“Người chết hai lần…” là một câu hát trong nhạc phẩm “Ngụ Ngôn Mùa Đông” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Câu này, ý diễn tả, thời chiến tranh, một người đã chết, có khi vẫn chưa yên, còn phải bị bom mìn cày xới thêm lần nữa…
Tuy hiếm nhưng có lúc trên net, tin báo ai đó vừa từ trần, vậy mà hôm sau lại đính chính là đương sự vẫn “sống”. Là người, ai rồi cũng chết, như thế người này chẳng phải là chết hai lần sao…
Trong làng văn có giai thoại, khá sôi nổi một thời, chuyện kể rằng:
Bác Mai Lâm - nhà giáo dạy học ở Cao Bằng, cách Hà Nội hơn 300 cây số - nghe loáng thoáng, tờ báo An Nam Tạp Chí, do thi sĩ Tản Đà làm chủ bút, đã chết, nghĩa là đã đình bản nhưng ba chớp ba nháng thế nào, lại nghe lầm thành Thi sĩ Tản Đà đã chết! Ông thương tiếc và cảm khái viết bài thơ “Viếng Thi Sĩ Tản Đà”:
TS.Tản Đà
Ôi thôi! hỡi bác Tản Đà
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời...
Xa trông mây nước ngậm ngùi
Tấm lòng thương nhớ mấy lời viếng thăm
...
Ôi thôi hỡi bác Tản Đà...
Có phen run rủi hai ta tương phùng…
Ôi thôi hỡi bác Tản Đà…
Chí cao nghiệp lớn ai người nối theo…
Bức Dư đồ rách ai bồi
Báo An Nam nghỉ ai rồi lại ra...
Đà dù cạn, Tản dù mòn
Danh thơm thi sĩ vẫn còn truyền lâu...
Ít lâu sau, thi sĩ Tản Đà lại xuất hiện trên Tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy (của Vũ Đình Long), bác Mai Lâm mừng lắm, tất tả mang bài thơ viếng bạn về Hà Nội tìm Tản Đà, gặp nhau trong tiệc rượu, cả hai vừa uống rượu vừa bình thơ của bác Mai Lâm... sau đó thi sĩ Tản Đà làm bài thơ đáp lại thịnh tình của bạn rồi cho đăng cả 2 trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Bài thơ đáp lại của thi sĩ Tản Đà rất trào lộng:
Nực cười cho bác Mai Lâm
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau...
Nực cười cho bác Mai Lâm...
Con tằm còn trả nợ đời chưa xong...
Nực cười cho bác Mai Lâm...
Bức Dư đồ rách không bồi
Báo An Nam nghỉ biết đời nào ra
Hủ nho vô ích nước nhà...
Đà chưa cạn, Tản chưa mòn
Còn ai thi sĩ lại còn tri âm
Nực cười cho bác Mai Lâm
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau
Giai thoại trên tưởng là hãn hữu, thế mà mới đây, “Làng Văn Hải Ngoại” xảy ra chuyện tương tự, kể cũng là một giai thoại. Chuyện thế này:
Trên trang web của tờ Việt Báo bỗng xuất hiện một mẫu tin có nội dung...(xin kể vắn tắt):
“VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ LÃM THÚY”………
Thế là bạn văn gọi phone cho nhau hỏi tin tới tấp…cũng có gọi phone cho nhà thơ Lãm Thúy nhưng bặt vô âm tín. Có người, có tổ chức lo làm bản Phân Ưu, lại có người chuẩn bị điếu văn truy điệu…
Vừa có trách nhiệm, vừa là bạn văn, bạn nghệ sĩ với nhà thơ Lãm Thúy, người đương là Phó Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ VN Hải Ngoại. Tôi soạn Tiểu Sử, viết Phân Ưu…
Lúc chấp bút làm thơ ai điếu “Khóc Lãm Thúy”, đầu tôi cứ vẩn vơ hai câu thơ của Bút Tre, tuy tứ thơ vừa thô vừa mộc mạc nhưng cái ý cái tình lại đậm đà, tha thiết lắm…thế là tôi nhái hai câu thơ này để khởi đầu bài thơ ai điếu nhà thơ Lãm Thúy.
“KHÓC LÃM THÚY”
“Tin nghe như sét đánh ngang
Lãm Thúy đang sống chuyển sang từ trần”
Tài hoa là phải bạc phần???
Tô đời rót mật có ngần ấy thôi
Từ nay “Bắc Đẩu về ngôi”
Chợt ta bỗng thấy lẻ loi giữa đời
Khi buồn lúc chán cuộc chơi
Lấy ai xả giận cho vơi nỗi sầu
Còn ai ý hợp tâm đầu
Mạn đàm mấy chuyện trăng sao mây ngàn
Thi văn không bạn luận bàn
Không người nhẫn nhịn cái “gàn” của ta
Nhớ sao cái tánh hiền hòa
Mặc cho “thi bá” ba hoa chích chòe
Chỉ cười đôn hậu chẳng hề
Chau mày hờ hững phải nghe chuyện xàm
Đậm đà cái chất miền Nam
Ôn nhu hòa nhã như cam phận mình
Thật ra tác giả “Thâm Tình”
Biết thì biết hết, làm thinh đấy mà
Biết người mà cũng biết ta
Trọng tình trọng nghĩa hài hòa tâm giao
Từ nay, thôi vĩnh biệt chào
Về cùng “Từ Mẫu” tên vào thiên thu
Cỡi mây lướt gió vi vu
Tâm bình, trí thản ngao du suối đồi
Ôi thôi, “Thúy Đã Đi Rồi”
Văn đàn nay sẽ buồn ơi là buồn
Trời thu bất chợt mưa tuôn
Như muôn sợi nhớ khơi nguồn tiếc thương
Tử sinh dẫu biết vô thường
Nhưng đời ngắn quá, như sương đầu cành
Như bọt sóng nổi đầu gành
Mới cười nói đấy, giờ đành chia tay
“Tài mệnh tương đố” buồn thay
Đa tài yểu mệnh xưa nay lẽ đời
Lệ sầu tiễn bạn lên trời
Mai mình về đất, ai người khóc ta…
Trời Thu ảm đạm vàng pha
Trên cành, lá vẫn thiết tha chưa rời
Mượn “lục bát”, gởi đôi lời
Gởi người tri kỷ về nơi vĩnh hằng
(Nhất Hùng)
Bài thơ này, tôi chưa kịp đọc điếu cho nhà thơ Lãm Thúy thì lại có tin: “Lãm Thúy chưa chết…Lãm Thúy chưa chết…Lãm Thúy còn sống… Thì ra tin đó chỉ là sự nhầm lẫn của Tờ Việt Báo Online mà thôi …họ đã rút bản tin ấy xuống rồi…”. Còn gọi phone mà Lãm Thúy không bốc chỉ là tình cờ phone hỏng bất ngờ….
“Vị” vô tình gây ra cái tin “sét đánh ngang” này đã email cho nhà thơ Lãm Thúy để vừa giải bày vừa xin lỗi…gởi các bạn xem để tường…coi như là chứng tích của giai thoại này (dưới bài):
Xưa, bác Mai Lâm phải chờ đến mấy tháng mới biết mình nhầm, còn nay, có internet có iphone…nếu có nhầm chăng, quá lắm cũng chỉ một hai ngày.
Sau những “chia buồn” thật “nực cười” của các bạn, rồi đọc thơ Nhất Hùng "ai điếu". Nhà Thơ Lãm Thúy cười vui lắm và cho biết như thế cũng hay, không những đã giải điềm cho một giấc mộng thật xấu của chị mà lại còn có thơ “tế sống” mình nữa, ở đời mấy ai có “dịp kỳ cục” như thế.
Rồi Lãm Thúy “TẠ TẾ”, bằng bài thơ cũng trào lộng không kém Bác Tản Đà:
BÀI THƠ TẠ TẾ
Bỗng dưng lại có tin buồn
“Nhà Thơ Lãm Thúy - Tiếc Thương Vô Cùng…”
Tưởng rằng ta đã lâm chung
Tin bay nhanh quá, rộn vùng Thủ Đô
Rồi xuyên Bang, đến bạn thơ
Bao lòng thương tiếc, xót xa, ngậm ngùi
Tưởng theo “Từ Mẫu” về trời
Nhất Hùng “thi bá” bồi hồi thở than
Cái chi là sét đánh ngang?
Dễ gì đang sống chuyển sang từ trần!
Giả như chấp nhận bạc phần
Mà “Tài hoa” được thì vâng, cũng đành
Lại còn “Bắc Đẩu” vang danh
Tiếc phù sinh chi, chẳng nhanh chân về?
Nghe lời ai điếu lê thê
Mới hay “thi bá” chẳng hề vô tâm
Nào là nghĩa trọng tình thâm
Hiền lành, đôn hậu, thâm trầm, thiết tha
Ôn nhu, hòa nhã đậm đà
Lời như rót mật thật là dễ nghe
Tiếc tâm giao chẳng vội về
E khi nhàm chán cận kề không ai
Thiếu người cho bạn giải bày
Nói trăng nói cuội khi hài lúc bi
Như “Thâm Tình” còn ngại chi
Tự tôn tự mãn nói gì cũng nghe
Thơ hay ảnh đẹp vẹn bề
Vợ xinh con giỏi không khoe. Tội gì?
Đời dài hay ngắn hề chi
Còn phương danh mãi, khắc ghi. Đủ rồi
Phải đi thì cứ đi thôi
Lo chi về đất không người khóc ta!
Tố Như nói vậy thôi mà
Nhất Hùng đâu kém tài hoa. An lòng
Chút danh còn với núi sông
Chỉ e nước mắt ròng ròng khó lau
Có nhầm, hiểu bạn tâm giao
Bài thơ tạ tế, ngờ đâu viết rồi!
Lãm Thúy
Hoa Thịnh Đốn 10/2019
Lãm Thúy bị báo nhầm là chết nhưng không chết…theo quy luật của tạo hóa, bất cứ ai cũng không thể trường sinh bất tử…như thế chẳng phải là Lãm Thúy chết hai lần sao.
Còn tôi, làm thơ khóc bạn mà chợt bồi hồi xúc cảm cho chính mình:
Lệ sầu tiễn bạn lên trời
Mai mình về đất, ai người khóc ta…(nh)
nhất hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét