Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

James Joyce: CÁI CHẾT CỦA VỊ LINH MỤC (Trịnh Y Thư chuyển ngữ) (T.Vấn Và Bạn Hửu )


 Lần này không có hy vọng nào cho ông nữa, đó là cú đột quỵ lần thứ ba. Đêm này qua đêm khác, tôi đi ngang qua ngôi nhà (lúc đó là ngày nghỉ) nhìn vào ô cửa sổ sáng đèn, và đêm này qua đêm khác, tôi thấy nó sáng cùng một cách, mờ nhạt, rầu rầu. Tôi nghĩ nếu ông đã chết, tôi phải thấy ánh nến lung linh hiện sau tấm rèm mờ tối bởi tôi biết người ta phải thắp hai ngọn nến ở đầu người chết. Ông thường nói với tôi: “Ta không còn sống trên thế gian này bao lâu nữa,” nhưng lúc đó tôi nghĩ những lời ông nói thật vớ vẩn. Bây giờ tôi biết nó là sự thật. Mỗi đêm khi nhìn vào cửa sổ ngôi nhà, miệng tôi lẩm bẩm từ bại liệt. Cái từ luôn nghe thật lạ tai đối với tôi, giống như từ gnomon trong hình học Euclid hay từ simony trong sách Giáo lý. Nhưng giờ đây, với tôi, nó nghe giống như tên một hiện thể độc ác và đầy tội lỗi. Nó khiến lòng tôi ngập tràn sợ hãi, nhưng tôi vẫn khao khát tới gần nó hơn và nhìn vào quá trình chết chóc nó gây nên.

    Ông già Cotter ngồi bên lò sưởi hút thuốc lúc tôi xuống lầu ăn tối. Trong lúc ngồi chờ thím tôi múc yến mạch [1] vào đĩa, tôi nghe ông nói, như thể đang nhắc lại câu nói trước đó của mình:

    “Không, tôi không muốn nói chính xác là… nhưng có điều gì đó kỳ lạ… có điều gì đó thật kỳ lạ về Ngài. Tôi sẽ nói cho cả nhà biết ý kiến của tôi là gì…”

    Ông bặp bặp vài hơi chiếc tẩu, chắc là đang sắp xếp ý tưởng trong đầu. Rõ chán ông già ngốc nghếch! Thuở chúng tôi mới quen ông, ông tỏ ra khá thú vị, ông hay nói về kỹ thuật chưng cất rượu [2], nhưng tôi chóng chán những câu chuyện gần như bất tận của ông về cái xưởng rượu mà ông từng có thời làm việc.

    “Tôi có giả thuyết riêng của mình về điều đó,” ông nói. “Tôi nghĩ đó là một trong những… trường hợp kỳ lạ… Nhưng khó mà nói được…”

    Ông lại phì phèo chiếc tẩu mà không nói ngay cho chúng tôi biết giả thuyết của ông là gì. Chú tôi thấy tôi nhìn chằm chằm vào ông bèn nói với tôi:

    “Ừm, thế là người bạn già của cháu không còn nữa, cháu sẽ rất buồn khi nghe tin ấy.”

    “Ai vậy, chú?” Tôi hỏi.

    “Cha Flynn.”

    “Ngài chết rồi à?”

    “Ông Cotter đây vừa nói với chú thế. Ông đi ngang qua ngôi nhà.”

    Tôi biết mình đang bị mọi người quan sát nên tiếp tục ăn như thể thông tin đó chẳng hề khiến tôi quan tâm. Chú tôi giải thích với ông già Cotter.

    “Ngài với thằng cháu tôi đây là đôi bạn tuyệt vời. Ngài dạy dỗ nó rất nhiều điều, ông biết đấy; người ta còn nói rằng Ngài rất trông đợi nó có một tương lai thực tốt đẹp.”

    “Xin Chúa thương xót linh hồn Ngài,” thím tôi nói một cách thành kính.

    Ông già Cotter nhìn tôi một lúc lâu. Tôi cảm thấy đôi mắt như mắt quạ ấy đang dò xét nhìn tôi nhưng tôi sẽ không cho ông ta hài lòng bằng cách ngước mặt lên khỏi đĩa ăn. Ông lại rít thêm một hơi tẩu nữa rồi xoay mặt về phía sau và bằng một hành vi hết sức thô lỗ, khạc nhổ vào lò sưởi một bãi nước bọt.

    “Địa vị tôi thì tôi chẳng bao giờ muốn con cái mình giao tiếp quá nhiều với một người như vậy,” ông nói.

    “Ông Cotter, ý ông nói như thế là sao?” Thím tôi hỏi.

    “Ý tôi muốn nói là,” ông Cotter trả lời, “điều đó không tốt cho trẻ con. Tôi chỉ có thể nói hãy để bọn trẻ chạy nhảy chơi đùa với những đứa cùng trang lứa, và không được… Jack, tôi nói như thế không hiểu có đúng không?”

    “Đó cũng chính là nguyên tắc của tôi,” chú tôi đáp lời ông. “Hãy để chúng nó tự học cách xoay sở [3]. Đó là điều tôi luôn mồm bảo cái thằng Rosicrucian [4] này: hãy tập thể dục. Tại sao ư? Thuở tôi còn là một đứa trẻ, sáng nào tôi cũng tắm nước lạnh, mùa đông hay mùa hè. Và bây giờ cũng thế. Giáo dục là tất cả những gì tốt đẹp và to tát… Bà nó ơi, ông Cotter muốn ăn một miếng thịt đùi cừu đấy, bà ạ.” Ông quay sang nói với thím tôi.

    “Không, không, không, tôi không ăn đâu,” ông Cotter nói.

    Thím tôi lấy chiếc đĩa từ trong tủ ra đặt lên bàn.

    “Thưa ông Cotter, nhưng tại sao ông lại nghĩ rằng nó không tốt cho trẻ con?” bà hỏi.

    “Điều đó không tốt cho trẻ con vì tâm trí chúng rất dễ bị ảnh hưởng. Khi trẻ con nhìn thấy những điều như thế, ông bà biết đấy, nó có tác động…”

    Tôi lua những thìa yến mạch vào đầy miệng vì sợ mình sẽ thốt ra những lời lẽ tức giận không đẹp. Cái lão già mũi đỏ ngu ngốc này quả là phiền phức!

    Lúc tôi ngủ thiếp đi thì trời đã khuya lắm. Mặc dù tôi ấm ức vì lão già Cotter đã ám chỉ tôi là một thằng nhãi ranh, nhưng tôi vẫn cố suy nghĩ lung lao trong đầu để tìm ra ý nghĩa những câu nói  dang dở nửa vời của lão. Trong bóng tối của căn phòng, tôi tưởng tượng mình trông thấy khuôn mặt xám xịt nặng nề của một người bại liệt. Tôi kéo chăn trùm kín đầu và cố nghĩ đến Giáng Sinh. Nhưng khuôn mặt xám xịt vẫn bám vào tâm trí tôi. Nó lẩm bẩm, và tôi hiểu nó muốn thú tội điều gì. Tôi cảm thấy tâm hồn mình đang co rút vào một vùng đất dịu êm nhưng độc ác nào đó, và nơi đó một lần nữa tôi thấy nó đang chờ đợi tôi. Nó bắt đầu thú tội với tôi bằng cái giọng thì thầm, nhưng tôi thắc mắc tại sao nó liên tục mỉm cười và tại sao đôi môi nó lại nhểu nhão nước bọt như vậy. Nhưng rồi tôi chợt nhớ ra rằng nó đã chết vì chứng bại liệt và tôi cảm thấy tôi cũng đang gượng gạo mỉm cười một cách yếu ớt như thể tha thứ cho kẻ buôn thần bán thánh [5] thoát khỏi tội lỗi của mình.

    Sáng hôm sau, sau bữa sáng, tôi đi đến ngôi nhà trên phố Great Britain. Đó là một cửa hàng tuềnh toàng, dưới cái bảng hiệu Drapery khó hiểu. Drapery chủ yếu bán ủng và dù trẻ em. Vào những ngày bình thường, một tấm biển thường thấy treo trên cửa sổ, ghi: Nơi đây có nhận căng dù. Bây giờ không thấy tấm biển nào vì cửa lá sách đã khép lại. Một bó hoa thắt nơ vải được buộc vào khoen gõ cửa bằng một sợi ruy-băng. Hai người phụ nữ ăn mặc lôi thôi lếch thếch và một cậu bé phát điện tín đang đứng đọc tấm cạc ghim trên bó hoa. Tôi cũng đến gần, đọc:

Ngày 1 tháng 7 năm 1895 [6]

Linh mục James Flynn (trước đây là của Thánh đường S. Catherine, Phố Meath),

thọ sáu mươi lăm tuổi.

R.I.P.

