Những ai đã từng sống ở các đô thị lớn như Hà Nội và Hải Phòng sẽ không thể quên được những cảnh rùng rợn hằng ngày xảy ra trong những tháng đầu năm 1945. Trên các nẻo đường dẫn tới Hải Phòng, từng đoàn người thất thểu từ ngoại ô tiến vào trung tâm thành phố để khất thực. Trong những đoàn người này già có, trẻ có, trai có, gái có, nhưng cái đói đã làm cho họ không còn hình người nữa. Da mặt nhăn nheo, hai má hõm sâu, đôi mắt lờ đờ không còn một tia sinh khí nào. Trông họ giờ đây khó mà phân biệt được đâu là đàn ông, đâu là đàn bà, già hay trẻ. Tất cả chỉ còn da bọc xương. Nhiều người quần áo rách rưới đến nỗi chỉ có mỗi manh chiếu quấn quanh thân. Ngay cả những thiếu nữ cũng không còn biết e thẹn nữa!
Hồi đó vài hội từ thiện hay nấu cháo bày ở viện Tế bần đường Lạch Tray hoặc ở lò sát sinh đường An Dương để cứu trợ đồng bào. Nhiều bộ xương, chân tay run rẩy, cố lách tới chiếc bàn dài. Hai bàn tay khẳng khiu như hai ống sậy cố nâng bát cháo, một tia hy vọng bùng lên trong đôi mắt lờ đờ nhưng rồi vì kiệt lực, kẻ đáng thương này ngã chết queo trên mặt đất, nước cháo tung tóe khắp người.
Nạn đói năm 1945 xảy ra đúng vào mùa đông nên mỗi đêm lưỡi hái của tử thần thường thu được nhiều kết quả lắm. Nạn nhân không chịu được cái đói và cái rét nên chết co quắp trên vỉa hè, dưới mái hiên hoặc ở ngưỡng cửa nhiều căn phố. Sáng ra vừa mở cửa thì một xác chết ngã vật vào trong nhà. Chủ nhà phải thuê người lôi xác chết ra vỉa hè để đợi xe rác của Sở vệ sinh mang đi. Do đó đã xảy ra nhiều vụ lợi dụng xác chết. Nhiều kẻ thiếu lương tâm đến nổi lôi xác từ căn nhà này sang đặt vào cửa nhà bên cạnh để kiếm tiền thuê một lần nữa.
Nạn đói này trầm trọng đến nổi, nhiều người phải ăn cả thịt chuột cống, vốn là con vật mà ngày thường người ta vẫn coi là vật ghê tởm. Tại vài đô thị, sự mua bán thịt chuột trở nên công khai và Phủ Thống Sứ phải ra nghị định: "cấm chuyên chở và bán chuột sống hay chết, chuột chưa nấu chín hoặc đã chế thành món ăn". Sau thịt chuột người ta còn ăn cả thịt người! Theo tin đồn thì ở vài đô thị đông dân như Hà Nội, Hải Phòng, có một bọn lưu manh táng tận lương tâm chuyên bắt cóc trẻ con mang ra ngoại ô giết lấy thịt bán cho hàng phở, hàng bánh cuốn. Tin đồn này không được chính quyền lên tiếng phản đối, cho nên nhiều bà mẹ ngày đêm lo lắng, giữ con nhỏ trong nhà không dám rời chúng nửa bước. Hồi đó chúng tôi được một người bạn thân, từng làm việc tại Sở cảnh sát Hải Phòng cho biết rằng có một lần cảnh binh bắt được hai tên đang giết một đứa trẻ trong nghĩa trang An Dương. Vì sợ làm hoang mang dân chúng nên chính quyền không dám đem vụ đó ra xử công khai.
Khi nạn đói mới bắt đầu, số người chết còn ít lắm, mỗi buổi sáng những chiếc xe mang dấu Hồng thập tự của Sở vệ sinh sẽ đi quanh các phố, nhặt xác mang về Bệnh viện thành phố rồi cuốn chiếu đem chôn tử tế. Về sau, số người chết đói tăng nhiều, một xe Hồng thập tự không đủ nữa, Sở vệ sinh thành phố phải thuê xe bò nhặt xác về tại Bệnh viện thành phố, tại đó một nhân viên Sở vệ sinh sẽ đếm số xác trả tiền. Tới khi số người chết nhiều quá, phố nào cũng có nên không thể tập trung xác ở một nơi được nữa. Sở vệ sinh cho phép nhà thầu được đem xác đi chôn. Họ chỉ cần bảo người nhặt xác cắt đôi vành tai của xác chết xâu lại rồi mang tới Sở vệ sinh lấy tiền.
Dọc con đường từ cầu Niệm tới tỉnh lỵ Kiến An, Sở Công chính đã cho đào sẵn những hố dài để các xe hất xác chết xuống, rồi họ sẽ rắc một lần vôi bột rồi lấp đất cho đầy. Những ngôi mộ công cộng này là nơi an nghỉ của hàng chục ngàn nông dân xấu số. Thương thay cũng một kiếp người!
Nguồn:
Nạm đói năm Ất Dậu 1945,
Tăng Xuân An.
Xem Thêm :Nạn đói năm 1945: Bao nhiêu người đã chết đói? (Nghiên Cứu Lịch Sử )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét