Chắc chắn bất cứ ai trong chúng ta, với đời mình đi qua, đều đã từng xơi mì Tàu. Nói chung là mì, hủ tíu, hoành thánh Tàu ăn riêng rẽ, hoặc gộp chung từng 2 thứ với nhau và thậm chí, một bát[1] có đủ cả 3 thứ của ngon đó…
Vũ Phan Anh
Ngày tôi (Jessica Lê Nga – VTN chú thích) còn bé lắm, quãng 8 tuổi là cùng, một lần nào đó bố tôi có dẫn tôi vào Chợ Lớn. Ký ức lúc đó còn mù mờ, không nhớ rõ là đường gì, chỉ biết đó là phòng chẩn trị xương khớp của ông Trương Quốc Cường, lương y khét tiếng Sài Gòn thuở trước về chữa trật đả, bong gân, bầm tím xương khớp. Trong khi ngồi chờ bố tôi vào trong phòng mạch kín cửa cho ông ấy chữa, tôi tò mò nhìn lên tường, thì lần đầu trong đời mình thấy một bức tranh kính.
Hình như, nhà người Hoa nào trước sau, không 10 thì cũng phải 9, có treo tranh kính. Sự tích, điển tích, giai thoại, đồng dao hay ngụ ngôn, đủ – Mà nhiều nhất là trích từ truyện Tàu, Tam Quốc, Thủy Hử, Đông Chu, Tây Du, hoặc Hán Sở. Bức tranh hôm đó tại nhà ông Cường, đến giờ tôi vẫn nhớ như in: Câu chuyện Hoa Đà chữa cánh tay bị trúng tên độc cho Quan Công. Quan Công bình thản ngồi đánh cờ, không một lần nhìn Hoa Đà chữa gì cho mình. Còn Hoa Đà thì mổ phanh tay người hào kiệt, vì chất độc đã ngấm tới xương, phải dùng dao rất sắc nạo vét chất độc đó ngay trên xương Vân Trường.
Trên đường về – Bố con tôi đi taxi vì bố tôi bị trật khớp cổ tay từ mấy ngày trước, không cầm lái xe gắn máy được – trước khi gọi tài xế, bố tôi dẫn tôi đi ăn mì Tàu. Thành phố lúc đó đã lên đèn, ngồi vào ngay trước mặt chiếc xe mì lộng lẫy đó, lần thứ hai tôi lại thấy tranh kính, ngay trong cùng một ngày.
Tranh kính ở xe mì thì không lớn như ở nhà ông Cường. Nó lại nằm ngang, không phải tranh khổ đứng như trong ngôi nhà tôi vừa bước ra. Nhưng ở góc tranh, có chú mấy dòng chữ Nho như nhau. Bố tôi biết Hán văn kha khá, giảng giải cho tôi, đó là tranh kể chuyện Võ Tòng đánh hổ ở núi Cảnh Dương. À, bây giờ lại sang Thủy Hử rồi.
Có một chi tiết mà ai cũng biết, mì Tàu hay hủ tíu Tàu bán tại xe nằm nơi vỉa hè, hay trong tiệm thì vẫn phải có cái xe đó, buộc phải có tranh kính. Xe nào bây giờ, lạc quẻ đi, không treo tranh kính, có lẽ đã không còn bán mì Tàu chính cống – Dù cái món ngon mà người ta dọn ra cho bạn ăn, trong bát, vẫn gọi là mì Tàu. Mì Tàu gốc thì phải là của xe treo tranh kính, hai cái phải đi sóng đôi với nhau. Trên dưới cả thế kỷ thì phải?
Nói về gốc, ngày xưa, một tô mì Tàu đúng nghĩa, cho tới tuổi thơ tôi vẫn còn nếu không quá chủ quan, chỉ có thứ thịt duy nhất trong bát là xá xíu – Cùng lắm là thịt xay, hành hẹ, và một cái bánh chiên với con tôm “thiếu nhi” lặn sâu vào mặt bột vàng ươm nào đó. Những gì khác, sườn, gan, tôm luộc nõn, mực, cua xé nhỏ, tim cật… là về sau.
Mì Tàu còn một đặc trưng nữa: Người ta không mua mì vắt hay mì gói làm sẵn, mà chính tay người chủ xe mì ấy phải kéo sợi mì tự làm, thành từng vắt một, nằm thành nhiều hàng ngay ngắn và hấp dẫn trong một cái ngăn kéo nằm cạnh đùi mình. Khách muốn ăn bao nhiêu vắt, người bán sẽ mở hộc ấy, lấy ra bấy nhiêu. Từng vắt mì sống như thế, trong ngăn kéo đẫm bột trắng tinh, sẽ được ném vào một cái vá to, nhúng vào nồi nước sôi ùng ục.