Đọc tấm cạc tôi tin chắc rằng ông đã chết, và tôi thấy bối rối khi biết mình đang do dự. Nếu ông không chết, tôi đã đi vào căn phòng nhỏ tối lù mù phía sau cửa hàng để thấy ông ngồi trên chiếc ghế bành bên lò sưởi, gần như nghẹt thở trong chiếc áo choàng to quá khổ. Có lẽ thím tôi nhờ tôi đem vào một gói High Toast [7] cho ông và món quà này sẽ đánh thức ông khỏi cơn ngủ gà ngủ gật. Luôn luôn tôi là người trút gói thuốc vào hộp đựng thuốc hít màu đen của ông vì tay ông run đến nỗi ông không thể làm công việc nhỏ nhặt này mà không làm đổ một nửa gói thuốc xuống sàn nhà. Ngay cả khi ông đưa bàn tay to lớn lên mũi, những vệt khói mỏng vẫn thoát qua kẽ những ngón tay run run trước ngực chiếc áo choàng. Có thể chính những nhúm thuốc hít không ngưng tay này đã làm cho bộ lễ phục linh mục màu xanh lục cũ kỹ của ông trở nên bạc phếch bởi vì chiếc khăn tay màu đỏ nhưng lúc nào cũng đen xỉn, mà ông dùng để cố phủi sạch những vết bẩn của thuốc rơi vãi lên áo, hoàn toàn không có công hiệu.

    Tôi muốn vào nhìn ông nhưng không đủ can đảm gõ cửa. Tôi chậm chạp bước dọc theo vỉa hè phía đầy nắng của con phố, vừa đi vừa đọc tất cả các biển quảng cáo treo trên cửa sổ các cửa hàng. Tôi cảm thấy lạ bởi cả tôi lẫn cái ngày hôm đó đều không hề có dấu hiệu gì tỏ ra là đau buồn, và thậm chí tôi còn cảm thấy khó chịu khi khám phá ra rằng trong lòng mình bỗng dấy lên một cảm giác tự do như thể tôi đã được giải thoát khỏi điều gì đó sau cái chết của ông. Tôi tự hỏi về điều này vì, như chú tôi nói đêm hôm trước, ông đã dạy dỗ tôi rất nhiều điều. Ông theo học tại trường Cao đẳng Irish ở Roma, ông dạy tôi cách phát âm tiếng Latin sao cho chuẩn. Ông kể cho tôi nghe những câu chuyện ly kỳ về hầm mộ và về Napoleon Bonaparte, ông giải thích cho tôi ý nghĩa các nghi thức khác nhau trong Thánh lễ và các loại lễ phục khác nhau mà linh mục mặc. Thi thoảng ông tự giải trí bằng cách đặt ra những câu hỏi khó cho tôi, như hỏi ta nên làm gì nếu lâm vào một hoàn cảnh trớ trêu nào đó, hoặc liệu tội lỗi này có là trọng tội hay không; tội lỗi kia là tội nhẹ hay chỉ là sự bất toàn. Những câu hỏi của ông cho tôi thấy một số thể chế của Giáo hội phức tạp và bí ẩn như thế nào mà tôi luôn xem là những sự việc đơn giản nhất. Nhiệm vụ của linh mục đối với Bí tích Thánh Thể và đối với bí mật trong việc con chiên xưng tội có vẻ nghiêm trọng đến độ tôi tự hỏi làm sao người ta có thể tìm thấy trong mình lòng can đảm để đảm nhận những trọng trách đó; và tôi không ngạc nhiên khi ông nói với tôi rằng các bậc tổ phụ của Giáo hội đã viết những cuốn sách dày như Danh bạ Bưu điện và được in ra như các thông báo luật trên báo chí, hầu làm sáng tỏ tất cả những câu hỏi rắc rối phức tạp này. Thường khi bị hỏi về những điều này, tôi không thể trả lời hoặc chỉ trả lời một cách rất ngớ ngẩn và ngập ngừng, những lúc đó ông thường mỉm cười và gật đầu hai ba lần. Cũng có khi ông bắt tôi tập trả lời những câu trong nghi thức Thánh lễ mà ông bắt tôi ghi nhớ nằm lòng; và trong lúc tôi nói lung tung bất kể đúng sai, ông thường mỉm cười trầm ngâm và gật đầu, chốc chốc lại nhét một nhúm thuốc hít lớn vào lỗ mũi, hết lỗ này sang lỗ kia. Lúc cười ông để lộ hàm răng to xỉn và thè lưỡi để nằm trên môi dưới – một thói quen của ông tôi cảm thấy không thoải mái chút nào khi mới gặp, trước khi tôi biết ông rõ hơn.

    Trong lúc đi dọc theo con phố dưới ánh nắng, tôi nhớ lại lời của lão già Cotter và cố nhớ lại giấc mơ. Tôi nhớ tôi thấy tấm màn nhung dài và một chiếc đèn đung đưa kiểu cổ. Tôi cảm thấy mình ở một nơi chốn rất xa, một vùng đất nào đó có phong tục rất kỳ lạ – Ba Tư, tôi nghĩ vậy… Nhưng tôi không thể nhớ đoạn cuối của giấc mơ.

