Thứ Năm, 6 tháng 2, 2025

Con chuồn chuồn xanh – Viết ngắn của Mikhail Prisvin

 Vanvn- Trong cuộc Thế chiến thứ nhất năm 1914 ấy, tôi ra mặt trận với tư cách là phóng viên chiến trường, trong trang phục của một y tá, tôi nhanh chóng nhận ra mình đang chiến đấu ở phía tây trong những cánh rừng vùng Augustow. Tôi đã viết ra tất cả những ấn tượng của mình một cách ngắn gọn nhưng tôi buộc phải thú nhận rằng không một phút nào cảm giác vô dụng, lời nói không thể diễn tả nổi những điều khủng khiếp đang xảy ra xung quanh, buông tha tôi.

Mikhail Prisovin (1873-1954), nhà văn Nga – Xô Viết nổi tiếng với những tác phẩm miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên Nga 

Tôi đi theo con đường dẫn tới tới chiến tranh, tới sự đùa giỡn với cái chết: hoặc một quả đạn rơi, đào một hố sâu, hoặc những viên đạn vo ve như đàn ong, nhưng tôi vẫn bước đi, tò mò nhìn từng mảnh đạn từ nơi này bay qua nơi kia.

– Anh bạn mất trí rồi à! – từ dưới hố đất một giọng nghiêm khắc nói với tôi.

Tôi đưa mắt nhìn nhìn và nhận ra cái đầu của Maxim Maksimych: khuôn mặt màu đồng với bộ ria mép xám bạc trông nghiêm nghị, trang trọng. Nhưng người chỉ huy già cũng bày tỏ nỗi cảm thông lẫn sự che chở đối với tôi. Một phút sau, tôi đã húp xúp bắp cải trong hầm của ông ta.  Qua đi vài phút, khi tình hình trở nên căng thẳng hơn, ông ta nói như hét lên với tôi:

– Tại sao ông, một nhà văn, lại không biết xấu hổ khi bận rộn với những chuyện vặt vãnh vào những lúc như thế này?

– Thì tôi biết làm gì đây? – tôi hỏi, rất hài lòng trước giọng điệu dứt khoát của người chỉ huy.

– Hãy chạy ngay đi, đón những người ở đằng kia, ra lệnh cho họ lấy những chiếc ghế trong trường, chuyển những người bị thương đi!

Tôi lấy chiếc ghế, đặt người bị thương lên, quên mất mình là một nhà văn, bỗng nhiên chỉ cảm thấy mình là một con người bình thường, rất hạnh phúc vì tôi đang ở đây, trong chiến tranh, tôi không chỉ là một nhà văn…

Lúc này, một anh lính sắp chết thì thầm với tôi:

– Ước gì có một chút nước.

Mới nghe tới đó, tôi đã vội chạy đi lấy nước.

Nhưng người bị thương không uống và nhắc lại với:

– Nước, nước, suối.

Tôi kinh ngạc nhìn anh, rồi chợt hiểu tất cả: anh lính hầu như là một chú bé với đôi mắt long lanh, cặp môi mỏng run rẩy phản ánh lòng dạ đang bấn loạn.

Tôi và người y tá lấy cáng khiêng người lính trẻ đến bên một dòng suối. Người y tá rời đi, tôi bị bỏ lại để đối mặt với chú bé đang hấp hối giữa rừng.

Trong những tia nắng xiên khoai lúc sập chiều, những ngọn cây, những tán lá như đang phát ra thứ ánh sáng xanh đặc biệt. Bỗng một chú chuồn chuồn màu xanh bay tới, lượn vòng quanh mặt hồ. Và hoàn toàn gần chỗ chúng tôi, nơi con lạch kết thúc, những dòng suối cọ sát vào những viên sỏi, như cất lên tiếng hát những bài hát thường ngày. Người bị thương nhắm mắt lắng nghe, đôi môi không còn máu bợt bạt bỗng giật giật, biểu hiện sự vùng vẫy chống trả. Rồi cuộc vật lộn ấy cũng kết thúc bằng một nụ cười trẻ con ngọt ngào,đôi mắt mở to đờ dại.

– Cảm ơn! Cậu bé lào thào.

Nhận ra con chuồn chuồn xanh bay bên bờ lạch, chàng trai mỉm cười, nói lời cảm ơn lần nữa rồi mới nhắm mắt lại.


Một thời gian trôi qua trong im lặng, đột nhiên đôi môi người lính trẻ bị thương bỗng động đậy, một cuộc vật lộn mới trỗi dậy và tôi nghe thấy:

– Sao cơ, con chuồn chuồn ấy vẫn bay à?

Con chuồn chuồn xanh vẫn bay lượn.

– Nó đang bay – tôi trả lời, không nhìn anh lính cũng không nghĩ ngợi gì thêm.

– Mà tại sao tôi không nhìn thấy nó? – Anh lính hỏi, gắng gỏi mở to mắt

Tôi thật sự sợ hãi. Có lần tôi tình cờ gặp một người sắp rời bỏ sự sống, trước khi chết, đột nhiên người lính bất hạnh bị mất thị lực, nhưng vẫn nói chuyện với chúng tôi khá rành rõ. Chẳng phải ở đây cũng vậy: mắt anh lính trẻ đã chết sớm hơn. Còn bản thân tôi khi đưa mắt nhìn tới chỗ con chuồn chuồn đang bay nhưng cũng không còn thấy gì cả.

Anh lính bị thương nhận ra tôi đã lừa dối anh, lặng lẽ nhắm mắt lại.

Tôi bỗng cảm thấy đau đớn, nhưng bỗng nhiên nhìn thấy hình phản chiếu của một con chuồn chuồn đang bay trên mặt nước trong vắt. Chúng ta không thể nhận thấy nó trên nền của khu rừng đã sập tối, nhưng mặt nước – đôi mắt của trái đất này, vẫn sáng ngay cả vào thời khắc đó: đôi mắt ấy dường như nhìn thấy cả trong bóng tối.

– Con chuồn chuồn đang bay, nó đang bay! – Tôi kêu to, giọng dứt khoát, vui sướng đến nỗi anh thương binh lập tức mở to đôi mắt.

Rồi tôi đã chỉ cho anh ấy thấy hình ảnh phản chiếu. Anh lính trẻ bỗng mỉm cười.

Tôi sẽ không mô tả chúng tôi đã cứu anh thương binh này như thế nào. Rõ ràng là các bác sĩ đã cứu anh ta. Nhưng tôi tin chắc rằng các bác sĩ đã được trợ giúp bởi tiếng hát của dòng suối và lời nói đầy quả quyết và phấn khích của tôi, rằng trong bóng đêm đen thẫm,con chuồn chuồn xanh vẫy là là bay trên mặt nước…

MIKHAIL PRISOVIN

TÔ HOÀNG chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Con chuồn chuồn xanh – Viết ngắn của Mikhail Prisvin

  Vanvn - Trong cuộc Thế chiến thứ nhất năm 1914 ấy, tôi ra mặt trận với tư cách là phóng viên chiến trường, trong trang phục của một y tá, ...