Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Chúng ta cần chủ nghĩa tư bản có đạo đức (DĐKP )

 

  
                                     Giáo sư, triết gia Markus Gabriel

Chúng ta cần những triết gia ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp

Tác giả: Michael Brächer phỏng vấn GS Markus Gabriel, đăng trên DER SPIEGEL.
Người dịch: Tôn Thất Thông.

DĐKP giới thiệu: Người ta đang nói nhiều tới cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và đòi hỏi nó phải “tìm một hành trình êm ái hơn”, mang tính đạo đức hơn. Có hoài công hay không khi muốn tìm một chủ nghĩa tư bản có đạo đức? Giáo sư, triết gia Markus Gabriel cho chúng ta câu trả lời.

***

SPIEGEL TALK: Nhà tư tưởng Markus Gabriel giải thích chủ nghĩa tư bản đạo đức có thể cứu nền dân chủ như thế nào và xúc xích trà không có thịt có liên quan gì đến nó hay không.

SPIEGEL: Ông Gabriel, ông có biết Ebenezer Scrooge không?

Gabriel: Chắc chắn rồi. Đây là nhân vật chính trong câu chuyện Giáng sinh của Charles Dickens!

SPIEGEL: Đúng. Mister Scrooge là một doanh nhân tham lam, người biết rằng, mình phải làm những điều tốt đẹp với đồng tiền riêng, nếu ông ta không muốn chết trong cô đơn.

Gabriel: Một câu chuyện hay, nhưng bạn đang muốn nói đến điều gì?

SPIEGEL: Ông kêu gọi chủ nghĩa tư bản đạo đức. Nhưng thực tế là Charles Dickens đã viết về nó khoảng 180 năm trước cho thấy chủ đề của ông đã lỗi thời.

Gabriel: Lời kêu gọi về chủ nghĩa tư bản có đạo đức cũng lâu đời như chính chủ nghĩa tư bản. Mọi người thường quên rằng Adam Smith, người khai sinh chủ nghĩa tư bản, là giáo sư triết học đạo đức. Mặt tối của nền kinh tế, sự bóc lột và nghèo đói, đã là một vấn đề có ngay từ đầu.

SPIEGEL: Tại sao thế giới cần một cuốn sách khác về cách chủ nghĩa tư bản có thể trở nên tốt đẹp hơn?

Gabriel: Ngay cả những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản cương quyết nhất cũng phải thừa nhận rằng, trước những cuộc khủng hoảng chưa từng có trong thời đại chúng ta, cách kinh doanh của chúng ta không còn có thể hoạt động được nữa. Chủ nghĩa tư bản của chúng ta, theo đúng nghĩa đen, đóng vai trò như một chất làm gia tốc đám cháy trong thế giới hiện đại vốn dựa trên nền tảng nhiên liệu hóa thạch. Và ngoài ra, cũng có những hiểu biết mới trong lý thuyết kinh tế.

SPIEGEL: Thí dụ?

Gabriel: Ngày nay chúng ta biết rằng giá thị trường không phản ánh đầy đủ những tác động tiêu cực. Ví dụ, giá vé máy bay không bao gồm thiệt hại gây ra cho hành tinh do di chuyển đường dài trên không. Và kinh tế học hành vi đã chỉ ra rằng con người là động vật hành động theo đạo đức. Vì thế con người không cần được Chúa cứu như Ebenezer Scrooge, hoặc thông qua một số ảnh hưởng bên ngoài khác. Nhưng từ bên trong mà ra.

SPIEGEL: Ngày nay hầu hết mọi công ty có uy tín đều có bộ phận phát triển bền vững, và việc đầu tư bền vững từ lâu đã rất được các nhà đầu tư ưa chuộng. Điều đó không có ích gì hay sao?

Gabriel: Ý tưởng là biến các mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc thành các mục tiêu đầu tư cụ thể. Đó là một ý tưởng cực kỳ thông minh nhưng đáng tiếc là quy định mềm mỏng này đã bất lực trên thị trường tài chính. Nhân loại có thể sẽ bỏ lỡ những mục tiêu bền vững này.

SPIEGEL: Điều gì sẽ xảy ra nếu bản thân chủ nghĩa tư bản là vấn đề? Đây là điều mà các cựu lãnh đạo Thanh niên đảng Xanh, những người gần đây đã quay lưng lại với đảng của mình, lập luận rằng phải thay đổi hệ thống.

Gabriel: Nhiều thế hệ học giả đã nỗ lực nhằm chấm dứt chủ nghĩa tư bản. Karl Marx đã nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản tự nó sẽ dẫn đến sự tan rã. Nhưng tất cả những phản đối về mặt đạo đức rõ ràng là không đủ để tìm ra một hệ thống kinh tế tốt hơn. Tôi không nghĩ chúng ta sẽ có một hệ thống mới dựa vào khả năng thiết kế trên bảng vẽ. Sự thay đổi phải xuất phát từ chính chủ nghĩa tư bản.

SPIEGEL: Chủ nghĩa tư bản tự cứu mình?

Gabriel: Nó phải làm thế! Nhiều người muốn một thiên tài chính trị có thể giải quyết các vấn đề của nền kinh tế Đức. Hoặc chí ít là một chính phủ thông minh biết được con đường phía trước. Nhưng một phong trào mới trong kinh tế học lập luận rằng sự thay đổi không phải đến từ bên lề mà từ chính bên trong nền kinh tế. Chỉ khi chúng ta cứu được chủ nghĩa tư bản thì chúng ta mới có thể cứu được nền dân chủ của mình.

SPIEGEL: Cơ chế đó hoạt độngnhư thế nào?

Gabriel: Chúng ta cần một khế ước xã hội mới, thậm chí là “Trào lưu Khai sáng mới” để kết nối lại các giá trị kinh tế và đạo đức.

SPIEGEL: Điều đó nghe rất mơ hồ. Chính xác thì điều đó có nghĩa là gì?

Gabriel: Kinh doanh tốt không chỉ nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận mà còn phải giải quyết các vấn đề nảy sinh, và không gây tổn hại cho người khác hoặc gây thiệt hại cho môi trường. Nhìn theo cách này, lợi nhuận không còn có nghĩa là thịnh vượng hơn cho các cổ đông, mà là giải pháp có thể đo lường được cho các vấn đề. Bất cứ ai coi chủ nghĩa tư bản là thứ để giải quyết vấn đề, người đó không chỉ đang làm điều đúng đắn về mặt kinh tế mà còn đúng về mặt đạo đức. Nó phải có lãi khi làm điều tốt.

SPIEGEL: Các CEO chủ yếu cam kết với các cổ đông của họ, những người quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn. Tại sao họ nên hành động bền vững?

Gabriel: Bởi vì đó là lợi ích tốt nhất của họ. Hãy nghĩ về các nhà sản xuất ô tô. Trong ngắn hạn, việc gắn bó với động cơ đốt trong có vẻ sinh lợi cho các công ty như Volkswagen. Nhưng một chiến lược thực sự dũng cảm sẽ là luôn kiên tâm đặt trên lời giải giao thông bằng điện. Các cổ đông cũng được hưởng lợi từ điều này trong dài hạn.

SPIEGEL: Nếu ông nhìn vào các mẫu xe của các nhà sản xuất ô tô Đức, ông phải nhận ra rằng những kiến thức loại đó chưa tiến triển xa lắm. Cho đến nay, Volkswagen không có mẫu xe điện nào có giá cả chấp nhận được.

Gabriel: Đó là lý do tại sao tôi đề nghị mọi công ty nên có một bộ phận đạo đức – mục đích để dùng đạo đức sáng tạo vào việc góp phần tạo ra giá trị – do Giám đốc Triết học (CPO) đứng đầu. Người ấy nên lãnh đạo cả một nhóm có chức năng tương tự như bộ phận pháp lý, chỉ như thế mới có thể xem xét văn hóa công ty từ góc độ đạo đức. Chúng ta cần những triết gia trong bộ phận cao nhất của doanh nghiệp!

SPIEGEL: Volkswagen sẽ cảm ơn ông. Những gì ông đang đề xuất nghe có vẻ giống như một chương trình tạo công ăn việc làm cho bang hội của ông.

Gabriel: Tất nhiên bang hội của tôi sẽ được hưởng lợi, nhưng công ty cũng vậy. Nhiệm vụ của bộ phận đạo đức là kiểm tra cụ thể công ty: sản phẩm nào chúng ta nên sản xuất, chúng ta làm việc đó cho ai và chúng ta gây ra thiệt hại gì? Tất nhiên, điều này sẽ đòi hỏi những người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Họ phải tìm ra nơi nào có thể tối ưu hóa tiềm năng đạo đức.

SPIEGEL: Ông có thực sự tin rằng các triết gia được lắng nghe trong các phòng họp ở Đức không?