    Trời gần tối, thím tôi dắt tôi đến ngôi nhà. Lúc đó mặt trời đã lặn, nhưng ô kính cửa sổ những ngôi nhà hướng về phía tây vẫn phản chiếu bóng tà huy của một đám mây lớn. Bà Nannie đón chúng tôi ở cửa, và sẽ không lịch sự chút nào nếu hét vào mặt bà nên thím tôi chỉ bắt tay bà thôi. Bà lão chỉ tay lên lầu, ánh mắt như dò hỏi, và khi thím tôi gật đầu, bà quay lui đi về phía cầu thang trước mặt, bà bước lên cầu thang đầu hơi cúi xuống, đầu bà chỉ cao hơn thành vịn cầu thang một chút. Lên đến nơi, bà dừng lại ra hiệu cho chúng tôi tiến về phía cánh cửa đang mở. Thím tôi bước vào và bà lão, thấy tôi ngần ngừ bèn vẫy tay lia lịa ra hiệu cho tôi vào.

    Tôi rón rén bước vào. Ánh sáng vàng thoi thóp của buổi chiều hôm xuyên qua đầu ren tấm rèm cửa sổ len vào căn phòng khiến mấy ngọn nến trông giống như những đốm lửa mong manh leo lắt. Ông đã nằm trong quan tài. Bà Nannie dẫn đầu và ba chúng tôi quỳ xuống chân giường. Tôi giả vờ cầu nguyện nhưng không thể tập trung suy nghĩ được vì tiếng lẩm bẩm của bà lão làm đầu óc tôi rối bời. Tôi nhìn chiếc váy của bà được móc ở phía sau một cách vụng về và gót đôi giày của bà vẹt về một bên. Tôi tưởng tượng vị linh mục già nằm đó trong quan tài đang khẽ mỉm cười.

    Nhưng không. Khi chúng tôi đứng dậy đi đến đầu giường, tôi thấy ông không mỉm cười. Ông nằm đó, nghiêm trang và đầy đặn, mặc lễ phục như đang chuẩn bị lên bệ thờ làm Thánh lễ, đôi bàn tay to lớn của ông cầm hờ một chiếc chén thánh. Khuôn mặt ông trông tạo tợn [8] lắm, xám xịt và to bành, hai lỗ mũi đen sâu hoăm hoắm bao quanh bởi một lớp lông trắng mỏng. Có mùi gì nồng nặc trong phòng – những bông hoa.

    Chúng tôi làm dấu thánh rồi bước ra khỏi phòng. Trong căn phòng nhỏ ở tầng dưới, chúng tôi thấy bà Eliza đang ngồi trong chiếc ghế bành ông thường ngồi, mặt mày đăm chiêu tư lự. Tôi lò dò đi về phía chiếc ghế tôi thường ngồi ở góc phòng trong khi bà Nannie đi đến tủ đựng đồ lấy ra một bình rượu sherry và vài chiếc ly uống vang. Bà đặt tất cả lên bàn và mời chúng tôi uống rượu. Sau đó, nghe theo lời người chị gái, bà rót đầy rượu vào ly rồi đem đến đưa cho chúng tôi. Bà bưng cho tôi một đĩa bánh quy quệt kem nhưng tôi lắc đầu từ chối vì e ngại mình sẽ gây nhiều tiếng động không mấy thanh tao lúc ăn. Thấy tôi từ chối, bà tỏ vẻ hơi thất vọng, và lặng lẽ đi đến ghế sô-pha ngồi xuống đằng sau bà chị mình. Không ai nói gì, tất cả chúng tôi đều nhìn chằm chằm vào cái lò sưởi không củi lửa trống rỗng.

    Thím tôi đợi cho đến khi bà Eliza buông một tiếng thở dài não nuột rồi mới cất tiếng:

    “Thế là Ngài đã đến một thế giới khác tốt đẹp hơn.”

    Bà Eliza thở dài lần nữa và khẽ gật đầu. Thím tôi cầm chân ly rượu giữa ngón tay cái và ngón trỏ đưa lên môi nhấp một ngụm nhỏ.

    “Ngài… ra đi một cách thanh thản chứ?” Bà hỏi.

    “Ồ, rất thanh thản, thưa bà. Không ai có thể biết khi nào hơi thở của Ngài tắt hẳn. Tạ ơn Chúa, Ngài đã có một cái chết rất đẹp.”

    “Và tất cả mọi thứ…?” [9]

    “Cha O’Rourke đã ở cùng Ngài hôm thứ Ba và xức dầu cho Ngài cũng như chuẩn bị tất cả mọi thứ.”

    “Lúc đó Ngài đã biết rồi à?”

    “Vâng, lúc đó Ngài đã chấp nhận.”

    “Trông Ngài đầy vẻ thanh thản,” thím tôi nói.

    “Người phụ nữ chúng tôi nhờ vào tắm rửa cho Ngài cũng nói như thế. Bà ấy nói Ngài trông như đang ngủ, Ngài ra đi trông thật bình yên thanh thản. Không ai nghĩ Ngài lại có thể trở thành một xác chết đẹp như vậy.”

