TÔ NƯỚC CƠM TUỔI THƠ.
Dù bạn đi muôn nơi, được thưởng thức bao nhiêu món ngon và hấp dẫn, nhưng có những món giản dị mang đầy hương vị tuổi thơ mà bạn chẳng thể nào quên được. Bạn chẳng buồn khi mình sinh ra trong gia đình nghèo khó, chẳng buồn khi trên mâm cơm gia đình thường ngày chẳng có món nào cao sang mà chỉ có vỏn vẹn vài con cá sặc kho bên tô nước cơm nghi ngút khói. Bạn uống tô nước cơm dài cả một thời thơ ấu nhưng không thấy chán chê, ngao ngán bởi đó là hương vị, là tinh túy của quê hương.
Nước cơm là tên gọi phần nước của cơm chắt ra bỏ đi khi nấu. Chỉ người dân nghèo mới dùng, chứ người giàu mấy ai buồn uống ăn. Bạn lên sống ở thành phố, xa quê nhà, đôi lúc chẳng muốn la cà cà phê cùng đám bạn, cũng chẳng vui khi đi siêu thị hay những trung tâm giải trí, mà chỉ muốn chạy thẳng về quê để thăm nhà và thưởng thức tô nước cơm mang màu trắng đục như màu khói đốt đồng của làng quê.
Nguời ta thường hay phân bua cái gì hiện đại, phát triển cũng tiện nghi hơn những cái xưa cũ. Nhưng có một thứ mà dù xã hội có hiện đại, phát triển đến mấy cũng không thay thế được, đó là… kỷ niệm. Kỷ niệm thì có nhiều dạng lắm: kỷ niệm vui, kỷ niệm buồn, kỷ niệm về những tháng ngày giàu sang, kỷ niệm về những tháng ngày còn cơ cực, nghèo khó… Nhưng dù là gì thì kỷ niệm luôn là những tình cảm, những bài học để ta biết quý trọng hiện tại hơn. Và kỷ niệm hiện tại của bạn có lẽ là những ngày tháng còn là trẻ thơ lưng trần, chân đất cùng đám bạn trong xóm chơi đủ các trò cút bắt, đá dế, nhảy dây... Lắm lần bạn mải chơi, đến lúc nhớ ra bụng đói cồn cào vội chạy về mà mẹ chưa nấu xong bữa. Cơm vừa mới chắt nước, bạn vội bưng tô nước cơm húp lấy húp để. Cũng có những lần trên mâm cơm có những loại canh ngon như: canh khoai ngọt, canh bí, canh bầu…, nhưng bạn không ưa ăn, những lúc đó thì tô nước cơm lại là món ngon với bạn. Cũng có những lần bạn cố tình nấu cơm nhão để được uống tô nước cơm đặc quánh, sền sệt, ngọt thơm. Có những lúc tô nước cơm bỗng hóa thành món ngon của mẹ. Bạn cứ ngỡ rằng mẹ ngán cơm nên hôm nay đổi khẩu vị thèm nước cơm. Nhưng bạn nào có hay hũ gạo đã chạm đáy, nỗi lo của mẹ đang bủa vây…
Bạn từng nghe đâu đó câu thơ: “Giang hồ ta chỉ là giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Bạn chẳng phải là giang hồ, cũng chẳng phải kẻ ăn chơi. Chỉ là kẻ xa nhà mang trong lòng đau đáu nỗi nhớ quê, chẳng cần nghe tiếng cơm sôi cũng đã nhớ nhà da diết. Sẽ không còn do dự, chắc chắn chiều nay bạn sẽ tạm gác lại công việc, rời xa phố thị để trở về quê hương bên gian bếp nghèo để thưởng thức tô nước cơm của mẹ, cũng là để thưởng thức đầy đủ, trọn vẹn hương vị của tình thương khi còn có thể…
Ngô Văn Đệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét