Ngân Triều : Về bài thơ Đường( Không tên) của Lý Thương Ẩn
Nhân đầu năm mới, xin tặng quý anh chị em một bài Thơ Đường hay. Xin chúc một năm mới An khang- Thịnh đạt và thỏa lòng. Ngân Triều
VÔ ĐỀ (Lý Thương Ẩn), một bài Thơ Đường không tên
Khai bút đầu Xuân Quý Tỵ, biết viết gì đây? Tự nhiên, tôi chợt nhớ đến một bài Thơ Đường đã đọc ngày xưa, bài Vô đề của Lý thương Ẩn (無 題 / 李 商 隠)
Lý thương Ẩn (813 – 858), tự là Nghĩa Sơn, hiệu là Ngọc Khê Sinh. Người huyện Hà Nội, nay là Phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Thiếu thời, giỏi văn chương nên thường giao du với con cái của những người quyền quý bấy giờ. Năm 837, ông nhờ thế lực, đậu tiến sĩ, được nhận làm thư ký, được Quan trấn Thủ Hà Dương gả con gái cho. Do ở giữa các thế lực đối đầu nhau nên con đường công danh của ông nhiều phen lận đận …Bệnh mất năm 858, lúc đó ông mới 46 tuổi.
Xin cùng tôi đọc bài thơ.
Vô đề - Lý Thương Ẩn
Tương kiến thời nan, biệt diệc nan.
Đông phong vô lực, bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ti phương tận,
Lạp chúc thành hôi, lệ thủy can
Hiểu kính đản sầu vân mấn cải,
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn
Bồng lai thử khứ vô đa lộ
Thanh điểu ân cần vị thám khan
無 題 李 商 隠
相 見 時 㬮 别 亦 㬮
東 風 無 力 百 花 殘
春 蚕 到 死 絲 方 盡
蠟 燭 成 灰 淚 始 乾
曉 鏡 疸 愁 雲 擯 改
夜 吟 應 覺 月 光 寒
蓬 萊 此 厺 無 多 路
青 鳥 慇 懃 爲 探 看
Tạm chuyển sang Tiếng Việt:
Không đề bài – Lý Thương Ẩn
Gặp nhau đã khó mà chia tay nhau lại càng khó hơn
Cũng như gió Xuân kia, thổi nhẹ nhàng mà muôn hoa tàn héo.
Cũng như con tằm Xuân, đến chết vẫn còn cho tơ
Cũng như ruột nến kia cứ tuôn lệ sầu cho đến lúc thành tro mới dứt
Buổi sáng, soi gương, những buồn vì tóc mây đổi màu
Đêm đến ngâm thơ, mới thấy ánh trăng lạnh lẽo
Cơ hội mừng vui, còn gặp nhau (Bồng Lai)chắc không còn nhiều nữa
Vậy xin ân cần cậy người (chim xanh), hãy đến đưa đón, trợ giúp tôi với.
Vô đề - Lý Thương Ẩn
Xa nhau khó, tựa gặp nhau
Gió Đông không sức, hoa rầu xác xơ
Thác rồi tằm vẫn cho tơ;
Tàn rồi nến mới biết khô lệ sầu.
Soi gương, buồn tóc đổi màu ;
Ngâm khuya h ẵn biết trăng thâu lạnh lùng
Cõi xa xôi, mấy non Bồng ,
Dò đường hỏi lối, cậy cùng chim xanh
(Thầy Trần Trọng San dịch)
· Về đề bài
Đã hơn ngàn năm qua rồi, mà ý tưởng của cổ nhân thật là gần gũi! Vô đề là không có đầu đề bài thơ, hay đầu đề bài thơ là không có đầu đề. Tác giả có lẽ dạt dào cảm xúc, chưa kịp nghĩ ra đề bài, hay đó chính là một cách cố ý muốn nói nửa vời, thi vị, lôi cuốn độc giả…(Dẫu sao, cấu tứ cụ thể cũng đã dàn trải trong nội dung của bài thơ hàm súc…Đặt đầu đề hay không , khi đọc qua bài thơ thì độc giả cũng hiểu bài thơ chuyên chở điều gi).