    “Vâng, đúng thế,” thím tôi nói.

    Bà nhấp thêm một ngụm rượu nữa đoạn nói tiếp:

    “Thưa bà Flynn, dù sao chăng nữa thì bà cũng cảm thấy rất an ủi khi biết rằng bà đã làm tất cả mọi thứ có thể cho Ngài. Tôi phải nói rằng cả hai bà đều đã rất tử tế với Ngài.”

    Bà Eliza vuốt phẳng chiếc váy trên đầu gối.

    “Ôi, tội nghiệp anh James! Chúa biết chúng tôi đã làm tất cả mọi thứ có thể, dù nghèo đến đâu đi nữa – chúng tôi không muốn thấy người anh chúng tôi thiếu thốn bất cứ thứ gì khi nhắm mắt xuôi tay.”

    Bà Nannie dựa đầu vào gối trên ghế sô-pha và có vẻ như thiu thiu sắp ngủ thiếp đi.

    “Tội nghiệp Nannie,” bà Eliza vừa nói vừa nhìn sang bà Nannie, “cô ấy kiệt sức lắm rồi. Tất cả công việc chúng tôi phải làm, tìm người vào tắm rửa, rồi khiêng xác ra ngoài, rồi bỏ vào quan tài, rồi sắp xếp Thánh lễ trong nhà nguyện. Nếu không có Cha O’Rourke chỉ dẫn thì chúng tôi chẳng biết phải làm gì. Chính Cha đã đem đến cho chúng tôi tất cả bông hoa và hai cây nến từ nhà nguyện, và viết thông báo gửi cho báo Freeman’s General [10] và lo lắng chu toàn tất cả các giấy tờ về việc chôn cất ngoài nghĩa trang cũng như các vấn đề về bảo hiểm.”

    “Cha quả là người tốt bụng.” Thím tôi nói.

    Eliza nhắm mắt, lắc đầu chậm rãi nói:

    “Chỉ có những người bạn cũ lâu đời mới được như thế thôi, còn bình thường, chẳng có người bạn nào ta có thể tin tưởng được.”

    “Thật đúng vậy, bà Eliza ạ,” thím tôi nói. “Và tôi chắc chắn rằng Ngài bây giờ đã về cõi vĩnh hằng, Ngài sẽ không bao giờ quên bà và tất cả những điều tử tế tốt lành bà làm cho Ngài.”

    “Ôi, tội nghiệp anh James! Ông anh chúng tôi chẳng bao giờ gây phiền hà rắc rối cho chúng tôi. Sẽ không còn nghe tiếng anh nói trong ngôi nhà này nữa. Tôi biết rằng anh đã vĩnh viễn ra đi và tất cả những điều đó…”

    “Sau khi tất cả mọi chuyện lắng xuống, bà sẽ nhớ nhung Ngài biết bao,” thím tôi nói.

    “Tôi biết mà, tôi sẽ không mỗi ngày bưng trà bổ [11] vào cho anh tôi uống nữa, và thưa bà, bà cũng sẽ không gửi thuốc hít cho anh tôi nữa. Ôi, tội nghiệp anh James!”

    Bà ngừng nói như thể đang suy ngẫm về quá khứ rồi đổi giọng nói như tâm sự:

    “À, có chuyện này tôi muốn nói với bà, tôi nhận thấy dạo sau này anh tôi có vẻ kỳ lạ làm sao ấy. Mỗi lần bưng tô xúp vào phòng, tôi đều thấy anh ấy với cuốn kinh rơi dưới sàn, nằm ngửa trên ghế và miệng há hốc.”

    Bà đặt một ngón tay lên chóp mũi rồi cau mày, nói tiếp:

    “Nhưng dù vậy, anh James vẫn nói rằng trước khi hết hè, một ngày đẹp trời nào đó, sẽ đánh xe ra ngoài chỉ để đi thăm lại ngôi nhà cũ nơi chúng tôi sinh ra ở Irishtown [12] và cho tôi và Nannie đi cùng. Giá như chúng tôi có được một cỗ xe mới không gây tiếng động như Cha O’Rourke hay khoe với anh ấy, loại xe có bánh xe bơm khí [13], với giá thuê rẻ – anh ấy nói, ở cái tiệm Johnny Rush nào đó, và chở cả ba chúng tôi ra ngoài đi chơi vào chiều Chủ Nhật. Anh James quyết tâm làm điều đó… Thật là tội nghiệp anh James của tôi!”

    “Xin Chúa thương xót linh hồn Ngài!” Thím tôi nói.

    Bà Eliza lấy khăn tay ra chậm nước mắt. Sau đó, bà nhét chiếc khăn trở lại vào túi và nhìn chằm chằm vào cái lò sưởi trống rỗng một lúc lâu, không nói gì.

