Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

CHÙM TẠP BÚT VỀ TẾT - Nguyễn Thị Hậu

ĂN TẾT Ở THÀNH PHỐ

Còn gần nửa tháng nữa thì đến Tết, TP.HCM đã rộn ràng không khí đón xuân mới. Mỗi khi năm hết tết đến thấy dòng người đổ về miển Tây, ra miền Trung, miền Bắc là người ở lại TP.HCM như tôi lại thấy nao nao... Chỉ vài ngày nữa thôi là thành phố sẽ vắng dần, rồi ngày 30, mùng Một trở nên yên tĩnh lạ lùng vì chỉ còn những người “ăn tết ở thành phố”.

TP.HCM là thành phố của người nhập cư. Đa số người dân ở TP.HCM ai cũng có một miền quê, là nơi mà mỗi dịp tết là trở về và cũng là nơi gợi nhớ thời thơ ấu bên gia đình, dòng họ. Nhưng rồi xa quê lâu năm, ông bà cha mẹ khuất xa, họ hàng bà con cũng vắng dần... Vậy là thành phố này trở thành quê hương.

Mấy năm nay lịch nghỉ tết thường được “linh động” kéo dài hơn, song người ở TP.HCM tranh thủ những ngày trước tết đi thăm viếng biếu tặng quà tết cho bà con, bạn bè. Còn “ba ngày tết” là ngày dành cho gia đình ruột thịt, bởi cả năm ai cũng đi làm theo “giờ hành chính”, theo ca kíp. Ở nhiều cơ quan, công ty hết việc nhân viên mới nghỉ chứ không phải hết giờ hay hết ngày làm việc. Lối sống đô thị - công nghiệp làm cho người thành phố lúc nào cũng khẩn trương vội vã, mấy ngày tết chính là cơ hội để có thể “sống chậm”, tận hưởng tình cảm gia đình và thư giãn tinh thần bằng nhiều sinh hoạt văn hóa nghệ thuật.

Bây giờ Tết ở thành phố vẫn còn nhiều tục lệ như ở thôn quê. Nét xưa mỗi gia đình thành phố còn gìn giữ tuy không quá câu nệ. Ngày 23 nhộn nhịp từ chợ búa đến những con hẻm, khu chung cư đều cúng đưa ông Táo về trời, nhiều người mang cá chép thả xuống kinh rạch đã sạch hơn trước, sau đó di tảo mộ ở nghĩa trang hay lên chùa thắp nhang cho người thân đã khuất. Gia đình quây quần trong bữa cơm tất niên, ba ngày Tết luôn có mâm cơm đưa rước ông bà. Nhiều gia đình trẻ chọn việc đi du lịch những ngày đầu năm mới nhưng trước đó không quên thăm viếng ông bà cha mẹ. Đâu phải tự nhiên mà Đường hoa Nguyễn Huệ từ nhiều năm nay luôn tái hiện cảnh thôn quê dân dã, thu hút rất đông người thành phố đến tham quan vui chơi... Bởi vì đó chính là quê hương mà người thành phố vẫn mang theo trong ký ức.

Tết thành phố còn là “mùa nhân ái” vì có nhiều hoạt động xã hội, nhiều cơ hội để người thành phố chia sẻ với nhau và giúp đỡ những miền quê. Nhiều nhóm thiện nguyện mang đến cho người lang thang cơ nhỡ những món quà thiết thực như áo ấm, chăn mền cho những đêm trời gió chướng se lạnh, bao lì xì nhỏ như lời chúc may mắn trong năm mới. Từ thành phố nhiều đoàn xe chạy về các vùng thôn quê nơi còn bao người thiếu thốn, tặng bà con chút quà tết cho bà con vợi bớt những lo toan vất vả cả năm.

Năm nay thời tiết TPHCM khá đặc biệt, tháng chạp trời se lạnh mà vẫn có những cơn mưa trái mùa. Một người bạn nói với tôi: Tiết trời này ngồi cà phê ngắm Sài Gòn thì tuyệt... Rồi lại nói luôn: Mưa trái mùa kiểu này người trồng hoa ở miền Tây, miền Trung sẽ lo lắm đây! “Người thành phố nào cũng có một nhà quê” đâu phải chỉ là một quê nhà cụ thể, mà chính là sự gắn bó rất đời thường như vậy đó.



