Thứ Ba, 11 tháng 2, 2025

Lão hóa: 2 giai đoạn quan trọng và cách khắc phục

 Lão hóa ở con người không hoàn toàn là một quá trình diễn ra từ từ như chúng ta từng nghĩ. Nghiên cứu đã phát hiện rằng có hai thời điểm quan trọng trong cuộc đời mà quá trình lão hóa diễn ra mạnh mẽ nhất, đó là vào khoảng 44 và 60 tuổi. Tại những thời điểm này, cơ thể trải qua sự suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, có thể làm chậm quá trình lão hóa thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống.

laohoaHai thời điểm quan trọng của quá trình lão hóa là 44 và 66 tuổi (Ảnh: Shutterstock)

Giai đoạn thay đổi đáng kể

Nghiên cứu được công bố trên Nature Aging (Tập san Lão hóa Tự nhiên) vào tháng 8/2024 đã thu thập hơn 5,000 mẫu máu, phân, da và dữ liệu sức khỏe răng miệng từ 108 tình nguyện viên độ tuổi 25 đến 75 từ các dân tộc khác nhau. Từ các mẫu này, các nhà nghiên cứu đã thu được hơn 135,000 đặc điểm sinh học, tạo ra gần 250 tỷ điểm dữ liệu. Phân tích cho thấy các dấu ấn sinh học liên quan đến lão hóa biểu hiện những thay đổi phi tuyến tính, với hai giai đoạn thay đổi đột biến: khoảng 44 tuổi và 60 tuổi.

Theo ông Michael Snyder, giáo sư di truyền học tại Đại học Stanford và tác giả chính của nghiên cứu, “Các thay đổi này không diễn ra một cách từ từ, mà có những biến đổi đột ngột vào giữa độ tuổi 40 và đầu độ tuổi 60. Điều này đúng với hầu hết các loại phân tử được nghiên cứu.” 

Trong khi nhiều nghiên cứu tập trung vào sự gia tăng hoặc giảm sút của các phân tử theo tuổi tác và sự khác biệt giữa tuổi sinh học và tuổi đời, ít nghiên cứu tập trung vào tốc độ lão hóa sinh lý. Ông Snyder cho rằng không có gì ngạc nhiên khi những thay đổi mạnh mẽ xảy ra ở tuổi 60 do đây là thời điểm xuất hiện nhiều bệnh có nguy cơ liên quan đến lão hóa và hiện tượng lão hóa rõ rệt. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã ngạc nhiên khi phát hiện ra những thay đổi sâu rộng cũng xảy ra ở độ tuổi 40.

Tiến sĩ Shen Xiaotao, tác giả đầu tiên của nghiên cứu và hiện là phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định rằng mặc dù mãn kinh hoặc tiền mãn kinh có thể góp phần vào sự thay đổi ở phụ nữ trong độ tuổi 40, vẫn còn nhiều yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới.

Nguy cơ bệnh tật

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người ở độ tuổi 40 trải qua sự thay đổi đáng kể trong chuyển hóa rượu, caffeine, lipid, và các phân tử liên quan đến bệnh tim mạch, da và cơ bắp. Những người ở độ tuổi 60 cũng có sự thay đổi trong các phân tử liên quan đến bệnh tim mạch, da và cơ bắp, cũng như trong chuyển hóa carbohydrate, điều hòa miễn dịch và chức năng thận.

Giáo sư Snyder nhấn mạnh rằng những thay đổi này có thể không chỉ do yếu tố sinh học mà còn liên quan đến lối sống và thói quen của từng nhóm tuổi. Chẳng hạn, rối loạn chuyển hóa rượu có thể liên quan đến việc gia tăng tiêu thụ rượu ở những người 40 tuổi do áp lực công việc và cuộc sống.

Các loại lão hóa

Các nhà khoa học cũng phân chia quá trình lão hóa của con người thành các “kiểu lão hóa” (ageotypes). Trong một nghiên cứu khác của Đại học Stanford, nhóm của ông Snyder đã theo dõi lượng protein, các chất chuyển hóa và lipid trong cơ thể của 43 người khỏe mạnh từ 34 đến 68 tuổi trong vòng hai năm. Kết quả cho thấy mọi người lão hóa theo nhiều con đường sinh học khác nhau, bao gồm chuyển hóa, miễn dịch, chức năng gan và chức năng thận.

Những người có kiểu lão hóa chuyển hóa có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn và có thể gặp phải tình trạng đường huyết tăng dần theo tuổi tác. Trong khi đó, những người có kiểu lão hóa miễn dịch có thể có mức độ các chỉ số viêm cao hơn hoặc dễ mắc các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch. Tuy nhiên, các kiểu lão hóa này có thể xảy ra đồng thời, một người có thể có cả đặc điểm của lão hóa chuyển hóa và miễn dịch.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tốc độ lão hóa có thể thay đổi. Ông Snyder cho biết một số dấu hiệu lão hóa giảm khi thay đổi chế độ ăn uống hoặc giảm cân. Hơn nữa, có những người lão hóa chậm hơn so với mức trung bình.

5 thói quen giúp làm chậm lão hóa

Dù ở độ tuổi nào, duy trì sức khỏe vẫn luôn quan trọng. Dưới đây là năm thói quen ăn uống giúp cải thiện sức khỏe thể chất và kéo dài tuổi thọ.

1. Tăng cường protein thực vật

Protein là một trong những dưỡng chất quan trọng nhất cho cơ thể con người. Đặc biệt, protein có nguồn gốc thực vật giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính và kéo dài tuổi thọ.

Một nghiên cứu phân tích dữ liệu từ gần 49,000 phụ nữ trong Nurses’ Health Study tại Mỹ cho thấy những phụ nữ tiêu thụ nhiều protein thực vật trong độ tuổi trung niên có sức khỏe tốt hơn khi về già. Họ cũng có tỷ lệ mắc 11 bệnh mạn tính thấp hơn, đồng thời có sức khỏe tinh thần, nhận thức và thể chất tốt hơn.

2. Giảm lượng đường thêm vào

Ăn thực phẩm có đường tinh luyện làm đẩy nhanh quá trình lão hóa. Một nghiên cứu năm 2024 phát hiện rằng tiêu thụ thực phẩm có đường tinh luyện có liên quan đến lão hóa sinh lý nhanh hơn, ngay cả khi áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh.

Giáo sư Barbara Laraia của Đại học California–Berkeley nhận định rằng giảm lượng đường tinh luyện tiêu thụ xuống 10 gram/ngày sẽ tương đương với việc làm chậm đồng hồ sinh học của cơ thể khoảng 2.4 tháng.

3. Bổ sung kỷ tử

Kỷ tử (Lycium barbarum), còn gọi là câu kỷ tử, là một loại dược liệu quý trong y học cổ truyền Trung Quốc và được biết đến như một “loại trái trường thọ”. Theo Trung y, kỷ tử có thể bổ thận, dưỡng gan và cải thiện thị lực.

Kỷ tử rất giàu carotenoid, flavonoid và polysaccharide. Các nghiên cứu tổng quan cho thấy polysaccharide trong kỷ tử có tác dụng chống ung thư, bảo vệ thần kinh, chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch.

Công thức trà kỷ tử hoa hồng dâu tằm:

Nguyên liệu:

  • 300 ml nước
  • 10 trái kỷ tử
  • 8 trái dâu tằm khô
  • 4 bông hoa hồng khô

Cách làm:

  • Rửa sạch các nguyên liệu.
  • Đun sôi nước, cho tất cả nguyên liệu vào.
  • Để nguội và thưởng thức.

4. Đi ngủ đều đặn

Duy trì thói quen ngủ đúng giờ giúp kéo dài tuổi thọ. Nghiên cứu cho thấy những người ngủ đều đặn có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 20–48%, nguy cơ tử vong do ung thư thấp hơn 16–39%, và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn 22–57% so với những người có giấc ngủ thất thường.

5. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục không chỉ kích thích cơ thể mà còn cả bộ não. Nó giúp cải thiện lưu thông máu, mang thêm oxy và dưỡng chất đến nuôi dưỡng các tế bào não. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục nhịp điệu có thể nâng cao trí nhớ theo sự kiện ở những người từ 55 tuổi trở lên, giúp họ nhớ lại các sự kiện một cách rõ nét và sinh động hơn.

Tiến sĩ Scott McGinnis, phó giáo sư thần kinh học tại Trường Y Harvard, khuyên rằng mỗi tuần nên tập ít nhất 150 phút thể dục mức độ vừa phải. Ví dụ như đi bộ nhanh, ông gợi ý bắt đầu chỉ với vài phút mỗi ngày và dần dần tăng thêm từ 5 đến 10 phút mỗi tuần cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Ellen Wan, The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

THÔNG BÁO HỌP MẶT 16/2/2025 - Trường THCL.Tây Ninh cũ,nay là Trường Trần Hưng Đao

Kính Gửi    CỰU GIÁO SƯ VÀ CHS. TRƯỜNG TRUNG HỌC CÔNG LẬP TÂY NINH. Như thường lệ mỗi năm chúng ta họp mặt vào ngày CN, tuần lễ thứ 3 của th...