    “Anh tôi là người luôn quá cẩn trọng,” bà nói tiếp. “Các bổn phận của chức linh mục là quá sức đối với anh ấy. Và rồi cuộc sống của anh, có thể nói là, đã bị đảo lộn.”

    “Đúng vậy,” thím tôi nói. “Ngài quả là người có nhiều thất vọng. Ta có thể thấy điều đó.”

    Sự im lặng bao trùm căn phòng nhỏ, lợi dụng lúc đó, tôi rón rén bước lại gần bàn để rượu cầm lên ly của mình và nếm thử chút sherry, xong lại thật êm quay về ghế của mình ở góc phòng. Bà Eliza hình như chìm đắm vào giấc mơ sâu hút. Chúng tôi không dám phá vỡ sự im lặng trầm tư của bà, và sau một lúc lâu bà chậm rãi nói:

    “Đó là chiếc chén thánh mà anh tôi làm vỡ… Nó là khởi đầu của mọi chuyện. Tất nhiên, họ nói rằng mọi chuyện vẫn ổn, rằng chẳng có chi hệ trọng chuyện đó, ý tôi là vậy. Nhưng dù sao thì… Họ nói rằng đó là lỗi của thằng bé. Nhưng anh James tội nghiệp của chúng tôi đã quá lo buồn, Chúa ơi, xin Chúa thương xót anh James!”

    “Và thế là xong chuyện ư?” thím tôi nói. “Nhưng tôi nghe nói là có điều gì nữa…”

    Bà Eliza gật đầu.

    “Chuyện đó ảnh hưởng đến tâm trí anh James, Sau đó, anh ấy bắt đầu trở nên rầu rĩ, không nói chuyện với ai và cứ đi lang thang một mình ngoài đường. Một đêm anh ấy được gọi đi đọc kinh cho người chết, nhưng anh ấy không đến và họ cũng không tìm thấy anh ấy ở đâu cả. Họ tìm kiếm khắp nơi vẫn không thấy bóng dáng anh ấy đâu. Thế là một nhân viên đề nghị đến nhà nguyện tìm. Họ lấy chìa khóa mở cửa nhà nguyện và ông nhân viên và Cha O’Rourke và một linh mục khác trong nhà nguyện cầm một ngọn nến đi tìm anh ấy… Và bà thử nghĩ xem, anh ấy ở đó, ngồi một mình trong bóng tối buồng xưng tội, tỉnh táo và cười khe khẽ một mình.”

    Bà đột nhiên ngưng nói như thể để lắng nghe điều gì. Tôi cũng lắng nghe, nhưng không có tiếng động nào trong nhà cả, và tôi biết vị linh mục già đang nằm bất động trong quan tài y như chúng tôi thấy vừa nãy, nghiêm trang và tạo tợn trong cái chết, chiếc chén thánh hờ hững nằm trên ngực.

    Bà Eliza lại nói tiếp:

    “Hoàn toàn tỉnh táo và cười khe khẽ với chính mình… Vậy nên, tất nhiên, khi họ nhìn thấy, họ nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với anh ấy…”

(Trịnh Y Thư dịch từ ấn bản Dubliners, NXB Alfred A. Knoff, 1991.)

Chú thích của người dịch:

[1]  Nguyên tác là stirabout, một món yến mạch có nguồn gốc từ Ireland.

[2]  Nguyên tác là “talking of faints and worms”. Nhóm từ “faints and worms” ám chỉ quá trình chưng cất rượu whisky. “Faints” chỉ rượu không tinh khiết; “worms” chỉ các ống ngưng tụ xoắn ốc dùng trong quá trình chưng cất rượu.

[3]  Nguyên tác là “Let him learn to box his corner.” Thành ngữ “To box one’s corner” có nghĩa là đè ai đó vào góc, nguyên thủy là một đòn quyền Anh khi một võ sĩ dồn đối thủ vào góc để hạn chế khả năng thoát thân. Thành ngữ này được sử dụng để chỉ việc mình dạy dỗ kẻ khác phải biết tự phấn đấu để lo liệu cho bản thân.

[4]  Rosicrucian: Những người ở thế kỷ XVII hoặc XVIII tự nhận là thành viên của một hội kín được cho là có nhiều kiến ​​thức huyền bí và quyền lực. Người chú của cậu trai trong truyện ngụ ý rằng mối quan hệ của cậu với Cha Flynn là một bí mật và có thể nguy hiểm.

[5]  Nguyên tác là simoniac, từ chữ simony, tức là việc Giáo hội Công giáo Roma bán phước lành, sự tha thứ hoặc các ân huệ khác cho các giáo dân giàu có.