Hơn ngàn năm sau, trong lĩnh vực âm nhạc Việt Nam, có nhạc sĩ cũng đã sáng tác hàng loạt ca khúc có tựa đề là “Bài ca không tên số…” cũng rất được khán thính giả cổ vũ và ưa thích một thời.
Vậy là, “không đề bài” có thể là một sự sáng tạo hữu duyên của tiền bối, được người đời sau sử dụng như một phong cách đưa duyên, trữ tình, thi vị.
· Hai câu đề:
相 見 時 㬮 别 亦 㬮
東 風 無 力 百 花 殘
Thiên nhiên và con người như đồng cảm trước cảnh hợp tan.
Câu đầu tác giả đã đưa ra một sự thật hiển nhiên. Gặp nhau, đã khó nhất là ngày xưa, đường đi núi sông cách trở, phương tiện đi lại khó khăn, thì người gặp người… quả là thiên nan, vạn nan.
Nhưng đã gặp nhau rồi, biết bao tình, mừng vui khấp khởi, thỏa lòng. Đến khi chia tay nhau thì càng khó khăn hơn. Người ở lại thì thương người đi xa, dấn thân vào nơi nguy hiểm, gian nan, tự hỏi không biết có còn gặp nhau nữa không, hay là lần găp nhau nầy, kể như là vĩnh biệt. Thật quá bi thương! Khác nào như cảnh tàn úa, rơi rụng của muôn hoa, trong gió Xuân mát lạnh, nhẹ nhàng. (Muôn hoa buồn vì cảnh chia ly đó nên sầu thảm, lìa cành/ Có thể hiểu cảnh chia tay diễn ra trong mùa Xuân. Thấy hoa rụng, muôn hoa kia héo hon tàn úa, chừng như chính là nỗi lòng tác giả phải lìa xa người bạn phương trời)
Ngày ấy, Lý Bạch 李 白 đã tiễn đưa Mạnh Hạo Nhiên 孟 浩 然 đi Quảng Lăng 廣 陵 cũng đồng một tâm tình như thế. Ộng đứng lại rất lâu, mãi nhìn theo cánh buồm lẻ loi (cô phàm) của bạn xa dần…xa dần, chỉ còn là một chấm nhỏ (viễn ảnh), cho đến khi cánh buồm đó tan biến vào khoảng trời xanh biếc (bich không tận). Tình bạn xưa nay thật vô cùng cảm kích:
Tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Lý Bạch)
Cố nhân Tây từ Hoàng Hạc Lâu,(1)
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu (2)
Cô phàm viễn ảnh bích không tận (3)
Duy kiến trường giang thiên tế lưu (4)
Nguyên văn:
送 孟 浩 然 之 廣 陵 (李 白)
故 人 西 辭 黃 鶴 樓
煙 花 三 月 下 楊 州
孤 帆 遠 影 碧 空 盡
唯 見 长 江 天 際 流
Chuyển sang Tiếng Việt:
TIỄN MẠNH HẠO NHIÊN ĐI QUẢNG LĂNG
(1)Bạn cũ rời xa lầu Hoàng Hạc phía Tây
(2)Đi xuống Dương Châu , vào tháng ba,mùa hoa khói
(3)Cứ mãi nhìn theo cánh buồm lẻ loi (của bạn) cho đến tận cuối trời xanh biếc,
(4)(Cuối cùng) Chỉ còn thấy dòng sông dài tuôn chảy đến bên trời.
Dịch thơ:
Bạn từ Lầu Hạc lên đường,
Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng.
Bóng buồm đã khuất bầu không,
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.
(Ngô Tất Tố dịch)
Bạn cũ rời chân Hoàng Hạc Lâu,
Giữa mùa hoa khói, xuống Dương Châu.
Buồm ai mất hút trong mây biếc,
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau.