Mì Tàu là phải có cải tam sại, màu đỏ như màu vỏ tôm, cắt bé li ti, và tóp mỡ dòn tan, cắn nghe rau ráu dưới răng mới chí khoái. Không biết từ lúc nào, người ta đã nghĩ ra thành phần kế nữa, là thịt vụn. Sau khi tất cả đã nằm ngoan ngoãn trong bát, người ta xúc vào đó một hai thìa thịt đó, chan nước dùng nóng bỏng môi vào, cuối cùng là một miếng bánh chiên. Gắp vài miếng ớt ngâm, thêm chút dấm Tàu, thiên đường thấy mở cửa.
Hơn sáu chục năm đời mình, tôi đã ăn mì Tàu trên khắp thế giới. Chỗ nào cũng có tranh kính cả, cũng có sự tích đó đây, cũng vẫn thịt xá xíu, cũng hành hẹ, cũng dấm đỏ dấm đen, cũng mì kéo tay tự làm lấy xếp trong hộc tinh tươm, nhưng sao vẫn không thấy ngon bằng ở Việt Nam. Ăn tại Singapore, ăn tại Pháp, ăn ở Mỹ, thậm chí sang Thượng Hải và Hồng Kông cũng ăn, nhưng sao thấy thua mùi vị quá xa quê nhà. Chắc là vì, ký ức thì không tài nào xóa nhòa.
Ở Sài Gòn, tôi đã ăn ở những xe bình dân nhất, xe mì gõ, người bán rong vào một đêm mưa nào đó gọi trong giấc tối lúc mình ngồi chấm bài, trong cả những tiệm thanh lịch nhất, phong vị giàu có mỗi nơi mỗi khác, không thể tả. Mì Tân Lạc Viên nơi ngã tư Nguyễn Trãi – Trần Bình Trọng đã khác, mì Dìn Ký nằm gần nhà thờ Huyện Sĩ khác, mì trong tiệm Tân Hải Vân nằm đối diện chính Dìn Ký vào giấc tối cũng khác, mì Sanh Ký trên đường Nơ Trang Long, gần ngã tư Lê Quang Định càng khác – Tất cả đều ngon và cùng đều không hề rẻ. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhớ cái xe mì trong con ngõ có quán cà-phê Chiều Tím, mà ở đầu ngõ ấy nam ca sĩ Duy Quang từng mở quán phở, trên đường Trần Cao Vân. Không hiểu sao tôi càng nhớ đến xe mì chỉ thuần có xá xíu lạng mỏng như tờ giấy nằm trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật, khu chữ H, gần nhà bà ngoại tôi. Không hiểu sao tôi nhớ rất lâu cái xe mì nằm trong con ngõ hẹp trên đường Lê Đại Hành, và nhớ cả tiệm mì Huê Ký nằm số 59C Thuận Kiều bên lườn bệnh viện Chợ Rẫy – Con tôm ở đó người ta có thói quen róc đôi, đặt nằm ngay ngắn trên mặt. Không hiểu sao tô mì cật tại 62 Trương Định không hề tệ, ngược lại, nhưng tôi lại nhớ như in cái bát mì mà bố tôi đã cho tôi ăn ở đầu bài. Mì Chú Cao Nguyễn Thiện Thuật, mì Chú Tắc Kỳ Đồng, mì Phát Mập Calmette, xe mì không tên ngay góc Mạc Thị Bưởi – Hai Bà Trưng nay đã mất bóng, mì đầu ngõ 20 cũng Kỳ Đồng dẫn vào tiệm phở gà trứ danh. Tất cả những tiệm mì có tên kết thúc bằng chữ “Trà Gia” trên đường Nguyễn Công Trứ, mì Nam Lợi Tôn Thất Đạm, mì gà quay Bà Hạt, mì Tân Sanh Hoạt trước cửa rạp Olympic, mỗi nơi mỗi vẻ mười phân vẹn mười – Nhưng mì xe, với tranh kính, đã ở lại. Nói không đùa, ngay tại gốc, người Tàu Bắc Kinh nấu mì vẫn ăn không vào, dù nó càng chính thức là mì của xe tranh kính.
Chỉ nghe thấm lại đây, tô mì tranh kính Sài Gòn từ trước 1975. Lạ thật lạ nhỉ?
Vũ Phan Anh
Nguồn: Nam Kỳ Lục Tỉnh
________________
[1] Tôi người Bắc, Hà Nội 1954 gốc, không quen gọi là “tô” được. Xin thứ lỗi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét