảy te tái chạy lại, thở dốc:

“Lạy trời lạy phật, ổng tỉnh rồi hở, con?”

“Tôi đang ở đâu vầy nè?” anh nhướng hai mắt cay xè lên, ú ớ hỏi.

“Thầy đang nằm trong nhà,” Đào mau mắn trả lời.

Phải mấy phút sau anh mới thiệt sự biết trời trăng là gì. Lúc bấy giờ, anh chợt nhận ra mình đang nằm trên cái phản trong gian phòng thờ nhà bà Bảy. Tiếng pháo nổ giòn giã trong thôn làm anh tỉnh táo hẳn. Anh nhận thấy, ngoài bà Bảy và Đào ra, còn lố nhố ba bốn người khác đứng ngó anh như một hiện tượng lạ, miệng xì xào bàn tán. Bà Bảy xua xua hai tay:

“Thôi, bà con giải tán giùm cho ông thầy nghỉ chút!”

Khi mọi người đã tản mác ra về, Đào hỏi giọng lo lắng:

“Thầy thấy trong người ra sao?”

Anh nằm im lặng, nhìn thẳng lên trần nhà, chưa biết nói sao. Cố gắng ôn lại từ từ những gì xảy ra đêm qua, anh chỉ nhớ tới chỗ gặp một cô gái trong khi đang đi dạo trong thôn, rồi sau đó ra sao nữa thì anh chịu. Anh hỏi Đào:

“Hồi tối tới giờ tôi ngủ trên cái phản này hở, cô Đào?”

“Mới sáng nay thôi, thầy…” Đào thở hắt ra, “Hồi khuya em dậy đi kiếm miếng nước uống, mới phát giác ra là thầy không có ngủ ngoài hàng hiên, mà ở trong nhà cũng không luôn! Em hoảng hồn kêu má em cho bả biết, nhưng đêm hôm hai mẹ con em đâu có dám làm gì…”

Bà Bảy xen vào:

“Tảng sáng tụi tui mới thấy thằng Một ở cuối thôn ẵm thầy vô nhà! Nó đi câu sáng sớm đầu năm, thấy thầy đang ngủ ngồi trên bờ sông! Điệu này chắc là thầy bị con ma loanh quanh dắt ra đó rồi.”

Đào ý tứ háy mắt với mẹ một cái, giả lả nói:

“Má ơi, đầu năm đầu tháng mà má nói gì kỳ quá!”

Day qua anh, Đào phân bua:

“Hôm thầy mới tới, đòi ra ngoài hàng hiên ngủ, em đặt chuyện để hù cho thầy sợ, chớ làm gì có ma loanh quanh, ma lẩn quẩn nào!”

Bà Bảy “hứ” dài một tiếng, vừa quay đi vừa nói:

“Thôi, thầy nằm nghỉ cho khoẻ. Tui đi nấu miếng cháo cá cho thầy ăn đây!”

Đào rót một tách trà, bưng tới cho anh:

“Thầy nhắp miếng trà bông lài cho tỉnh, đợi chút xíu là có cháo liền.”

Anh ngồi dậy, đỡ lấy tách trà từ tay Đào. Vừa thổi cho trà bớt nóng, anh vừa hớp một ngụm. Mùi bông lài nhẹ nhàng xông vào mũi anh, và vị chát của trà thấm vào lưỡi làm anh thấy thật dễ chịu. Đào đứng im nhìn anh, thân thiết như một người em gái nhìn ông anh trong một cơn bệnh. Anh nhếch miệng cười như để cám ơn cô gái quê chân chất, ân cần. Mùi thơm của pháo từ xa xa đưa lại, lẫn vào những tiếng nổ lác đác, văng vẳng, nhắc anh nhớ Tết đã tới rồi.

Anh nhìn quanh quất trong phòng, rồi tầm mắt anh dừng lại ở chiếc bàn thờ đang có khói hương nghi ngút. Nổi bật hơn hết là bức hình của cô gái có đôi mắt vẫn đuổi theo anh. Cả người anh chợt nổi gai ốc. Anh quay qua hỏi Đào, giọng như nghẹn lại:

“Cô Đào, cô gái trong tấm hình trên bàn thờ đó là ai trong nhà vậy?”

“Chị Mai em đó,” Đào đáp, giọng thản nhiên, “Chỉ mất lúc em có sáu bảy tuổi nên em cũng có ít kỷ niệm với chỉ lắm.”

Đào ngồi xuống cái ghế gần cái phản, nhìn bâng quơ ra ngoài hàng hiên. Anh như bị ngộp thở, muốn nói mà không mở miệng ra nổi. Anh nhìn theo ánh mắt của Đào, thấy cảnh vật ngoài sân như trong một thế giới nào khác. Nhưng kìa, mấy cây mai mới hôm qua cành còn trơ trụi, sáng nay đã đồng loạt khoác lên một lớp lá non, nhỏ li ti như những giọt sương mai. Và trên một thân cây, anh lặng người nhìn thấy một bông mai duy nhất, chắc là vừa mới nở, vàng ruộm, khẽ rung rinh trong làn gió Tết.

Trần C. Trí 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XUÂN LÃO - Thơ Phan Thượng Hải Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

  XUÂN LÃO Xuân đi xuân đến lại chào xuân Thấp thoáng nhân sinh quá thất tuần Thức ngộ bệnh đau theo số mệnh Am tường lão hoại chuyển thời l...