(Thầy Trần Trọng San dịch)
· Hai câu thực:
春 蚕 到 死 絲 方 盡
蠟 燭 成 灰 淚 始 乾
Phải chăng chuyện hợp tan là cái qui luật đau thương của kiếp người, muôn nơi
và muôn thuở?
Điều đó, khác nào “Con tẳm đến thác cũng còn vương tơ” (Kiều câu 1976)/ hay như ngọn nến kia cứ mãi nhỏ lệ cho đến khi tim cháy thành tro tàn, lệ nến mới khô. Hai hình ảnh con tằm và lệ nến được chọn lọc, như một từ nhãn tự, hàm súc, gợi tả tuyệt vời...
· Hai câu luận: Chạnh nỗi niềm riêng
曉 鏡 疸 愁 雲 擯 改
夜 吟 應 覺 月 光 寒
Buồn vì thấy mình cao tuổi, già đi khi soi gương. Già đi là một trong bốn cái khổ của thế nhân: Sinh, lão, bệnh, tử. Tứ thơ rất thanh thoát như phần mở đầu của bài thơ Tương Tiến Tửu của Lý Bạch:
Quân bất kiến
Hoàng Hà chi thủy, thiên thượng lai
Bôn lưu, đáo hải, bất phục hồi
Quân bất kiến
Cao đường minh kính bi bạch phát
Triêu như thanh ty mộ thành tuyết…
君 不 見
黄 河 之 水 天 上 來
奔 流 到 海 不 復 回
君 不 見
高 堂 明 鏡 悲 白 髮
朝 如 青 絲 暮 成 雪
Anh thấy chăng
Nước sông Hoàng Hà,từ trời đến
Tuôn chảy ra tận biển không bao giờ trở lại
Anh thấy chăng
Gương tỏ nhà cao, buồn tóc trắng
Buổi sáng như tơ xanh,buổi chiều trở thành tuyết.
Ý nói thời gian cũng như tuổi Xuân trôi qua như dòng sông ra biển, không bao giờ trở lại. Đời người nhanh sao! Mới sớm chiều thôi, mà tuổi già đã sồng sộc đến.
Mặt khác, chi tiết ánh trăng lạnh lẽo hàm ẩn sự vắng vẻ, cô liêu,rượi buồn trong nỗi niềm vắng bạn.
· Hai câu kết : Tâm tình của tác giả
蓬 萊 此 厺 無 多 路
青 鳥 慇 懃 爲 探 看
Với những ý tưởng trên, gặp gỡ - chia tay là khó khăn , buồn khổ thêm nhưng đời người ngắn ngủi, buồn hiu,trong cô quạnh thì có lẽ cũng nên có những cơ hội mừng vui (họp mặt)gặp nhau cho thỏa lòng. Vậy xin nhờ người đưa đón (tổ chức) tạo điều kiện và trợ giúp cho ta nhé!
Tóm lại,
Vô đề (Lý Thương Ẩn) là môt tiếng ca buồn, nhiều cung bậc về cảnh ngộ hợp-tan của đời người. Cái buồn thật là não nuột. Việc tương phùng đã khó thay mà ly tan càng khó hơn bội phần . Đời người chóng qua, dài trong gang tấc sớm chiều mà người sống trong chốn tịch liêu , bạn bè xa cách phương trời, không thể gặp nhau… thì hụt hẫng lòng đau, nhớ thương không dứt…
Vô đề còn là một thông điệp về lòng hiếu khách, ái hữu, tôn trọng , yêu quý bạn bè rất mực của tác giả.
Kết thúc bài thơ, tôi cứ lẩm nhẩm :
Thác rồi ,tằm vẫn cho tơ.
Tàn rồi, nến mới biết khô lệ sầu.
Tứ thơ thật là cao nhã! Tứ thơ không những cao ngất lòng vị tha, nhân ái mà nó còn dạt dào thông đạt một thái độ hiểu lẽ đời, (ý thức rõ cái nghĩa thống khổ thương đau tất nhiên, trong cõi người ta) …của một thức giả, của một bậc minh triết.
|