[6]  Ngày 1 tháng 7 có ý nghĩa quan trọng theo hai cách: Thứ nhất, Cha Flynn qua đời vào Lễ Máu Thánh. Thứ hai, ngày 1 tháng 7 cũng là ngày xảy ra trận chiến Boyne, trong đó Ireland Công giáo bị Vua William III Anh giáo của Anh đánh bại. Thất bại của lực lượng Công giáo tại trận chiến Boyne là một sự kiện chấn thương trong lịch sử Ireland, dẫn đến việc thành lập Quyền Thống trị Tin lành của Anh, và sự áp bức nhiều hơn đối với đức tin Công giáo. Ngày 1 tháng 7, với tất cả những hàm ý về mặt cảm xúc và lịch sử, đã mang đến cho câu chuyện một chiều kích lịch sử cho thấy nước Anh phải chịu trách nhiệm cho phần lớn tình trạng tê liệt về thể chất cũng như tinh thần mà người Ireland phải đối mặt.

[7]  High Toast: Thương hiệu một loại thuốc hít được đàn ông thời trước ưa chuộng, có công hiệu làm giảm căng thẳng.

[8]  Trong nguyên tác, Joyce chọn từ “truculent” ở đây để mô tả khuôn mặt của vị linh mục lúc nằm chết, điều này có những hàm ý thú vị. Từ này có nghĩa là “hung hăng thách thức”, mà ở đây tôi dịch là “tạo tợn”, gây ấn tượng xác chết có vẻ ngoài khá tàn nhẫn hoặc hiếu chiến. Thông thường, người chết được mô tả là nằm yên bình. Có lẽ Joyce ám chỉ rằng Cha Flynn đã chết với một số vấn đề hoặc rắc rối chưa được giải quyết. (Tôi không muốn dịch từ này là “táo tợn” vì từ này mang nhiều ý nghĩa tiêu cực. Từ “tạo tợn” không có trong từ điển tiếng Việt, dĩ nhiên, vì do tôi bịa ra, nhưng hy vọng độc giả Việt Nam hiểu điều tôi muốn diễn tả.)

[9]  Câu hỏi này thể hiện mối quan tâm về việc liệu Cha Flynn có được nhận nghi thức cuối cùng của mình, gọi là Xức Dầu Thánh, trước khi qua đời hay không. Câu hỏi cũng đượm mối nghi ngờ, điều này làm tăng thêm sự bí ẩn xung quanh ông trong câu chuyện. Nếu nghi thức không được thực hiện, điều đó có nghĩa là Cha Flynn đã phạm phải một trọng tội nào đó chống lại đức tin.

[10]  Freeman’s General and Press: Nhật báo phát hành ở Dublin thuở đó, có xu hướng thân Công giáo.

[11]  Nguyên tác là “beef-tea”, trà thịt bò, là một loại trà pha bằng nước ép từ thịt bò đã được đun sôi, uống để giúp bồi bổ sức khỏe người bệnh, người yếu. Ở đây tôi dịch là trà bổ.

[12]  Irishtown là khu dân cư của lớp người nghèo ở Dublin, phía nam sông Liffey. Chi tiết này cho chúng ta thấy rằng Cha Flynn và hai người em gái mình sinh ra trong một gia đình thuộc thành phần bình dân nghèo khổ. Tuy nhiên Cha được nhận vào học trường Cao đẳng Irish ở Roma, nơi đào tạo các linh mục Công giáo cho Ireland, điều đó ám chỉ thời trẻ Cha là người thông minh xuất sắc.

[13]  Nguyên tác là “rheumatic wheels”, vô nghĩa, đúng ra phải là “pneumatic wheels”, một loại bánh xe chế tạo bằng cao su như bánh xe đạp ngày nay, chạy không gây tiếng động, khác với loại bánh xe niềng sắt. Ở đây ta có thể hiểu Joyce chơi chữ, cố tình viết sai (thuật ngữ văn học gọi là malapropism) để ám chỉ trình độ văn hóa không mấy cao của bà Eliza. Khi dịch, tôi đã đánh mất thủ pháp văn học tinh tế này của Joyce.

Lời người dịch:

Đây là truyện ngắn mở đầu trong tập truyện Dubliners của James Joyce giới thiệu nhiều chủ đề và mô-típ, và được lặp đi lặp lại xuyên suốt cuốn sách, liên kết các ý tưởng lại với nhau thành một tác phẩm không hẳn là tiểu thuyết nhưng hơn một tập truyện ngắn đơn thuần.

    Chủ đề đầu tiên là sự bại liệt hoặc tê liệt. James Joyce tin rằng xã hội và văn hóa Ireland, cũng như nền kinh tế của đất nước, đã bị tê liệt trong nhiều thế kỷ bởi hai thế lực. Thế lực thứ nhất là Giáo hội Công giáo Roma. Sự kiện hầu hết người dân Dublin thời Joyce đều  tin tưởng một cách quá nhiệt thành, thậm chí say mê giáo lý Công giáo đã khiến xã hội Ireland trở nên trì trệ, bảo thủ và đi ngược lại mọi tiến bộ về mặt dân sinh lẫn tư tưởng. Thế lực thứ hai là nước Anh, quốc gia đã chinh phục và áp đặt chế độ thực dân lên Ireland vào thế kỷ XVII và mãi đến năm 1922 mới trao trả độc lập cho đất nước này.

    Trong dòng chữ đầu tiên của truyện ngắn, Cha Flynn bị đột quỵ lần thứ ba và chết, có thể chính cơn đột quỵ đã dẫn đến việc đánh rơi chiếc chén thánh được tiết lộ gần cuối truyện. Và tất nhiên, khuôn mặt xám xịt “đã chết vì chứng bại liệt” trong giấc mơ của cậu trai chính là khuôn mặt Cha Flynn.

    Hiển nhiên Cha Flynn đóng vai trò Giáo hội Công giáo tê liệt trong câu chuyện này. Một Giáo hội tê liệt làm tê liệt người khác. Vị linh mục ngăn cản cậu trai tự do vui chơi với những người bạn đồng trang lứa. Ngược lại, ông sống trên phố Great Britain và qua đời vào đúng ngày kỷ niệm chiến thắng của quân Anh chinh phục đảo quốc Ireland năm 1690.

    Chủ đề thứ hai Joyce nói đến là sự tha hóa của Giáo hội. Ngay trong đoạn đầu của câu chuyện, nhân vật xưng “tôi” đề cập đến từ simony, tức là việc Giáo hội Công giáo Roma thu tiền bằng cách bán phước lành, sự tha thứ hoặc các ân huệ khác cho các giáo dân có tiền của. Sau đó, Cha Flynn bị gọi là simoniac, một người phạm tội này. Bởi sự tha hóa đó ngăn cản tiến bộ, nên nó liên quan chặt chẽ đến chủ đề về sự tê liệt.

    Chủ đề thứ ba là cái chết, dù cái chết đó là về thể xác hay chỉ là về tinh thần. Thái độ của Joyce đối với cái chết rất phức tạp. Ta thấy trong truyện, cái chết về thể xác không hoàn toàn là điều tồi tệ, vì nó giải thoát Cha Flynn khỏi cuộc sống có vẻ khốn khổ. Thật vậy, hình ảnh cuối cùng của vị linh mục cho thấy ông “ngồi một mình trong bóng tối buồng xưng tội, tỉnh táo và cười khe khẽ một mình.”

    Cái chết của vị linh mục cũng giải thoát cậu trai khỏi sự tê liệt, tha hóa. Cái chết sẽ đến với cậu nếu cậu tiếp tục gắn bó với nhà thờ. Phải chăng đây chính là ý tưởng chủ đạo của Joyce khi viết cuốn Dubliners? Cái chết là khởi đầu cho sự phục sinh, nơi cá thể tìm ra được những cơ hội và năng lượng mới cho những đổi thay nhằm hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

    Trong văn bản ta tìm thấy đoạn này: “Tôi cảm thấy lạ bởi cả tôi lẫn cái ngày hôm đó đều không hề có dấu hiệu gì tỏ ra là đau buồn và thậm chí tôi còn cảm thấy khó chịu khi khám phá ra trong lòng mình có một cảm giác tự do như thể tôi đã được giải thoát khỏi điều gì đó sau cái chết của ông.”

    Phải chăng, theo Joyce, dân tộc Ireland nếu muốn thoát ra khỏi sự tê liệt kéo dài hàng thế kỷ thì trước hết phải “thoát”, thoát ra khỏi sự chiết tỏa của Giáo hội và nước Anh?

    Đối với con người ở bất cứ thời đại nào, bất cứ đâu, “thoát” ra khỏi chốn tù tội, khỏi cảnh nghèo khó, v.v. là cái gì có thể làm được tương đối dễ dàng, nhưng “thoát” ra khỏi một ý thức hệ, một nếp nghĩ lâu năm, thành kiến, luôn là điều cực kỳ khó khăn, không phải ai cũng có thể làm được, dù đó là cả một dân tộc.

    Điểm sau cùng, nhan đề truyện ngắn này trong nguyên tác là The Sisters. Nhan đề bản dịch Việt ngữ là của người dịch. – TYT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÚC THỌ ẤT TỊ -Thơ Đỗ Quang Vinh và Thơ Cẩn Họa

Tạ ơn được hưởng tuổi trời, Ơn đời ơn biết bao người thương yêu. Gieo vần tự thọ tân niên Chúc Xuân vạn phúc bạn hiền Làng Thơ.   ẤT TỊ C...