Thứ Năm, 15 tháng 2, 2024

Hơn 60 năm trước, tôi có một cái tết - Phan Nam Sinh

Phan Nam Sinh

Hè năm 1960, tôi thi vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng với hai người bạn thời Trung học là các anh Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) quê Bến Tre và anh Trần Tiến (Chu Cẩm Phong), cùng quê Quảng Nam với tôi. Cả ba đều trúng tuyển, nhưng hai anh được nhận vào học, riêng tôi phải chuyển vào trường Đại học Sư phạm Vinh, Nghệ An.

Hai năm học tại đây, từ năm 1960 tới năm 1962, tôi còn giữ được khá nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là cái Tết năm 1962.

Năm ấy, chỉ còn quãng một tuần lễ nữa là đến Tết thế mà tôi vẫn chưa quyết định được là có về Hà Nội ăn Tết với mẹ tôi hay không. Có nhiều lý do để tôi suy nghĩ, do dự. Học bổng của một sinh viên, sau khi đã nộp tiền ăn, chỉ còn dư năm, bảy đồng, đủ ăn vài mươi tô phở thì tiền vé xe lửa từ Vinh về Hà Nội cũng chẳng phải là dễ kiếm.

Lúc bấy giờ, cha tôi, nhà báo – nhà văn Phan Khôi đã mất gần bốn năm. Cuộc đời hơn bốn mươi năm làm báo, viết văn, khi Hà Nội – Hải Phòng, lúc Sài Gòn – Huế với biết bao thăng trầm của ông chẳng để lại cho tôi được gì ngoài vài trăm cuốn sách, phần lớn là chữ Hán. Mẹ tôi, sau khi cha tôi mất, trở nên sống hụt hẫng. Một người trước đó chỉ quen với công việc bếp núc phục vụ chồng con, bây giờ phải kiếm thêm việc làm, chật vật lắm mới đủ ăn, thi thoảng dành dụm gửi cho ba đứa con đi học xa vài ba đồng tiêu vặt, hỏi lấy đâu ra số tiền đủ để cho tôi về thăm bà được? Một vài người bạn thân cũng có thể cho tôi mượn số tiền ấy nhưng mượn rồi thì lấy gì để trả? Tôi tuy còn rất trẻ nhưng đã quen sống dè xẻn và chẳng muốn phiền ai.

Giữa lúc ấy thì tôi tình cờ phát hiện được tại nhà một người bạn học, ở ngay thị xã Vinh, cách khu ký túc xá sinh viên chúng tôi chừng ba cây số, một… kho sách! Toàn là loại sách rất khó kiếm lúc bấy giờ. Thực ra thì người ta cũng có thể tìm thấy chúng ở các thư viện lớn ở Hà Nội nhưng không phải ai muốn là đọc được. Không là các vị giáo sư tên tuổi thì cũng phải là cán bộ tuyên huấn ở các thành phố lớn hoặc trung ương. Họ đọc để viết vài ba mươi trang giáo trình hoặc đăng đàn diễn thuyết tập dượt dần cái gọi là thói quen làm khoa học cho bọn sinh viên chúng tôi (!).

Thôi thì đủ cả! Thơ của Tản Đà, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Thái Can. Tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, Trần Tiêu, Trương Tửu, Lê Văn Trương… Thêm mấy cuốn khảo cứu của các cụ Phan Kế Bính, Bùi Kỷ, Đào Duy Anh nữa…

Một vài cuốn sách loại ấy, tôi đã được đọc, nhưng chỉ là các trích đoạn, in rô-nê-ô của thư viện nhà trường. Mà cũng khó khăn lắm! Phải đọc ngay tại thư viện, còn chuyện mang về phòng thì chẳng bao giờ có. Trong khi đọc, bà giáo coi thư viện, vợ một Giáo sư Thạc sĩ toán học thời Pháp thuộc, Hiệu trưởng nhà trường cứ luôn dè chừng, nhắc nhở: “Các bạn nhớ đừng ghi chép!”. Cứ y như là một điệp khúc nhàm chán nhưng lúc bấy giờ lại tỏ ra có sức mạnh lạ thường. Chẳng một ai trong đám sinh viên chúng tôi, kể cả những tay sừng sỏ nhất, dám cầm bút trong khi đọc sách. Anh nào có trí nhớ tốt thì may ra nhớ được năm ba câu. Còn như tôi, trí nhớ kém thì chỉ có “của thiên trả địa” thôi. Vì vậy mà không nói, chắc các bạn cũng đoán biết là khi ấy tôi sướng tới cỡ nào!

Thế là tôi quyết định ở lại trường mà không về Hà Nội ăn Tết với mẹ tôi nữa. Mẹ tôi, một người mẹ suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, với chiếc khung cửi tre, tần tảo nuôi ba con nhỏ ăn học, đứa lớn là tôi mới sáu tuổi, đứa nhỏ nhất sinh đúng vào ngày Nhật đảo chính Pháp. Trong chiếc va-ly chạy tản cư, gần như khắp các huyện tự do của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ, ngoài mớ quần áo cũ, vài ba lá thư của cha tôi từ Việt Bắc gửi về còn có cả ba cuốn tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên, Vàng và máu và Mồ cô Phượng mà bà dùng để vỡ lòng cho chúng tôi nữa. Một bà mẹ như thế, khi biết rõ lý do vì sao tôi không về ăn Tết chắc cũng dễ tha thứ thôi!

Chiều hai mươi sáu Tết. Chờ cho các bạn về quê ăn Tết cả, tôi đến nhà anh bạn. Vốn là bạn rất thân của nhau, tính anh lại rộng rãi, nhưng khi tôi hỏi mượn sách, anh tỏ ra lúng túng, do dự. Anh bảo:

– Để mình hỏi thêm ông cụ đã!

Tôi biết ngay là anh không đủ thẩm quyền. Ông cụ đây, tức là bố anh, một ông Phán thời Pháp thuộc, bây giờ đã già yếu, trở thành chủ nhân một sạp tạp hóa nhỏ, đặt ngay tại nhà. Ông hỏi tôi đủ thứ về gia đình, chút ít về văn chương, nhất là đối với các cuốn sách mà lát nữa, có thể ông sẽ cho tôi ôm về ký túc xá để đọc ấy. Tôi cứ tình thực mà thưa, y như là khai gia phả nhà mình vậy. Có điều, tôi giấu biệt tên tuổi hai ông anh  là thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam và Thư ký tòa soạn một tờ tuần báo lớn nhất nhì Hà Nội lúc bấy giờ. Tôi không suy nghĩ gì nhiều, chỉ mong làm sao sớm có sách để đọc là được rồi!

Sau cuộc khảo thí và điều tra lý lịch miễn cưỡng ấy, biết chắc chắn là tôi không có lý do gì để “phản thùng”, ông bằng lòng cho mượn nhưng còn dặn dò phải hết sức cẩn thận, chớ để ai biết mà khổ thân đấy.

Tôi vừa mừng vừa lo, ôm chồng sách chừng vài mươi cuốn đã bó chặt trong một chiếc bao tải nhỏ, luồn lách qua các khu phố vắng người để về ký túc xá. Chẳng ai bắt bớ gì nhưng nếu có người nhìn thấy, cũng dễ sinh chuyện. Thôi thì cứ đề phòng trước là hơn!

Tôi về tới ký túc xá sinh viên lúc trời đã nhá nhem tối và lòng không khỏi nôn nao buồn. Gian phòng mái lá, rộng ba mươi sáu thước vuông mới đây còn ngổn ngang các thứ đồ vật, sách vở, ồn ã đủ các thứ tiếng của bạn bè, giờ đây vắng tanh, vắng ngắt. Ngọn đèn điện 40 Watt đỏ quạch, treo chính giữa phòng, hắt ánh sáng lên vách đất quét vôi từ thuở mới dựng, loang lổ nhừng hình thù kỳ quái, di động. Bụng đã thấy đói. Bếp ăn tập thể đã nghỉ nấu từ chiều nay. Bây giờ mà trở ra cửa hàng mậu dịch ở bến xe ô tô Vinh làm một tô phở chín thì ấm bụng biết mấy nhưng chắc gì ở đấy còn mở cửa. Đành nhịn đói qua đêm vậy thôi! Phải đọc cái đã, may ra mới còn kịp trả. Cái thời hạn khắc nghiệt mà ông Phán định đoạt sau mấy lần cau mày, nhăn trán với rất nhiều suy tính, đắn đo, không cho phép tôi được chần chừ một phút nào cả.

Tôi mải miết đọc và lúi húi ghi chép. Những tính cách nhân vật, những câu thơ dùng làm tư liệu, những cảm xúc dào dạt, tuôn chảy. Những nhận xét bất chợt đến, ngoài khuôn phép, không giống với những điều mà các thầy đã cung cấp ở các tiết lên lớp. Những tờ giấy thếp kẻ ngang đã được rọc thành tám, chi chít những chữ, xô đẩy, xiêu vẹo cho kịp với thời gian, với dòng suy nghĩ. Trời đã chuyển sang xuân từ mấy bữa trước. Cái lạnh ở Vinh có màu sắc riêng, khô hơn, buốt hơn, có phần khó chịu hơn cái rét ở Hà Nội. Tất cả đều không làm tôi chú ý. Chỉ có mùi hương trầm nặng nề, tiếng cuốc bốc mộ và tiếng bóc vải liệm từ những thây người mới chôn ở khu nghĩa địa ngay sát khu ký túc xá, chỉ cách một hàng rào nứa là không khỏi thỉnh thoảng làm tôi rùng mình. Người ta đang gấp rút dời mộ để kịp ra giêng khởi công xây dựng khu nhà bốn tầng làm lớp học và khu ký túc xá mới cho bọn sinh viên chúng tôi.

Chiều ba mươi Tết, tôi đọc hối hả cho xong cuốn sách cuối cùng để kịp đem trả đúng hẹn cho cụ Phán già kỹ tính. Nhớ đó là cuốn Việt Nam văn hóa sử cương của nhà sử học uyên bác họ Đào. Tôi ngậm ngùi, xấu hổ. Ôi! Cái văn hóa làng xã của đất nước mình với bao nhiêu là cái hay, còn không ít cái dở nhưng chắc chắn nhờ đó mà trường tồn, ấy thế mà một người sắp ra làm thầy như tôi, trước đó lại chẳng hề biết và cũng chẳng được ai dạy bảo cho cả. Đến muốn có một cuốn sách như thế để đọc, để tự mày mò nghiên cứu cũng còn là khó. Và, tôi lấy làm lạ cảm thấy, tuồng như ai cũng có thể lý giải một cách tường tận nguyên nhân tất cả nỗi buồn của lòng mình, thời ấy người ta lên án gắt gao hai câu lục bát hay, thật hay của Xuân Diệu: “Hôm nay trời nhẹ lên cao, Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…”.

May mà cái thời có muốn khác cũng chưa thể khác được ấy, tuy có kéo dài nhưng rồi cũng qua đi. Hơn hai mươi năm trở lại đây, khi quan điểm văn chương và giảng dạy văn chương đã được cởi mở, tôi có dịp giở lại những trang ghi chép của mình. Gần một trăm trang giấy khổ nhỏ từng theo tôi gần năm mươi năm, lúc ở trường này, khi ở trường khác, có lần suýt bị bom Mỹ vùi lấp, bây giờ đã ố vàng. Có trang nhòe nhoẹt nước mưa hồi trường chuyển về nơi sơ tán, chỉ còn đọc được lỗ chỗ.

Nhiều trang từng có ích cho việc giảng dạy của tôi nhiều năm nhưng cũng không ít những ngộ nhận. Một vài suy luận dốt nát, vô căn cứ, nặng mùi kinh viện. Tôi cũng không thể tự trách mình được khi mà vào thời ấy, nhất là trong bọn sinh viên chúng tôi, việc suy nghĩ bằng cái đầu của người khác chưa làm ai phải xấu hổ cả. Chỉ có những trang ghi chép trích từ nguyên văn các tập thơ, các cuốn tiểu thuyết… là vẫn giữ nguyên giá trị.

Tôi chua chát nhìn ngọn lửa nhỏ thiêu cháy một phần những trang ghi chép từng hơn năm mươi năm gắn bó với nghề nghiệp của mình vì biết chắc sẽ không bao giờ dùng chúng nữa. Có lẽ rồi tôi cũng quên đi những trang giấy đã ố vàng ấy nhưng cái cảm giác ngỡ ngàng, mới lạ cùng với mùi hương trầm và tiếng cuốc bốc mộ như dội lên từ lòng đất của những ngày giáp Tết năm ấy chắc chắn sẽ còn là kỷ niệm mãi mãi được lưu giữ trong lòng tôi

 Phan Nam Sinh (Văn Việt )

 

Xem Thêm :Khi họa sĩ tìm nét vẽ hòa bình

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh Nguyễn Ngoc Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thành Ngữ Điển Tích 114 : TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH.

  Thành Ngữ Điển Tích 114 :                                 TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH. Ao Chuôm  TRÌ ĐƯỜNG 池塘 là Ao chuôm, ao đầm, ao hồ...