2./ MÙI TẾT HÀ NỘI XƯA

Khoảng thời gian gần Tết ta thường bắt gặp trong không gian những mùi hương của ký ức.

Vào những năm xa xưa khi đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, ấy là lúc mẹ mang ra chăn ấm áo lạnh được bọc gói cất kỹ trong hòm trong tủ. Gian nhà nhỏ sực lên mùi băng phiến. Lũ trẻ súng sính trong tấm áo còn ủ mùi thơm sạch sẽ, tung tăng khắp khu tập thể.

Đấy là mùi của những sớm mùa đông. Bước chân ra phố một làn sương bảng lảng trên con đường còn vắng người qua lại. Hơi nước, làn gió, lá cây ngọn cỏ tỏa ra hương thơm tinh khiết làm lòng người chùng lại, nhịp sống chậm đi một tích tắc cho người ta sống dài thêm một chút.

Đấy là hương thơm những “gánh hàng hoa” từ phía “ngoại ô” đi vào thành phố. Ngoại ô xưa giờ đã là nội thành với nhà cao tầng đường nhựa ngang dọc. Nhưng thấp thoáng vẫn còn mảnh vườn nhỏ có gốc đào, vài luống hoa rực rỡ sắc màu. Hương hoa mùa giáp tết nồng nàn quyến rũ như thiếu nữ Hà Nội căng tràn sức sống.

Đấy là mùi hương trầm khói nhang ấm áp trên bàn thờ những ngày cuối năm như phảng phất hình bóng người thân. Tết là dịp sum họp gia đình, hương thơm nhang khói làm cây cầu tâm linh nối người còn sống với người đã khuất.

Ngày Tết càng gần mẹ càng tất bật lo toan. Mỗi khi đi làm về trong cái giỏ xe có thêm bó măng khô thơm mùi nắng, gói miến dong thơm mùi đất ẩm… Mấy cân gạo nếp thơm như mùi rơm mới, cân đậu xanh ngai ngái. Có năm cha đi công tác Tây Bắc mang về một xâu nấm hương mộc mạc mùi rừng núi.

Khoảng qua rằm tháng Chạp mẹ mang ra hàng gia công “quy gai quy xốp” một túi nào bột nào đường với mấy quả trứng, có khi thêm cục bơ bé xíu. Sau cả ngày xếp hàng chờ đợi lũ trẻ náo nức khi mẹ mang về một túi nilon đầy những chiếc bánh thơm phức ngọt ngào. Đây đó trong phố đã thoang thoảng mùi thơm pháo tép…

Rồi ngày sát Tết nhà nhà rộn ràng gói bánh. Mùi lá dong tươi, mùi đậu xanh chín, mùi thịt ướp tiêu hành, mùi khói bếp, hơi nước từ nồi bánh đang sôi tỏa ra một mùi thơm “tổng hợp” của Tết. Chiều ba mươi mẹ nấu nồi nước mùi già, nước bồ kết, cả nhà “tẩy trần” trước bữa cơm tất niên đón ông bà về ăn tết với con cháu.

Những mùi hương ký ức mang tôi trở lại tuổi thơ của một thời Hà Nội nghèo khó mà đầm ấm.

3./BỮA CƠM NGÀY TẾT NAM BỘ

Từ thời bao cấp còn khó khăn cho đến nay, khi hàng hóa vô cùng phong phú, thức ăn luôn đầy ắp các chợ và siêu thị… thì theo thói quen và tính lo toan vốn có, những ngày giáp tết phụ nữ trong gia đình vẫn tất bật mua sắm để biếu tặng nội ngoại hai bên, và nhất là để chuẩn bị “ăn Tết”. Ăn Tết, không chỉ là được thưởng thức các món ăn đặc biệt, mà còn là dịp người phụ nữ trổ tài nấu nướng bày biện, là mỗi người đều được đắm mình trong không khí đặc biệt của những bữa ăn sum họp gia đình.

Vào dịp Tết ở miền Bắc thường khá lạnh, nhưng Tết miền Nam, Tết Sài Gòn là những ngày nắng vàng rực rỡ. Vài năm nay có được chút se lạnh vào buổi sáng thì đến trưa lại nắng nóng, vì vậy các mâm cơm ngày Tết miền Nam cũng khác với mâm cỗ Tết miền Bắc.

Không khí Tết miền Nam đầu tiên là đến từ chợ Tết. Một năm trong những ngày giáp Tết thì chợ lớn chợ nhỏ đều tấp nập suốt ngày, cao điểm từ khoảng ngày 23 cúng Ông Táo. Trong nhà lồng và những con đường quanh chợ không còn chỗ chen chân. Trong chợ quần áo giày dép, đồ ăn thức uống sạp nào cũng đầy ắp. Bên ngoài thì hàng trái cây rau xanh, hàng đồ gốm bình bông tiền vàng mã vây kín mặt tiền chợ. Rồi các hẻm quanh đấy tràn ngập hoa Tết đủ loại từ Đà Lạt về, từ miền Tây lên, từ nhà vườn Thủ Đức, Gò Vấp đến… Nhiều nhất là sắc hoa vàng - Tết phương Nam mà thiếu cúc vàng mai vàng thì cũng giống như Tết miền Bắc mà thiếu cành đào thắm đào phai, đâu còn là Tết.

Và bánh tét bánh chưng cũng tràn khắp nơi: bánh tét Trà Cuôn, Long An, Cần Thơ từng đòn tròn to chắc nịch, nếp xanh màu lá dứa có trứng vịt muối bùi bùi cùng miếng mỡ mềm rục. Bánh chưng Bắc “truyền thống” vuông vắn trong nilon hút chân không, để lâu vẫn mềm, không thiu trong tiết trời nắng nực. Giò chả thịt nguội các loại, dưa cải kim chi dưa kiệu dưa món… từng hũ nhỏ lớn xếp cao hình tháp bên cạnh những hũ tôm khô từng con đều nhau đỏ au, chỉ nhìn đã thấy ngon.

Đi chợ Tết đâu chỉ một lần, có khi vài ba lần mới đủ các thức ăn, gia vị cho những bữa cơm ngày Tết. Chỉ tính qua cũng đã có vài mâm cơm cúng vào các ngày 30 tết và mùng Một, rồi còn ngày mùng ba rồi mùng bảy “hạ nêu”. Mỗi ngày có thể thêm bớt vài món ngon, nhưng nhìn chung nhà nào cũng nấu các món truyền thống của mâm cơm ngày tết Nam bộ.

Ngày Ba Mươi mâm cơm cúng rước ông bà về ăn Tết thì luôn có các món như: thịt kho hột vịt bằng nước dừa, những miếng thịt màu nâu vàng, mỡ trong veo mềm rục; đĩa thịt đầu heo ngâm dấm trộn vài cọng dưa rau muống xanh điểm lát tỏi trắng lát ớt đỏ sợi gừng vàng, dĩa dưa góp củ cải cà rốt mặn ngọt thơm thơm, đĩa chả giò chiên và rau sống, tô canh khổ qua nhồi thịt hay tô canh măng tươi hầm chân giò… Tất nhiên không thể thiếu các món nguội như giò lụa, giò thủ, nem chua, mấy đĩa dưa cải chua, dưa giá lẫn tôm khô, xanh trắng đỏ rất bắt mắt.

Bây giờ bánh tét Nam bộ có nhiều biến tấu với nhân ngọt nhân chuối và nhân mặn như đậu xanh, thịt mỡ, lạp xưởng, trứng muối… Nhưng một đòn bánh tét chuẩn miền Nam phải được gói bằng lá chuối, tròn và chắc, nhân nằm chính giữa. Loại bánh “ngũ sắc” khi “tét” (cắt) thành khoanh có thể thấy đầy đủ màu nhân đậu vàng, giữa là màu đỏ cam của lòng đỏ trứng vịt muối, xung quanh ba màu nếp đỏ (gấc), tím (lá cẩm) và xanh (lá dứa). Đĩa bánh tét đặt giữa làm nổi bật hơn ý nghĩa của mâm cơm ngày Tết.

