Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

Tướng Mạo Và Tính Cách Vua Gia Long Qua Ghi Chép Của Người Ngoại Quốc Thế Kỷ 18, 19

 

Có một câu chuyện thú vị về cách mà vua Gia Long đối mặt với chốn tam cung lục viện, giải quyết những cuộc cãi vã và ganh ghét giữa vô số các cung tần của mình. Trong những lần trao đổi thân tình với một vị quan người Pháp, vua Gia Long thường nói việc trị quốc đối với ông dễ hơn và ít tốn công hơn là việc cai quản chốn cung cấm. Có một hôm trong một lần tiếp kiến riêng sau buổi ngự triều, vua nói: "Khanh nghĩ là ta đã hết việc khi giải quyết xong những gì đang đợi ta đàng kia (ngài chỉ tay về phía cung cấm), trong cung cấm khi ta rời khỏi đây. Ở đây bây giờ, ta cảm thấy thích thú khi trao đổi với những người hiểu biết, họ lắng nghe ta, hiểu ta, và nếu cần, thì nghe lời ta. Đàng kia (trong cung cấm), ta phải đối mặt với lũ đàn bà yêu quái, cãi cọ với nhau, đối xử tệ bạc, xâu xé nhau, rồi tất cả tới đòi ta phân xử công minh. Nếu ta mà xử đúng người đúng tội thì bọn họ không ai thoát tội hết, trong khi ta không biết chắc được ai trong bọn họ thua kém người kia về sự tàn độc".
Sau một hồi im lặng, vua Gia Long nói tiếp: "Này, lát nữa đâu, ta sẽ bị vây quanh bởi một đám yêu nữ sẽ hét vào tai ta đến điếc cả tai (nói đến đây, vua giả giọng và cử chỉ của người phụ nữ đang điên tiết lên): "Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ xét xử công minh cho, con mụ kia đã chửi thần thiếp..." hoặc là: "người ta đã đối xử tệ với hạ thần, muôn tâu bệ hạ, xin phân minh cho hạ thần", rồi một tá yêu nữ khác lại đến kêu than: "Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ không còn sủng ái thần thiếp, bệ hạ đã chiếu cố kẻ khác, muôn tâu bệ hạ... xin đến lượt thần thiếp".
Vị quan Pháp nghe vua kể đã không nhịn được cười, và gợi ý: "Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ có thể giảm lo âu phiền muộn bằng cách giảm đi số cung tần mỹ nữ..."
Nhà vua liền nói: "Suỵt, nói khẽ thôi, nói khẽ thôi". Vua cho đám hầu cận lui ra rồi nỏi nhỏ: "Này ông, nếu như các quan lại đồng nghiệp của ông mà nghe được những lời ông vừa thốt ra thì ông sẽ là kẻ thù không đội trời chung với bọn họ. Nói nghe nè, gần như tất cả cung phi cung tần đều là con gái của các quan. Chẳng hạn mới đây có một vị đã đề nghị đưa con gái vào cung, ta đã lớn tuổi nhưng không thể từ chối được. Nếu từ chối thì ta sẽ làm ông ta không vui, vì ở xứ này đưa được con gái vào cung là một vinh dự, vừa tăng vị thế cho quan, còn ta thì đảm bảo được về sự trung thành của vị quan đó. Ta phải xử sự sao cho vừa lòng tất cả mọi người, nhất là các bà, vì các bà còn đáng sợ hơn cả phía các ông. Nếu như ta bỏ bê một trong các quý phi, thì ngay lập tức cô ấy sẽ than thở với cha của mình, rồi lão ta sẽ khéo léo đồn thổi cái gì đó để làm ta xấu mặt trước muôn dân".
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...