Gabriel: Đó chắc chắn không phải là một công việc dễ dàng. Triết gia trưởng (CPO) sẽ phải nói với ông chủ công ty: Nếu ông làm theo lời khuyên của tôi, nó có thể tốn kém hơn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, chúng ta cung cấp các sản phẩm thực sự được ưa chuộng. Cuối cùng, CPO sẽ phải lấy thước để đo hành động của mình. Nếu những con số không đúng, anh ấy sẽ bị sa thải. Đối với tôi, đó không phải là một tập thể của những vũ công xuất sắc đáng mơ tưởng, mà là về những người thực tiễn cứng rắn, những người tìm ra cách thức hoạt động của công ty có năng lực giải quyết các vấn đề đạo đức.

SPIEGEL: Một công ty có thể giải quyết được các vấn đề đạo đức không?

Gabriel: Một ví dụ rất cụ thể về chủ nghĩa tư bản có đạo đức là những sản phẩm tốt hơn. Khi tôi bảy tuổi, tôi rất thích món chè xúc xích. Cho đến khi bố mẹ tôi giải thích cho tôi biết thực chất nó là gì: thịt lợn bị tra tấn, xay nhuyễn và tẩm gia vị. Từ đó trở đi, việc ăn chè xúc xích là nỗi kinh hoàng lớn nhất đối với tôi. Vì những lý do ghê tởm và đạo đức, tôi không thể tưởng tượng được điều gì tồi tệ hơn. Nhưng cách đây không lâu, tôi lại phát hiện ra chè xúc xích chay ở kệ hàng siêu thị. Và thành thật mà nói, nó ít nhất cũng có vị ngon như nguyên bản, chỉ khác là, không có loài động vật nào phải đau khổ vì nó.

SPIEGEL: Xúc xích thuần chay có cứu được chủ nghĩa tư bản? Chẳng phải điều đó hơi đơn giản sao?

Gabriel: Tất nhiên đó chỉ là một ví dụ. Và các sản phẩm không có thịt ngày nay vẫn chưa hoàn hảo, đặc biệt là vì có rất nhiều chất hóa học trong đó. Nhưng đối với tôi, xúc xích thuần chay là hình thức chủ nghĩa tư bản đạo đức theo nghĩa tốt nhất, vì nó tốt hơn xúc xích động vật. Nó không gây đau khổ cho động vật, ít gây thiệt hại cho môi trường hơn và thêm nữa cũng tốt cho sức khỏe hơn. Nhưng có những ví dụ khác.

SPIEGEL: Chúng tôi đang dỏng tai để nghe.

Gabriel: Nhà sản xuất vắc xin Biontech thành công như vậy là do công ty đã giải quyết tốt vấn đề đạo đức. Trước đây, trong đại dịch, chúng ta chỉ có một lựa chọn: chúng ta trốn trong bốn bức tường của chính mình hoặc phải chấp nhận tỷ lệ tử vong cao. Chỉ nhờ tiêm chủng, chúng ta mới tìm ra cách thoát khỏi tình thế khó xử này. Đây là những gì tôi gọi là chủ nghĩa tư bản đạo đức.

SPIEGEL: Biontech đã kiếm được hàng tỷ euro từ vắc xin và cũng được hưởng lợi từ nguồn tài trợ của chính phủ.

Gabriel: Điều đó không có gì mâu thuẫn, ngược lại là khác. Trong chủ nghĩa tư bản đạo đức, nhà nước và thị trường có thể hợp tác với nhau. Chính phủ thúc đẩy nền kinh tế bằng cách tạo ra một môi trường trong đó những ý tưởng mới được phát triển mạnh. Và nền kinh tế sẽ hỗ trợ nhà nước bằng cách các công ty đóng thuế và đóng góp an sinh xã hội. Chủ nghĩa tư bản đạo đức phải được nghĩ đến, đồng thời với hệ sinh thái xã hội của chủ nghĩa tự do.

SPIEGEL: Nếu điều đó đúng, chính phủ Đức ba thành phần hiện nay sẽ phải theo đuổi những chính sách khá thành công với tư cách là một liên minh sinh thái-xã hội-tự do. Điều đó xem ra không hoạt động được, phải không?

Gabriel: Thật không may là bạn đã nói đúng. Và tôi nói điều đó với tư cách là một người hâm mộ cuối cùng đối với liên minh hiện nay, ở đất nước này và trong một thời gian dài.

SPIEGEL: Vậy điều gì đã chạy sai?

Gabriel: Người ta thường nói rằng, vấn đề của chính phủ ba thành phần này là lợi ích không hòa hợp của ba bên, nhưng tôi không chia sẻ đánh giá này. Hãy nghĩ đến việc ký kết thỏa thuận liên minh và lời hứa về liên minh trong tương lai. Tôi thực sự tin rằng các đối tác liên minh hồi đó đã đồng ý rằng họ muốn biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Sự sụp đổ của liên minh này là do không bên nào trong ba đảng thực sự theo đuổi các chính sách tự do, kể cả FDP.

SPIEGEL: Xin lỗi?

Gabriel: Tôi biết điều đó nghe có vẻ bất thường. Chủ nghĩa tự do không tự động có nghĩa là ủng hộ việc giảm thuế hoặc giảm nợ công mà đúng hơn là cho phép tự do cộng đồng. Cả ba bên, trong chính sách kinh tế của mình, đã cố gắng giải quyết các vấn đề bằng các quy định, chẳng hạn như luật về sưởi ấm.

SPIEGEL: Dự thảo luật ban đầu của Bộ trưởng Kinh tế Liên bang đảng Xanh Robert Habeck đề xuất cấm lắp đặt hệ thống sưởi ấm bằng dầu và khí đốt mới từ đầu năm 2024. Các kế hoạch sau đó đã được điều chỉnh.

Gabriel: … và thực tế đã đạt được điều ngược lại, bởi vì ngay từ lúc ra đạo luật ấy, đã có nhiều người đôn đáo đi mua những chiếc máy sưởi như vậy. Ở đây, mục tiêu cần thiết về mặt đạo đức, cụ thể là bảo vệ khí hậu, đã được chuyển thành chính sách quy định. Nhưng điều đó chỉ có tác dụng trong một nền dân chủ, khi mà cử tri không có cảm giác rằng họ đang mất một thứ gì đó. Nếu không các chính trị gia sẽ bị truất phế. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà tinh thần đoàn kết của liên minh hiện nay đã tan vỡ, chỉ vì dính líu đến tranh chấp về luật sưởi ấm.

SPIEGEL: Và chúng ta nên học được gì từ điều này?

Gabriel: Sự cố liên minh này cho thấy những thách thức của thời đại chúng ta không thể giải quyết được bằng chính trị áp đặt. Bất cứ ai kỳ vọng quá nhiều vào cử tri sẽ mất chức.

SPIEGEL: Phương án thay thế trông như thế nào?

Gabriel: Chúng ta có lý khi mong đợi các chính trị gia tạo điều kiện tốt cho địa điểm kinh doanh hiện tại. Nhưng nhà nước phải nhận ra rằng họ không thể tạo ra nền kinh tế và cũng không thể giải quyết vấn đề khí hậu. Các công ty phải tự mình làm việc này .

SPIEGEL: Nhà nước có thể giúp đỡ việc này như thế nào?

Gabriel: Lấy việc giao thông bằng năng lượng điện làm ví dụ. Mọi người đều biết rằng chúng ta phải giảm lượng khí thải từ vận tải đường bộ. Nhưng nhiều người ở Đức ngại mua ô tô điện. Tôi cũng vậy. Những chiếc xe điện ở đây quá đắt tiền. Ngoài ra còn có nỗi lo hết pin ở đâu đó, rồi mắc kẹt trên đường đi.

SPIEGEL: Nhà nước có thể làm điều gì tốt hơn là đảm bảo có đủ trạm sạc, điều mà rõ ràng là nhà nước đang gặp khó khăn trong việc thực hiện?

Gabriel: Một ý tưởng tuyệt vời đến từ chính giới doanh nhân. Một thành viên hội đồng quản trị BMW gần đây đã đề xuất việc dành một làn đường nhanh cho xe điện. Tôi nghĩ điều đó thật tuyệt. Còn gì tuyệt vời hơn khi được lái xe không bị cản trở trên đường cao tốc Đức? Mọi người đều mơ ước điều đó!

SPIEGEL: Để mua ô tô điện, chúng ta phải có khả năng. Ông đòi hỏi sự ưu tiên cho người giàu.

Gabriel: Trước hết, những người giàu sẽ thực sự được hưởng lợi từ quy định như vậy. Nhưng một thị trường sẽ được tạo ra, mà cuối cùng mọi người đều được hưởng lợi. Thật hoài công khi chúng ta nói: Bạn phải hành động có đạo đức và mua một chiếc ô tô điện. Ai đó phải bắt đầu. Chúng ta phải xây dựng một đạo đức mới nhằm đảm bảo rằng nền kinh tế đáp ứng được nhu cầu của người dân hôm nay và cho xã hội mai sau.

