Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

THÁNG 11- THÁNG CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN….Trinh thi Haỏ

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tháng 7 âm lịch thường được gọi là tháng "cô hồn". Đây là dịp mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân, đồng thời cũng là ngày các tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được trở về cuộc sống trần gian. Ngoài việc được xem là "tháng cô hồn", trong tháng 7 âm lịch còn có lễ Vu Lan của Phật giáo.
Còn đối với người Công Giáo, vào tháng 11, khi thời tiết trở nên se lạnh và những chiếc lá mùa thu bắt đầu rơi rụng cũng là lúc người tín hữu được nhắc nhở nhớ đến bậc tổ tiên, những người đã khuất bóng trên cõi đời này một cách đặc biệt hơn những ngày khác. Vì thế đã từ rất lâu, người Công Giáo coi tháng này là tháng báo hiếu…
Trong niềm tin của người Công giáo, người còn sống vẫn kết nối được với người đã chết qua lời cầu nguyện hay nói đúng hơn là qua “mầu nhiệm các thánh cùng thông công”. Cũng vì lẽ đó mà vào tháng 11, người Công giáo tới nghĩa trang sửa sang mộ phần cho người thân, chưng hoa, thắp hương, thắp nến tưởng nhớ họ.
Tôi còn nhớ ngày ở Tây Ninh, khi màn đêm còn vương vấn chưa chịu nhường chỗ cho tia nắng ấm của mặt trời xuất hiện, thì cả nhà tôi đã tay xách nách mang ra cùng nhau đi bộ đến Đất Thánh. Khi còn ở xa thì đã thấy cả một vùng ánh sáng bập bùng ấm áp lung linh bao phủ trên miền đất vốn lạnh lẽo và bị cho rằng đầy âm khí này. Tự nhiên lòng cảm thấy bùi ngùi nhưng lại rộn niềm vui vì niềm tin “xác loài người ta sẽ sống lại”. Nhà tôi lúc đó gồm Ba má, chị em tôi, cháu Liên cháu Lệ co ro trong tấm áo len đen vây quanh ngôi mộ duy nhất của gia đình lúc đó là mộ của em Ninh.
Khi về Sài gòn, chỉ còn lại hai chị em tôi với 3 ngôi mộ: Ba, má và em Ninh ( ba tôi không chịu để em ở Tây Ninh khi cả nhà về đây nên cải mộ về Bình Hưng Hòa). Chị Lan tôi thật tài, ngày đó giáo xứ chúng tôi không tổ chức xe buýt đưa đón ra nghĩa trang, nên chị ấy vốn quen biết rộng, tìm hiểu và xin đi ké với xe của các giáo xứ khác. Chỉ có điều phải là nhớ mình đi xe số mấy, đậu ở đâu để biết đường tìm xe về mhà mình cho trúng! ( nghĩa trang rất rộng với rất nhiều khu chôn cất khác nhau mà tôi thì có bệnh mù đường nên mọi sự đều dựa dẫm vào chị ấy hết trơn!)…
Rồi có lệnh giải tỏa nghĩa trang, ba má và em Ninh lại được hỏa táng cho vào các hũ tro cốt và mang gởi ở nhà thờ. Công lớn trong việc hỏa thiêu là do em rể Tân thực hiện. Con số người yên nghỉ nơi nhà Chờ Phục Sinh của nhà tôi bây giờ lại đông hơn khi có thêm chị Lan vào đó. Tạ ơn Chúa đã an bài, khi giờ đây, gia đình tôi đã tụm về chung một chỗ…, (kể luôn phần ba chị em tôi vì cũng có được 3 chỗ gần bên chị Lan rồi)…
Tạ ơn Chúa là không những chỉ những ngày trong tháng 11, mà trong tất cả những khi tham dự thánh lễ trong nhà thờ, tôi đều có thể tưởng nhớ đến và cầu nguyện cho họ hằng ngày. Tạ ơn Chúa là nhờ đức tin, tôi biết tôi cũng có thể kết nối với chị Hương tôi ở bên Mỹ và gần đây nhất là với em Duy ở Canada. Đức tin Công Giáo còn nhắc cho tôi biết là ngoài những mối thâm tình ruột thịt, tôi còn có biết bao người anh chị em khác trên thế giới đã qua đời, cần tôi mến yêu và cầu nguyện cho…
Tạ ơn Chúa vì tôi biết rằng đến khi tôi nằm xuống, tôi cũng được rất nhiều người cầu nguyện cho vì mầu nhiệm thông công này!. Và với niềm xác tín mạnh mẽ vào Lòng Thương xót của Chúa, tôi tin rằng một ngày nào đó, tôi sẽ gặp lại hết thảy mọi người trên nước Thiên Đàng… đúng như lời hát của Trầm Tử Thiêng:
“Người về một giờ một đông thêm
Người đi càng giây càng thưa dần
Rời ngày sinh linh.
Rời đêm hoạn nạn
Còn lại hôm nay những lời kinh tình yêu đầy nhiệm mầu…

2/11/2024  Trịnh thị Hảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...