Ngày mùng Ba cúng đưa ông bà mâm cơm đơn giản hơn, nhưng phải có đĩa “Tam sên” gồm một miếng thịt heo, 2 quả trứng vịt và 3 con tôm càng xanh, có cá kho và tô canh chua, rau củ Đà Lạt gồm bông cải và cà rốt, đậu Hà Lan xào thịt bò, nấm hương, bóng (bì heo khô) và cần tây… Đĩa gỏi cuốn (tôm, thịt, bún, rau sống) hoặc bì cuốn (bì sợi trộn với thịt, thính, rau sống) chấm nước mắm chua ngọt, lạp xường và cà rốt xắt sợi làm món “bò bía” ăn với tương ngọt. Giữa mâm thường là đĩa gà xé phay trộn bắp cải hay hoa chuối rắc rau răm đậu phộng rang hành phi thơm nức, và tô cháo gà nóng nhiều hành tiêu ăn nhẹ bụng dễ tiêu. Nhiều khi còn có cả món “cù lao” (là món lẩu nấu trong một dụng cụ bằng nhôm, ở giữa có “cù lao” để than cho lẩu nóng lâu) có nhiều rau củ, dễ ăn đỡ ngán sau những ngày tết ăn nhiều chất đạm.

Nhiều năm nay trong nhiều gia đình Nam bộ, trên mâm cúng mùng Một hay giao thừa, còn có gà luộc để nguyên con, đĩa xôi (xôi vò hay xôi gấc, hoặc xôi trắng), giống như mâm cỗ miền Bắc. Nhiều gia đình khác bên cạnh những món mặn truyền thống còn có mâm cúng chay vào ngày 30 và mùng Một Tết.

Mâm cơm ngày Tết Nam bộ gồm những món ăn tuy không quá cầu kỳ trong nguyên liệu và chế biến, nhưng luôn được người bà, người mẹ, người chị chăm chút. Vẫn biết “trước cúng sau ăn”, nhưng bữa cơm đông đủ cả nhà, lại có ông bà về chứng kiến, chắc chắn là bữa cơm gia đình ngon nhất trong năm!

Sau mỗi bữa cơm, con cháu mời ông bà cha mẹ, mời những người khách uống trà ăn bánh ngọt. Trong hương thơm thoang thoảng của trà sen là mùi thơm của các loại bánh mứt: mứt dừa từng sợi trắng, xanh, vàng, hồng từ màu tự nhiên của cây lá quanh nhà, bánh in thơm bột nếp, bánh kẹp mỏng giòn tan, bánh bông lan nhỏ xíu mềm xốp thơm mùi trứng… Rồi các loại mứt tắc (quất) từng quả vàng tươi trong veo, những miếng mứt gừng mỏng thơm cay ấm, mứt gừng dẻo từng sợi lẫn chuối, đậu phộng vừa bùi vừa béo ăn không bao giờ ngán, rồi chuối khô, mứt mãng cầu, mứt cà rốt, khoai lang, mứt sen, mứt bí…

Ngày xưa ở miền quê Nam bộ từ rằm tháng Chạp, trong khi các dì các mẹ lo chuẩn bị mua sắm Tết thì các cô gái trong nhà cặm cụi làm những loại bánh mứt này. Ngày giỗ ngày Tết là lúc các em cháu “trổ tài” nữ công gia chánh đã được mẹ dạy dỗ, mà các cô bác trong làng cũng thường nhìn “mâm bánh” mà để ý tìm con dâu. Nay thì bánh mứt bán khắp nơi, hàng nội hàng ngoại đều có bao bì đẹp, biếu tặng rất tiện… Nhưng những hộp bánh mứt ấy dường như thiếu mất hương vị vén khéo của những người phụ nữ ngày xưa…


Nguyễn Thị Hậu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thành Ngữ Điển Tích 114 : TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH.

  Thành Ngữ Điển Tích 114 :                                 TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH. Ao Chuôm  TRÌ ĐƯỜNG 池塘 là Ao chuôm, ao đầm, ao hồ...