SPIEGEL: Hiện nay hàng triệu người ở Đức đang có những lo lắng khác. Nền kinh tế đang suy thoái và nhiều công ty đang sa thải nhân viên. Bây giờ có phải là thời điểm thích hợp cho một cuộc tranh luận về đạo đức?

Gabriel: Ngay bây giờ! Tôi tin rằng ở Đức chúng ta cần có một thái độ hoàn toàn khác đối với nền kinh tế. Hiện nay vấn đề kinh tế chưa được quan tâm mà nó xứng đáng được hưởngChúng ta liên tục nói về những thành công trong bầu cử của những người theo chủ nghĩa dân túy và đặt cuộc tranh cãi về vấn đề di cư vào trung tâm mọi cuộc tranh luận.Các câu hỏi kinh tế cấp bách hơn nhiều. Trên thực tế, mọi người nên nói về ngân sách liên bang trong các câu chuyện ở quán cà phê.

SPIEGEL: Chúng tôi luôn nói về kinh tế trên tờ báo SPIEGEL.

Gabriel: Nhưng không có diễn ngôn chính sách kinh tế thực sự nào ở Đức. Chúng ta đang sống trong một nhà nước lập hiến dân chủ và tự do, nhưng những vấn đề lớn của chúng ta, thì chúng ta giao khoán cho chính trị hơn. Và khi điều sai sót xảy ra, chúng tai đặt câu hỏi: Họ đang làm gì sai? Chúng ta rất hiếm khi đặt câu hỏi quan trọng: Họ nên làm gì?

SPIEGEL: Vậy thì, khi trở thành triết gia trưởng, ông sẽ bắt đầu từ đâu?

Gabriel: Tôi rất hài lòng với cuộc sống làm nhà nghiên cứu của mình. Nhưng nếu bị ép buộc như thế, tôi muốn trở thành triết gia trưởng của Deutsche Bahn. Tôi vẫn nhớ chính xác chiếc tàu tốc hành ICE đầu tiên đã đến tuyến đường như thế nào, nó gần giống như một con tàu vũ trụ đang hạ cánh. Thật là những điều tuyệt vời! Và hôm nay tôi đã cảm thấy lo lắng trên sân ga với nhiều sự cố: Xe số 10 bị thiếu, nhà vệ sinh bị hỏng và chỗ ngồi không được hiển thị bảng số.

SPIEGEL: Ông không cần phải là nhà khoa học mới biết được điều này. Lời khuyên của triết gia với ông chủ đường sắt là gì?

Gabriel: Chúng ta cần một chuyến tàu mới, ICE là cuối cùng. Và chúng ta nên học hỏi từ các nước như Nhật Bản và cuối cùng là xây dựng mạng lưới các tuyến đường xe lửa cao tốc.

SPIEGEL: Điều được coi là gần như không thể xảy ra ở nước Đức đông dân.

Gabriel: Đúng vậy, người dân dọc tuyến đường có lợi ích chính đáng trong việc đảm bảo rằng không có chuyến tàu tốc hành nào đi qua khu vườn của họ. Nói rằng các tuyến đường mới tốt cho khí hậu là chưa đủ. Chúng ta phải cung cấp cho mọi người một cái gì đó để họ có thể chấp nhận. Thí dụ, bất kỳ ai tham gia đều có thể nhận được thẻ đường sắt hạng nhất suốt đời. Tôi chắc chắn chủ nghĩa tư bản cũng sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

SPIEGEL: Ông Gabriel, chúng tôi cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.


Michael Brächer và Markus Gabriel
Biên dịch: Tôn Thất Thông (Diển Đàn Khai Phóng (

Nguồn: DER SPIEGEL, Số 44, ngày 26 tháng 10 năm 2024, trang 60-62. Báo giấy, không có link.

Tựa đề gốc: Wir brauchen Philosophen in den Chefetagen (Chúng ta cần những triết gia ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp)

Markus Gabriel, sinh năm 1980, là một trong những triết gia người Đức được bàn luận nhiều nhất hiện nay. Ông giảng dạy tại Đại học Bonn. Trong cuốn sách mới nhất của mình, ông yêu cầu nền kinh tế phải hành động có đạo đức hơn (*).

(*) Tựa sách – Markus Gabriel: »Làm điều tốt: Làm sao để Chủ nghĩa tư bản đạo đức cứu nền dân chủ. Về một khế ước xã hội vượt lên trên lòng tham lợi nhuận.” NxB Ullstein; 272 trang; 22,90 euro.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...